Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Game of Thrones tranh quyền Bá Vương

Đăng ngày:

Bạn có biết đâu là điểm chung giữa Tổng thống Mỹ Obama, giám đốc tập đoàn Facebook Mark Zuckerberg và nữ hoàng nhạc pop Madonna. Thoạt nhìn, các nhân vật nổi tiếng này chẳng có liên hệ gì với nhau, nhưng thật ra cả ba đều là fan hâm mộ ‘‘cuồng nhiệt’’ của loạt phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ Game of Thrones (Trò chơi Vương quyền).

Quảng cáo

Gần đây, Game of Thrones vừa tung lên mạng internet các đoạn phim quảng cáo ngắn (teaser) theo lối thông tin úp mở nhỏ giọt, hầu tạo cơn sốt nơi giới hâm mộ cũng như khơi gợi tính hiếu kỳ của người xem qua những hình ảnh đầu tiên trích từ các tập phim của mùa thứ năm, dự trù được phát sóng vào ngày 12/04/2015 trên kênh truyền hình HBO. Cách đây bốn năm, khi ra mắt khán giả lần đầu tiên vào trung tuần tháng Tư năm 2011, loạt phim phóng tác từ bộ tiểu thuyết trường thiên (A Song of Ice and Fire) của tác giả người Mỹ George Raymond Richard Martin (George R.R. Martin) đã thu hút hàng chục triệu người hâm mộ trên toàn thế giới.

Theo nguyệt san Vanity Fair của Mỹ, nhân mùa lễ Phục Sinh năm 2012, giám đốc mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đang thương lượng gay go để mua lại toàn bộ công ty Instagram. Vòng đàm phán đang diễn ra ráo riết đột nhiên bị gián đoạn. Tưởng chừng ông giám đốc trẻ tuổi này có chuyện gì cấp bách hơn cần phải giải quyết ngay, hóa ra ông chủ Facebook cho dừng lại mọi công việc và yêu cầu không bị quấy rầy, chỉ vì muốn xem tập phim Game of Thrones đang phát sóng trực tiếp. Một tiếng đồng hồ sau, hai bên lại tiếp tục thương lượng, để rồi đồng ý ký thỏa thuận mua bán, với trị giá lên đến một tỷ đô la. Câu chuyện này đủ cho thấy sức cuốn hút của loạt phim Game of Thrones mạnh mẽ đến chừng nào.

Tựa đề Game of Thrones được đặt theo tập đầu của bộ trường thiên tiểu thuyết, mà theo dự kiến sẽ có đến bảy tập. Tính đến nay, tác giả George R.R. Martin mới viết xong năm tập, hai tập còn lại ra mắt độc giả sớm lắm là trong vòng ba hoặc bốn năm tới. Theo lời của chính tác giả, ông hy vọng là hồi kết của loạt phim sẽ được chuyển thể lên màn ảnh lớn với tầm cỡ và mức đầu tư y như là phim truyện Hollywood.

Từ bối cảnh, địa danh cho tới tên gọi của các vương quốc, toàn bộ các yếu tố trong phim đều là hư cấu. Game of Thrones diễn ra vào một kỷ nguyên giống như thời Trung Cổ, các vương quốc nằm trên nhiều lục địa khác nhau (trong đó có Westeros và Essos). Trong phim Game of Thrones có đến hàng trăm nhân vật, đan xen cùng lúc nhiều tuyến truyện khác nhau.

Tuyến thứ nhất nói về các mối quan hệ xung đột tỵ hiềm giữa các thành viên trong cùng một gia tộc (dòng dõi Lannister). Gia đình này xâu xé đến mức tìm cách hãm hại lẫn nhau để tranh giành ngôi báu bọc kiếm sắt (The Iron Throne). Gia tộc Lannister cũng phải đối đầu với nhiều dõng dõi khác như Stark và Baratheon, vì phe nào giành lấy được ngai vàng sẽ trị vì 7 vương quốc ven biển (trên lục địa Westeros).

Tuyến truyện thứ hai nói về cuộc hành trình của nữ hoàng Daenerys thuộc dòng họ Targaryen, có tài điều khiển rồng lửa, gia tộc này sống trên lục địa sa mạc Essos, khi xưa đã từng nắm quyền, nay muốn thâu tóm lại toàn bộ quyền lực, từ phương Đông điều động quân binh tiến hành viễn chinh. Tuyến truyện thứ ba kể lại mối hiểm họa rình rập đến từ phương Bắc. Vùng đất hoang vu quanh năm đóng băng, thành trì phủ tuyết, nơi có nhiều giống loài ma quái huyền bí, có khả năng vực dậy xác chết, điều khiển âm binh.

Ngay từ những tập đầu tiên, Game of Thrones đã lập kỷ lục về số lượng người xem, tạo ra hàng loạt lời bình luận trên các diễn đàn trực tuyến, làm bùng nổ hiện tượng tải phim lậu, mở ra phong trào parody, qua đó các fan nhái lại các bài hát, các cảnh quay hay cải trang thành nhân vật y hệt như trong phim. Chưa kể đến phong trào đặt tên con theo các nhân vật của Game of Thrones, tiêu biểu nhất là Khaleesi và Tyrion.

Thoạt đầu được đánh giá như là một phiên bản nghèo nàn về mặt kinh phí đầu tư của Chúa tể các chiếc nhẫn (Lord of the Rings) của tác giả Tolkien, nhưng rốt cuộc “Game of Thrones” lại nhanh chóng trở thành phim bộ truyền hình ăn khách nhất. Nội dung của hai tác phẩm này rất khác nhau : Chúa tể các chiếc nhẫn nói về cuộc đối đầu giữa hai phe chính và tà. Trong khi Game of Thrones xoáy vào cuộc chiến sống còn để tranh giành quyền lực, với nội dung táo bạo ở chỗ thất đức vô hậu, cay độc vì đi ngược lại với tư tưởng phải đạo : anh giết em, con giết cha … cốt nhục càng tình thâm thì máu mủ càng tương tàn …

Kịch bản Game of Thrones đầy tham vọng do có tới cả trăm nhân vật, tình tiết vì thế mà trở nên éo le phức tạp hơn. Đa số các nhân vật đều không hẳn là chính hay tà, kẻ tốt bụng đôi khi phải giết người để hy vọng sống sót (Arya Stark, Tyrion Lannister). Trong những tập đầu, một số nhân vật rất đáng ghét, nhưng vài tập sau, khán giả lại có nhiều thiện cảm hơn (Jaime Lannister). Ranh giới giữa thiện và ác khá mập mờ, xoay chiều theo thời cuộc thay đổi theo tình thế, nên chính tà càng khó mà phân biệt.

Các nhân vật chính trong phim đều có những toan tính riêng để không ‘’chết sớm’’ trong trận chiến tranh giành quyền lực. Người dùng mưu kế, kẻ dùng thủ đoạn, bắt tay với kẻ thù (cũ) hay phản bội đồng minh để tìm lối sinh trong muôn ngàn cửa tử. Nội tâm của các nhân vật càng đa tầng phức tạp, diễn biến của câu chuyện càng không dễ tiên đoán. Nội dung vì thế trở nên hấp dẫn do câu chuyện gây hồi hộp, các tình tiết éo le gay cấn.
Game of Thrones trong cách xây dựng nhân vật, tạo ra những mẫu người đầy cá tính : nhỏ mọn tiểu nhân, khôn ranh chai lỳ, hào hiệp nghĩa khí.

Các nhân vật nữ trong phim như Daenerys Targaryen hay Lady de Brien rất hiện đại tân thời, biểu hiện cho nữ quyền lên ngôi. Nét độc đáo táo bạo nhất của bộ phim là không có nhân vật nào thực sự ‘’an toàn’’. Câu hỏi đặt ra và cũng là động lực thôi thúc bộ phim đều xoay quanh cái chết : đành rằng con người ai cũng phải chết, nhưng trong phim chết trước hay chết sau, chết oan hay chết yểu mới là điều đáng bận tâm.

Lối dựng kịch bản Game of Thrones làm cho các nhân vật có thể đột tử bất cứ lúc nào, khán giả vì thế mà càng hồi hộp nín thở hy vọng rằng nhân vật mà họ yêu thích sẽ trường thọ, không đến nỗi phải ‘’chết sớm’’. Game of Thrones sắp bước sang mùa chiếu phim thứ năm, mỗi mùa 10 tập. Nhưng giới hâm mộ vẫn chưa thể xác định được là liệu các nhân vật chính có sống sót trong những tập sau hay không.

Trong cuộc tranh giành quyền lực, không biết gia tộc nào sẽ phải chịu hy sinh mất mát đến bao nhiêu hầu giành lấy ngai vàng. Những yếu tố ‘’bấp bênh’’ đó chính là sợi chỉ đỏ khiến cho khán giả càng đánh trống tim hồi hộp, càng dán mắt chăm chú theo dõi. Tập 9 của mùa chiếu phim thứ ba mang tựa đề The Red Wedding (Tiệc cưới đẫm máu) có cảnh phim cuối cùng làm cho khán giả sửng sốt kinh ngạc : có người phải há hốc mồm vì hoảng sợ hết hồn, người thì thét to lên do hãi hùng khiếp vía.

Mỗi mùa phim “Game of Thrones” có kinh phí chung lên tới gần 100 triệu đô la (mỗi tập là từ 8 đến 10 triệu), tức là không kém gì một blockbuster. Loạt phim này được đầu tư khá kỹ lưỡng, từ nội dung, trang phục cho tới hoạt cảnh. Phim trường dựng nhiều cảnh quay khá hoành tráng, kỹ xão điện toán tương đối công phu bắt mắt để tạo ra những cổ thành nguy nga, cung điện tráng lệ, các cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bức tường phủ tuyết phương Bắc cao chọc trời, sóng nước mênh mông vịnh Hắc Thủy, đoàn âm binh gồm toàn là những thây ma, xác chết biết đi làm cho người xem cảm thấy hơi ớn lạnh xương sống.

Loạt phim “Game of Thrones” cũng có nhiều cảnh phòng the nóng bỏng, những lời thoại khá thô tục, đề cập tới những vấn đề tối kỵ như loạn luân dù là trong giới hoàng gia qúy tộc thời phong kiến. Điều đó có thể làm cho một số khán giả thẹn thùng đỏ mặt. Những tình tiết ấy được các fan hâm mộ bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn. Một số ý kiến cho rằng phim này có quá nhiều cảnh lăng loàn dâm đãng cũng như chém giết hung bạo không cần thiết, chỉ cần gợi ý là đủ rồi chứ không cần phải cho xem tận ngươi, rửa tận mắt.

Được phóng tác từ bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire của tác giả George Raymond Richard Martin (George R. R. Martin), “Game of Thrones” kết hợp dung hoà nhiều mạch phim với nhau : một chút mạo hiểm phiêu lưu theo kiểu anh hùng ca, phim cổ trang nhưng bối cảnh lịch sử thì lại không có thật, phim cũng có pha trộn với một chút thần thoại với âm binh, rồng lửa, phép tà, ma thuật.

Về nội dung, nhiều người nhắc tới ảnh hưởng của Shakespeare nhất là các vở kịch nói về các nhân vật lịch sử, nhưng đằng sau sự thành công phi thường của Game of Thrones, ảnh hưởng rõ nét nhất vẫn là các tác phẩm của Machiavel (tiếng Ý là Machiavelli 1469 - 1527).

Vào thời Phục Hưng, nhà ngoại giao Machiavel lỗi lạc xuất chúng nhưng không kém phần mưu mô xảo quyệt, được xem như là đã sáng lập ra nhiều học thuyết chính trị hiện đại. Thời Machiavel còn trẻ, nước Ý phân chia thành 5 vương quốc lớn : Napoli ở phía Nam, Milano ở phía Tây Nam, Venise (Venezia) ở phía Tây Bắc, Florence (Firenze) và công quốc Giáo hội ở miền Trung. Cuối thế kỷ XV, chính quyền Florence bổ nhiệm Machiavel làm Ngoại trưởng năm ông 29 tuổi.

Từ những kinh ngiệm ngoại giao và nhất là từ việc chứng kiến các sự kiện lịch sử liên quan tới các triều đại vua chúa thời Phục Hưng, Machiavel đã rút tỉa nhiều học thuyết có giá trị cho tới tận ngày nay : chẳng hạn như học thuyết cương nhu, cai trị với bàn tay sắt trong chiếc găng bằng nhung (bọc nhung), cứu cánh biện minh cho phương tiện, ngoài các học thuyết tề gia trị quốc, ông còn viết binh pháp và cách dọ thám thu thập thông tin …

Trên nhiều phương diện, bộ tiểu thuyết của George R. R. Martin có những nét giống như nước Ý phân chia thời Phục Hưng, những thủ đoạn hay mưu kế trong Trò chơi tranh giành bá quyền giống như những gì Machiavel từng nhắc đến, thông qua những sự kiện lịch sử có liên quan tới ít nhất là hai gia tộc : thứ nhất là dòng dõi Medicis, trị vì tại Florence (Firenze) trong hơn ba thế kỷ, từ giai đoạn cực thịnh (thế kỷ XV) cho tới thời kỳ suy tàn (thế kỷ XVII). Gia tộc thứ nhì là dòng dõi Borgia xuất thân từ triều đại Tây Ban Nha, nhưng nhờ mưu kế mà soán ngôi tước quyền Giáo hoàng tại Ý vào thời Phục Hưng (giữa thế kỷ XV).

Cái khéo của George R. R. Martin là đã gợi hứng vay mượn từ những điển tích cổ xưa để tạo ra một hệ thống nhân vật vững chắc, đan xen thêu dệt vào một bối cảnh hư cấu huyền ảo, như Tolkien đã từng làm trong bộ tiểu thuyết Chúa tể các chiếc nhẫn, nhưng nội dung của Game of Thrones thâm độc, tàn bạo và đẫm máu hơn. Cuộc tranh giành quyền lực bá vương làm nổi bật lên bộ mặt thật của con người tùy theo tình huống : tưởng chừng quân tử nào ngờ tiểu nhân, kẻ có thân phận thấp hèn đôi khi lại biết hành động cao quý, những tấm gương sáng đặt bên cạnh những lòng dạ ghê tởm đồi bại

Ban đầu tập trung vào cuộc chiến giữa các gia tộc Stark và Lannister, cốt truyện Game of Thrones dần dần phân nhánh, được nuôi dưỡng bởi hàng loạt vai mới, thay thế cho lớp nhân vật ‘’chết yểu’’, thế giới của Game of Thrones bao la về mặt địa lý chính trị, mênh mông vì tạo dựng được cả một hệ thống lịch sử và xã hội riêng biệt, từ đẳng cấp đến tập quán. Cách xây dựng đó gần giống với bộ truyện khoa viễn tưởng Dune của tác giả Frank Herbert nhiều hơn là loạt phim Star Wars của đạo diễn George Lucas …

Nhờ có được một lượng fan đông đảo mà Game of Thrones đã áp đặt uy tín của mình trong lãnh vực sách truyện và phim truyền hình, và cũng từ đó mà lan sang các lãnh vực khác như game video và dòng sản phẩm khai thác cùng thương hiệu. Giới ghiền xem phim này cũng tạo ra một cộng đồng cư dân mạng tích cực, họ ghiền đến mức đem mỗi chi tiết ra mổ xẻ, bàn luận. Điều đó đôi khi phản tác dụng vì nó ‘’bật mí’’ các diễn tiến liên quan tới các nhân vật trong những mùa sắp tới. Chẳng hạn như dựa vào thông tin ký hợp đồng nhiều năm của các diễn viên, ta có thể phỏng đoán là các nhân vật do họ thủ vai sẽ không chết sớm.

Vấn đề thứ hai của Game of Thrones là nguy cơ cạn nguồn kịch bản. Tác giả George R. R. Martin thường mất từ bốn đến năm năm để hoàn tất một tập sách của bộ truyện. Với tiến độ hiện nay, loạt phim truyền hình đã bắt kịp nhịp độ phát hành sách, và rất có thể là tác giả sẽ George R. R. Martin sẽ phải nhờ đến sự hợp tác của nhiều nhà biên kịch. Thế nhưng công việc viết ‘’kịch bản bốn tay’’ rất khác với cuộc hành trình ‘‘đơn thương độc mã’’, chỉ có một mình nhà văn ngồi trước trang giấy trắng.

Ngay sau khi mùa phim thứ ba kết thúc với đỉnh điểm của Tiệc cưới đẫm máu (The Red Wedding), mùa phim thứ tư có một vài dấu hiệu hụt hơi trong kịch bản. Có lẽ các nhà biên kịch chuyển thể phóng tác một cách tự do hơn, điều đó ảnh hưởng tới nhịp điệu của bộ phim cũng như trọng lượng của từng nhân vật. Không biết là sắp tới đây trong những mùa kế tiếp, kịch bản sẽ phải ‘‘leo thang’’ tới mức nào để duy trì sức hấp dẫn lôi cuốn.

Mưu ma chước quỷ, loạn luân tối kỵ, đấu gươm đấu trí, rồng lửa thần kỳ, âm binh huyền bí … đó là tất cả các bí quyết ăn tiền tạo nên ma lực kinh thiên của loạt phim Game of Thrones. Trong lãnh vực phim truyền hình, Game of Thrones đã giành lấy ‘‘ngôi vua’’, ngự trị trên ngai vàng bọc kiếm sắt, chinh phục khán giả toàn cầu nhờ vào kịch bản ‘‘sử thi’’ khoáng hậu vô tiền, nhờ chiến tích kinh điển Bá Vương tranh quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.