Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Triển lãm Danh Võ tại Luân Đôn: Chiêm nghiệm lịch sử để hướng tới tương lai

Đăng ngày:

Võ Trung Kỳ Danh là người gốc Việt, nhưng được Đan Mạch chọn làm đại diện trong sự kiện mỹ thuật quốc tế Venice Biennale. Được nhắc tới theo tên gọi Danh Vo, anh là họa sĩ thuộc nhóm hàng đầu trong làng mỹ thuật đương đại quốc tế. Sống ở Berlin, nhưng anh thường xuyên triển lãm ở nhiều trung tâm nghệ thuật trên thế giới như Paris, New York và mới gần đây là Luân Đôn.

Một góc triển lãm Võ Trung Kỳ Danh tại Luân Đôn.
Một góc triển lãm Võ Trung Kỳ Danh tại Luân Đôn. Ảnh: Lê Hải
Quảng cáo

Những tác phẩm sắp đặt của Kỳ Danh khiến ngay cả các chuyên gia bình luận cũng phải suy nghĩ nhiều khi đặt bút, như tâm sự của Adrian Searle phụ trách trang nghệ thuật trên tờ Guardian - nhật báo lớn của Anh. Sáng tác của anh luôn nhắm vào câu chuyện lớn là chính lịch sử của loài người và đặt người xem vào tình huống phải tích lũy rất nhiều kiến thức lịch sử để tìm câu trả lời và hiểu cái ý mà tác giả muốn truyền đạt qua tác phẩm.

Một không gian tiên nghiệm

Mở đầu năm nghệ thuật 2105, gallery quốc tế Marian Goodman đã dành toàn bộ khu triển lãm ở London cho các sắp đặt của Võ Trung Kỳ Danh. Khi bước vào bên trong, nếu không chú ý thì du khách sẽ đạp ngay lên những dòng chữ bằng bút chì viết trên nền nhà, mà ý đồ của tác giả là muốn chữ bị xóa nhòa đi theo thời gian, và nếu không có ai nhắc nhở hay được chú ý đến thì sẽ biến mất hoàn toàn.

Người viết những dòng chữ này chính là ba anh, kiến trúc sư Võ Phụng, trích đoạn từ bài hát nổi tiếng Afraid của nhạc sĩ Nico viết năm 1970. Một tác phẩm khác cũng do ông thực hiện được treo ngay góc cửa ra vào mà phải đọc kỹ sơ đồ triển lãm thì người ta mới để ý tới. Đây là bản chép tay lá thư của một vị linh mục người Pháp sang Việt Nam truyền đạo bị kết án tử hình, mà sau này được phong thánh: Jean Théophane Vénard.

Có lẽ tác giả muốn người xem suy nghĩ về tầm quan trọng của chữ viết trong lịch sử loài người, một động vật bậc cao có trí khôn, như tên gọi của triển lãm: Homosapiens. Lên tầng hai du khách ngay lập tức sẽ chú ý đến lá cờ Mỹ được cách điệu thành những nét vẽ màu vàng kim trên nền những tấm bìa cạc-tông, treo cạnh những nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng.

Trong khu triển lãm còn hai thùng gỗ làm bao bì whiskey Johnny Walker và sữa đặc Carnation, khiến người xem không thể nào không nghĩ đến một đặc điểm khác nữa trên con đường tiến hóa của loài người là hàng hóa và những tập đoàn kinh tế toàn cầu, mà hùng mạnh nhất chính là những công ty của Hoa Kỳ đằng sau các thương hiệu nổi tiếng toàn thế giới.

Bước vào phòng trưng bày của Võ Trung Kỳ Danh, khán giả không đơn giản là thưởng thức một tác phẩm theo cái nghĩa như là một bức tranh đẹp – beaux arts – mà là du hành trong một không gian tiên nghiệm – transcendental – phần nào mang tính triết học về lịch sử loài người. Phải chăng đây cũng là sự khác biệt giữa nghệ thuật đương đại và mỹ thuật truyền thống?

Quá khứ luôn là điểm khởi đầu

Một số triết gia lý giải cuộc sống đương đại như là một thế giới đang trong nhiều tiến trình khác nhau mà tốc độ quá nhanh đến nỗi khi người họa sĩ ghi lại được thành một bức tranh thì bên ngoài đã hoàn toàn đổi khác. Đó là phần nào lý do tại sao hiện nay giới làm nghệ thuật thích thể hiện bằng hai hình thức chính là biểu diễn (performance) và sắp đặt (instalation), mà chính người nghệ sĩ là một phần của tác phẩm.

Cách sắp đặt của Võ Trung Kỳ Danh có thiên hướng sử dụng tư liệu lịch sử, như là những bài báo trong quá khứ, hay những bức tượng đổ nát, các loại dụng cụ lao động mà người ta vẫn còn dùng cách đây không lâu lắm. Những triển lãm trước cũng vậy, chất liệu từ quá khứ luôn là điểm khởi đầu để xây dựng triển lãm, và cuộc đời của chính anh là một phần trong đó.

Muốn hiểu các tác phẩm của Võ Trung Kỳ Danh người xem luôn phải biết đến bản sắc của anh, trước hết là một người gốc Việt, trên đường vượt biên thì gặp tàu hàng Maersk cho nên sang Đan Mạch tị nạn. Cha anh là người gốc Bình Định, sinh ra anh ở Bà Rịa đúng năm 1975 và cả gia đình sau đó chạy ra đảo Phú Quốc để sinh sống và đóng tàu vượt biển. Cả gia đình mở quán ăn để kiếm sống nhưng người con út đã quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật và thành công như hiện nay.

Có thể nói Võ Trung Kỳ Danh là một thế hệ nghệ sĩ đặc trưng của thời đại văn hóa toàn cầu, khi các tác phẩm của anh sử dụng chính câu chuyện của bản thân mình, nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ thế giới, không lệ thuộc gì vào gốc gác, quốc tịch, hay nơi sống và kể cả nơi triển lãm.

Trong lý lịch nghệ thuật của anh ta có thể thấy giải thưởng từ Đức, nhà tài trợ từ Đan Mạch, đơn đặt hàng từ Mỹ, triển lãm ở Mexico, Bồ Đào Nha, Áo hay Ý, và khách hàng từ Pháp hay người gốc Việt từ nhiều nước trên thế giới. Những cuộc triển lãm của anh khiến người xem khi ra về vẫn phải tiếp tục suy nghĩ và nối kết với nhiều dữ liệu khác để suy tư về bản sắc của loài người. Có thể nói Võ Trung Kỳ Danh đã thành công trong việc hướng khán giả vào lịch sử để chiêm niệm vào tương lai, và lịch sử Việt Nam là một phần trên con đường mà loài người đã đi qua.

Quan điểm sáng tác từng được Danh Võ chia sẻ trên đài truyền hình SMK, khi thực hiện cuộc triển lãm mang tên We the People. Đây có lẽ là tác phẩm vừa sắp đặt vừa trình diễn có qui mô lớn nhất thế giới. Lấy hình mẫu là tượng thần tự do ở Mỹ, anh đã sao chép trên 200 mảnh ghép đặt hàng Trung Quốc thực hiện rồi chia thành nhiều phần triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới: Paris, Copenhagen, Kassel, Barcelona, Thượng Hải, Chicago, Bregenz, Bangkok, New York, Luân Đôn và nhiều bảo tàng khác nữa.

Vấn đề là anh muốn người xem chú ý và cách mà công ty Eiffel đã thi công bức tượng này. Khối kiến trúc đồ sộ được dựng lên không phải bằng kết cấu khung sườn sắt thép như công trình tháp Eiffel ở Paris hay là cầu Long Biên ở Hà Nội, mà là công trình lắp ghép từ chính các mảnh đồng đã được gò hàn để tạo nên bề mặt tượng.

Và điều khiến người ta ngạc nhiên hơn nữa là độ dày của các tấm đồng đó chỉ có hai ly rưỡi (2,5 mm), vậy mà với kết cấu uốn con đã chịu được sức nặng và độ bền cho nguyên một công trình lớn như hiện nay ta thấy ở New York. Danh Võ cho biết anh đã cố gắng giới hạn mọi tác động của giới nghệ thuật vào tác phẩm này, tức bản thân anh là tác giả và người đặt hàng là các giám tuyển ở các bảo tàng không hề can thiệp vào công việc tái tạo lại các mảnh tượng.

Người công nhân bên Trung Quốc dùng chuyên môn nghề nghiệp của mình để thi công và khi chuyển bằng công-ten-nơ của hãng tàu biển Maersk đến nơi thì gian trưng bày của bảo tàng trở thành một nhà kho để công nhân đem các cấu kiện vào rồi từ từ tháo gỡ bao bì. Mỗi ngày vào bảo tàng người ta sẽ thấy khung cảnh có thay đổi đôi chút giống như bên trong một kho hàng được tập kết chờ lắp ghép thành tượng.

We the People: Sức mạnh của triết học lịch sử

Một trong số những yếu tố tạo ra thành công trong các triển lãm của Danh Võ và đặc biệt là cuộc triển lãm We the People đã đem về cho anh rất nhiều giải thưởng nghệ thuật từ nhiều nước và nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau, đó là vì sức mạnh của triết học lịch sử trong các tác phẩm của anh. Đó không đơn giản là một trình bày, cũng không đơn giản là một không gian cho khán giả đến xem.

Triển lãm của Danh Võ là không gian sản xuất (production de l’espace), giống như phân tích của triết gia Pháp Henri Lefebvre, tức là hễ cứ bước vào không gian này là ngay lập tức người ta bị hút vào chốn ẩn hình của tư duy, và bị lôi cuốn theo những cuộc tranh luận ở trong đó, mà theo khái niệm mà một triết gia khác của Pháp là Michel Foucault từng đưa ra là diễn ngôn.

Đó là hệ thống tư duy phổ biến hầu như là ở khắp mọi nơi trên thế giới cho nên không gian triển lãm của Danh Võ ngay tập tức tóm bắt được suy nghĩ của người xem và tiếp tục tạo ra thêm hiệu ứng nghệ thuật mới. Trường đại học Chicago tham gia cuộc triển lãm toàn cầu của anh cùng với một cuộc giới thiệu về khảo cổ học. Người ta nhắc đến lịch sử của bức tượng nữ thần tự do ban đầu là do nước Pháp muốn đặt ở kênh đào Suez để tôn vinh sự phát triển và công nghiệp hóa của Ai Cập.

Tuy nhiên dự án không thành và được chỉnh sửa để đem tặng nước Mỹ để tôn vinh cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chuyện anh Danh sao chép kết cấu bức tượng Nữ thần tự do cũng được coi giống như là thao tác khảo cổ. Người xem buộc phải đọc lại nhật ký của nhà điêu khắc người Pháp Fredéric Auguste Bartholdi khi sang Ai Cập vào năm 1855 và ngưỡng mộ những bức tượng trước cửa đền Abu Simbel, cho nên suy tư về một tác phẩm đồ sộ. Rồi đến năm 1867 thì ông đề nghị chính phủ Ai Cập xây một tượng đài trong hình dạng của một người phụ nữ với ngọn đèn chiếu sáng cổng vào kênh đào Suez với ý nghĩa rằng sự tiến bộ của Ai Cập đang khai sáng cho Châu Á.

Đến năm 1886 thì bức tượng được đặt ở Mỹ với ý nghĩa khác dành cho ngọn đuốc trên tay Nữ thần tự do. Và mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, Khoa viễn đông của Đại học Chicago tiếp tục kéo khán giả đi vào thế giới của các vị thần Hi Lạp đứng đằng sau ý tưởng này. Các mảnh lắp ghép của tượng thần tự do nằm rải rác trong khuôn viên Đại học Chicago đã tạo nguồn hứng khởi cho sinh viên và cả khán giả từ bên ngoài vào xem để hiểu thêm về lịch sử thế giới mà chính xác hơn là về chính chúng ta, những con người đang sống trên thế giới, như tên gọi của cuộc triển lãm toàn cầu của Võ Trung Kỳ Danh: We the People.

Ấn tượng

Các triển lãm của Võ Trung Kỳ Danh là không gian để mỗi chúng ta cần tìm đến để suy tưởng và chiêm niệm về lịch sử, về giá trị nhân văn, và về bản sắc của bản thân mình trong dòng chảy của xã hội toàn cầu mà di dân là một trong số những điểm nổi bật.

Tôi có dịp may được trao đổi với anh Danh và được anh giới thiệu để nói chuyện nhiều hơn với ba mẹ anh. Kiến trúc sư Võ Phụng là người gốc Bình Định và tự hào nhắc đến chữ Trung Kỳ trong tên người con út, mà nay đã được chính thức ghi nhận tên tuổi trong từ điển Britannica. Giống như câu chuyện của khác nhiều người Việt khi ra nước ngoài, tên của anh Danh đã bị chính quyền Đan Mạch thay đổi khi làm giấy tờ, và anh đã dùng chính câu chuyện đó để thiết kế một cuộc triển lãm về bản sắc.

Anh đã tổ chức cưới và ly hôn với bạn bè để thay đổi tên họ của mình và lưu lại rồi trưng bày toàn bộ những giấy tờ đó – từ giấy kết hôn và giấy ly hôn cho đến hộ chiếu và thẻ ngân hàng với tên tuổi khác nhau, trong dự án có tên là Vo Rosasco Rasmussen. Trang nghệ thuật của tờ New York Times phỏng vấn bạn bè mô tả anh như là một nghệ sĩ biết sử dụng tất cả những gì hiện có để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, lấy chính khả năng chơi bài của mình để bày ra một ván bài bằng chính những chất liệu là lịch sử và trải nghiệm của bản thân để khán giả cùng chơi và thưởng thức.

Một số nhà bình luận xếp Danh Võ vào nhóm nghệ thuật ý niệm và bản thân anh cũng từng chia sẻ rằng anh gieo rắc ý tưởng qua các cuộc triển lãm cũng giống như là truyền virus tư duy cho người xem và các cộng đồng tri thức ở đó. Với tôi, việc đi xem triển lãm của Võ Trung Kỳ Danh cũng giống như là tham gia một ván bài tư duy và suy niệm nhiều hơn về thân phận của những người Việt đang sống ở nhiều nơi trên thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.