Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Hội Về Nguồn đưa đờn ca tài tử đến Paris

Đăng ngày:

Tiếp tục mục tiêu bảo tồn tài tử-cải lương, các nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân (chủ tịch Hội bảo tồn cải lương Về Nguồn), Hà Mỹ Liên và Lê Hồng Phước vừa tổ chức thành công một buổi đờn ca tài tử-cải lương vào ngày 29/06/2014 tại nhà hàng Minh Hòa, khu vực tiếp giáp quận 13, Paris.

NS Hà Mỹ Xuân, Lê Hồng Phước và Hà Mỹ Liên - RFI / Lê Phước
NS Hà Mỹ Xuân, Lê Hồng Phước và Hà Mỹ Liên - RFI / Lê Phước
Quảng cáo

Đây là chương trình đề hiệu đờn ca tài tử đầu tiên được nghệ sỹ tại Pháp đứng ra tổ chức từ sau khi Đờn ca tài tử Nam Bộ được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hồi cuối năm 2013. Hồi tháng 10/2013, khi làm đạo diễn cho chương trình ra mắt Hội Bảo tồn Cải lương Về Nguồn của nhóm nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân, nghệ sỹ Thanh Điền từ trong nước sang từng nhận xét rằng, tổ chức một chương trình cải lương ở nước ngoài khó hơn vài chục lần so với tổ chức ở trong nước.

Điểm hẹn đờn ca tài tử-cải lương trên đất Pháp

Khó khăn ở đây được thể hiện ở chỗ, là ở nước ngoài, mà cụ thể là ở Pháp, những thứ cần thiết cho một chương trình cải lương thật sự rất thiếu thốn. Chẳng hạn như để tìm được một cái bàn cho quan huyện ngồi trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến, nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân đã phải vất vả chạy ngược chạy xuôi, lắp ghép đủ kiểu. Và khi nghệ sỹ Thanh Điền, trong vai Huyện Trìa trên sân khấu, lấy tay đập ấn quan hơi mạnh xuống mặt bàn, thì chiếc bàn rung rinh muốn sập. May mà ông Huyện Trìa Thanh Điền lẹ tay chụp kịp chiếc bàn mới khỏi ngã.

Âu đó cũng là một kỷ niệm đẹp, nó cho thấy một tấm lòng yêu nghề sâu sắc của các nghệ sỹ, vượt mọi khó khăn để mang lời ca tiếng hát làm vui cho người mộ điệu. Nó cũng cho thấy sự thiếu thốn khó khăn trong việc tổ chức các chương trình cải lương trên đất Pháp. Đến với đờn ca tài tử, công tác tổ chức còn khó hơn nhiều. Lâu nay, nghệ sỹ cải lương ở Pháp chỉ quen việc tổ chức các chương trình cải lương chuyên nghiệp, hoặc là những buổi hát cải lương xen với các tiết mục tân nhạc, múa, trong một chương trình văn nghệ tổng hợp. Còn các buổi đờn ca tài tử đúng nghĩa thì vô cùng hiếm.

Địa điểm tổ chức chương trình đờn ca tài tử-cải lương vừa qua là nhà hàng Minh Hòa, tọa lạc tại số 37 đường Roger Salengro, Kremlin-Bicêtre, giáp với quận 13- Paris. Đây là một địa điểm ca nhạc khiêu vũ do hai chị em nghệ sỹ Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân phối hợp với chủ nhà hàng Minh Hòa là hai ông bà Minh-Thu tổ chức cho cộng đồng người Việt đến vui chơi giải trí cuối tuần.

Tuy nhiên, với một tình yêu vô bờ bến dành cho cải lương, và với hơn 50 năm gắn bó cùng cải lương chuyên nghiệp, hai nữ nghệ sỹ gạo cội này đã cố gắng đưa đờn ca tài tử-cải lương xen lẫn vào các tiết mục ca tân nhạc-khiêu vũ. Tức là, trong những buổi nhạc này, hai nữ nghệ sỹ luôn cố gắng đưa một tiết mục vọng cổ vào chương trình để giới thiệu với khách.

Hai nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân, Hà Mỹ Liên đã quyết định kết hợp với nhà hàng Minh Hòa tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần chương trình đờn ca tài tử-cải lương theo đúng nghĩa của nó. Buổi giao lưu đờn ca tài tử-cải lương vào ngày 29/06/2014 vừa qua là buổi trình diễn ra mắt, và cũng là buổi biểu diễn đề hiệu đờn ca tài tử đầu tiên trên đất Pháp, ít nhất là kể từ ngày đờn ca tài tử Nam Bộ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại hồi tháng 12/2013. Thế là từ đây, mỗi tháng một lần, người mộ điệu đờn ca tài tử-cải lương tại khu vực Paris đã có cho mình một điểm hẹn văn hóa đúng nghĩa.

Thành công vượt mong đợi

Buổi đờn ca tài tử-cải lương ngày 29/06/2014 đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Thành công ở đây không phải là về doanh thu, mà là về giá trị nghệ thuật cũng như sự hài lòng chưa từng thấy của khán giả. Khi buổi diễn kết thúc, toàn thể khán giả đều kiên nhẫn chờ đến lượt mình đến trực tiếp nói lời khen tặng dành cho chương trình, và hứa lần sau sẽ tiếp tục đến ủng hộ.

Trong hàng ghế khán giả, có cả cụ bà tuổi trên 90, có cả những người bị bệnh phải chống gậy và phải có người dìu đến, có cả những thanh niên, đặc biệt có những khán giả Tây chín hiệu nhưng mê cổ nhạc Việt Nam. Thành công của chương trình thật sự vượt tầm mong đợi của ban tổ chức, mà nguyên nhân thành công có lẽ nổi trội nhất là những nguyên nhân sau đây:

Không gian nhà hàng hơi nhỏ, nếu để bàn ghế cho khách ngồi, thì chen chúc nhau cũng chỉ được đôi ba chục người. Bởi thế, ban tổ chức mới quyết định cho khách tới vào khoảng 12h trưa, và bắt đầu phục vụ ăn uống. Sau đó, đến 2h chiều, ban tổ chức bắt đầu cho di chuyển tất cả bàn ra khỏi quán, và chỉ chừa lại ghế nhằm tiết kiệm không gian một cách tối đa. Bên cạnh đó, cách xếp nghế thành hàng cho người xem ngồi xung quanh sàn diễn, nghệ sỹ thì xếp ghế ngồi dọc đối diện, hai nhạc sỹ cổ nhạc thì ngồi trước mặt khán giả.

Tất cả tạo nên một không khí quây quần gần gũi, một không gian đúng với bản chất đờn ca tài tử Nam Bộ. Người xem và người diễn không còn khoảng cách, để có thể lắng nghe từng cảm xúc, từng hơi thở của nhau. Dường như không còn sự khác biệt giữa anh là nghệ sỹ còn tôi là khán giả, mà tất cả đều trở thành những nhân tố chính của buổi giao lưu đờn ca tài tử-cải lương.

Nguyên nhân thành công thứ hai có lẽ là ban tổ chức đã mang đến cho khán giả một buổi trình diễn mang ý nghĩa văn hóa thật sự, chứ không đơn thuần là một buổi đi xem hát giải trí nữa. Tham gia ban tổ chức có nhà sử học văn hóa Lê Hồng Phước. Đây cũng là một nghệ sỹ “tay ngang” mê tài tử-cải lương từ thuở nhỏ. Lê Hồng Phước đã cùng bàn thảo với hai nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân và Hà Mỹ Liên để thống nhất một chương trình theo đúng điệu đờn ca tài tử Nam Bộ.

Trong buổi đờn ca tài tử, nhà sử học Lê Hồng Phước cầm micro làm MC, nhưng không giới thiệu theo kiểu hết người này đến người khác lên trình diễn suông, mà là thiết kế chương trình thành một buổi nói chuyện văn hóa đờn ca tài tử. Tức là, diễn giả trình bày cùng khán giả cội nguồn của đờn ca tài tử từ lời ru, câu hò, đến việc giải thích ý nghĩa và giá trị của các bài bản đờn ca tài tử, ý nghĩa của hai chữ “Cải lương”, sự phân biệt giữa đờn ca tài tử và cải lương chuyên nghiệpn …

Mục đích là làm sao cho khán giả hiểu rõ được giá trị quý báu của cái mình đang được thưởng thức. Từ đó, người xem cảm thấy sao mà câu hò lời ru của ông cha ta nó “bác học” đến thế, các bài bản tài tử cải lương độc đáo đến thế…Và sau buổi diễn, nhiều khán giả đã bày tỏ lời cảm ơn đến ban tổ chức đã cung cấp cho họ những kiến thức thật bổ ích về ý nghĩa của đờn ca tài tử-cải lương. Và cũng chính khán giả đã thừa nhận rằng họ đã xem một buổi trình diễn văn hóa đúng nghĩa.

Những tấm lòng …

Một nguyên nhân mà không thể nào không nhắc tới đó là sự hội ngộ của những tấm lòng yêu đờn ca tài tử-cải lương. Trước hết phải nhắc đến hai nữ nghệ sỹ thuộc hàng gạo cội của sân khấu cải lương miền Nam, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân, cùng với ông bà Minh-Thu chủ nhà hàng Minh Hòa. Dù biết tổ chức đờn ca tài tử-cải lương là một thách thức trong vấn đề tài chánh, nhưng tất cả đã đặt lợi ích văn hóa lên trên hết, với một tấm lòng yêu tài tử-cải lương nồng nàn.

Người có công lớn nhất có lẽ là nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân. Lâu nay, Hà Mỹ Xuân được mệnh danh là “nghệ sỹ liều mạng”. “Liều mạng” là bởi vì dám can đảm làm văn hóa mà đặt nhẹ lợi ích vật chất. Hồi tháng 10/2013, sự “liều mạng” của NS Hà Mỹ Xuân một lần nữa đã được báo chí trong và ngoài nước khẳng định khi cô dám bỏ tiền túi mời đến ba nghệ sỹ ưu tú trong nước sang biểu diễn ở một rạp hát sang trọng khu vực Paris. Lần đó, sự “liều mạng” của NS Hà Mỹ Xuân đã được khán giả đón nhận với sự thành công về mặt nghệ thuật ngoài mong đợi. Và cũng như nghệ sỹ Thanh Điền, đạo diễn chương trình khi ấy, nhận định rằng, người nghệ sỹ đã biết trân trọng khán giả và khán giả đã biết trân trọng cải lương, trân trọng người nghệ sỹ.

Lần này, sự “liều mạng” của NS Hà Mỹ Xuân cũng đã được người mộ điệu đón nhận, khi mà cô không ngại đảm nhận mọi việc, từ đầu bếp, quét dọn đến vai trò nghệ sỹ. Và khi nhắc đến sự thành công lần này, thì cũng không nhắc đến vai trò quan trọng của phu quân NS Hà Mỹ Xuân, nhà thơ Thanh Bình. Hiểu được tầm quan trọng trong hoạt động đầy tính văn hóa của vợ, nhà thơ Thanh Bình đã luôn ở phía sau hỗ trợ động viên, và dù sức khỏe yếu, nhưng đã không ngại làm đủ mọi thứ, từ đi chợ đến việc khiêng bàn ghế. Quả thật là một tấm lòng vàng đối với đờn ca tài tử-cải lương.

Sát cánh cùng vợ chồng NS Hà Mỹ Xuân thì có vợ chồng nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Liên-nhạc sỹ Thanh Sơn. NS Hà Mỹ Liên không ngại bất cứ vai nào, từ hát ru, ca ra bộ cho tới tham gia trích đoạn cải lương chuyên nghiệp. Còn nhạc sỹ Thanh Sơn thì lo từng chiếc micro cho những người biểu diễn.

Tham gia chương trình còn có nghệ sỹ Lý Kim Thành. Cũng một lòng một dạ với cải lương, NS Lý Kim Thành đã phải xin nghĩ phép để toàn tâm toàn ý tham gia miễn phí cho chương trình. NS Lý Kim Thành tham gia đủ tiết mục, từ ca bài bản lẻ đến tham gia trích đoạn cải lương chuyên nghiệp với hai nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân. Đây là một nghệ sỹ quen thuộc của người mộ điệu cải lương tại Pháp.

Sự thành công đã không có được nếu không nhắc đến nhạc sỹ Minh Thanh. Ông là một tay đờn cải lương chuyên nghiệp từ trong nước cho đến hải ngoại suốt hơn 50 năm nay. Dù tuổi đã trên thất tuần và sức khỏe yếu, nhưng nhạc sỹ Minh Thanh đã cùng phu nhân là nghệ sỹ Kim Chi không ngại đường xá xa xôi ủng hộ chương trình hết sức mình. Với thâm niên làm nghề hơn nửa thế kỷ, nhạc sỹ Minh Thanh đã thật sự làm nền cho sự thành công của buổi diễn khi ông biết nhấn nhá một cách rất chuyên nghiệp, đờn theo những người không chuyên tham gia ca hát. Tuy mệt, nhưng sau khi kết thúc chương trình, “lão nhạc sỹ” Minh Thanh đã không che giấu được niềm vui với nụ cười sáng ngời trên gương mặt khi thấy khán giả thật sự hài lòng với chương trình.

Cùng hòa đờn với nhạc sỹ Minh Thanh có chị Thu Thảo, một tay đàn tranh có tiếng ở Paris. Chị vốn là bác sỹ tim tại Paris, nhưng thường xuyên xuất hiện ở các chương trình ca múa nhạc dân tộc ở Pháp. Lần này, khi biết được có buổi giao lưu đờn ca tài tử của nhóm nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân, chị Thu Thảo đã tham gia một cách tích cực.

Bên cạnh việc đờn ca, ban tổ chức còn chú trọng đến phần nội dung chương trình. Mục đích của chương trình là mang đến cho khán giả một “món ăn văn hóa” thật sự, chứ không đờn thuần là tụ tập lại ca hát cho vui. Bởi thế, phần dẫn dắt chương trình đã được giao cho nhà sử học văn hóa Lê Hồng Phước, là một người có chuyên môn về lịch sử và cũng là nhà bình luận cải lương trên sóng Đài Phát thanh Quốc tế Pháp-RFI tại Paris.

Chính nhờ sự tham gia tích cực của những nghệ sỹ và nhạc sỹ có tâm và có tầm như vậy, nên buổi biểu diễn thật sự có chất lượng nghệ thuật cao. Khán phòng chỉ có 40 người, nhưng trở nên vô cùng “nghẹt thở” khi ba nghệ sỹ Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân và Lý Kim Thành diễn theo lối cải lương chuyên nghiệp trích đoạn Tấm Lòng Của Biển. Một sự kiện bất ngờ đã xảy ra là khi ba nghệ sỹ đang biểu diễn, thì những người trong ban tổ chức bên dưới phải chia nhau đi phát khăn giấy để khán giả lau nước mắt.

Rồi khán phòng lại “nghẹt thở” khi nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân độc diễn vai Thái Hậu Dương Vân Nga với lối diễn xuất thượng thừa. Độc diễn là một đẳng cấp cao trong nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp, nhưng lại là lợi thế của NS Hà Mỹ Xuân. Còn nhớ cách đây mấy năm, khán giả Pháp đã vô cùng ngưỡng mộ khi NS Hà Mỹ Xuân độc diễn vai Thúy Kiều trên sân khấu ca kịch Pháp với rất nhiều tâm trạng trong cùng một tiết mục.

Những gương mặt tài tử

Như đã nói một trong những nguyên nhân thành công của buổi biễu diễn là sự gần gũi đúng chất đờn ca tài tử Nam Bộ. Tức là, bên cạnh những nghệ sỹ chuyên nghiệp thì còn có những người không chuyên. Trước tiên đó là trường hợp của anh Bernard, một người Pháp làm việc tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle Paris. Dân mê đờn ca tài tử ở Việt Nam thường gọi Bernard là “Ông Tây hát cải lương”. Mỗi năm, Bernard đi Việt Nam đến 3, 4 lần để tham gia ca tài tử ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre. Đài truyền hình Việt Nam cũng đã từng mời Bernard ca trực tiếp cho khán giả cả nước xem.

Trong buổi đờn ca tài tử hôm 29/06 vừa rồi, Bernard đã làm cả khán phòng thích thú khi anh trình diễn một bản Nam Ai, rồi lại ngân nga mấy câu vọng cổ trong bài Tình Anh Bán Chiếu của soạn giả Viễn Châu. Không chỉ tham gia một mình, Bernard còn dắt đến chương trình hai cô con gái xinh đẹp tuổi vừa đôi mươi. Ba cha con Bernard đã cùng nhau ca bài Liên Nam (Nam Xuân, Nam Ai và Nam Đảo), làm mê mẩn cả khán phòng.

Một điều lý thú nữa là theo tâm sự của Bernard, thì anh học tiếng Việt nhờ các bài bản cải lương. Số là khi trước, Bernard theo xem nhóm nghệ sỹ Hữu Phước, Hà Mỹ Xuân, Hà Mỹ Liên tập tuồng, anh mới cầm những bổn tuồng viết bằng tiếng Việt để dò theo lời ca của các nghệ sỹ. Và như thế, dần dần Bernard biết và hiện tại là rất giỏi tiếng Việt và ca tài tử rất sành điệu.

Một gương mặt khác đó là nam sinh viên Đoàn Nam Dương. Năm nay mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Paris, ĐoànNam Dương đã ru hồn cả khán phòng với bài Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sỹ Cao Văn Lầu. Ở Dương có một điều lý thú là em cũng chỉ mới “cảm” cải lương gần một năm nay. Dương tâm sự, hồi tháng 10/2013, trong chương trình biểu diễn ra mắt Hội Bảo tồn cải lương Về Nguồn của nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân, Dương đã tham gia trong vai trò chạy cảnh sân khấu.

Từ trong cánh gà nhìn ra, Dương thấy các nghệ sỹ Thanh Điền, Thanh Kim Huệ Hà Mỹ Xuân, Hà Mỹ Liên…diễn “máu lửa” với nghề quá, nên Dương bắt đầu suy nghĩ: “Tại sao mình không dành một chút tình cảm cho bộ môn âm nhạc dân tộc này”. Và thế là Dương bắt đầu nghe rồi học ca cải lương từ nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân. Bài Dạ Cổ Hoài Lang đã được Dương thể hiện rất có hồn và rất có nghề.

Đến với một gương mặt tài tử khác, đó là chị Mai. Thật ra, hồi trước khi còn ở Việt Nam, chị Mai đã từng có một thời gian làm việc ở quán ăn có phục vụ đờn ca cổ nhạc của danh hài Văn Hường ở Sài Gòn. Có lẽ từ đó, những bài ca tài tử-cải lương đã thấm vào tâm hồn chị lúc nào không biết. Trên đất Pháp, chị Mai thường lui tới giao lưu ca tân nhạc ở nhà hàng Minh Hòa. Được biết sắp có chương trình đờn ca tài tử do nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân tổ chức, chị Mai đã xin tham gia. Trong buổi trình diễn hôm 29/06, chị Mai đã cùng ca theo lối ra bộ một bản Phụng Hoàng trích trong vở cải lương nổi tiếng một thời Nửa Đời Hương Phấn, cùng với hai nghệ sỹ Hà Mỹ Liên và Lê Hồng Phước.

Trong những gương mặt thu hút sự chú ý của khán giả hôm 29/06 còn có bé Ngọc Minh. Thật ra, khán giả Paris đã quá quen thuộc với giọng ca của bé Ngọc Minh, vì em thường xuất hiện ca vọng cổ ở những tiệc tùng lễ hội của cộng đồng người Việt. Ở cái tuổi 12, sinh ra ở Pháp nên tiếng Việt không rành, nhưng bé Ngọc Minh ca vọng cổ thì khỏi chê. Ngọc Minh có bộ nhịp chắc do em được huấn luyện từ chính “lò” của ba em là nhạc sỹ cổ nhạc Văn Trực, một tay đờn cổ nhạc được nhiều người yêu mến ở Pháp. Ngọc Minh tâm sự là em biết ca từ năm 4 tuổi. Số là hồi ấy các nghệ sỹ Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân thường đến dợt tuồng tại nhà nhạc sỹ Văn Trực. Bé Ngọc Minh xem rồi bắt đầu thích cải lương. Và thế là em biết ca cải lương khi còn chập chững học tiếng Việt.

Ngoài dân tài tử cổ nhạc, đến tham gia chương trình còn có nam ca sỹ trẻ Hoàn Thành. Đây là một giọng ca nhạc trữ tình được nhiều người yêu mến ở Pháp. Hoàn Thành tham gia biểu diễn thường xuyên ở các lễ hội do người Việt tổ chức, khắp nơi từ Paris, Lyon đến Marseille. Đến với chương trình đờn ca tài tử hôm 29/06, Hoàn Thành đã phải vượt gần 300 cây số từ Dijon đến Paris. Hoàn Thành đã làm phong phú thêm chương trình với những ca khúc nhạc dân ca độc đáo qua một giọng ca ngọt ngào và điêu luyện.

Làm văn hóa ...

Đến đây, ta có thể thấy rằng, sự thành công của buổi giao lưu đờn ca tài tử-cải lương ngày 29/06 của nhóm nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân bắt nguồn từ việc “biết làm văn hóa”. Tức là, ban tổ chức đã đặt lợi ích về văn hóa lên trên lợi ích vật chất, lấy lợi ích nghệ thuật làm điểm nhắm đến. Các nghệ sỹ chuyên và không chuyên đã tham gia vào hoạt động văn hóa này với một tinh thần yêu đờn ca tài tử-cải lương nồng nhiệt, một tinh thần đoàn kết, tôn trọng tiếng hát lời ca và tôn trọng khán giả.

Công lao của họ cũng đã được đón nhận khi mà khán giả đã cảm nhận được tính văn hóa của buổi diễn, đã thưởng thức tiếng đàn lời ca với một sự tôn trọng người nghệ sỹ hết sức chân thành. Và đúng như lời chủ tịch Hội Bảo tồn cải lương Về Nguồn, nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân tâm sự: “Nếu người nghệ sỹ biết tôn trọng nghề, tôn trọng khán giả, thì tự nhiên sẽ được tổ đãi và sẽ được khán giả tôn trọng mà thôi”. Thiết nghĩ, quan điểm này rất cần thiết cho tất cả các nghệ sỹ trong thời buổi khó khăn như hiện nay của sân khấu cải lương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.