Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Phim ảnh nhân Năm Hàn Quốc tại Pháp

Đăng ngày:

Đối với khán giả Pháp, làn sóng điện ảnh Hàn Quốc như thể bị chựng lại sau giai đoạn cao trào cách đây một thập niên. Cột mốc quan trọng nhất là vào năm 2004, khi bộ phim Old Boy của đạo diễn Park Chan-wook đoạt hàng loạt giải thưởng, trong đó có giải thưởng lớn của ban giám khảo liên hoan Cannes.

Tạp Chí Văn Hóa
Tạp Chí Văn Hóa RFI
Quảng cáo

Vậy thì điện ảnh Hàn Quốc có thật sự thoái trào hay không ? Phải chăng hiện tượng đó một phần cũng vì phim Hàn Quốc tuy vẫn thu hút sự quan tâm của các liên hoan phim châu Á, nhưng lại ít được phân phối trên thị trường Pháp, so với 10 năm về trước.

Việc tổ chức chương trình Năm Hàn Quốc tại Pháp, chính là dịp để cho công chúng nói chung, giới ghiền phim Hàn Quốc nói riêng tìm câu trả lời. Song song với các sinh hoạt văn hóa khá dày đặc, có hai chương trình chiếu phim khá hấp dẫn. Đầu tiên hết là Liên hoan phim Hàn Quốc lần thứ mười tại Paris, kết thúc trong tuần này, giới thiệu trên dưới 40 tác phẩm đủ loại tại rạp hát Publicis trên đại lộ Champs-Élysées.

Các xuất chiếu phim quan trọng nằm trong chương trình Quang Cảnh, chủ yếu chiếu những bộ phim thuộc hàng ‘’cháy vé’’, nhờ kinh phí cao, kịhc bản hay mà lập kỷ lục về số lượng khán giả tại Hàn Quốc trong năm nay. Tiêu biểu nhất là bộ phim hình sự Veteran (Chạy đâu cho thoát) của đạo diễn Ryoo Seung-wan và tác phẩm hành động cổ trang Assassination (Sứ Mệnh Truy Sát) của Choi Dong-hoon. Còn giới thích xem phim nghệ thuật thì được dịp khám phá tác phẩm mới Right Now, Wrong Then (Trước đúng, Sau sai) của đạo diễn Hong Sang-soo.

Đầy tham vọng hơn nữa là chương trình ‘’Séoul Hypnotique’’ giới thiệu trong 7 tuần lễ hơn 80 bộ phim đủ loại tại trung tâm Forum des Images, hầu phản ánh hơn nửa thế kỷ sáng tác điện ảnh Hàn Quốc : Từ thế hệ tiên phong của đầu những năm 1960 cho tới lớp đạo diễn trẻ thời nay, các nhà làm phim ít nhiều chọn thủ đô Hàn Quốc làm bối cảnh hay tâm điểm, một mô típ lặp đi lặp lại qua phim ảnh tựa như ám ảnh thôi miên.

Seoul hiện là một trong những thành phố đông dân nhất địa cầu, tập trung hơn một phần tư dân số Hàn Quốc. Từ những năm 1950, đà phát triển nhanh chóng cũng như tiến trình đô thị hóa đè nặng lên mô hình gia đình truyền thống, làm tăng thêm các mối bất đồng giữa các thế hệ trong cùng một gia đình. Quan hệ giằng xé phức tạp bắt nguồn từ chênh lệch tuổi tác, và cách biệt giữa truyền thống và hiện đại manh nha từ những năm 1950, để rồi được đạo diễn Kang Dae-jin thu gọn vào ống kính qua hai bộ phim tiêu biểu vào năm 1961.

Kang Dae-jin đã dùng thủ pháp hoán dụ để làm nổi bật hình tượng của những Ngư ông chài lưới (The Fishermen) hay là của một Phu xe thồ (The Coachman). Sự biến mất của những cái nghề chân tay ấy đủ để nói lên sự biến đổi trong gia đình và trong xã hội Hàn Quốc đang trên đà đô thị hóa.

Bộ phim The Coachman (Mabu) là tác phẩm Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Gấu bạc dành cho đạo diễn tại liên hoan Berlin. Lần đầu tiên các nhà đạo diễn cũng như giới phân phối phát hình phim ở phương Tây quan tâm đến Hàn Quốc, vì trước đó khi nhắc tới châu Á, họ chỉ biết tới điện ảnh Nhật Bản hay Hồng Kông. Đạo diễn Im Kwon-taek là gương mặt thứ nhì nhờ bộ phim Mandala (만다라', 1981) giúp cho phim Hàn Quốc có thêm cơ hội tỏa sáng tại các liên hoan phim quốc tế.

Sau nhiều năm sống dưới chế độ độc tài, Hàn Quốc bắt đầu quá trình dân chủ hóa từ giữa thập niên 1980, chính quyền Seoul chính thức gỡ bỏ kiểm duyệt tư tưởng cũng như các nội dung chính trị qua phim ảnh, nhờ vậy mà các đạo diễn có thể khai thác các đề tài xã hội gai góc và gần gũi với cuộc sống hơn. Chính sách đầu tư văn hóa cũng bắt đầu đem lại thành quả từ cuối những năm 1990, giúp cho phim Hàn Quốc kháng cự lại trước sức đè bẹp của Hollywood và Hồng Kông.

Đến đầu những năm 2000, phim Old Boy của đạo diễn Park Chan-wook trở thành một ‘’hiện tượng‘’trong làng phim quốc tế : một cú đá vào bụng, một quả đấm vào mặt. Nhà phê bình Mỹ Roger Ebert làm việc cho tờ Chicago Sun-Times từng so sánh trong giai đoạn này, sức bật của điện ảnh Hàn Quốc giống như là sức bung của lò xo. Lò xo càng nén chặt, sức bung lại càng mạnh.

Old Boy không chỉ đơn thuần nói về hành động trả thù của một người đàn ông đối với kẻ đã khiến gia đình ông tan nát, đằng sau câu chuyện của ngươi đàn ông bị giam cầm trong 15 năm mà không rõ lý do, còn thấp thoáng ẩn dụ của xã hội Hàn Quốc sống dưới ách độc tài, đến nổi bị bịt miệng cắt lưỡi (vốn là những hình tượng gây sốc trong phim). Cho dù người đàn ông này có dùng thuật thôi miên để quên đi ký ức đau buồn, nhưng dường như không có phép lạ nào có thể giúp nhân vật sửa đổi quá khứ, hàn gắn vết thương tâm hồn.

Bộ phim Old Boy gây ấn tượng đến mức, diễn viên chính của bộ phim là Choi Min-Sik trở nên một gương mặt thân quen đối với giới ghiền xinê ở Pháp. Gần đây, diễn viên này xuất hiện trong bộ phim khoa học viễn tưởng Lucy của đạo diễn Pháp Luc Besson. Khi thấy ông xuất hiện trên màn ảnh lớn, khán giả Pháp lại nói đùa : Old Boy đã trở lại nhưng lần này vai vế bị đảo ngược, Old Boy trước đây thích trả thù nay lại bị người ta (Lucy) tra tấn.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều bộ phim mô tả hệ thống giáo dục Hàn Quốc cũng như thế giới học đường. Chẳng hạn như phim Lầm Lỡ Tuổi Trẻ (Bleak Night /2011) hay là Kỳ thi Suneung (Pluto /2012). Giữa áp lực gia đình và mô hình thi đua ngay từ cấp tiểu học, các nhà làm phim dường như ít quan tâm đến thành quả : học sinh Hàn Quốc thuộc vào hàng giỏi nhất thế giới, mà chủ yếu tập trung vào cái giá cao phải trả : sự cạnh tranh khốc liệt trên ghế nhà trường, áp lực quá lớn khiến cho nhiều học sinh không còn chịu đựng nổi. Hàn Quốc đứng đầu trong số những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong giới thanh thiếu niên.

Những khát vọng của tuổi trẻ về một cuôc sống tự lập hay thoát ra khỏi những quan hệ gia đình gò bó được thể hiện qua các bộ phim truyện như Breathless (của đạo diễn Yang Ik-june) hay gợi hứng từ những câu chuyện thật ‘’10 Phút’’ (của đạo diễn Lee Yong-seung), đều xây dựng những nhân vật mạnh mẽ hung hãn, hầu phác họa chân dung của giới trẻ Hàn Quốc thời nay.

Theo lời của đạo diễn Yoon Sung-hyun, giới trẻ Hàn Quốc thường phải che giấu tính nhạy cảm, đôi khi áp lực khiến cho họ trở nên rất mong manh và có thể vỡ nát thành nhiều mảnh. Nhà đạo diễn này cho biết bản thân anh có cảm giác sống trong một không gian tù túng chật chội, buộc phải tuân thủ sự chờ đợi của xã hội mà đôi khi lại giống như một cái đèn ống, sáng ở bên ngoài, nhưng trống rỗng ở bên trong.

Theo lời nhà phê bình Yves Montmayeur, tác giả của bộ phim tài liệu Những kẻ nổi giận trong nền điện ảnh Hàn Quốc ‘’Les Enragés du Cinéma Coréen’’ : trong vòng nhiều thập niên liền, Hàn Quốc chạy theo phát triển kinh tế, đặt ưu tiên vào việc tạo ra sự sung túc thịnh vượng, xã hội coi trọng những tấm gương thành công, những con người có gan làm giàu mà lại ít quan tâm đến những mặt trái. Cuộc chạy đua theo kiểu làm giàu bằng mọi giá tạo ra nhiều vận tốc : phúc lợi xã hội chưa chắc gì sẽ được phân chia đồng đều trong nền kinh tế tự do thị trường.

Hàn Quốc vẫn còn là một nền dân chủ trẻ tuổi, nhưng mô hình gia đình vẫn còn nhiều ràng buộc áp đặt, xã hội vẫn chưa hẳn cởi mở thông thoáng. Nhiều bộ phim dàn dựng những nhân vật nữ đầy cá tính hay bãn lĩnh, nhưng lại ít giúp thay đổi quan niệm cũng như định kiến về vai trò và vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Dư luận Hàn Quốc vẫn xem việc phụ nữ ngưng đi làm sau khi sinh con là chuyện thường tình, nhưng ít khi nào đặt vấn đề này với phái nam, khi họ làm cha.

Sau hiện tượng Old Boy, khán giả Pháp tiếp tục khám phá những tác phẩm xuất sắc như A Bittersweet Life của Kim Jee-woon (Lee Byung Hun lên ngôi siêu sao ở Pháp là nhờ phim này), 3-Iron của Kim Ki-duk, nhưng dần dà họ chuyển qua những bộ phim nghệ thuật hơn như Poetry của Lee Chang-Dong, Hwajang Hồi sinh của Im Kwon Taek hay là Sunhi của Hong Sang-soo. Ngoại trừ bộ phim Sương Mù Đại Dương - Sea Fog của đạo diễn Shim Sung-bo phát hành hồi tháng Tư, nhìn chung ít có phim cháy vé tại các rạp Hàn Quốc được phân phối tại Pháp. Một điều khá ngạc nhiên vì trong thời gian qua, Hàn Quốc vẫn tiếp tục sản xuất những bộ phim đáng xem trong khá nhiều thể loại khác nhau như phim lịch sử cổ trang Đại Thủy Chiến (Roaring Current) hay là phim hành động Nước cờ sinh tử (The Divine Move) nhưng vẫn chưa được công chiếu ở Pháp.

Trong mùa hè vừa qua, bộ phim Chạy đâu cho thoát “Veteran”dưới sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn Ryoo Seung Wan, đã lập kỷ lục phòng vé với hơn 10 triệu lượt người xem ở Hàn Quốc. Trả lời cho câu hỏi những người có gia thế quyền lực có thể tự đặt mình lên trên vòng pháp luật hay chăng, bộ phim Chạy đâu cho thoát dựng cuộc đối đầu giữa viên cảnh sát điều tra về một vụ án và một thanh niên con nhà giàu dùng đủ mọi thủ đoạn để che giấu tai nạn mà hắn đã gây ra.

Còn trong bộ phim Assassination (Sứ Mệnh Truy Sát), đạo diễn Choi Dong-hoon đã tái tạo khá kỹ lưỡng giai đoạn lịch sử đen tối và khốc liệt của Triều Tiên dưới ách cai trị của quân đội Nhật Bản vào những năm 1930. Sau cuộc đàn áp đẫm máu vào năm 1919, các tổ chức hoạt động bí mật của Triều Tiên, gồm những người lưu vong ở nước ngoài đã lên kế hoạch ám sát viên sĩ quan chỉ huy cao cấp của quân đội Nhật Bản trên lãnh thổ Triều Tiên. Tuy hư cấu, nhưng cốt truyện lịch sử trở nên lâm ly bi đát khi được đan xen với một tấn bi kịch gia đình, đầy tình huống trớ trêu.

Theo lời anh David Tredler, người phụ trách việc tuyển chọn phim cho Liên hoan phim Hàn Quốc lần thứ 10 tại Paris, điện ảnh Hàn Quốc vẫn tiếp tục sản xuất phim một cách dồi dào và khá đều đặn. Phim Hàn Quốc vẫn ăn khách trên thị trường nội địa và xuất khẩu dễ dàng sang châu Á. Nói như vậy thì tại sao khán giả Pháp giờ đây ít được xem phim Hàn Quốc? Hiện tượng này có lẽ là do khác biệt văn hóa hay gu xem phim, thị trường Pháp dễ phát hành tác phẩm mới của Hong Sang-soo, sau khi phim của ông đoạt giải Báo vàng tại liên hoan Locarno hơn là công chiếu phim ‘’Chạy đâu cho thoát’’, cho dù phim này từng phá kỷ lục về số lượng khán giả.

Theo nhà phê bình Yves Montmayeur, thì rõ ràng là điện ảnh Hàn có dấu hiệu khựng lại trên thị trường Pháp, điều đó phần lớn là do khâu phát hành, phân phối. Việc xuất khẩu thể loại phim còn tùy thuộc vào đối tượng khán giả của từng quốc gia : tại châu Âu, khán giả vẫn chưa quen với phim hành động theo kiểu Hàn Quốc với những màn bạo lực bùng phát dữ dội. Có lẽ cũng vì thế mà các nhà phân phối nhập khẩu từ Hàn Quốc những bộ phim mang tính nghệ thuật hơn là các blockbuster làm theo công thức thương mại.

Trước tình trạng đó, nhiều khán giả thích xem phim Hàn Quốc giờ đây chọn xem phim qua DVD hay xem phim trên mạng dưới dạng streaming, và một cộng đồng fan được hình thành nhằm hoàn tất việc làm phụ đề tiếng Pháp. Có người từng so sánh tình cảm của khán giả Pháp đối với điện ảnh Hàn như quan hệ giữa một cặp tình nhân : sau những năm tháng khám phá ban đầu cuồng nhiệt cháy bỏng, niềm đam mê ấy giờ đây nhường chỗ lại cho một tình cảm nhẹ nhàng hơn, vẫn gắn bó chứ chưa nguội lạnh.

Các chương trình chiếu phim trong khuôn khổ Năm Hàn Quốc tại Pháp cho thấy được một điều : điện ảnh Hàn Quốc vẫn còn đầy sức sáng tạo và không ngại đề cập tới những chủ đề táo bạo. Từ tâm điểm Seoul, toát lên một sự cuốn hút thôi miên, các đạo diễn Hàn tiếp tục thu vào ống kính những hình ảnh để giải tỏa nỗi ray rức dính liền, in lên các ‘‘thước phim’’ nỗi ám ảnh triền miên ….

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.