Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Ngòi bút nhỏ máu Svetlana Alexievitch

Đăng ngày:

Với những tác phẩm « phức âm, tượng đài của nỗi khổ đau và lòng dũng cảm », Svetlana Alexievich « đã khai mở những con đường mới cho văn học ». Bà là nhà văn nữ đầu tiên đại diện cho nền văn học Nga được Viện Hàn Lâm Thụy Điển vinh danh, sau Pasternak (1958), Soljenitsyne (1970) và Brodsky (1987).

Giải Nobel Văn học 2015 Svetlana Alexievich trong cuộc họp báo tại Minsk, Belarus, 08/10/2015
Giải Nobel Văn học 2015 Svetlana Alexievich trong cuộc họp báo tại Minsk, Belarus, 08/10/2015 REUTERS/Vasily Fedosenko
Quảng cáo

Sinh năm 1948 tại miền Tây Ukraina, Svetlana Alexievitch tốt nghiệp trường báo chí Minsk và bắt đầu sự nghiệp vào những năm 1970. Trong vai trò của một nhà báo, bà đã có dịp tiếp xúc để rồi ghi lại lời kể của những người đàn bà, nạn nhân hay nhân chứng trong Thế Chiến Thứ Hai. Từ đó Svetlana Alexievitch đã viết cuốn sách đầu tiên –La guerre n’a pas le visage de femme- Chiến tranh trong mắt những người phụ nữ. Nhưng mãi tới năm 1985, tức 4 năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ, 6 năm khi chế độ Xô Viết cáo chung, tác phẩm đầu tay của bà mới được giấy phép cho ấn hành.

Vào đầu những năm 1990, tác phẩm thứ nhì của Svetlana Alexievitch, Những quan tài kẽm gây tiếng vang nhiều hơn cả. Tác phẩm này đã làm chấn động giới Liên Xô trước những ngày tàn. Khi được dịch sang tiếng Pháp dưới tựa đề Cercueils de zinc, thì đã tạo được một tiếng vang lớn trên thế giới.

Những quan tài kẽm cũng như các tác phẩm sau này của Svetlana Alexievitch được sáng tác từ những trải nghiệm đau thương, những mất mát của những người trong cuộc. Tiếng nói của những con người thầm lặng đó mãnh liệt đến nỗi mà cho đến tận bây giờ, hơn ¼ thế kỷ kể từ khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, sách của Svetlana Alexievitch vẫn bị kiểm duyệt và thậm chí là bị cấm lưu hành ngay tại Bélarus.

Những quan tài kẽm soi rọi vào chiến tranh Afghanistan. Lời nguyện cầu cho Tchernobyl nhường lời lại cho những nhân chứng đã tận mắt trông thấy và sống qua những ngày « tận thế » sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân năm 1986. Với Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết, Svetlana nói về những con người khi chế độ Liên Xô tan vỡ, đã trở thành những kẻ lạc loài, những đồ thừa và thành phần phế thải trong xã hội. Cách nay hai năm, tiểu luận La fin de l’homme rouge ou Le temps du désenchantement – Kết thúc của người đỏ hay Thời gian của sự tỉnh ngộ đoạt giải thưởng Médicis, một giải thưởng lớn của văn đàn Pháp.

Như chính Svetlana Alexievich từng giải thích về phong cách viết của mình : « Tôi tìm đến với mỗi người để khơi dậy những gì họ giữ kín sâu thẳm tận đáy lòng ». Tiếng nói của những con người thầm lặng đó mãnh liệt đến nỗi mà cho đến tận bây giờ, hơn 1/4 thế kỷ kể từ khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, sách của Alexievitch vẫn bị kiểm duyệt. Độc giả Bélarus vẫn không được tự do tiếp cận với sách của bà.

Svetlana Alexievich là ai ? Đâu là thông điệp của một nhà văn dành trọn sự nghiệp để soi rọi vào « con người trong chế độ Liên Xô » và tại sao đã hơn một phần tư thế kỷ từ khi chủ nghĩa Cộng sản sụp cáo chung, sách của Svetlana Alexievich vẫn bị cấm ?

Để trả lời các câu hỏi này, RFI Việt ngữ mời một người bạn là một tiếng nói rất quen thuộc với thính giả của đài : nhà báo Bảo Thạch, nguyên là trưởng ban Việt ngữ của đài RFI. Anh Bảo Thạch đã giới thiệu, trích dịch ba tác phẩm của Svetlana Alexievich : Cercueils de zinc -Những quan tài kẽm, La Supplication - Lời nguyện cầu cho Tchernobyl, Ensorcelés par la mort - Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết.

15:06

Nhà báo Bảo Thạch-Paris.

 

Những bài liên quan:

Ngòi bút nhỏ máu của Svetlana Alexievitch (1) : "Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết"

Ngòi bút nhỏ máu của Svetlana Alexievitch (2) : "Những quan tài kẽm"

Ngòi bút nhỏ máu của Svetlana Alexievitch (3) : Lời nguyện cầu cho Tchernobyl ( La Supplication )

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.