Vào nội dung chính
VĂN HÓA - THỜI TRANG

Đằng sau câu chuyện Rihanna quảng cáo cho Dior

Hiệu thời trang Dior vừa công bố hôm 26/05/2015 toàn bộ phim quảng cáo quay tại cung điện Versailles với thần tượng nhạc pop Rihanna. Được thực hiện vào ban đêm với gam màu chủ đạo xanh dương pha với một chút sắc đỏ hồng vươn ánh tím, bộ phim kết hợp vẻ đẹp ‘’liêu trai’’ của Rihanna với ma lực quyến rũ kỳ bí của điện Versailles.

Quảng cáo

Dưới sự chỉ đạo của nhà nhiếp ảnh Steve Klein, Rihanna trở thành gương mặt mới đại diện cho thương hiệu Dior. Đây là lần ‘’đầu tiên’’ một diva da màu được chọn để làm quảng cáo cho hãng thời trang cao cấp nổi tiếng trên thế giới. Những gương mặt đại diện cho Dior trước đây, hầu hết là những phụ nữ da trắng nổi tiếng trong làng điện ảnh như Charlize Theron, Mila Kunis, Marion Cotillard, Natalie Portman, Jennifer Lawrence …. Quyết định chọn lựa một ca sĩ da màu cũng như thay đổi biểu tượng quảng cáo, là một cách để cho hiệu thời trang Dior nhắm vào đối tượng khách hàng mới.

Bộ phim quảng cáo với Rihanna là tập thứ tư nằm trong loạt phim (serie) quảng cáo mang tựa đề “Secret Garden” (Khu vườn thầm kín). Bộ phim cũng như loạt ảnh chụp được thực hiện tại khuôn viên vườn thượng uyển và tại Phòng Gương (Galerie des Glaces), tức là Đại sảnh của điện Versailles. Nhưng khi nhìn kỹ lại Rihanna không phải là phụ nữ da màu đầu tiên làm người mẫu cho Dior.

Naomi Campbell từng biểu diễn cho hãng này nhân các bộ sưu tập thời trang cao cấp vào năm 2007. Đến năm 2013, nhân Tuần lễ thời trang Paris (Fashion Week), người mẫu da màu gốc Anh Jourdan Dunn được tuyển chọn để biểu diễn cho Dior. Nhưng sau đó, cô lại bị đuổi việc, dẫn tới nhiều cuộc bàn luận sôi nổi trên các mạng xã hội cũng như các diễn đàn trực tuyến. Cư dân mạng thời bấy giờ cho là ông Raf Simons giám đốc nghệ thuật của hiệu thời trang Dior không ưu ái, không mặn mà cho lắm với các người mẫu da màu. Quyết định chọn Rihanna là cơ hội để cho ông Raf Simons giải quyết cùng lúc hai chuyện : đánh bóng lại thương hiệu Dior, quyết định cho thôi việc Jourdan Dunn chẳng có liên quan gì tới màu da của cô người mẫu.

Sự kiện hãng thời trang Dior mời Rihanna hợp tác quảng cáo thật ra không có gì mới mẻ cho lắm. Tập đoàn mỹ phẩm l’Oréal là thương hiệu đầu tiên áp dụng triệt để chiến lược gọi là Star System, tuyển dụng các ngôi sao danh tiếng nhất về làm việc cho hãng này. Về phía Chanel, hiệu thời trang này thông qua các bộ phim ngắn của Karl Lagerfeld đã mời nam danh ca Pharell Williams về đóng phim ca nhạc Reincarnation (Tái Sinh) dựng lại khung cảnh vương triều nước Áo cuối thế kỷ XVIII, thời của nữ hoàng Sissi và hoàng đế François Joseph trong lâu đài (Leopoldskron) biểu tượng của nghệ thuật baroc. Nhưng trong làng thừoi trang, gương mặt đầu tiên chuyên làm việc với các ngưỡi mẫu da màu là nhà thiết kế Yves Saint Laurent.

Nhờ ông mà từ năm 1962, tức cách đây hơn nửa thế kỷ, người mẫu Fidelia trở thành phụ nữ da đen đầu tiên biểu diễn cho làng thời trang haute couture, giới thiệu các bộ sưu tập thời trang gợi hứng từ nền văn hóa châu Phi, mở đường cho nhiều nhà tạo mốt khác như Courrèges, Paco Rabane, Cardin hay Kenzo …. Nhưng đi xa và táo bạo hơn cả vẫn là nhà thiết kế Jean Paul Gaultier, trong lối đập bể khuôn thước, phá vỡ quy tắc bằng cách hoán đổi các vị trí và đảo lộn trật tự : màu da, giới tính hay tuổi tác không còn quan trọng miễn là phong cách của người mẫu hợp với trang phục ….

Trong trường hợp của Dior, quyết định mời Rihanna làm biểu tượng quảng cáo chẳng có gì là tiên phong, nhưng sự chọn lựa ấy lại là một cú marketing tài tình, một chiêu tiếp thị khéo léo. Rihanna là một trong những diva nhạc pop có tầm ảnh hưởng rất lớn trên các mạng xã hội, chỉ riêng tài khoản Facebook của cô có tới hơn 80 triệu thành viên, chưa kể tới các trang blog cá nhân hay diễn đàn của những người hâm mộ. Hợp tác với Rihanna là một cách để cho Dior vươn tới một tầng lớp đối tượng, không nhất thiết phải trẻ hơn, nhưng chuyên truy cập các mạng xã hội và suốt ngày rỉ rả bàn tán, loan tin dây chuyền.

Có một điều mà ít ai để ý tới nhưng lại có tầm chiến lược đáng kể trong cách nâng cao uy tín của thương hiệu Dior. Hiệu thời trang này muốn cho thấy bề rộng (tầm ảnh hưởng toàn cầu) cũng như bề sâu (uy tín lâu đời) của mình. Chiều dày lịch sử của Dior trải dài trên 70 năm, tính từ khi nhà tạo mốt Christian Dior tách ra riêng, khởi nghiệp thiết kế vào năm 1945 (với sự hậu thuẫn tài chính của nhà đầu tư Marcel Boussac), để rồi thành công vang dội từ năm 1947 với bộ sưu tập New Look.

Dior là một thương hiệu có từ lâu đời nhưng vẫn không lỗi thời, nhờ biết bắt mạch thị trường để dự phóng các xu hướng thời trang. Vào năm 1955, tức cách đây đúng 60 năm, nhà tạo mốt Christian Dior trong nỗ lực nâng cao vị trí, mở rộng bề thế, lần đầu tiên có sáng kiến kết hợp các kiểu áo của mình với biểu tượng lâu đài của Vua Mặt Trời (Le Roi Soleil), tức là vua Louis XIV.

Trong bộ sưu tập thời trang Xuân-Hạ năm 1955, hầu hết các kiểu áo dạ hội đều gợi hứng từ cung điện Versailles. Không phải ngẫu nhiên mà các kiểu áo của Dior được đặt tên theo lâu đài Trianon, vương triều Thái Dương, vườn hoa thượng uyển hay sắc phản chiếu Phòng Gương …. Christian Dior đi xa hơn nữa khi đưa vào trong bộ sưu tập đầy gấm vóc lụa là của ông cách thêu dệt chỉ vàng (galon or Versailles) làm họa tiết tiêu biểu ….

Kể từ năm 2012, hiệu thời trang Dior qua loạt phim Secret Garden (Khu vườn thầm kín) hay qua đợt phim quảng cáo nước hoa J’adore với ngôi sao điện ảnh Charlize Theron, chủ yếu khai thác trở lại hình ảnh của cung điện Versailles. Lấy cái cũ để làm cái mới, dùng lại những biểu tượng lâu đời nhưng trong bối cảnh kỷ nguyên mới (thế kỷ XXI). Nhà nhiếp ảnh Steve Klein chụp Rihanna lạc chân trong khuôn viên vườn thượng uyển, soi ngắm giữa chốn lộng lẫy phòng gương. Nhưng tất cả thật ra chỉ là tái tạo chứ không phải là sáng tạo …. Và điều này dường như Rihanna cũng như các fan hâm mộ diva da màu không hề hay biết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.