Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Mapplethorpe đi truy tìm khoảnh khắc hoàn hảo

Đăng ngày:

Những bức ảnh trắng đen cực kỳ sắc nét mà không cần chỉnh sửa. Lần đầu tiên, hơn 250 tác phẩm của Robert Mapplethorpe được trưng bày tại viện bảo tàng Grand Palais, từ 26/03 đến 13/07/2014. Được mệnh danh là người luôn truy tìm “khoảnh khắc hoàn hảo”, nhà nhiếp ảnh người Mỹ thường gây tranh cãi do tác phẩm xóa mờ ranh giới giữa quan điểm nghệ thuật và hình ảnh khiêu dâm.

Bức chân dung tự chụp cuối cùng (1988) của nhà nhiếp ảnh Robert Mapplethorpe (Mapplethorpe Foundation)
Bức chân dung tự chụp cuối cùng (1988) của nhà nhiếp ảnh Robert Mapplethorpe (Mapplethorpe Foundation)
Quảng cáo

Trong một đoạn phim video tài liệu minh họa cuộc triển lãm, nhà nhiếp ảnh Robert Mapplethorpe từng giải thích về khái niệm “khoảnh khắc hoàn hảo” như sau : Tôi không thích nói về công việc tôi làm, vì nói nhiều sẽ làm mất đi phần nào sự bí ẩn. Sự nhiệm mầu của khoảnh khắc là điều mà tôi tìm cách nắm bắt, đó là cách của tôi tiếp cận với nhiếp ảnh. Khi tôi chụp một cành hoa, một bộ phận sinh dục hay một bức chân dung, tôi cảm nhận được cái khoảnh khắc nhiệm mầu ấy cho dù không thể nào giải thích vì sao nó đang diễn ra, như thể ta đang bước vào một không gian đầy phép lạ.

Tại viện bảo tàng Grand Palais, ngoài các bức ảnh chụp nguyên gốc rất nổi tiếng của ông, cuộc triển lãm còn cho thấy những tác phẩm đầu tay với kỹ thụât cắt dán lồng ghép, cách dùng ánh sang hay thử nghiệm màu với những tẩm ảnh polaroid. Tại Grand Palais, còn có một không gian trưng bày cấm dưới 18 tuổi, mà khách đến xem triển lãm dễ nhận ra ngay vì lối ra vào thường hay bị tắc nghẽn, do có nhiều người muốn vào xem.

Không gian trưng bày những tấm ảnh ‘’cấm kỵ’’ có thể làm cho một số khách thẹn thùng đỏ mặt, hoặc bị sốc bất ngờ trước định hướng đồng tính của tác giả, nhưng coi vậy vẫn còn “ngoan hiền” so với tất cả những gì mà giới trẻ thời nay có thể xem khi gõ chữ sex như từ khóa trên mạng internet. Dù gì đi nữa, cảnh tượng phòng trưng bày có đông người ra vào lại càng khơi gợi tính hiếu kỳ của công chúng.

Sinh năm 1946, mất năm 1989 ở tuổi 42 vì bệnh AIDS, Robert Mapplethorpe là một trong những tên tuổi lớn của làng nhiếp ảnh quốc tế. Những tấm ảnh của ông nay thuộc vào hàng đắt nhất thế giới, mỗi lần đem ra bán đấu giá, có thể lên tới vài triệu đô la. Nhắc tới Robert Mapplethorpe, người ta thường liên tưởng đến ngay những hình ảnh ‘’cấm kỵ’’ này nhưng đó chỉ là một phần tác phẩm trong quá trình sáng tác của nhà nhiếp ảnh. Ông Jérôme Neutres, giám đốc quản lý và điều hành tại viện bảo tàng Grand Palais cho biết về nội dung cuộc triển lãm.

Robert Mapplethorpe là một nghệ sĩ tạo hình tài ba, vào những năm 1970 ông đã tìm thấy trong nghệ thuật nhiếp ảnh một phương tiện lý tưởng để ghi khắc cái nhìn của ông về thế giới. Ông thường nói là nếu như ông sinh ra vào những thế kỷ trước, thì có lẽ ông sẽ chọn nghề điêu khắc. Nhưng vào thế kỷ XX, nhiếp ảnh là cách tốt nhất để cho ông ghi khắc thời gian, ‘’chạm trỗ khoảnh khắc’’.

Cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Grand Palais cho thấy Robert Mapplethorpe đã thử nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, cắt dán …) trước khi phát triển thành một ngôn ngữ hình ảnh của riêng mình. Robert Mapplethorpe là một trong những bậc thầy của làng nhiếp ảnh, tác phẩm của ông đã được trưng bày tại nhiều viện bảo tàng tại Nhật, tại Ý, tại Đức … Đặc biệt hơn cả là cuộc triển lãm toàn tập tại Whitney Museum ở Manhattan vào năm 1988, tức là vào lúc tác giả còn sống, để giới thiệu các tác phẩm của Robert Mapplethorpe với công chúng.

Nước Pháp từng giới thiệu một số tác phẩm của ông, nhưng đây là lần đầu tiên một viện bảo tàng quốc gia tổ chức một cuộc triển lãm cực lớn, xứng đáng với tầm vóc của nhà nhiếp ảnh người Mỹ, kể từ khi ông qua đời. Ngay từ cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 1973, tài năng của Robert Mapplethorpe đã khiến cho nhiều người kinh ngạc. Tại Pháp, có khá nhiều nhân vật nổi tiếng tìm mua và sưu tầm ảnh chụp của ông như nhà thiết kế Yves Saint Laurent, hai vợ chồng nhiếp ảnh gia June và Helmut Newton, Loulou de la Falaise, người mẫu thời trang và cũng là con dâu của danh họa Balthus … họ tìm thấy nơi nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi một góc nhìn cực kỳ táo bạo

Nổi tiếng là một người luôn bị ám ảnh bởi điều được gọi là ‘’vẽ đẹp tuyệt đối’’, Robert Mapplethorpe còn gây khá nhiều tranh cãi với nhiều tác phẩm chụp khỏa thân mà người khen cho là táo bạo, kẻ chê cho là sống sượng, thô tục. Thậm chí, các nhà tổ chức triển lãm ở Mỹ trước đây, từng bị kiện ra toà về tội quảng bá sản phẩm đồi trụy. Ông Jérôme Neutres giải thích so sánh về vị trí của Robert Mapplethorpe trong làng nhiếp ảnh.

Theo tôi, Robert Mapplethorpe có một vị trí trong làng nhiếp ảnh tương tự như Jean Genet trong làng văn học : Cả hai đều là những đóa tà hoa. Sinh thời, nhà văn Jean Genet dám đụng tới tất cả những gì mà người khác không thể ‘’ngửi nổi”, nhưng về mặt chữ nghĩa, Jean Genet lại biết dùng những lời lẽ ngôn từ trau chuốt, hoa mỹ không thua gì các vần thơ của Ronsard. Một cách tương tự, Robert Mapplethorpe dám trực diện những đề tài mà người khác tìm cách luồn lách, né tránh.

Nhà nhiếp ảnh thu vào ống kính những khoảnh khắc hiện thực mà người ta không muốn nhìn : chẳng hạn như bộ phận sinh dục của người đàn ông, những bức ảnh khoả thân mà nhiều người cho là đồi trụy khiêu dâm, vì cho thấy những cảnh nhục hình khổ dâm … Ảnh chụp của Robert Mapplethorpe vừa phản ánh cuộc cách mạng tình dục những năm 1970 ở các nước Âu Mỹ, nhưng đồng thời thách đố, chất vấn những quan niệm về khuôn thước, về tiêu chuẩn : thế nào mới gọi là thẩm mỹ, đâu là ranh giới giữa góc nhìn nghệ thuật và tư tưởng đồi trụy.

Có lẽ cũng vì thế mà các tác phẩm chụp khoả thân của ông thường gây tranh cãi. Nhưng ông không chỉ chụp hình khỏa thân mà còn chụp nhiều đề tài khác, khi nhìn kỹ lại, từ các bức chân dung của những người vô danh hay những nhân vật nổi tiếng như Patti Smith hay Andy Warhol, cho tới các bức cận ảnh chụp một nhánh hoa hay những đường nét cơ thể, chi tiết của một bàn tay với cách bố trí như tranh tĩnh vật, Robert Mapplethorpe luôn đi tìm “vẽ đẹp tuyệt đối’’ vì sinh thời ông rất ngưỡng mộ Michel Ange (vẽ cơ thể) và Albrecht Dürer (vẽ chân dung), trong suốt cuộc đời ông đã sưu tầm nghiên cứu nhiều tác phẩm của các bậc tiền bối.

Khách đến xem triển lãm nếu tinh ý sẽ nhận ra ngay là cuộc triển lãm được vận hành theo hai hướng : trình tự thời gian hoàn toàn bị đảo ngược, tức là những tác phẩm cuối cùng lại được trưng bày ở gian đầu, và ảnh chụp được xếp theo chủ đề và qua đó ta có thể thấy một sự đối đáp giữa các tác phẩm với nhau. Ông Jérôme Neutres giải thích thêm về điểm này.

Tôi muốn mở đầu bằng một sự kết thúc. Nói cách khác, cuộc triển lãm về Robert Mapplethorpe mở màn với bức ảnh chân dung cuối cùng của ông, thay vì đi theo trình tự thời gian, đơn thuần giới thiệu những bức ảnh đầu tay cho đến các tác phẩm cuối đời. Bức chân dung của Robert Mapplethorpe, gương mặt hốc hác tiều tụy vì bệnh AIDS, tay cầm cây gậy có gắn một cái đầu lâu phản ánh cho tấn bi kịch của một đời người, cho thấy ngời nghệ sĩ ý thức về ngày tàn của bản thân đã gần kề, cái chết không thể nào mà tránh khỏi.

Một con người tài ba nhưng lại ra đi quá sớm, một kiếp sống ngắn ngủi mà huy hoàng : 25 ngàn tác phẩm đủ loại thực hiện trong vòng 20 năm sáng tác. Bức chân dung tự chụp nằm trong loạt tác phẩm cuối cùng của Robert Mapplethorpe làm cho tôi liên tưởng đến bức tranh Bacchino malato (Bacchus Malade - Tửu thần Bacchus lâm bệnh - 1594) của danh họa Caravage. Nhân vật trong tranh cũng như trong ảnh có một nét gì đó rất kỳ lạ bí ẩn qua ánh mắt.

Đối với tôi, một cuộc triển lãm tuân theo trình tự thời gian sẽ trở nên giáo khoa, bài bản. Mục đích của cuộc triển lãm không phải là truyền đạt kiến thức theo kiểu giảng dạy mà là tái tạo cái không gian của người nghệ sĩ để rồi người xem tự mình cảm nhận về các tác phẩm. Khi đến xem cuộc triển lãm này, ca sĩ Patti Smith người đã từng chung sống nhiều năm với nhà nhiếp ảnh, đã bật khóc và cho rằng cô có cảm tưởng như thể Robert Mapplethorpe đang còn sống ở đâu đây như thể chưa xa lìa cõi đời này. Chúng tôi xem đó như là một lời khen và hy vọng rằng đã tái tạo được không gian nghệ thuật của người luôn đi truy tìm những khoảnh khắc hoàn hảo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.