Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Tiểu thuyết Millenium 4 ra mắt độc giả

Đăng ngày:

Với hơn 80 triệu bản bán trên toàn cầu, ba tập sách Millenium là một trong những bộ trường thiên tiểu thuyết ăn khách nhất thế giới. Tác giả của bộ tiểu thuyết là nhà văn Stieg Larsson, nay đã từ trần. Thế nhưng, nhà xuất bản Thụy Điển Norstedts vẫn nhờ tới một ngòi bút khác để viết phần kế tiếp. Chính cũng vì thế mà nảy sinh cuộc tranh luận xung quanh ngày ra mắt trong tuần qua tập thứ tư của bộ sách Millenium (Thiên niên kỷ).

David Lagercrantz, tác giả tập thứ tư Millenium nhân ngày phát hành tiểu thuyết tại Stockholm 26/08/2015
David Lagercrantz, tác giả tập thứ tư Millenium nhân ngày phát hành tiểu thuyết tại Stockholm 26/08/2015 AFP / FREDRIK SANDBERG
Quảng cáo

Giới ghiền đọc tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie phải đợi gần 40 năm mới tìm lại được các nhân vật mà họ yêu chuộng. Năm ngoái, nhà văn Sophie Hannah làm sống lại thám tử tư Hercule Poirot trong quyển sách đề tựa ‘’Án mạng viết bằng chữ hoa’’ (Meurtres en Majuscules, nhà xuất bản Le Masque, 2014).

Các độc giả mê truyện Millenium thì không cần phải đợi lâu đến như vậy, bởi vì chỉ một thập niên sau ngày nhà văn Stieg Larsson đột ngột qua đời (ông mất vào tháng 11 năm 2004), một tác giả khác là David Lagercrantz theo đơn đặt hàng, đã viết tập kế tiếp cho bộ trường thiên tiểu thuyết Millenium. Quyển sách này được cho ra mắt độc giả cùng lúc tại hơn 30 quốc gia, riêng tại Pháp, Millenium tập 4 do nhà xuất bản Actes Sud phát hành.

Dày gần 500 trang, Millenium tập 4 có tựa đề trong nguyên tác tiếng Thụy Điển là ‘’Det som inte dödar oss’’ (Những gì không giết được ta). Tựa đề này thật ra vay mượn một phần câu nói bất tử của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche thế kỷ XIX : “Những gì không giết được ta …. sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn.” (tiếng Đức là Was mich nicht umbringt, macht mich starker / tiếng Anh là What doesn't kill me makes me stronger).

Cuộc tranh cãi xung quanh Millenium tập 4 làm lu mờ hẳn ngày phát hành một tác phẩm khác, đó là quyển tiểu thuyết James Bond mới. Mang tựa đề là Trigger Mortis (tạm dịch là Tử thần bóp cò) tập sách điệp viên 007 mới của nhà văn người Anh Anthony Horowitz, dự trù phát hành cũng trong tháng này, nhưng rốt cuộc lại bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Về mặt nội dung, giới báo chí Pháp đã đánh giá khá tích cực tập thứ tư của Millenium, văn phong không thật sự có gì táo bạo ghê gớm cho lắm, nhưng ăn tiền ở chỗ dẫn dắt câu chuyện với đầy tình tiết hấp dẫn cuốn hút. Theo báo Le Monde, tác giả David Lagercrantz tuy không bắt chước văn phong của Stieg Larsson, nhưng về mặt ý tưởng vẫn trung thành với tinh thần của bậc đàn anh.

Độc giả vẫn tìm thấy các nhân vật quan trọng của saga này thông qua hai nhân vật biểu tượng là tin tặc Lisbeth Salander và phóng viên Mikael Blomkvist. Cuộc điều tra của họ vẫn là một hành trình phiêu lưu đầy rủi ro hầu đi tìm sự thật, đòi công lý và tính minh bạch, vạch trần những âm mưu để phơi bày quan hệ móc ngoặc giữa giới chính khách, các nhà tài phiệt, các cơ quan tình báo và các tổ chức bí mật đứng ngoài vòng luật pháp.

Tạp chí Le Point so sánh cốt truyện của Millenium tập 4 như kịch bản của một bộ phim gián điệp thời nay. Tác giả David Lagercrantz đan xen hai vế tình báo công nghệ để đánh cắp thông tin nhạy cảm cũng như các vụ nghe lén điện thoại theo dõi qua mạng internet. Cái bối cảnh ấy làm cho độc giả liên tưởng tới các vụ tai tiếng gần đây liên quan tới cơ quan tình báo Mỹ NSA.

Tin tặc Lisbeth Salander buộc phải trổ tài thâm nhập hệ thống mạng nội bộ của NSA, mà làm như vậy thì chẳng khác gì đánh cắp kho vàng của Cục dự trữ liên bang FED. Trên đời này dường như chỉ có điệp viên Ethan Hunt của loạt phim Nhiệm vụ bất khả thi (Mission Imposible) mới dám đột nhập vào két sắt tại căn cứ quân sự Hoa Kỳ Fort Knox.

Tuần báo L’Obs thì cho rằng Millenium tập 4 cuốn hút nhờ biết khai thác các đề tài thời sự nóng bỏng. Tin tặc Lisbeth Salander đến từ thế giới ngầm, còn phóng viên Mikael Blomkvist đại diện cho ngành truyền thông. Mỗi người một nét nhưng cả hai đều cùng đeo đuổi một mục đích hầu bảo vệ quyền lợi của công dân.

Câu hỏi đặt ra vẫn là nhân danh cuộc chiến chống khủng bố, các cơ quan tình báo thu thập các dữ liệu thông tin từ mọi cá nhân. Thế nhưng, điều gì sẽ bảo đảm là những thông tin ấy sẽ không bị khai thác với một mục đích khác ngoài việc chống khủng bố Hồi giáo cực đoan ? Các chính quyền Âu Mỹ sẽ phải đối phó như thế nào khi các dữ liệu ấy lọt vào tay các tổ chức bí mật, hành động phạm pháp y hệt như các băng đảng mafia.

Phụ trang văn học của tờ báo Le Figaro đánh giá là Millenium tập 4 ít dùng câu chữ bóng bẩy, có lẽ để bám sát mạch truyện gián điệp, để tránh phản tác dụng trong việc phác họa cái thế giới công nghệ tiên tiến trong quyển tiểu thuyết có phần dự phóng tương lai. Mở đầu quyển truyện, độc giả theo chân một chuyên gia Thụy Điển nổi tiếng, chuyên nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo, ông vội vã rời vùng Thung lũng Silicon để trở về quê nhà. Ông viện dẫn lý do là phải về nhà để chăm sóc cho đứa con trai nhỏ tuổi, mắc chứng tự kỷ bẩm sinh.

Nhưng thật ra, cuộc hồi hương này giống như là một vụ chạy trốn, sau khi nhà nghiên cứu Thụy Điển này phát hiện ra rằng các chuyên gia đồng nghiệp chuyên đánh cắp các thông tin nhạy cảm và công ty của ông có những mối quan hệ mờ ám với một tổ chức tội phạm. Nói tóm lại, người đàn ông này đang ‘’dẫm chân lên một quả mìn" có nguy cơ phát nổ vào bất cứ lúc nào.

Khi về tới Stockholm nhân vật này hẹn gặp phóng viên Mikael Blomkvist làm việc cho tờ báo Millenium. Nhưng đã quá muộn, nhà nghiên cứu bị bắn chết tại nhà riêng và máy tính của ông bị đánh cắp. Chỉ có cậu bé 8 tuổi là người đã chứng kiến cái chết của cha mình, nhưng vì tâm trí cậu bé tách biệt cô lập với người bên ngoài như thể đứa trẻ bị nhốt lỏng trong thế giới của riêng mình, cho nên cuộc điều tra của phóng viên Mikael Blomkvist sẽ vô vàn khó khăn …..

Bạn có từng bao giờ thử đi giầy của một người khác, kích cỡ có thể vừa vặn nhưng chưa chắc gì là sẽ không đau chân. Có lẽ đó cũng là tâm trạng của tác giả David Lagercrantz khi nhận lời viết phần kế tiếp cho bộ sách Millenium. Độc giả Pháp không biết gì nhiều về tác giả này ngoại trừ một quyển sách tự truyện về cầu thủ bóng đá Zlatan Ibrahimovic, từng được dịch sang tiếng Pháp.

Tài năng của David Lagercrantz có thể chưa bằng bậc đàn anh Stieg Larsson, nhưng tập 4 của Millenium cho thấy anh có đủ bản lĩnh để thu hút người đọc, qua cách dựng bố cục, kể thêm những tuyến phụ song song với tuyến truyện chính, và phác họa chân dung cũng như tâm lý của các nhân vật, nhất là cậu bé 8 tuổi có thể giúp phóng viên Mikael Blomkvist phá án, sau cái chết của người cha ruột.

Tác giả David Lagercrantz đã viết tập 4 trong một bối cảnh đầy áp lực : trước sau gì tập kế tiếp cũng bị đem ra mổ xẻ, so sánh với bộ trường thiên Millenium của nhà văn Stieg Larsson, và nhất là nhân vật này chưa có đủ uy tín cũng như thiếu tính chính đáng. Có lẽ cũng vì thế mà nhà xuất bản Thụy Điển Norstedts đã phong tỏa toàn bộ thông tin về tập truyện thứ tư, tiêp nối cho bộ tiểu thuyết ba tập từng được xuất bản từ năm 2005 đến năm 2007.

Để tránh bị rò rỉ, thất thoát, các thông tin liên quan tới cuốn sách đều được bảo mật một cách tuyệt đối. Sau vụ hãng phim Sony Pictures bị tin tặc đánh cắp bản thảo và thông tin, nhà xuất bản Thụy Điển Norstedts lại càng đề cao cảnh giác hơn. Một điều cũng khá dễ hiểu : một quyển tiểu thuyết nói về thiên tài tin tặc Lisbeth Salander thâm nhập hệ thống bảo mật của NSA, lại bị hacker có thật ở ngoài đời đánh cắp, thì chẳng khác gì ‘’gậy ông đập lưng ông’’.

Tình huống đó nếu mà xẩy ra sẽ nhanh chóng biến thành trò cười cho thiên hạ, bàn tán trên Twitter, bàn loạn trên FaceBook …. Chính cũng vì thế mà tác giả David Lagercrantz đã sử dụng máy vi tính mà không có kết nối mạng, trong khi phần tiếp theo, một máy tính thứ nhì để trao đổi liên lạc với nhà xuất bản và đôi khi họ dùng khẩu hiệu mật mã để trao đổi thông tin, tránh nêu đích danh tựa đề quyển sách thứ tư ….

Tuy nhiên, nhà xuất bản Thụy Điển Norstedts đã châm ngòi tranh luận từ khi ký thỏa thuận với gia đình của nhà văn Stieg Larsson (gồm ông bố và người anh trai) và công bố ý định khai thác dòng truyện Millenium. Trong số những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất, có tiếng nói của bà Eva Gabrielsson, người bạn đời chung sống với nhà văn Stieg Larsson trong hơn 30 năm.

Do không có hôn thú chính thức, cho nên sau ngày nhà văn Stieg Larsson đột ngột qua đời, bà Eva Gabrielsson đã không được thừa hưởng tài sản, dù chỉ là một phần, của người bạn đời. Bộ tiểu thuyết này rất ăn khách và sau đó được chuyển thể hai lần thành phim truyện tại Thụy Điển và tại Hollywood, nhưng Eva Gabrielsson cũng không được hưởng lợi lộc gì. Có lẽ cũng vì vậy mà bà đã chỉ trích dự án viết tiếp bộ truyện, khai thác Millenium như một thương hiệu, một sản phẩm thương mại ….

Lời chỉ trích này không phải là riêng lẻ, nhiều tiếng nói chê bai khác trong giới trí thức cũng như ngành truyền thông cũng nhập cuộc tranh luận. Nhà xuất bản Thụy Điển Norstedts cũng như gia đình của Stieg Larsson bị trách là đã trục thêm lợi từ uy tín của bộ tiểu thuyết Millenium, như thể họ không muốn giết đi một con gà đẻ trứng vàng.

Theo nhà phê bình văn học Mats Svensson, tập thứ tư của Millenium là dấu hiệu cho thấy ngành xuất bản sách tại Thụy Điển đang có xu hướng chạy theo lợi nhuận. Các nhà xuất bản lớn ở Thụy Điển giờ đây được điều hành như những công ty kinh doanh thực thụ, đòi hỏi phải có thành quả về mặt số bán, hiệu quả về mặt năng suất phát hành.

Phụ trang văn học của tờ báo Thụy Điển Dagens Nyhette còn đi xa hơn nữa khi cho rằng dự án viết tập thứ tư là một sự khai thác quá trớn quá đà, với một mục đích hoàn toàn thương mại, chứ không còn được xem như là một tác phẩm nghệ thuật hay văn chương …. Tờ báo sử dụng hình ảnh của những kẻ có lòng tham, bất kể là họ phải “đào mồ”, khai quật để tìm ra mỏ vàng.

Bộ trường thiên tiểu thuyết Millenium của Stieg Larsson, sau khi được dịch sang hàng chục thứ tiếng, đã từng bán hơn 80 triệu bản trên toàn thế giới. Nhà xuất bản Thụy Điển đã điều phối một kế hoạch phát hành ở một quy mô lớn chưa từng thấy : tập thứ tư Miellenium có tới 2,7 triệu quyển sách được in và được phát hành vào cùng một thời điểm tại 30 quốc gia khác nhau.

Có nhiều khả năng là một khi thành công, tựa sách này sẽ được mua lại để dựng thành phim truyện. Câu hỏi đặt ra vẫn là giả sử như bạn biết mình đang đứng trước một ngôi mộ có chôn cất ở phía dưới một kho báu, vậy thì bạn có sẵn sàng bới đất đào mồ để tìm vàng hay chăng ? Do ông qua đời quá sớm để tận mắt chứng kiến sự thành công bất ngờ nhưng vượt bực của Millenium, cho nên câu hỏi này bản thân nhà văn Stieg Larssson có lẽ cũng chưa nghĩ tới …..
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.