Vào nội dung chính
VĂN HÓA - ĐIỆN ẢNH

100 năm ngày sinh của Orson Welles

Nếu còn sống, đạo diễn người Mỹ Orson Welles năm nay sẽ tròn 100 tuổi. Trong làng phim quốc tế, ông nổi tiếng là một nhân vật lắm tật nhiều tài. Ông cũng là gương mặt duy nhất trong làng điện ảnh để lại nhiều tác phẩm dở dang hơn là những bộ phim hoàn tất. Điều đó đủ để cho thấy trong suốt sự nghiệp quay phim, đạo diễn Orson Welles đã gặp nhiều khó khăn đến chừng nào.

Quảng cáo

Tên thật là George Orson Welles, ông sinh năm 1915, mất năm 1985 vì chứng đau tim, hưởng thọ 70 tuổi. Nổi danh ban đầu nhờ cái tài đọc truyện trên đài phát thanh, rồi sau đó trong làng kịch nghệ nhờ dựng lại các tác phẩm kinh điển của Shakespeare (Macbeth, Julius Caesar, Othello ….) cho nhà hát New York, Orson Welles tới đầu những năm 1940 mới dấn thân vào ngành điện ảnh.

Tài năng của Orson Welles chớm nở ngay từ tác phẩm đầu tay là bộ phim truyện mang tựa đề Citizen Kane (phát hành vào năm 1941). Trong phim này, Orson Welles vừa là nhà sản xuất, vừa làm đạo diễn kiêm diễn viên chính, ông cũng đồng sáng tác kịch bản (với Herman J. Mankiewicz, anh trai của đạo diễn lừng danh Joseph L. Mankiewicz, tác giả của bộ phim kinh điển All about Eve).

Sau này, khi hồi tưởng lại những năm tháng mới vào nghề làm phim, hai anh em đạo diễn Herman & Joseph Mankiewicz cho rằng tuy tác phẩm Citizen Kane có nhiều chỗ còn hơi vụng về về thủ pháp điện ảnh, nhưng Orson Welles cho dù chỉ mới có 25 tuổi, đã có cái tài nắm bắt mạch phim, dẫn dắt câu chuyện cũng như khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật.

Bộ phim Citizen Kane kể lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà tỷ phú Charles Foster Kane, nhân vật giả tưởng này được mô phỏng theo phong cách có thật của ông trùm tập đoàn truyền thông Mỹ William Randolph Hearst, nổi tiếng là người giàu nhất thế giới. Có lẽ cũng vì thế mà William Randolph Hearst đã tìm cách vận động cấm phát hành bộ phim, và sau khi tác phẩm được công chiếu, ông trùm báo chí đã ra lệnh cho các tờ báo do ông sở hữu, tẩy chay bộ phim này.

Về nội dung, nhân vật chính trong bộ phim Citizen Kane sinh trưởng trong một gia đình nghèo, nhưng sau đó lại trở nên giàu có, khi dòng họ Kane thừa hưởng một mãnh đất mà thoạt nhìn chẳng đáng giá bao nhiêu, nhưng thật ra lại tiềm ẩn mỏ vàng. Đến khi trưởng thành, (Charles Fosster) Kane dùng số tiền ‘’trời ban’’ để xây dựng một tập đoàn truyền thông khổng lồ. Tuy thành công vượt bực trên đường đời sự nghiệp, nhưng Kane lại bất hạnh trong cuộc sống riêng tư.

Bao nhiêu tiền tài của cải trong tay cũng không thể nào mua được niềm hạnh phúc gia đình. Nhà tỷ phú trải qua những năm tháng cuối đời trong nỗi cô đơn, ông sống khép kín trong lâu đài lộng lẫy xa hoa như vua chúa thuở nào (biệt thự Xanadu), nhưng lại lạnh lẽo cô độc như kiếp sống biệt giam lãnh cung. Ông ước gì đánh đổi toàn bộ cơ nghiệp chỉ để nhìn lại một lần chiếc xe trượt tuyết bằng gỗ có khắc chữ Nụ Hồng (Rosebud), biểu tượng của những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu.

Khi được công chiếu tại Hoa Kỳ vào năm 1941, bộ phim Citizen Kane đã không nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Tại lễ trao giải Oscar tháng Hai năm 1942, tổ chức ở phòng tiếp tân khách sạn Biltmore, Citizen Kane tuy được đề cử ở 9 hạng mục, nhưng rốt cuộc chỉ dành được một tượng vàng Oscar duy nhất dành cho kịch bản nguyên tác xuất sắc. Nhờ giải này mà sự nghiệp của nhà biên kịch Herman J. Mankiewicz cất cánh, trong khi đạo diễn trẻ tuổi Orson Welles thì lại năm chìm bảy nổi ….

Mãi tới gần 5 năm sau, bộ phim Citizen Kane tìm lại được một luồng sinh khí thứ nhì khi được phát hành tại các nước châu Âu. Trong suốt thời gian Đệ nhị Thế chiến, phim Mỹ hầu như không được phổ biến. Đến khi ra mắt khán giả các nước Anh, Ý, Tây Ban Nha hay là Pháp, Citizen Kane mới thật sự tạo đươc tiếng vang lẫy lừng. Công chúng lẫn giới phê bình châu Âu đánh giá rất cao tác phẩm đầu tay của Orson Welles.

Trong vòng nửa thế kỷ sau đó, bộ phim Citizen Kane thường được giới phê bình quốc tế đưa vào danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Tại các nước Anh Mỹ, các viện phim ảnh Mỹ luôn xếp Citizen Kane ở hạng đầu. Viện lưu trữ phim ảnh của Pháp thì xếp Citizen Kane ngang tầm với 7 hiệp sĩ Samurai của đạo diễn Nhật Kurosawa vào ‘’tủ phim lý tưởng’’ nhất trên đời. Mãi tới 3 năm gần đây, Citizen Kane mới nhường ngôi vị quán quân lại cho tác phẩm Vertigo (Sueurs Froides) của đạo diễn Alfred Hitchcock, theo cách bình chọn cua Viện phim ảnh Anh quốc British Film Institute.

Sau thành công hơi muộn màng của Citizen Kane, Orson Welles cũng gặt hái được một số thành tích khác, chẳng hạn như với bộ phim The Lady from Shanghai (Giai nhân từ Thượng Hải) hay là The Third Man (Người đàn ông thứ ba của đạo diễn Carol Reed). Orson Welles hai lần đoạt giải nhất Liên hoan Cannes vào năm 1949 và 1952 nhờ hai tác phẩm Người đàn ông thứ ba và Othello, trước khi giải Cành cọ vàng ra đời vào năm 1954.

Tuy nhiên, trong giai đoạn kế tiếp sự nghiệp của ông, Orson Welles thường gặp phải nhiều trở ngại trong việc huy động vốn để làm phim tại Hollywood. Những khó khăn tài chính buộc ông phải làm phim theo đơn đặt hàng kể cả phim truyện và phim truyền hình, lồng tiếng và quay phim quảng cáo. Trong gần 40 năm sự nghiệp làm phim của mình, Orson Welles là một kẻ phá đám, thích đập vỡ các khuôn thước, ông luôn bơi ngược dòng hay bơi ngoài luồng chính của các hãng him Hollywood.

Nổi tiếng là một người bướng bĩnh ngông cuồng, nói thẳng nói thật mà không sợ mích lòng, Orson Welles rốt cuộc trong giới đồng nghiệp có nhiều kẻ thù hơn là bạn. Ông cũng nuôi tham vọng trở thành một tên tuổi lớn của ngành phim độc lập, không muốn hợp tác với các hãng phim lớn, bởi vì theo ông thỏa hiệp với các nhà sản xuất tài trợ, có nghĩa là nhà đạo diễn phải chấp nhận để cho người khác xen vào để rồi cắt xén, chỉnh sửa dự án làm phim của mình. Orson Welles không thỏa hiệp có lẽ vì không muốn để cho đồng tiền chi phối tính sáng tạo.

Điều này có thể giải thích vì sao trong suốt sự nghiệp, Orson Welles chỉ hoàn tất có 13 tác phẩm, trong đó có 11 phim truyện và hai phim tài liệu (F for Fake và Filming Othello), trong khi số dự án dang dở lên tới gần cả chục. Trong số này, có tác phẩm cuối cùng của ông là bộ phim “The Other Side of the Wind” (Phía bên kia ngọn gió) mà đáng lẽ ra phải được hoàn tất trong năm nay để được công chiếu trong khuôn khổ Liên hoan Cannes hồi trung tuần tháng Năm vừa qua.

Rốt cuộc, dự án này (của nhà sản xuất Peter Bogdanovich) cũng không được tới nơi tới chốn, thay vào đó Liên hoan Cannes đã giới thiệu lại các tác phẩm nổi tiếng nhất của đạo diễn Orson Welles, vào lúc mà các bộ phim này vừa được tái bản dưới dạng đĩa Blu Ray, được xem là phiên bản hoàn chỉnh nhất về mặt âm thanh cũng như hình ảnh.

Nhân 100 ngày sinh của nhà đạo diễn Mỹ, lần đầu tiên quyển sách My Lunches with Orson (Những bữa ăn trưa với Orson) được dịch sang tiếng Pháp. Quyển sách (của nhà báo Peter Biskind) ghi chép lại toàn bộ các buổi nói chuyện dưới dạng tâm tình trao đổi hơn là phỏng vấn giữa hai đạo diễn Orson Welles và Henry Jaglom, từ năm 1983 đến 1985, tức là vài tháng trước khi nhà đạo diễn này qua đời.

Theo Orson Welles, để thành công tại Hollywood, thì có tài không thôi vẫn chưa đủ, nhà đạo diễn còn phải có nhiều mưu mô tính toán, nếu không nói là thủ đoạn. Những xung khắc giữa ông với các nhà sản xuất cũng như các giám đốc hãng phim, khiến cho ông lúc nào cũng bị ‘’thọc gậy bánh xe’’.

Ở trang 129 quyển sách, ông tuyên bố thẳng thừng : Đáng lẽ ra ông nên giải nghệ làm phim ngay sau tác phẩm Citizen Kane, bởi vì con đường mở ra cho ông sau đó quá gập ghềnh trắc trở, búa rìu chưa thoát khỏi mà lại còn bị ném đá. Thế nhưng, chẳng thà bơi ngược dòng một mình, còn hơn là lội với một bầy cá mập.

08:37

ORSON WELLES 1915-2015 TUAN THAO

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.