Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH MỸ

Last Days in Vietnam và Timbuktu có cơ hội tỏa sáng tại Oscar ?

Lễ trao giải Oscar của làng điện ảnh Mỹ sẽ diễn ra vào tối nay 22/02/2015 tại Los Angeles. Nếu như các tác phẩm Birdman, The Grand Budapest Hotel hay Boyhood dẫn đầu bảng đề cử Oscar, thì người Pháp đặc biệt chú ý đến bộ phim Timbuktu đi tranh giải Oscar dành cho phim tiếng nước ngoài. Còn khán giả Việt Nam thì quan tâm đến bộ phim Last Days in Vietnam Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam trong hạng mục phim tài liệu.

Đạo diễn Abderrahmane Sissako đi tranh giải Oscar với bộ phim Timbuktu sau khi giành lấy 7 giải César
Đạo diễn Abderrahmane Sissako đi tranh giải Oscar với bộ phim Timbuktu sau khi giành lấy 7 giải César © Reuters
Quảng cáo

Sở dĩ khán giả Pháp quan tâm đến Timbuktu là vì bộ phim vừa đoạt 7 giải César của Pháp hôm thứ Sáu 20/02 vừa qua, trong đó có các giải quan trọng dành cho kịch bản nguyên tác, đạo diễn xuất sắc và bộ phim hay nhất trong năm. Do đạo diễn Abderrahmane Sissako thực hiện, bộ phim ra đời nhờ vào sự hợp tác giữa Pháp và Mauritania. Phim càng có ý nghĩa trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang lộng hành tại nhiều nước Tây Phi.

Phóng tác từ một câu chuyện có thật, bộ phim kể lại câu chuyện của một ngôi làng miền bắc Mali bị các nhóm vũ trang chiếm đóng. Các nhóm cực đoan này áp đặt luật hồi giáo charia, nhưng dân làng lại tìm cách kháng cự : một cuộc ‘‘kháng chiến’’ âm thầm mà trường kỳ, một hình thức bất phục tùng khôn khéo, để luồn lách luật lệ khắt khe : cấm nghe nhạc ‘‘đồi trụy’’ thì dân làng vẫn tụ họp đàn hát trong nhà, cấm đá banh thì trẻ em vẫn chơi với nhau trên sân cát như thể các em đá một quả bóng vô hình …

Nhờ đoạt được 7 giải César mà bộ phim Timbuktu đại diện cho Mauritania, có thêm cơ hội tỏa sáng tại lễ trao giải Oscar tối nay, tuy nhiên trong hạng mục phim nói tiếng nước ngoài, hai đối thủ nặng ký nhất vẫn là bộ phim Ida của Ba Lan và tác phẩm Leviathan của Nga.

Trong hạng mục Oscar dành cho phim tài liệu, nhiều người chú ý đến bộ phim “Last Days in Vietnam” (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam) của nữ đạo diễn Rory Kennedy nguyên là con gái út của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, và như vậy cố Tổng thống John Fitzgerald Kennedy là bác ruột của cô.

Bộ phim tài liệu này xoáy vào khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ trước biến cố 30 tháng Tư năm 1975, xen kẽ hình ảnh tài liệu và các đoạn phỏng vấn các nhân chứng còn sống, cho thấy cảnh tượng di tản khỏi Sài Gòn hàng ngàn quân nhân Mỹ, sĩ quan miền Nam Việt Nam, cũng như một số gia đình thường dân.

Giới sĩ quan Mỹ thời ấy đứng trước một quyết định khó khăn : hoặc là họ tuân lệnh cấp trên chỉ sơ tán các công dân Mỹ, hoặc là họ bất tuân chỉ thị và hành động theo lương tâm, cứu sống càng nhiều người dân miền Nam càng tốt. Trong tình huống dầu sôi lửa bỏng, đại úy Stuart Herrington là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho sự lựa chọn khó khăn này giữa một bên là sự ‘‘phản nghịch’’ do không chấp hành mệnh lệnh, và một bên là sự ‘‘phản bội’’ những người lính Việt Nam cộng hoà từng chiến đấu bên cạnh họ.

Với tất cả những giới hạn của một bộ phim tài liệu, do tác phẩm The Last Days in Vietnam chỉ tập trung vào diễn tiến trong vòng 24 giờ, và chủ yếu thuật lại theo góc nhìn từ phía những người Mỹ, chứ không phải là những trải nghiệm thương đau của người Việt, nhưng nhìn chung theo giới phê bình bộ phim này vẫn góp phần không nhỏ vào kho tài liệu lưu trữ, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt-Mỹ.

Bộ Phim “Những ngày cuối cùng ở Việt Nam” sẽ được trình chiếu trên đài PBS (Public Broadcasting Service) trên khắp nước Mỹ vào ngày 28 tháng Tư, và sẽ được phát hành sau đó qua DVD. Từ cuộc chiến hiện tại chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo cho tới việc nhìn lại lịch sử chiến tranh Việt Nam, hy vọng cả hai bộ phim Timbuktu và Last Days in Vietnam đều sẽ có mặt trên bảng vàng Oscar năm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.