Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Boyhood, ý tưởng trường thiên, đạo diễn trường kỳ

Đăng ngày:

Nhân kỳ trao giải Quả Cầu vàng (Golden Globes) hồi trung tuần tháng Giêng 2015 vừa qua, bộ phim Boyhood (Thời niên thiếu) của đạo diễn Richard Linklater đã đoạt cùng lúc ba giải thưởng quan trọng, trong đó có giải dành cho đạo diễn cũng như tác phẩm xuất sắc nhất trong thể loại chính kịch. Nhờ các giải thưởng này, đạo diễn người Mỹ trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá nhất lễ trao giải Oscar ngày 22/02 sắp tới.

Đạo diễn Richard Linklater (giữa) và dàn diễn viên bộ phim Boyhood tại giải Golden Globes
Đạo diễn Richard Linklater (giữa) và dàn diễn viên bộ phim Boyhood tại giải Golden Globes REUTERS /Mike Blake
Quảng cáo

Bộ phim Boyhood (Thời niên thiếu) là một tác phẩm cực kỳ đặc biệt. Lần đầu tiên một bộ phim truyện, với nội dung kịch bản hoàn toàn hư cấu nhưng lại ứng dụng phương cách hiện thực của phim tài liệu. Bộ phim Boyhood chọn tuyến thời gian làm bối cảnh thực, đặt ống kính từ tầm nhìn của một cậu bé. Phim được quay trong vòng 12 tuần lễ, nhưng mỗi tuần lại cách nhau đến một năm.

Để thực hiện dự án khá táo bạo này, đạo diễn Richard Linklater đã chọn nguyên quán của mình là bang Texas để bấm máy quay phim. Trong phim này có sự tham gia của con gái ruột của nhà đạo diễn. Ông chọn quay phim vào mỗi mùa hè để không ảnh hưởng tới nhịp độ học hành của các diễn viên nhỏ tuổi. Và như vậy, trong vòng 12 năm liền, từ năm 2002 đến năm 2013, cứ đến mỗi kỳ nghỉ học là các diễn viên lại gặp nhau tại phim trường.

Về nội dung, Thời niên thiếu là một bộ phim tâm lý tình cảm, kể lại mối quan hệ giữa bốn thành viên trong cùg một gia đình. Nhân vật chính là cậu bé Mason (do Ellar Coltrane thủ vai) lớn lên tại bnag Texas cùng với cô em gái là Samantha (Lorelei Linklater). Đến khi bố mẹ ly hôn, hai anh em về sống cùng với bà mẹ và thỉnh thoảng mới được ông bố đến thăm. Sau này, bố của Mason tái hôn, lập gia đình với một người yêu mới, còn người mẹ thì dời đến một thành phố khác để sinh sống.

Xa mặt cách lòng ? Tình cảm của cậu bé Mason thay đổi không hẳn theo khoảng cách địa lý, mà có lẽ theo biến chuyển của dòng thời gian, từ những năm tháng thơ ngây cho đến lứa tuổi trưởng thành, từ lúc còn ngồi trên ghế trường tiểu học cho tới khi rời mái ấm gia đình, khi Mason chuẩn bị vào đại học. Ống kính của đạo diễn Richard Linklater nói về quá trình trưởng thành của một cậu bé, trong suốt 12 năm trời. Bộ phim đem đến cho người xem những cảm giác khác thường, một trải nghiệm khá kỳ lạ.

Cho dù có biết rằng các nhân vật trong phim đều là hư cấu, nhưng khán giả lại cảm nhận được những tình cảm trong phim đều rất thật. Trên màn ảnh, bố mẹ của Mason (do Ethan Hawke và Patricia thủ diễn) già hẳn đi nhưng không phải là do kỹ xảo hay nhờ vào cách hoá trang. Hai anh em Mason và Samantha cũng dần dần lớn khôn và những cảm xúc nội tâm của họ từ từ biến chuyển một cách khá chân thực song song với sự thay đổi về mặt ngoại hình, từ vóc dáng tướng mạo cho đến phong cách.

Kể từ khi được trình chiếu lần đầu tiên tại liên hoan Sundance 2015, bộ phim Boyhood tính đến nay đã đoạt trên dưới 50 giải thưởng lớn nhỏ tại các liên hoan địa phương hay quốc tế. Trước khi được vinh danh nhờ giải Gấu Bạc tại hoan Berlin, Thời niên thiếu đã giành lấy giải dành cho tác phẩm xuất sắc nhất tại các liên hoan phim độc lập tại Anh, Canada, Na Uy, Ai Len, Hà Lan …

Hầu hết các ngòi bút phê bình đều khen ngợi cái tính thử nghiệm của tác phẩm Boyhood. Bộ phim nói về thời niên thiếu nhưng chẳng ăn nhập gì với thể loại ‘‘teen movie’’ thường thấy của Hollywood. Không có đột biến trong kịch bản, không có tình tiết gay cấn khiến cho người xem phải hồi hộp theo dõi, không có những nút thắt cần được tháo gỡ như trong tiểu thuyết, thế nhưng người xem vẫn cảm thấy gắn bó như thể sống cùng với cậu bé Mason …

Lứa tuổi mới lớn có những nỗi thoáng buồn vu vơ, những trạng thái suy nghĩ mông lung, những câu hỏi do cha mẹ đặt ra như : ‘‘sau này lớn lên con sẽ làm gì ’’ cũng không cần phải có câu trả lời. Thành đạt trên đường đời sự nghiệp không phải là chủ đích của bộ phim, mà lại là sự quan sát về cái hành trình ròng rã theo dòng đời, xuyên tháng năm của một cậu bé, từ giai đoạn tuổi thơ cho tới lúc trưởng thành.

Tính thử nghiệm của bộ phim Boyhood giúp cho đạo diễn Richard Linklater nằm ở chỗ khảo sát cuộc sống gia đình, chất vấn quan hệ con người xuôi dòng trình tự thời gian. Nó tạo ra một phong cách làm phim cũng như một lối tiếp cận điện ảnh khác lạ. Điểm nổi bật nhất trong tác phẩm này là nó phá vỡ các quy ước về thể loại phim truyện, phim không những phản ánh cuộc sống đời thường mà còn là thước đo thời gian thực tế. Từ trước tới nay, thủ pháp này chỉ được sử dụng trong phim tài liệu quay các cảnh thiên nhiên và động vật hoang dã để nói về sự tuần hoàn bốn mùa hay là sự biến đổi tự nhiên theo chu kỳ.

Trong lãnh vực phim truyện, thì chỉ có vài tên tuổi mới có đủ sự nhẫn nại để theo đuổi một quá trình làm phim dài hơi, kéo dài từ năm này qua năm nọ, đôi khi có nhiều sự gián đoạn trong dự án thực hiện những phần kế tiếp, kịch bản cũng như nhân vật vì thế phải thay đổi để có thể thích nghi theo tình huống và điều kiện làm phim. Đó là trường hợp của các đạo diễn như Stanley Kubrick người Anh, Lars von Trier người Đan Mạch hay François Truffaut người Pháp …

Đạo diễn bậc thầy người Thụy Điển Ingmar Bergman từng quay hai bộ phim nói về đời sống của một cặp vợ chồng (Scènes de la vie conjugale) với cùng một cặp diễn viên gạo cội trong vai chính (Liv Ullmann và Erland Josephson). Khoảng cách thời gian giữa hai tập phim này là 30 năm (1973-2003).

Đạo diễn người Pháp François Truffaut thì từng thực hiện năm bộ phim với cùng một nhân vật. Quá trình làm năm bộ phim này trải dài trên 20 năm, người xem theo dõi vết chết của nhân vật Antoine Doinel (do Jean Pierre Léaud đóng vai chính) từ những năm tháng ngỗ nghịch đầu đời của một cậu bé cho tới lúc trưởng thành, lập gia đình rồi ly hôn …

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp của cả hai đạo diễn Ingmar Bergman và François Truffaut, phim của họ giống như là một album ảnh chụp lưu niệm, mỗi tập phim thu vào trong ống kính một cột mốc thời gian nhất định, trong khi sợi chỉ đỏ của tác phẩm Boyhood của đạo diễn Mỹ Richard Linklater lại là tính liên tục liền mạch của thời gian … 12 năm trời đúc kết cô đọng lại thành một tác phẩm điện ảnh dài khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ.

Trước khi bắt tay thực hiện dự án Boyhood, đạo diễn Richard Linklater từng quay ba bộ phim trong cùng một chu kỳ là Before Sunset (Trước lúc hoàng hôn), Before Sunrise (Trước lúc bình minh), và Before Midnight (Trước lúc nửa đêm) và ứng dụng một cách quay phim tương tự. Ba bộ phim này kể lại một câu chuyện tình kéo dài trong gần 20 năm, và khoảng cách thời gian giữa mỗi tập phim là 9 năm. Những khán giả nào say mê dòng phim truyện của đạo diễn này cũng không khỏi bực mình, hụt hẫng vì cứ mỗi lần họ phải chờ đợi trong nhiều năm trời để theo dõi diễn biến của câu chuyện tình của những hân vật mà cảm thấy gắn bó gần gũi …

Thế nhưng theo quan niệm của đạo diễn Richard Linklater, một kịch bản gói ghém trọn vẹn một mối tình trong vòng 18 năm rất khác với một câu chuyện tình với ba dấu chấm bỏ lững, trải dài trên gần hai thập niên. Sự khác biệt lớn nhất xuất phát từ quan niệm của chính tác giả. Mười tám năm trôi qua cũng là cái khoảng thời gian mà nhà đạo diễn cảm nhận và tích lũy kinh nghiệm cuộc sống, suy nghĩ trăn trở của ông về ý nghĩa của cuộc sống dày dặn hơn theo những vết nhăn trên trán. Nói như vậy có nghĩa là trong loạt phim này, đạo diễn già theo các nhân vật mà ông muốn thể hiện qua các tác phẩm của mình.

Chính cũng vì thời gian quay phim trải dài trên rất nhiều năm, cho nên đạo diễn Richard Linklater như thể nhập tâm với các vai chính của câu chuyện, để rồi từ đó chia sẻ với người xe cái cảm giác ‘‘sống cùng’’ với nhân vật. Đạo diễn này quay phim nhưng lại không có kịch bản đóng khung. Các diễn viên từng làm việc với ông đều công nhận rằng : nhà đạo diễn này chỉ nói cho họ biết cái bối cảnh quay phim chứ dường như không có chỉ đạo gì cả, về mặt đối thoại cũng như lối diễn xuất.

Điều mà ông quan tâm hơn hết vẫn là diễn biến nội tâm của các nhân vật, đối thoại trở nên tự nhiên do ứng khẩu tùy theo hoàn cảnh và khoảnh khắc nhất thời, và nhà đạo diễn nương theo các tình huống đó mà triển khai thêm câu chuyện, chứ thật ra cốt truyện không nhất thiết phải có chủ đích, không nhất thiết phải đi về một phương hướng đã vạch ra, hay là câu chuyện phải dẫn đến một kết cục đã định sẵn theo kịch bản khóa kín.

Tất cả những yếu tố đó giúp cho nhãn quan cũng như lối tiếp cận của nhà đạo diễn người Mỹ trở nên khác thường độc đáo. Nhân lễ trao giải Quả cầu vàng vừa qua, cả hai giải thưởng quan trọng dành cho đạo diễn và tác phẩm chính kịch xuất sắc nhất là một cách để cho giới phê bình công nhận tính cách làm phim thử nghiệm của Richard Linklater, không kém gì các bậc đàn anh như Terrence Malick hay Stanley Kubrick.

Không phải ngẫu nhiên Richard Linklater được đánh giá như là một trong những tiếng nói khác lại hàng đầu, và có một chỗ đứng cá biệt trong làng phim độc lập nói riêng, làng điện ảnh Mỹ nói chung. Từ trước tới nay, khi nhắc đến chữ ‘‘trường thiên’’ người ta thường nghĩ tới bề dày của một tác phẩm, trong trường hợp của Richard Linklater, thì chữ ‘‘trường thiên’’ còn mang thêm ý nghĩa độ dài và chiều sâu cả về thời gian lẫn ý tưởng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.