Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Taxi, bộ phim thách đố chế độ kiểm duyệt Iran

Đăng ngày:

Trong một chế độ mà lưỡi kéo kiểm duyệt luôn được mài bén, chuyên bắt giữ những tác giả bị quy chụp là có tư tưởng phản kháng khuynh đảo, liệu một nghệ sĩ có còn dám bày tỏ quan điểm sáng tạo, mà không sợ bị ngồi tù. Trong chương trình tranh giải Gấu vàng liên hoan Berlin 2015, bộ phim mang tựa đề Taxi của đạo diễn người Iran Jafar Panahi là câu trả lời hùng hồn nhất cho câu hỏi này.

Chân dung của đạo diễn Iran Jafar Panahi tại liên hoan Berlin
Chân dung của đạo diễn Iran Jafar Panahi tại liên hoan Berlin Reuters
Quảng cáo

Cách đây đúng năm năm, chính quyền Iran bắt giữ đạo diễn Jafar Panahi cùng với vợ con trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, cho dù ông là khách mời danh dự của liên hoan Berlin 2010. Vài tháng sau, ông được mời làm thành viên ban giám khảo liên hoan Cannes. Chính quyền Teheran lại bắt giam ông trở lại, đưa ông vào nhà tù để cấm ông xuất ngoại.

Đến cuối năm 2010, phiên xử sơ thẩm kết án ông Jafar Panahi sáu năm tù giam vì tội ‘’tập họp bất hợp pháp và tuyên truyền chống chế độ’’. Phiên toà phúc thẩm sau đó y án sáu năm tù và cấm ông làm phim cũng như xuất ngoại trong vòng 20 năm. Trong thời gian bị giam cầm, ông đã tuyệt thực hai lần để phản đối bản án. Giới văn nghệ sĩ quốc tế đã tìm cách vận động công luận để ông được trả tự do. Mãi đến gần ba năm sau, vào cuối tháng Năm năm 2013, ông mới được tại ngoại, nhưng phải đóng tiền thế chân.

Đối với một đạo diễn từng ngồi tù, lệnh cấm làm phim tựa như một án tù treo lơ lững trên đầu, chính quyền có thể bắt ông trở lại vào bất cứ lúc nào, do ông được thả với một số điều kiện. Trong bối cảnh đó tác phẩm Taxi chẳng khác gì một lời thách đố, bộ phim quay lén cho thấy một lần nữa lòng gan dạ chai lỳ của một nhà đạo diễn, ngoài cái chết thì dường không có gì có thể ngăn cản ông Jafar Panahi quay phim, bởi vì như ông nói sáng tác là sinh khí, là lẽ sống đối với một người nghệ sĩ.

Vay mượn thủ pháp từng được thấy trong bộ phim Ten (phát hành năm 2002) của đạo diễn đồng hương Abbas Kiarostami, ông Jafar Panahi vào vai một ‘’tài xế taxi’’ để rồi thông qua những câu chuyện với những người đã gặp, những mẫu đối thoại với hành khách, nhà làm phim vạch trần thực trạng xã hội Iran thời nay, nơi mà các nhà báo ‘’lề trái’’ hay giới nghệ sĩ không theo quan điểm chính thống, không được quyền lên tiếng.

Trong phần mở đầu, đạo diễn Jafar Panahi lái xe đi đón đứa cháu gái khoảng chừng 8 hay 9 tuổi. Cô bé có nét mặt thông minh và lanh lợi kể lại những gì các em đang học ở trường lớp. Học trò làm bài tập bằng cách chụp ảnh, sắp đặt các tấm hình với nhau, để rồi từ đó kể ra một câu chuyện, chỉ có điều là các em phải làm đúng theo lời dặn dò của cô giáo : phụ nữ khi ra ngoài đường phải trùm khăn trên đầu, những con người tốt phải biết tuân thủ các phép tắc của đạo Hồi, tôn trọng luật pháp thì không nên ‘’nói xấu’’ người trên, hiểu xa hơn nữa là không nên bôi nhọ chính quyền …

Chỉ cần một vài hình ảnh, đạo diễn Jafar Panahi lại nói được hai chuyện thường thấy ở quê hương ông : Thứ nhất đâu là những điều mà người ta không được quyền nói ra, và như vậy một tác phẩm (sách hay phim) cần làm như thế nào mới được phép phổ biến. Thứ nhì, việc nhồi sọ giáo điều tại Iran bắt đầu rất sớm, từ lúc học các lớp vỡ lòng, đúng với phương châm dạy con từ thuở lên ba.

Bộ phim Taxi thật ra là một cái cớ : người lái xe không phải là để kiếm tiền sinh sống. Mỗi lần chiếc taxi đón khách lên xe, điểm mà khách muốn đến không phải là điều quan trọng, nếu khách không nhắc thì có lẽ ông tài xế sẽ chẳng bao giờ muốn đổ bến dừng lại. Cái cốt lõi là không gian đối thoại giữa hành khách và tài xế : những mẫu chuyện kể, thoạt nghe vô thưởng vô phạt, nhưng lại phác họa được bức tranh toàn cảnh xã hội Iran.

Taxi giống như một trò chơi nhập vai : tình huống bối cảnh là có chủ ý tạo dựng sắp đặt từ phía người quay phim, nhưng tác động qua lại giữa người tài xế và khách lên xe lại bộc phát một cách ngẫu nhiên. Trong suốt cuộc hành trình xuyên dọc thành phố, ông tài xế trò chuyện với khách một cách tự nhiên. Rất có thể là khi ngồi trên xe có người nhận ra ông chính là đạo diễn Jafar Panahi. Và cũng có khả năng là nhiều hành khách không hề biết mình đang nói chuyện với một nhà đạo diễn nổi tiếng. Câu trả lời của khách có thành thật hay không là tùy theo nhận thức trong cái tình huống đặc biệt ấy, không ai mà có thể nói chuyện tự nhiên khi biết mình đang bị chụp hình hay bị quay phim …

Đạo diễn Jafar Panahi đã chạy rất nhiều cuốc xe, đón khá nhiều hành khách, để có thể sàng lọc lại và dựng thành phim những mẫu chuyện đáng kể nhất. Thực tế đời thường và các tình huống hư cấu trộn lẫn vào nhau, khó thể nào mà phân biệt được đâu là khách 100% thật, đâu là diễn viên (dù là nghiệp dư) vào vai một “khách” đi taxi. Bộ phim Taxi quan trọng ở nội dung nửa giả, nửa thật nhiều hơn là ở hình thức. Điều đó cũng khá dễ hiểu vì đây là một tác phẩm quay lén, rất khó thể nào mà thực hiện một bộ phim chỉnh chu trau chuốt, khi các hình ảnh được quay với chiếc camera thu hình đặt ở phía đầu xe gần tay lái, một số hình ảnh thì được ghi với chiếc điện thoại của chính tác giả, hay máy thu hình của cô cháu gái.

Một trong những màn đáng ghi nhớ là cảnh quay một thanh niên chuyên bán băng đĩa phim ảnh sao chép lậu. Người mua (đạo diễn Jafar Panahi và con trai ruột của ông) hay kẻ bán đều phải tinh ý nhanh nhẹn để tránh bị công an bắt gặp. Trong một chế độ kiểm duyệt gắt gao, các sản phẩm văn hóa ngoài luồng và bị xem là đồi trụy (do đến từ Âu Mỹ) lại là một cách để cho giới ghiền điện ảnh tại Iran khám phá các bộ phim của nước ngoài, từ các sản phẩm thương mại nhất cho tới các tác phẩm nghệ thuật. Một cách bất đắc dĩ, những người bán đĩa lậu lại góp phần phổ biến những ‘’tác phẩm’’ bị cấm lưu hành, giúp cho không khí xã hội bớt ngột ngạt, trở nên dễ thở hơn.

Xen kẽ các tình huống bi hài, đạo diễn Jafar Panahi có thể không nắm vững cấu trúc của toàn bộ phim, quay lén không có nghĩa là quay bừa, và nhà đạo diễn phải biết cách quay làm sao để không làm liên lụy người khác, cho dù họ có tình nguyện tham gia vào một dự án đầy rủi ro. Đạo diễn Jafar Panahi đã vay mượn thủ pháp của đồng nghiệp đàn anh là đạo diễn Abbas Kiarostami.

Vào năm 2012, đạo diễn Abbas Kiarostami phác họa bối cảnh xã hội Iran qua một bộ phim ‘‘tài liệu’’ với mười chân dung của những người đi cùng xe với ông. Do vậy mà bộ phim có tự đề là Ten : mười câu chuyện, mười nhân vật, mười chi tiết nhưng lại nói lên được cuộc sống muôn mặt tại Iran, nơi mà người dân sống trong áp bức, nỗi sợ hãi lâu ngày ăn sâu và ý thức khiến cho người dân lúc nào cũng trong tư thế đề cao cảnh giác, thận trọng trong lời ăn tiếng nói.

Cả hai tác phẩm Taxi và Ten có thể thiếu hoàn chỉnh trong hình thức, nhưng lại đạt về mặt ý tưởng nội dung và thông điệp truyền tải. Cốt lõi của cả hai bộ phim nằm ở chỗ : trong một xã hội còn nhiều điều tối kỵ cấm đoán, không cò gì đáng sợ bằng chuyện người nghệ sĩ trở nên thận trọng khi muốn bày tỏ quan điểm sáng tạo. Một cách vô tình, giới nghệ tự kiểm duyệt suy nghĩ của chính mình từ lúc nào mà không hề ý thức hay biết.

Năm nay 55 tuổi, đạo diễn Jafar Panahi sinh trưởng tại Teheran. Ông tốt nghiệp trường Đại học quốc gia Điện ảnh và Truyền hình. Ông vào nghề quay phim từ lúc mới ra trường, làm trợ lý cho đạo diễn Abbas Kiarostami. Tác phẩm đầu tay của ông The White Balloon (Quả bóng trắng) đoạt giải Ống kính vàng Caméra d'Or tại liên hoan phim Cannes năm 1995.

Jafar Panahi nổi tiếng từ đầu những năm 2000, khi làm phim nói về thân phận vai trò của phụ nữ trong xã hội The Circle (Dayereh), đoạt giải Sư tử vàng tại liên hoan Venise vào năm 2000, còn phim truyện Blood and Gold (Talāye Sorkh) giành lấy giải thưởng của ban giám khảo trong chương trình Un Certain Regard (Một nhãn quan độc đáo) năm 2003.

Dù bị cấm làm phim và xuất ngoại trong vòng 20 năm tính từ năm 2010, nhưng đạo diễn Jafar Panahi vẫn tiếp tục quay phim. Cách đây 4 năm ông cho ra đời tác phẩm mang tựa đề This is Not a Film (Đây không phải là một bộ phim) trình chiếu tại Cannes vào năm 2011 ở hạng mục Un Certain Regard. Bộ phim kể lại một ngày trong cuộc sống của chính ông trong lúc ông đang chờ đợi phán quyết của tòa án.

Hai năm sau, bộ phim của ông Closed Curtain Bức màn Khép kín được chiếu tại
Berlin năm 2013, nhờ tác phẩm này ông đoạt giải Gấu bạc dành cho kịch bản. Cùng với nữ luật sư Nasrin Sotoude, ông là một trong những đạo diễn hiếm hoi của Iran đoạt giải thưởng nhân quyền Sakharov, do Nghị viện châu Âu trao tặng vào năm 2012.

Mặc dù nhiều tác phẩm của ông đoạt giải thưởng lớn tại các liên hoan quốc tế, nhưng phim của Jafar Panahi luôn bị kiểm duyệt, cấm phổ biến tại Iran. Những tác phẩm mà ông gửi tới các liên hoan phim thường được quay với camera số nén lại cho thật nhỏ để có thể cài vào ổ khóa USB, để tiện bề chuyển ra nước ngoài. Ông cũng là người chuyên lập hai êkíp quay phim, dùng kế ‘’dương đông kích tây’’, êkíp giả vừa quay vừa chạy để đánh lạc hướng công an, còn êkíp thật thì quay phim trong vòng bí mật, ngày giờ và địa điểm chỉ được thông báo vào giờ phút chót. Trong trường hợp của Jafar Panahi, thì dường như cái khó vẫn không bó cái khôn. Lưỡi kéo kiểm duyệt càng sắc bén, ông lại càng luồn lách nhanh nhẹn.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.