Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Bảy võ sĩ Samurai, 60 năm kiệt tác Kurosawa

Đăng ngày:

Cách đây sáu thập niên, đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa trình làng bộ phim 7 võ sĩ Samurai (Shichinin No Samurai - Seven Samurai). Cho tới nay, tác phấm này vẫn nằm trên danh sách 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Trong tháng này, phiên bản hoàn chỉnh nhất dài gần ba tiếng rưỡi đồng hồ được phát hành nhân dịp 60 năm ngày ra đời của Seven Samurai.

Seven Samurai của Kurosawa là một trải nghiệm khó quên đối với người xem, một bài học đối với giới làm phim (DR)
Seven Samurai của Kurosawa là một trải nghiệm khó quên đối với người xem, một bài học đối với giới làm phim (DR)
Quảng cáo

Được tái bản dưới dạng DVD Blu Ray, bộ phim Seven Samurai (207 phút) nhặt sạn và sàng lọc lại các khuyết điểm của phiên bản chính gốc, tẩy sạch những tỳ vết của các thước phim nhựa, định sáng hậu kỳ giúp cho bộ phim trắng đen rõ nét hơn, phần âm thanh nhạc nền cũng trở nên hoàn chỉnh. Quan trọng hơn nữa, phiên bản Blu Ray đi kèm với hai bộ phim tài liệu, trong đó có phóng sự dài khoảng 20 phút phỏng vấn các thành viên còn sống của đoàn làm phim.

Bộ phim tài liệu thứ nhì (của Catherine Cadou) dài gần một tiếng đồng hồ, phác họa tầm cỡ của Kurosawa cũng như phản ánh ảnh hưởng của ông đối với các nhà làm phim nổi tiếng thời nay. Với tựa đề Kurosawa The Way, cuộn phim tài liệu này cho thấy trong chừng mực nào cái phong cách độc đáo, những bí quyết tuyệt kỹ của đạo diễn bậc thầy xứ hoa anh đào đã chỉ đường dẫn lối cho thế hệ đạo diễn đi sau.

Đối với đạo diễn người Mêhicô (Alejandro González) Iñárritu, có hàng ngàn cách để kể một câu chuyện, để dựng một cuốn phim. Nhưng điều thú vị nơi Kurosawa là ông đã loại bỏ hẳn cấu trúc nhất định, quan điểm một chiều và nhất là lối kể chuyện theo trình tự thời gian, theo một tuyến duy nhất. Ngôn ngữ điện ảnh của Kurosawa đa tầng nhiều lớp, thông qua các nhân vật, phản ánh cùng lúc nhiều quan điiểm nhiều góc nhìn khác nhau.

Trong mắt nhà làm phim người Iran Abbas Kiarostami, đạo diễn Kurosawa đã mở ra một lối tiếp cận mới trong cách dựng nhân vật. Ông ít dùng lời thoại để giới thiệu hay giải thích dài dòng mà lại dùng ống kính để soi rọi vào một cá tính đặc thù (nhiều hơn là thân thế) của mỗi nhân vật. Thủ pháp hoán dụ ấy thường được dùng trong phim ảnh sau này (nhất là trong những phim có nhiều vai chính), để sắp đặt bố trí các nhân vật mà không ảnh hưởng đến nhịp phim.

Đối với đạo diễn Hồng Kông Ngô Vũ Sâm (John Woo), trước khi quay một bộ phim, dù tác phẩm có thuộc vào thể loại nào đi chăng nữa, thì ông vẫn xem lại Seven Samurai của Kurosawa. Từ đạo diễn người Nhật, Ngô Vũ Sâm học hỏi cách chỉ đạo diễn viên nhất là trong các pha hành động, mỗi cảnh quay tựa như một động tác, trở nên ăn khớp liền mạch nhờ cách biên đạo múa. Kurosawa có lối dùng flashback không ai sánh bằng, các đoạn phim hồi tưởng được lồng rất khéo vào câu chuyện, giúp cho bộ phim không bao giờ bị gián đoạn đứt mạch, các tuyến truyện chồng lớp lên nhau mà vẫn không khập khà khập khiễng.

Về phần mình, đạo diễn người Mỹ Martin Scorsese rất khâm phục cách đặt ống kính thu hình của Kurosawa. Đành rằng nó xuất phát từ nhu cầu tiết kiệm chi phí dựng hoạt cảnh, trong phim này có cảnh phóng hỏa đốt cháy cối xay lúa và đoàn làm phim chỉ có thể quay một lần. Thế nhưng, Kurosawa là một trong những người đầu tiên dùng đến ba ống kính khách nhau để quay cùng một màn nhìn dưới nhiều góc độ. Ngôn ngữ hình ảnh của Kurosawa nhờ vậy mà sinh động, linh hoạt hơn. Phương thức đó trở nên phổ biến sau này tại Hollywood. Kurosawa trở nên tiêu biểu cho lớp đạo diễn khắc phục những khó khăn kỹ thuật để phục vụ cho tiêu chí nghệ thuật.

Nói như vậy có nghĩa là Seven Samurai chẳng những là một trải nghiệm khó quên đối với khán giả mà còn là một bài học đối với các nhà làm phim, trong cách mở rộng lối tiếp cận và nâng cao tầm nhìn của họ. Seven Samurai trở thành một kiệt tác và 60 năm sau vẫn tiếp tục gây bất ngờ nhờ vào với tính khai phá tiên phong của tác phẩm.

Seven Samurai cũng đánh dấu sự hội tụ của ba tài năng : Shinobu Hashimoto ở khâu viết kịch bản, Akira Kurosawa đằng sau ống kính thu hình và Toshiro Mifune diễn xuất trước máy quay phim. Các bộ phim tài liệu cũng cho thấy là tác phẩm này suýt nữa không ra đời. Kế hoạch quay phim hai lần bị đình chỉ do phí tổn lạm phát vượt quá ngân sách. Do bị chậm trễ, cho nên trận đấu kiếm dưới mưa ở cuối bộ phim, được quay vào mùa đông. Nam tài tử Toshiro Mifune cho biết trong suốt sự nghiệp làm phim ông chưa bao giờ mà lạnh khủng khiếp đến như thế. Mang nặng đẻ đau, đứa con tinh thần của Kurosawa ngay từ những năm tháng đầu, từng được công nhận như là một tác phẩm kiệt xuất.

Về nội dung, câu chuyện được kể trong bộ phim khá là đơn giản. Bộ phim chọn bối cảnh nước Nhật thời phong kiến, thời các lãnh chúa thống trị vào cuối thế kỷ XVI. Đó là giai đoạn mà nạn đói đang hành hoành, thiên tai khiến cho giặc giã nổi lên khắp nơi. Một ngôi làng luôn bị cướp phá, nên mới quyết định thuê 7 kiếm sĩ để chống lại thổ phỉ, để bảo vệ mùa màng thu hoạch của họ.

Thoạt nhìn, không cần phải mất đến ba tiếng đồng hồ để kể một câu chuyện như vậy. Phim hành động thời nay có thể gói ghém kịch bản nội trong một giờ. Tuy nhiên, cốt lõi của bộ phim không phải là xung đột giao tranh giữa bảy samurai chống lại băng cướp, mà là cái quan hệ song hành giữa một bên là các kiếm sĩ trở thành huynh đệ kết nghĩa, chịu vào sinh ra tử với nhau, và một bên là những nông dân lam lũ khốn khổ, cả về thể xác lẫn tinh thần, họ chẳng những nghèo đói mà còn bị áp bức. Dân làng làm thể nào để thuyết phục bảy samurai giúp đỡ họ.

Các kiếm sĩ không chiến đấu vì phần thưởng : công lao của họ không được đền bù bằng vinh hoa phú quý, mà chỉ bằng những bát cơm đạm bạc.Seven Samurai không chỉ đơn thuần là một bộ phim hành động theo kiểu chính nghĩa chống lại phe tà, trừ gian diệt bạo. Đằng sau câu chuyện cường hào ác bá còn có những ẩn ý về đấu tranh giai cấp xã hội, và nếu như thời thế tạo anh hùng thì liệu tinh thần võ sĩ đạo (bushido) có còn hợp với thời đại hay không.

Trong phim Seven Samurai, đạo diễn Kurosawa mở ra một lối tiếp cận mới với ý tưởng võ sĩ đạo. Các samurai không còn dùng kiếm để bảo vệ thượng tầng xã hội, để phục vụ giới quý tộc trong quan hệ chúa tôi. Các tay kiếm ở đây giúp đỡ nông dân, biểu tượng của giai cấp nghèo. Họ là những lãng tử ronin, không còncó chủ một khi đã sa cơ thất thế. Trong những hình ảnh đầu tiên giới thiệu các samurai, Kurosawa cho thấy cảnh tượng samurai cắt tóc ngắn, thay vì vấn tóc dài thành một búi. Màn quay này là cách để cho Kurosawa phá vỡ các hình tượng truyền thống của samurai, những hành động sau đó nói lên bản chất của họ, chứ không phải cái vẻ quân tử bề ngoài, tướng mạo oai phong hay phong cách hào hùng.

Qua việc khuynh đảo các mô hình cũng như các nhân vật lý tưởng hóa, thường được thấy trong thể loại phim kiếm hiệp của Nhật Bản, Kurosawa dùng một câu chuyện cổ để suy ngẫm về cái thời mà ông đang sống, phim của ông từng bị đánh giá là cực đoan trong cách vạch trần những điều bất công và thiên tả, chỉ vì cái thông điệp đoàn kết và liên đới mà ông muốn thể hiện trong các tác phẩm của mình.

Kurosawa nhấn mạnh trên quan hệ giữa hai nhóm ‘’võ sĩ’’ và ‘’bần nông’’. Băng cướp chỉ là một cái cớ, một chất xúc tác để hiển thị mối quan hệ này. Trong phim, băng cướp không hề được đặt tên, một hình tượng tiêu biểu cho các thế lực trấn áp truy bức, làm cho cuộc sống của dân làng thêm khốn khổ, đạo diễn lược bỏ thủ pháp nhân cách hóa, mối đe dọa tiềm tàng trong bối cảnh ngoại khung và chỉ xuất hiện trong phần cuối bộ phim với trận đánh kinh hoàng dưới mưa.

Nhờ vào ngôn ngữ hình ảnh tân thời, hiện đại, đạo diễn Kurosawa từ đầu những năm 1950 đã nâng điện ảnh Nhật Bản lên một tầm cỡ mới. Sau Thế chiến thứ hai, điện ảnh Nhật hồi sinh để rồi vươn lên thành một cường quốc của nghệ thuật thứ 7. Tính từ những năm 1950, Akira Kurosama đã thực hiện trên dưới 10 bộ phim kiếm hiệp (thể loại “jidaigeki”), ngoài Rashomon (La Sinh Môn), còn có Vệ Sĩ Yojimbo, Kho báu Thiên Kim (The Hidden Fortress), nhưng nổi tiếng nhất vẫn là “Bảy võ sĩ Samurai”. Kurosama chọn bối cảnh sử thi để làm phim kiếm hiệp cổ trang, những hiệp sĩ samurai ‘’sa cơ thất thế’’ thành những tay kiếm đánh thuê ronin lang thang kiếm sống, trong cái thời loạn lạc nhiễu nhương. Nhưng dưới cái lớp bọc cổ trang ấy, các bộ phim lại giàu tính nhân văn hiện đại, từ lối dẫn dắt câu chuyện, phản ánh tính cách nhân vật, cho tới cách đặt ống kính thu hình, dàn dựng quay phim.

Ống kính của Kurosawa tái hiện trên màn ảnh lớn các nhân vật samurai sống động gần gũi. Một samurai lớn tuổi dày dặn (vai Kambei do Takashi Shimura thủ diễn) nhiều mưu kế khôn ngoan, một lãng tử phong nhã (vai Kyuzo do Seiji Miyaguchi đóng) hào phóng không những trong cốt cách mà còn hào hoa trong lối dùng chiêu kiếm, một samurai hơi bí ẩn (vai Kikuchiyo do Toshiro Mijune thủ diễn) bất cần chán đời, mặc kệ những người khác miễn là có bầu rượu để giải sầu. Nhưng chính nhân vật hơi kỳ quái này lại có đường kiếm dũng mãnh thần tốc, trong một màn độc thoại đáng ghi nhớ, Kikuchiyo lại lôi kéo các ‘’bằng hữu’’ hợp sức chống lại bọn thổ phỉ.

Cái khéo của Kurosawa là xây dựng nhiều tính cách nhân vật khác nhau, bảy samurai trong phim không phải là một thực thể thuần nhất. Mỗi tay kiếm tham chiến với động lực và nguyện vọng riêng trước thời cuộc : đánh để chứng tỏ mình có bản lãnh cao cường, đánh để thỏa mãn tính phiêu lưu, đánh để giúp kẻ yếu hơn mình, đánh để làm điều đúng đắn hầu chuộc lại những lỗi lầm quá khứ … Điều đó phản ánh sát sườn hơn cung bậc tâm trạng của con người trước khi phải liều mình hy sinh ở bất cứ thời đại nào, chứ không còn đơn thuần là đánh chỉ vì chính nghĩa, đánh chỉ vì thức tỉnh lương tâm. Phim của Kurosawwa giàu tính nhân văn là ở chỗ đó, bởi vì nó không giống như một thông điệp tuyên truyền.

Nhờ vào cách dựng phim, ngôn ngữ hình ảnh của Kurosama trở nên kinh điển. Từ thủ pháp flashback, dùng đoạn phim hồi tưởng để tạo thêm điểm nhấn và chiều sâu cho câu chuyện nhưng vẫn không làm đứt đoạn mạch phim, cho tới cách xen kẻ các màn phim dồn dập gay cấn với các cảnh quay khoan thai chậm rãi, nó tựa như một sự hít thở cần thiết cho nhịp phim hành động, tương xứng nên không lệch trọng tâm, cân đối nên không phản tác dụng. Lối dựng phim kinh điển này gợi hứng sau đó cho các thế hệ đi sau. Đạo diễn George Lucas thừa nhận là ông đã học hỏi rất nhiều từ phim của Kurosawa. Nhưng để nói cho đúng thì phim Star Wars của ông gợi hứng từ tác phẩm Kho báu Thiên Kim (The Hidden Fortress), nhiều hơn là lấy từ Bảy kiếm sĩ samurai (Seven Samurai).

Vào tháng Mười năm 1960, đạo diễn Mỹ John Sturges quay bộ phim “Bảy tay súng oai hùng” (The Magnificent Seven / Les Sept Mercenaires) một phiên bản phóng tác trực tiếp từ “Bảy kiếm sĩ Samurai”, lồng câu chuyện vào bối cảnh của miền cao bồi Viễn Tây, trong đó có nhiều cảnh quay hầu như là bắt chước Kurosawa, từ lối dựng khung toàn cảnh cho đến cách đặt ống kính thu ảnh. Bộ phim cao bồi này trở nên rất nổi tiếng nhờ dàn diễn viên nổi tiếng từ Steve McQueen cho tới Charles Bronson, Yul Brynner, James Coburn … Hollywood cũng hiện đang lên kế hoạch làm một phiên bản mới của The Magnificent Seven, hiện giờ Denzel Washington và Chris Pratt (Vệ binh dãi Ngân hà) đã nhận lời tham gia vào dự án này.

60 năm sau ngày ra đời, Seven Samurai vẫn giữ nguyên sức cuốn hút đối với người xem. Một trong những nét độc đáo trong phong cách làm phim của Kurosawa là hệ thống ngôn ngữ hình ảnh, vững ở thủ pháp, chắc trong ngữ vựng. Ông là một trong những người đầu tiên khai thác triệt để hình ảnh, tự nó có thể đứng vững, và đôi khi không nhất thiết cần có lời thoại. Cách dùng ánh sáng cũng như âm thanh, lối quay cận ảnh để thể hiện khuôn mặt nhân vật, lối quay nửa người theo dõi động thái của từng diễn viên, cũng như cách quay toàn cảnh để tận dụng không gian qua việc sắp đặt bố cục trong khung ống kính, tất cả đều có tầm quan trọng hơn cả đối thoại.

Có lẽ cũng vì thế mà Seven Samurai được xem như là tác phẩm đặt nền móng cho cách làm phim hiện đại, hàm chứa các pha hành động dồn dập, đầy đủ những chi tiết hấp dẫn nhưng không kém chiều sâu về ý tứ, tư tưởng. Bảy võ sĩ samurai đã tạo nên khuôn thước lý tưởng, quy tắc kinh điển mà rất nhiều bộ phim thời nay có muốn thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng cũng khó, mà muốn bắt chước vay mượn cũng không dễ, một tầm cao vời vợi mà không phải đạo diễn nào cũng có thể với tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.