Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Sắc màu trong vở múa Petruska của Stravinsky

Đăng ngày:

Vẽ nên những bức họa dân gian và thể hiện bản sắc Nga bằng âm nhạc, hiếm ai thành công hơn tác giả Igor Stravinsky, trên bình diện đó. Petruska, sáng tác năm 1910-1911, là một trong ba vở múa ba-lê nổi tiếng của Stravinsky và cũng là tác phẩm đầu tiên nhạc sĩ người Nga không sáng tác trên đất mẹ.

Tác giả Stravinsky tạo dựng được một ngôn ngữ âm nhạc mới cho vở múa Petruska - DR
Tác giả Stravinsky tạo dựng được một ngôn ngữ âm nhạc mới cho vở múa Petruska - DR
Quảng cáo

Petruska là câu chuyện dân gian, với một ông thầy phù thủy và ba con rối : một hình nộm được nhồi bằng mạt cưa, một cô vũ nữ và một tên mọi đen. Tác phẩm này được chia ra làm bốn đoạn. Ở đoạn đầu, khán giả lạc vào một phiên chợ tại Saint Petersbourg.

Không khí của ngày hội dân gian tỏa ra từ những nốt nhạc : người thì làm xiếc, kẻ thì quay đàn mua vui cho công chúng. Những đôi trai gái tưng bừng như chảy hội, trẻ thơ háo hức trước những chiếc đu quay … những hoạt cảnh đó được thể hiện qua những giai điệu dồn dập… Mọi hoạt động đều dừng lại khi ông phù thủy với chiếc đũa thần thổi hồn vào ba con rối trong gánh hát rong của mình.Chúng làm mê hoặc đám đông.

Nhưng ở hậu trường sân khấu, là cả một tấn bị kịch rất cổ điển đang mở ra với một chuyện tình tay ba. Petruska là một hình nộm nhưng hắn đã được ông phù thủy ban cho linh hồn và con tim. Cảnh hai mở ra trong một căn phòng tăm tối như tâm tạng Petruska lúc này. Con rối tuyệt vọng vì diện mạo xấu xí của mình, không xứng đáng để được cô vũ nữ xinh đẹp ban cho một ánh mặt hay nụ cười. Petruska ghen tỵ với tên mọi đen, hời hợt, vô tình nhưng lại là kẻ đã ngự trị trong con tim của người đẹp.

Bước vào đoạn ba, cô vũ nữ tìm đến với căn phòng ấm cúng của tên mọi đen. Nàng bắt đầu một vũ khúc đầy ma lực. Hai chiếc bóng hòa quện vào nhau trong nhịp đôi của một bản valse du dương, uyển chuyển, để mặc cho Petruska bị lửa ghen thiêu đốt, liều mạng xông vào tấn công đối thủ.

Trở lại với không khí náo nhiệt của lễ hội dân gian trong cảnh bốn : lại cũng người mua, kẻ bán, cũng những nghệ sĩ đường phố mua vui cho bà con … rồi bỗng dưng là một màn rượt đuổi. Tên mọi đen, tay cầm rìu tặng cho con rối Petruska một đòn chí tử. Chợ tan, Petruska là bóng ma hiện về bên ông thầy phù thủy.

Petruska là tác phẩm đầu tiên nhạc sĩ người Nga Igor Stravinsky sáng tác ở hải ngoại. Ra đời chỉ vài tháng sau thành công vượt bực của vở múa Con Chim Lửa - L’Oiseau de Feu, nhưng trước khi ông sáng tác Nghi lễ mùa Xuân – Le Sacre du Printemps. Petruska là dự án hợp tác thứ nhì giữa nhà sọan nhạc còn trẻ tuổi Igor Stravinsky (1882-1971) cùng ông bầu của đoàn múa ba-lê Serguei Diaghilev. Vở múa này được diễn lần đầu tiên tại nhà hát Châtelet, Paris ngày 13/06/1911. Petruska đã gây nhiều chú ý.

Ngôn ngữ âm nhạc mới của Stravinsky

Người khen thì thán phục tài của một nhạc sĩ tiên phong đưa những sắc màu mới lạ vào dòng nhạc của mình. Petruska trước hết là một tác phẩm với rất nhiều gam mầu và những âm điệu phong phú. Lối sử dụng nhiều bè khác nhau của các dàn nhạc cụ được coi là một bước đột phá trong làng nhạc cổ điển ở vào đầu thế kỷ XX. Nhờ cách chồng nhiều giai điệu lên nhau – polythématisme- Stravinsky tạo ra được không khí của ngày hội, của đám đông, của những sinh hoạt cùng diễn ra một lúc.

Kẻ chê thì cho rằng Petruska là một tác phẩm lủng củng, chối tai. Nhiều người tự hỏi tại sao Igor Stravinsky lại sử dụng những âm tiết chẳng mấy hài hòa, nhịp điệu không đồng đều. Cách nay hơn một thế kỷ một phần khán giả yêu chuộng nhạc cổ điển có biết được rằng, để tạo được sự kém hài hòa trong dòng sáng tác đó, Stravinsky đã dày công nghiên cứu, tìm tòi những sắc điệu, những tiết tấu mới để tạo nên hơi thở cho tác phẩm phẩm của mình. Điều đó càng thể hiện rõ hơn với Le Sacre du Printemps, được sáng tác vào năm 1913.

Igor Stravinsky ở vào đầu những năm 1900 đã liên tục đi tìm một ngôn ngữ mới cho âm nhạc. Trong hành trình đó, tác giả người Nga này đã không ngần ngại mượn những giai điệu dân gian, cả của Nga, lẫn của Pháp để đưa vào sáng tác.

Chính những cung điệu bị chê là khập khiễng, nghịch tai, kém nhịp nhàng đó đã cho phép tác giả lột tả hết những tâm tư của con người, cũng như tâm trạng rối ren, đau khổ của Petruska : điệu lamento là những chuỗi thở dài của một con rối, tủi thân không được người đẹp đoái hoài ; nhịp điệu furioso là giây phút Petruska vùng lên, để rồi nhận thấy rằng, mình chỉ là một con rối do gã phù thủ điều khiền. Với điệu andantino ta cảm nhận được những nỗi niềm và thất vọng của Petruska Những âm hưởng đó trái ngược hẳn với không khí vui nhộn, nhẹ nhàng, đầy thi vị khi màn chót của vở mùa vừa khai mở.

Petruska, hay một sự tình cờ

Không chỉ tiến hành một cuộc cách mạng trong phong cách sáng tác, trong cách xử lý các nhạc cụ, Igor Stravinsky còn khoác lên cho dòng nhạc cổ điển một chiếc áo mới khi ông đưa những nhạc cụ rất dân dã – như là đàn thùng quay tay - orgue de Barbarie/ barrel organ - vào dàn nhạc giao hưởng. Trong Petruska, đàn orgue de Barbarie đã có một chỗ đứng riêng biệt trong cái thế giới thanh tao và quý phái của dòng nhạc cổ điển truyền thống.

Lại cũng Stravinsky đã phá rào để đưa không khí của ngày hội, của những gánh xiếc rong vào một thế giới rất ngăn nắp và có chọn lọc của những người yêu âm nhạc ở vào đầu thế kỷ XX.

Trong hồi ký « Chroniques de ma vie » năm 1935 chính Stravinsky kể lại về sự ra đời của Petruska : trước khi bắt tay vào việc sáng tác Nghi lễ mùa Xuân, -theo như đơn đặt hàng của ông chủ đoàn múa ba-lê Nga, Sergei Diaghilev, mà ông biết trước đó sẽ là một tác phẩm dài hơi- để thư giãn tinh thần Igor Stravinsky đã sáng tác một bản nhạc mà ở đó nhân vật chính chung cuộc sẽ rước lấy hậu quả thảm khốc. Diaghilev đã thích nhân vật Petruska của Stravinsky đến nối ông khuyến khích nhà soạn nhạc triển khai thêm về chủ đề này, để từ một bản nhạc trở thành cả một vở kịch múa.

Ngày trở về

Igor Fiodorovitch Stravinsky sinh năm 1882 tại Nga. Ông là một nhà soạn nhạc, một nhạc sĩ dương cầm và một nhạc trưởng tiêu biểu của thế kỷ XX. Igor Stravinsky, một công dân của thế giới trước thời đại : lớn lên và bắt đầu thành danh trên đất mẹ, nhưng khi Thế chiến Thứ Nhất bùng nổ năm 1914 và tiếp theo đó là cuộc cách mạng Nga năm 1917, ông đã liên tục sống ở hải ngoại, đi về giữa châu Âu với Hoa Kỳ. Ngoài quốc tịch Nga, Stravinsky còn là một công dân Pháp và Mỹ, kết bạn với những Picasso hay Coco Chanel.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, ông định cư hẳn ở Hoa Kỳ và đã qua đời New York. Mộ phần của Stravinsky được đặt tại nghĩa trang San Michele-Venise. Đây cũng là nơi Sergei Diaghilev yên nghỉ. Diaghilev là người bạn đồng hành trong cuộc đời lưu vong và cũng là người đầu tiên đã nhìn thấy ở Stravinsky một hiện tượng trong âm nhạc.

Mãi tới năm 1962 Igor Stravinsky mới trở về lại Liên Xô sau 48 năm xa cách. Trong ba tuần lễ ở quê nhà, ông đã liên tục điều hành các dàn giao hưởng của Matxcơva và Saint Petersbourg để chia sẻ với đồng hương hơn 50 năm sự nghiệp cống hiến cho âm nhạc. Stravinsky đã được lãnh tụ Liên Xô thời đó Nikhita Kroutchev đón tiếp như một vị nguyên thủ quốc gia.

Tất cả những ý tưởng mới từ hình thức đến nội dung, khiến Stravinsky ngay lúc còn sinh tiền đã trở thành nhạc sĩ được các nhà phê bình dành cho rất nhiều giấy mực, ngang tầm với Wagner. Và cũng hiếm có một tác giả nào lại gây chia rẽ lớn trong hàng ngũ khán thính giả của mình như Stravinsky. Chỉ với một vài tác phẩm đầu tay cũng đủ để Igor Stravinsky được mệnh danh là một thiên tài. Nhưng cũng chỉ ngần ấy sáng tác cũng đủ để cha đẻ của Nghi lễ mùa Xuân bị cho là đã « bôi tro trát chấu » vào một thể loại nghệ thuật cao quý nhất.

Nhạc sĩ Pháp, Claude Debussy (1862-1918), người đã « thổi một làn gió tự do vào âm nhạc », trong một lá thư gửi tới Igor Stravinsky ngày 13 tháng 4 năm 1912 đã viết : « (…) trong tác phẩm này thực sự đã có một màn ảo thuật về âm thanh, có những thay đổi huyền diệu để tâm tư của một con rối mang đậm tính người. Đến nay tôi nghĩ anh là người duy nhất tạo nên được điều ấy (…) Tôi tin chắc rằng anh sẽ còn đi xa hơn nữa (trên con đường nghệ thuật và âm thanh) sau Petruska. Nhưng ngay từ bây giờ, anh có thể hãnh diện về tác phẩm vừa hoàn tất ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.