Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Oum Kalsoum, kim tự tháp thứ tư của Ai Cập

Từ thời văn minh cổ đại, các vì vua pharaon đã xây dựng ba kim tự tháp cho Ai Cập. Còn ngọn kim tự tháp thứ tư chính là cái biệt danh mà đất nước Ai Cập đã tặng cho tiếng hát Oum Kalsoum. Cho đến tận ngày hôm nay, Oum Kalsoum vẫn được xem là một tượng đài của nền văn hoá phương Đông.

Quảng cáo

Nhiều nhà phê bình cho rằng giọng ca này là tiếng hát vĩ đại nhất trong của thế giới Ả Rập. Kể từ khi bà qua đời cách đây 40 năm vào tháng Hai năm 1975, huyền thoại Oum Kalsoum (còn được ghi là Oum Kalthoum) owjc tiếp tục tỏa sáng và lan truyền cảm hứng vượt ra ngoài biên giới quê hương bà là đất nước Ai Cập.

Trong làng nhạc quốc tế, Oum Kalsoum được xem như là một trong những nhân vật huyền thoại như Elvis Presley, Maria Callas, Bob Marley hay John Lennon, nhiều thập kỷ sau khi họ qua đời, những nghệ sĩ này vẫn được nhiều khán thính giả hâm mộ, có lẽ cũng vì tiếng hát của họ đã đi vào lòng người, những bản ghi âm bất hủ không sợ bị mai một với thời gian hay năm tháng làm xói mòn.

Sinh thời, Tổng thống Ai Cập Nasser rất ngưỡng mộ tiếng hát trong sáng thuần khiết của Oum Kalsoum mà theo ông, biểu hiện cho lòng yêu nước và có khả năng hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc. Nhưng không phải chỉ có người Ai Cập mới yêu mến Oum Kalsoum. Lúc sinh tiền, Maria Callas, diva làng kịch opera người Hy Lạp từng mệnh danh Oum Kalsoum là giọng ca độc nhất vô nhị, không ai sánh bằng.

Niềm tự hào lớn nhất trong đời của Oum Kalsoum vẫn là lòng kính trọng và tình cảm quý mến mà người dân các nước Ả rập dành cho bà, không những tại Ai Cập mà còn trên nhiều quốc gia khác ở vùng Trung Cận Đông, từ Liban Jordani cho đến các nước vùng Bắc Phi. Trong vòng nhiều thập niên, các đài truyền thanh thường dành nguyên một chương trình để phát sóng các bài hát của thần tượng Oum Kalsoum.

Sinh ra trong một gia đình nghèo trong những năm đầu thế kỷ XX (không ai biết ngày sinh chính xác của bà) Oum Kalsoum lớn lên trong một gia đình sùng đạo, thân phụ là giáo sĩ Hồi giáo. Từ lúc còn nhỏ, bà học hát với người cha, thường là các bản dân ca truyền thống, nói về niềm tin tôn giáo hay là cõi tâm linh. Khi phát hiện chất giọng thiên phú của đứa con gái, ông bố mới khuyến khích con mình luyện tập, trao dồi tài năng. Nhưng xã hội Ai Cập thời bấy giờ còn rất nhiều thành kiến, cho nên mỗi lần đi biểu diễn, xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu, Oum Kalsoum buộc phải cải trang thành con trai. Sau này đến khi bà trưởng thành, Oum Kalsoum mới lộ diện, mặc trang phục phụ nữ.

Sự nghiệp của Oum Kalsoum cất cánh từ cuối những năm 1920 và kéo dài trong vòng nửa thế kỷ. Nhà thơ nổi tiếng Ai Cập Ahmed Rami viết riêng cho Oum Kalsoum đến gần 140 ca khúc. Nghệ sĩ đàn luth bậc thầy Mohamed El Qasabj mở rộng cánh cửa của Nhà hát lớn Ai Cập để tiếp đón Oum Kalsoum, tạo cơ hội cho giọng ca này đăng quang thành Ngôi Sao Phương Đông.

Nhờ vào vòng lưu diễn các nước Ả rập giữa những năm 1930, tiếng hát của Oum Kalsoum chinh phục thêm hàng triệu con tim, cho dù tiếng Ả rập thông dụng ở từng quốc gia, khác hẳn với thứ ngôn ngữ bóng bẩy, đầy rẫy ẩn dụ văn chương mà Oum Kalsoum thường hay diễn đạt. Sự trỗi dậy của nền điện ảnh Ai Cập cuối thập niên 1930, đầu những năm 1940 giúp cho uy tín của bà càng thêm phổ biến, nhiều bài hát của Oum Kalsoum xuất hiện trong các bộ phim ăn khách thời bấy giờ, tiêu biểu nhất là Bài ca Hy vọng (1937) hay là Điển tích Aida (1940).

Vào thời điểm đó, danh tiếng của Oum Kalsoum đạt đến đỉnh cao đến nổi, cứ vào mỗi buổi thứ Năm đầu tiên của hàng tháng, đường phố thủ đô Cairo trở nên thưa thớt khách bộ hành, trống vắng người qua lại, vì nhiều người dân Ai Cập chỉ muốn ở nhà để nghe chương trình biểu diễn của Oum Kalsoum trên đài phát thanh, mỗi chương trình kéo dài trong ba tiếng đồng hồ. Dần dà, chương trình này trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Ai Cập. Oum Kalsoum một mình ngự trị một cõi trong vòng nhiều năm liên tục, cho đến ngày bà đột ngột qua đời ở tuổi 76, do chứng suy thận.

Ngày Ngôi Sao Phương Đông chợt tắt, đất nước Ai Cập ban hành quốc tang. Tính tổng cộng, có tới ba triệu người đi dự tang lễ của bà, tiễn đưa Oum Kalsoum về nơi yên nghỉ cuối cùng. Oum Kalsoum trở thành một biểu tượng quốc gia, ca khúc gắn liền với tên tuổi này là bài ca trường thiên Al Atlal (có nghĩa là Điêu Tàn), ca ngợi tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc vào năm 1967, sau khi Ai Cập thất bại trong cuộc chiến sáu ngày chống lại Israel.

Sau ngày bà qua đời, Oum Kalsoum vẫn là một nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ quốc tế, kể cả Âu Mỹ. Trong số những người hâm mộ, có nhạc sĩ người Pháp Jean Michel Jarre, Bono ca sĩ chính nhóm U2 hay là ban nhạc rock Led Zeppelin. Vào năm 2004, danh ca người Senegal Youssou N'dour tôn vinh sự nghiệp của Oum Kalsoum trong tập nhạc đề tựa Egypt với một dàn nhạc khí cổ truyền Ai Cập.

Gần đây hơn nữa, nhà biên đạo múa người Tunisia Radhouane el Meddeb đã soạn một vở múa dựa theo tổ khúc Al Atlal ("Điêu Tàn"), dài đến 55 phút và nguyên tác là một bài thơ ca ngợi hoà bình, tự do rất nổi tiếng của thi hào Ai Cập Ibrahim Naji. Diva nhạc pop Shakira từng ghi âm lại một trong những bản nhạc nổi tiếng của Oum Kalsoum là bài Enta Omri (hiểu theo nghĩa "Đời ta nguyện sống cho người"). Chữ người ở đây là quê hương, là tổ quốc, theo thủ pháp nhân cách hóa.

Cho dù lúc sinh tiền Oum Kalsoum đã bày tỏ lòng yêu nước, ủng hộ Ai Cập và chống lại nhà nước Do Thái trong giai đoạn Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, nhưng không phải vì thế giới nghệ sĩ Israel tẩy chay các bài hát của bà, một số vẫn tiếp tục trình bày những ca khúc của Oum Kalsoum. Kể từ năm 2012, một con đường trong khu phố phía đông thành phố Jerusalem, được đặt theo tên của ngọn kim tự tháp thứ tư, của Ngôi Sao mãi sáng vùng trời Phương Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.