Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Billie Holiday, chớp mắt ngậm ngùi nghiệt ngã kiếp người

Đăng ngày:

Trong làng nhạc jazz quốc tế, Billie Holiday luôn được xếp vào hàng những giọng ca xuất sắc nhất mọi thời đại, bên cạnh những tên tuổi như Ella Fitzgerald, Dinah Washington hay Sarah Vaughan … Tháng Tư năm 2015 đánh dấu đúng 100 năm ngày sinh của Billie Holiday, một giọng ca tiêu biểu nếu không nói là hiện thân của dòng nhạc blues, nỗi niềm thống khổ trọn đời, chua cay nghiệt ngã kiếp người.

Tạp Chí Âm Nhạc
Tạp Chí Âm Nhạc RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Tên thật là Eleanora Fagan, Billie Holiday sinh ngày 07 Tháng Tư năm 1915 tại Baltimore bang Maryland và qua đời rất sớm tại Manhattan, New York vào tháng Bảy năm 1959, ở tuổi 44. Bà chào đời trong một gia đình rất nghèo, không được ông bố công nhận, không được người mẹ dạy dỗ nuôi nấng. Thân phụ của bà là tay đàn ghi ta nhạc jazz Clarence Holiday, ông có con đầu lòng năm ông chưa đầy 18 tuổi, còn mẹ (là Sadie Fagan) của Billie Holiday là một thiếu nữ mới lên 15 tuổi.

Sau này trong quyển hồi ký tự tuyện, Billie Holiday sửa đổi nhiều chi tiết về thân thế và gia cảnh, khi kể lại rằng bà sinh ra trong sự yêu thương của cha mẹ và đùm bọc của gia đình. Nhưng thực tế phũ phàng hơn rất nhiều : bố mẹ của Billie Holiday không bao giờ kết hôn và sống chung. Bà được giao cho phía gia đình bên ngoại, do không được nhìn nhận, nên trên giấy khai sinh bà mang họ của người mẹ (Fagan).

Đến khi vào nghề ca hát, bà mới lấy họ của người bố ruột làm nghệ danh. Ngay từ thuở lọt lòng, Billie Holiday đã mang dấu ấn khác nghiệt của định mệnh, bà là một đứa con hoang bị cha mẹ bỏ rơi để rồi suốt đời bà đi tìm hình tượng của ông bố trong vòng tay những người đàn ông, cũng như đi tìm sự che chở yêu thương trong quan hệ với những người đàn bà.

Gia đình nghèo xơ nghèo xác, Billie Holiday buộc phải đi làm sớm đi kiểm sống. Bà đến New York năm 1928, lúc bà mới 13 tuổi. Nhờ vào sự quen biết của người cha, bà bắt đầu đi hát trong các quán nhạc jazz ở Harlem, hát để đổi lấy miếng ăn, để xin tiền boa (pourboire) của thực khách, chứ bà không hề được trả thù lao.Cuộc sống khó khăn, Billie Holiday rơi vào con đường nghiện ngập, ban đầu là rượu nhiều năm sau đó là các chất kích thích và ma túy … Trong vòng hơn 20 năm sau đó, Billie Holiday nhiều lần vào tù ra khám, từng bị kết án do tội tàng trữ và tiêu thụ ma túy.

Billie Holiday khởi đầu sự nghiệp ghi âm vào năm 18 tuổi (1933), sau khi giọng ca của bà lọt vào tai nhà sản xuất John H. Hammond của hãng đĩa Columbia. Hai nhạc sĩ Benny Goodman và Bobby Henderson ghi nhận rằng : cho dù Billie Holiday không tinh thông nhạc lý, chưa hề được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng giọng ca này là một tài năng bẫm sinh, có ngẫu hứng diễn đạt thiên phú, giàu cảm xúc mà không hề kịch tính. Một giọng ca hiếm thấy như vậy mà chỉ được các nhà sản xuất trả có 35 đô la cho mỗi lần ghi âm.

Tại nhà hát Apollo Theater, nơi khám phá nhiều tài năng mới của làng nhạc jazz thời bấy giờ, Billie gặp gỡ làm quen với nhiều nhạc sĩ đầy hứa hẹn, trong đó có tay kèn saxo Lester Young, một người bạn tri âm tri kỷ, sẽ không bao giờ bỏ rơi Billie như bao người đàn ông khác trong đời của nữ danh ca. Tình bạn keo sơn ấy kéo dài cho tới khi cả hai nghệ sĩ đột ngột qua đời.

Sự nghiệp của Billie cất cánh từ giữa những năm 1930, thời mà bà đi hát với nhiều nghệ sĩ nhạc jazz cừ khôi như Duke Ellington, Benny Goodman, Teddy Wilson, John Truehart, Count Basie …. Nhạc phẩm What A Little Moonlight Can Do đánh dấu giai đoạn huy hoàng này. Billie là một trong những giọng ca da đen hiếm hoi đi lưu diễn khắp các tiểu bang với dàn nhạc của nghệ sĩ Artie Shaw người Mỹ da trắng. Nhưng vòng lưu diễn đột ngột bị gián đoạn tại các tiểu bang miền nam Hoa Kỳ. Chính sách phân biệt chủng tộc thời ấy cấm nghệ sĩ da màu đặt phòng khách sạn, biểu diễn trong các quán nhạc thjâm chí sử dụng phòng vệ sinh dành riêng cho người da trắng ….

Trở về New York, Billie tiếp tục đi hát theo hợp đồng tại các phòng trà và các quán nhạc jazz. Vào mùa xuân năm 1939, Billie quyết định ghi âm nhạc phẩm Strange Fruit (Quả lạ), sáng tác của Lewis Allan (tên thật là Abel Meeropol) một giáo viên gốc Do Thái trẻ tuổi. Qua hình tượng của những trái cây kỳ lạ treo lủng lẳng trong gió, bài thơ này thật ra tố cáo một hiện tượng phổ biến ở các bang miền nam, nơi mà người da trắng tùy tiện xét xử rồi tự quyền hành hình người da đen bằng cách treo cổ họ. Bài hát gây nhièu tranh cãi đến mức, sau khi được phát hành, Billie mất nhiều hợp đồng biểu diễn và bị tẩy chay ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.

Sau 10 năm thành công liên tục, sự nghiệp của Billie Holiday bắt đầu có dấu hiệu sa sút. Theo nhà phê bình Stuart Nicholson, tác giả quyển tiểu sử Billie Holiday, những vết thương trong tâm hồn tuổi thơ khiến cho Billie trọn đời khao khát đùm bọc yêu thương, nhưng bà không phân biệt được sự dối trá trong những lời dỗ ngọt. Còn theo nhà văn Julia Blackburn trong quyển Chân dung của một diva qua lời kể của những người thân, Billie Holiday khéo chọn bài hát nhưng lại thiếu khôn ngoan khi phải biết chọn bạn đời, những người đàn ông mà bà gặp trong đời thường đã có gia đình, hay chỉ biết ăn bám trục lợi.

Dù gì đi nữa, Billie bị lôi kéo để rồi sa ngã vào con đường của rượu chè ma túy. Trong quyển tự truyện của nhà báo William Dufty, Billie ngậm ngùi chia sẻ rằng bà là một trong những người ‘‘nô lệ’’ được trả lương cao nhất, mỗi tuần đi hát được cả ngàn đô la nhưng không giữ lại được đồng nào. Chứng ghiền ma túy khiến cho Billie mất tự do, đời sống con nghiện hoàn toàn bị lệ thuộc, cô lập.

Từ những năm 1947 trở đi, sự nghiệp của Billie càng lúc càng năm chìm bảy nổi. Bà bị bắt rồi bị kết án tù giam do tội tàng trữ ma túy, ngay tại thành phố New York bà bị cấm biểu diễn ở phòng trà quán nhạc cũg như những nơi nào có bán rượu, hợp đồng biểu diễn càng khan hiếm, Billie Holiday càng lún sâu vào chứng trầm cảm, để rồi lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn : tìm quên lãng trong rượu và ma túy.

Trong giới chuyên nghiệp, các nhà sản xuất không ai mà thật sự muốn hợp tác với Billie, họ ngại mời bà ghi âm vì có nhiều ý kiến cho rằng : Billie Holiday ít khi nào tôn trọng cam kết và hợp đồng biểu diễn, giới sản xuất ngại bỏ tiền mướn phòng ghi âm vì bà nổi tiếng là thường hay đến muộn, khi thu thanh trực tiếp hay đứng biểu diễn trên sân khấu, bà lại hay hát sai lời. Có lẽ cũng vì thế mà vào năm 1950, bà mất hợp đồng ghi âm cho hãng đĩa Decca.

Tinh thần cũng như sức khỏe của Billie Holiday ngày càng suy yếu dần do triệu chứng xơ gan và suy thận. Họa vô đơn chí, vào trung tuần tháng ba năm 1959, bà sửng sốt bàng hoàng khi được tin nhạc sĩ Lester Young đột ngột qua đời ở tuổi 49, ngay sau khi ông trở về Mỹ sau chuyến biểu diễn tại châu Âu. Nhiều người, trong đó có nhà phê bình Leonard Feather cho rằng kể từ giây phút ấy, bà chẳng còn tha thiết gì nữa với cuộc sống vì đôi bạn này thân thiết với nhau như anh em ruột …. Chưa đầy hai tháng sau, đến phiên Billie Holiday vĩnh viễn ra đi sau khi từ chối nhập viện điều trị.

Billie Holiday từ giã cõi đời rất sớm, chỉ mới ở tuổi 44. Hầu như trong suốt những năm cuối đời, bà sống trong cảnh nghèo khó túng quẫn do bị sạt nghiệp, khi đi hát thì chủ yếu là để kiếm tiền trả nợ. Nhưng trong những lần chạm đáy ấy, cũng có lúc giọng ca của Billie Holiday lại thăng hoa vực dậy. Điển hình là tập nhạc để đời Lady in Satin mà bà ghi âm trước khi qua đời : nhạc sĩ Ray Ellis nói rằng khi nghe lại ca khúc "I'm a Fool to Want You", ông không khỏi nổi da gà, vì lối diễn đạt nhập tâm của Billie đạt tới mức xuất thần.

Giọng ca vàng Frank Sinatra, một trong những người bạn tận tình nhất trong những năm cuối đời thì cho rằng giọng ca Billie Holiday không khỏe khoắn như Bessie Smith, không linh hoạt như Ella Fitzgerald, nhưng lối nhã chữ của bà thì không ai có thể sánh bằng : hát chậm mà không ủy mị, hát lệch nhưng chưa bao giờ lỡ nhịp.

Nơi Billie Holiday, còn được mệnh danh là nữ hoàng của dòng nhạc blues, người ta tìm thấy bao tủi hờn chất chứa của một thân phận dư thừa, những tiếng nấc nghẹn ngào làm nghẽn mạch thương đau, câu chữ không tuôn chảy như dòng sông nước mắt, mà đọng lại như sương mai trên giọt lệ héo hắt. Những tiếng thở dài cho số phận đen đủi, chớp mắt ngậm ngùi cho kiếp sống dập vùi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.