Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Huyền thoại Verdi, niềm tự hào của dòng nhạc opéra Ý

Đăng ngày:

2013 kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi. Với 28 vở ca nhạc kịch opéra để đời, Verdi đã khéo kết hợp nghệ thuật sân khấu với âm nhạc. Cho đến tận ngày nay Verdi vẫn còn là một trong hai nhà soạn nhạc opéra mà các tác phẩm được diễn nhiều nhất trên thế giới, bởi nhạc của ông dễ đi vào lòng người. Chương trình của các rạp hát opéra uy tín nhất không thể thiếu những Nabucco, Rigoletto, La Traviata hay Aida của Verdi.

Nhà hát La Scala Milano
Nhà hát La Scala Milano REUTERS
Quảng cáo

Vậy mà thiếu chút nữa Verdi đã gác bút sau nhiều tai họa đầu đời. Giuseppe Verdi sinh ngày 10/10/1813 tại một ngôi làng ở miền Bắc nước Ý, gần thành phố Parme trong một gia đình tương đối nghèo. Năm lên 6, Verdi được học nhạc và khi lên 10, Giuseppe được vinh dự đệm đàn trong mỗi buổi thánh lễ ở nhà thờ của làng. Khi mới vừa 15 tuổi, Verdi bắt đầu sáng tác, chủ yếu để tìm kế sinh nhai. Dù vậy Verdi đã sớm khẳng định mình vừa là một nhà soạn nhạc có tài, vừa là một nhạc sĩ chơi đàn Clavecin đầy triển vọng, dù chủ yếu tự học.

Năng khiếu của Verdi đã sớm khiến thương gia Antonio Berezzi động lòng trắc ẩn. Ông là người giúp đỡ tài chính và giới thiệu Giuseppe Verdi vào Nhạc viện Milano. Thế nhưng cánh cổng của học viện âm nhạc nổi tiếng đó đã khép chặt khi Giuseppe tìm đến – khi đó Verdi 19 tuổi. Và thế là Verdi phải tự tìm thầy học đạo. Dù có tài và được một vài người danh tiếng đỡ đầu, nhưng con đường sự nghiệp đã không mở rộng thênh thang trước mắt Verdi. Trớ trêu là sau này, chính nhạc viện Milano lại được vinh dự mang tên là Nhạc việnVerdi.

Chật vật lắm Verdi mới tìm được một chỗ đứng ở Milano. Năm 1836 ông lập gia đình với Margherita, cô con gái của ân nhân Antonio Berezzi. Margheritta chóng sinh cho Verdi hai đứa con, một gái một trai. Hạnh phúc gia đình bên vợ đẹp con khôn là nguồn cảm hứng giúp Verdi sáng tác và ông chủ yếu bắt đầu hướng tới thể loại opéra. Năm 1838 Giuseppe hoàn tất vở opéra đầu tiên Oberto, conte di San Bonifacio.

Đầy tự tin và kiêu hãnh, Verdi đề nghị thẳng với giám đốc điều nhà hát nổi tiếng La Scala của Milano cho diễn vở ca nhạc kịch opéra đầu tay. La Scala là nơi chỉ dành cho những vở opéra được coi là giá trị nhất, nơi phải là những tên tuổi như Rossini hay Bellini mới có chỗ đứng.

Nabucco điểm khởi đầu

Oberto vừa hoàn tất và trong lúc đang kỳ vọng được dựng vở diễn của mình trên sân khấu La Scala thì Verdi chẳng để lãng phí thời gian. Ông bắt tay ngay vào việc soạn một vở opéra thứ nhì. Chẳng ngờ định mệnh lần lượt cướp đi của ông cô con gái cả, cậu con trai mới hơn một tuổi và người vợ xinh đẹp Margherita.

Năm 1840, cửa nhà tan tác, Giuseppe Verdi rơi xuống tận cùng của tuyệt vọng. Chưa đầy 30 tuổi, Verdi đã cỗi già. Hơn một lần ông có ý định từ bỏ tất cả để tìm lại vợ con bên kia thế giới. Thành công của vở Oberto chỉ còn lại vị đắng đối với Verdi.

Vở nhạc kịch thứ nhì đang soạn giở trong ngõ cụt. Mùa đông năm đó, trên con đường trở về mái nhà đơn độc, Verdi tình cờ gặp Merelli, giám đốc điều hành nhà hát La Scala. Verdi nói với Merelli ông sẽ không bao giờ sáng tác nữa. Nhưng cũng chính cái đêm tối trời, lạnh giá hôm ấy, định mệnh của Verdi bước sang một ngã rẽ khác, khi Merelli dúi vào tay Verdi một bản thảo và khẩn khoản yêu cầu Verdi hãy đọc qua.

Trở về căn phòng lạnh lẽo, Verdi đọc lại Kinh Thánh, đoạn kể về nỗi khổ của người Do Thái lưu vong bị bắt về thành Babylone làm nô lệ, phục vụ cho tên bạo chúa Nabuchodonosor… Thế rồi đôi mắt đã khô lệ của Verdi vô tình đặt lên trên mớ giấy mà giám đốc nhà hát La Scala đã trao vội cho ông.

Verdi bị câu thơ đầu tiên trong bản thảo thôi miên : « Va, pensiero, sull’ali dorate … ». Suốt đêm ông đọc đi đọc lại những vần thơ của Temistocle Solera, dựa trên Thi Thiên 137 trong kinh thánh : Năm 589 trước Công Nguyên, nhà vua Nabuchodonosor của Babylone chiếm đóng Jérusalem, sát hại rất nhiều người Do Thái, đập phá không biết bao nhiêu đền thờ, cung điện của thành Jerusalem, đày người Do Thái về thành Babylone làm nô lệ.

Một dân tộc đi tìm dự do

« Va, pensiero, sull’ali dorate … » là nỗi đau của một dân tộc bị lưu đày hướng về quê cũ, là khát vọng tự do, là tiếng gọi vùng lên, là niềm tin nơi Thiên Chúa … Những tâm tư đó đã ngấm vào từng hơi thở của Verdi.

Cố hương của Verdi là thiên đường, nơi Verdi từng sống trong hạnh phúc với người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Khát vọng tự do của nhà soạn nhạc là được giải phóng khỏi khổ đau, cô đơn và tuyệt vọng. Thế nhưng nỗi lòng người xa xứ trong Kinh thánh gần sáu trăm ngăm trước Công Nguyên cũng là tâm tư của một dân tộc, một đất nước đang bị vương quốc Áo đô hộ.

Người Ý ở vào thế kỷ XIX cũng ấp ủ giấc mơ tự do như người Do Thái sáu thể kỷ trước Công Nguyên. Chính vì thế mà Nabucco được coi là vở opéra mang nặng màu sắc chính trị nhất của Verdi.

Đêm ngày 09/03/1842 vở ca nhạc kịch Nabucco ra mắt khán giả lần đầu tiên trên sân khấu nhà hát La Scala, Milano. Những nốt nhạc đầu tiên của bản hợp ca « Va, pensiero … » của Verdi đã thôi miên khán giả Ý, tương tự như chính Verdi đã bị cuốn hút lần đầu tiên ông đọc bản thảo của Solera chưa đầy hai năm trước đó.

Một giai điệu dễ nhớ, cộng với lời ca rút tự đáy lòng là bí quyết đưa Nabucco lên đỉnh cao nghệ thuật. Sau này, bản thân tác giả nhìn nhận sự nghiệp của ông chỉ sự thực bắt đầu với vở opéra Nabucco. Giuseppe Verdi « đăng quang » với Nabucco để liên tục trị vì trên thế giới âm nhạc nghệ thuật của Ý trong suốt 61 năm, cho đến khi ông từ dã cõi đời ngày 27/01/1901.

Nhiều nhân chứng kể lại rằng, trong buổi ra mắt khán giả đầu tiên, Verdi trong bộ y phục đen từ đầu đến cuối đã vụng về bước ra sân khấu để cảm tạ nhiệt tình của khán giá và trong những tiếng hoan hô vang dậy, Verdi đã khóc rất nhiều : khóc vì tuyệt vọng vì ông hiểu rằng Margherita không bao giờ bước lên đỉnh cao danh vọng. Nhưng rồi, rồi những tràng pháo tay bất tận của khán giả đã phần nảo sưởi ấm cõi lòng Verdi. Thoạt đầu được dự trù cho tám buổi diễn, nhưng trước phản ứng của công chúng, Nabucco đã được ra mắt khán giả Milano đến 57 lần trong ba tháng ròng rã. Đây là một kỷ lục kể từ khi nhà hát nổi tiếng La Scala được hình thành.

Bản « hợp ca của những người nô lệ « Va, pensiero … » được cả nước Ý thuộc nằm lòng và thậm chí còn được xem là « bản quốc ca không chính thức » của một dân tộc trên con đường đi tìm tự do. Nhưng Giuseppe Verdi không chỉ là một nhà yêu nước, không chỉ là một nghệ sĩ dấn thân, là ngọn cờ kháng chiến chống ngoại xâm. Verdi trước hết là một nhà soạn nhạc để xưng tụng tình yêu và hơn thế nữa, ông là người đã đổi mới sân khấu nghệ thuật và âm nhạc của thế giới trong thế kỷ thứ XIX.

Làn gió mới của nghệ thuật sân khấu

Tình yêu luôn là cột trụ trong mỗi tác phẩm của Verdi. Lồng trong bối cảnh chính trị và lịch sử, Nabucco còn là một câu chuyện tình tay ba, khi Abigaille và Fenena, hai cô con gái của bạo chúa Nabuchodonosor cùng yêu tên nô lệ Do Thái Ismael. « Motif » một câu chuyện tình tay ba, giữa « người thắng và kẻ thua » này được Verdi lập lại qua vở ca nhạc kịch mang tên cô nô lệ Aïda, sáng tác năm 1870. Bị bắt về hầu hạ công chúa Amneris, con gái hoàng đế Ai Cập, Aida lại thầm yêu Radamès, một viên dũng tướng của triều đình. Nhưng Aïda không đơn thuần là một tên nô lệ mà cô chính là con gái của vua xứ Ethiopia, Amonasro.

Khi người yêu ra trận, Aïda thầm mong anh sống sót trở về, dù biết Radamès phải dẫm lên xương máu của dân tộc mình để có được ngày về. Tình yêu hóa Aïda và Radamès thành những kẻ thông đồng với giặc, phản lại tổ quốc. Trích đoạn nổi tiếng nhất trong vở Aïda là khúc khải hoàn chào mừng dũng tướng Radamès chiến thắng trở về. Ở đây Verdi đã huy động một dàn nhạccùng một ban hợp xướng hùng hậu để minh họa cho sức mạnh, vẻ oai nghi của nền văn hóa Ai Cập cổ đại.

Opéra Aïda được diễn lần đầu tiên tại nhà hát Cairo ngày 24/12/1871 trong khuôn khổ chương trình khánh thành thành kênh đào Suez. Thành công lại đúng hẹn với Verdi. Nhưng nhà soạn nhạc người Ý này không hoàn toàn mãn nguyện bởi vì buổi diễn đầu tiên chỉ mở cửa đón các hàng chức sắc mà không đến được với đại chúng.

Trong toàn bộ gần 30 vở opéra trong sự nghiệp, ông đã kết hợp nghệ thuật sân khấu với âm nhạc sao để dễ chinh phục khán giả, bất luận giàu nghèo, tuổi tác, bất luận vị trí trong nấc thang xã hội hay màu da.

Cũng để đến gần với khán giả, Verdi đã không ngừng đổi mới từ nội dung đến hình thức để tất cả mọi người cũng có thể cảm nhận được cái đẹp của thể loại opéra.

Về nội dung, Giuseppe Verdi luôn chọn những chủ đề rất gần gũi và dễ hiểu với mọi người như là sự hận thù, lòng đố kỵ, nỗi đam mê, tình yêu và hận thù, trăn trở của kẻ tha hương, sự hy sinh cao cả của một người tình như để chuộc lại lỗi lầm, sự giày vò của một nàng công chúa khi phải chọn giữa bên hiếu, bên tình …

Verdi thường mượn một vài tác phẩm nổi tiếng của những nhà văn đã được công chúng biết đến rộng rãi như là Voltaire, hay Victor Hugo, như Shakespear, Lord Byron, Schiller hay Alexandre Dumas … để sáng tác.

Vị trí riêng biệt của các bản đồng ca

Về hình thức Verdi đã thực sự đem lại một cuộc cách mạng trên sân khấu ở nhiều điểm.

Thứ nhất trong tất cả các vở opéra của Verdi đều được dàn dựng một cách hết sức sống động. Ông đem rất nhiều gam màu vào các tác phẩm của mình –từ trang phục của diễn viên cho đến nền phông sân khấu, từ chất giọng của các nghệ sĩ đến âm hưởng, tiết tấu và nhất là Verdi sử dụng rất nhiều nhạc cụ khác nhau để tạo nên sắc thái riêng biệt đó cho dòng nhạc của mình.

Nét tiêu biểu thứ nhì trong phong cách của Verdi là ông luôn dành hẳn một chỗ đứng riêng biệt cho các dàn hợp xướng. Khác với những soạn giả khác, những bản đồng ca trong các vở opérat của Verdi không chỉ để minh họa hay làm nền đệm cho những nhân vật chính trong vở tuồng. Những bài đồng ca của Verdi đều có cái hồn riêng của nó, đều có một vị trí độc lập trong tác phẩm của ông. Verdi soạn những bản đồng ca đó như ông tạo dựng một nhân vật trong vở ca nhạc kịch của mình.

Điển hình là bài hợp xướng trong hai tác phẩm NabuccoAida ở trên. Tác phẩm La Traviata, dựa trên cốt truyện Trà hoa nữ - La Dame aux Camélias của nhà văn Pháp, Alexandre Dumas (con), mở ra trong bầu không khí vui nhộn, trong một buổi tiếp tân tại nhà riêng của cô gái giang hồ Violetta Valéry. Bài hợp xướng Brindisi với nội dung xưng tụng rượu ngọt và tình yêu thể hiện được nếp sống buông thả của cô gái làng chơi thả mình trong hơi men và vòng tay của những bậc quân tử.

Bản hợp ca này tự nó đủ đem lại cho người nghe một bầu không khí vui nhộn,nhẹ nhàng dễ nghe và dễ nhớ. Thế nhưng nếu nhìn tổng thể vở diễn, thì những âm hưởng đó phản ánh cuộc sống bề ngoài và buông thả của cô gái làng chơi Violetta. Khía cạnh đó hoàn toàn tương phản với thế giới nội tâm của một má hồng phận bạc. Vai trò của bản hợp ca đó là nhằm báo trước tấn bi kịch sắp mở màn.

Nhưng bước đột phá về nghệ thuật sân khấu và âm nhạc của Giuseppe Verdi không dừng lại ở đó. Cũng chính với La Traviata, sáng tác năm 1853, nhà soạn nhạc người Ý này đã đưa thách thức công luận thời đó : lần đầu tiên nhân vật chính trong một vở nhạc opéra lại không phải là một người đàn bà đoan trang hiền thục, mà đó chỉ là một cô gái điếm hạng sang, quay cuồng với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Xưng tụng tấm còng cao cả của một cô gái giang hồ là một chủ đề quá mới mẻ và không phù hợp với đạo đức của thời bấy giờ. Một phần công luận Ý ở vào giữa thế kỷ thứ XIX không thể chấp nhận điều đó cho dù Violetta hy sinh cả tình yêu và sinh mạng để chuộc lại lỗi lầm.

Lại cũng lần đầu tiên Verdi chọn sáng tác dựa trên một tác phẩm văn học còn « mới tinh » chỉ vừa được Dumas hoàn tất trước đó một năm. La Traviata khi được trình làng đã bị chỉ trích gay gắt. Nhất là khi Verdi đã không ngần ngại đưa nhiều chi tiết riêng tư trong cuộc sống của ông vào tác phẩm : chỉ cần tinh ý một chút, sẽ thấy ngay trong nhân vật nữ của La Traviata, Violetta phảng phất bóng hìn diva Giuseppina Strepponi. Strepponi từng là người tình của giám đốc nhà hát La Scala, Milano, và trong một thời gian dài, bà đã chung sống ngoài hôn nhân với Verdi.

Verdi đã đi trước thời gian, và công luận Ý vào năm 1853 chưa sẵn sàng đón nhận một vở opéra như La Traviata. Buổi ra mắt đầu tiên tại nhà hát La Fenice ở Venise là một thất bại nặng nề. Nhưng riêng với tác giả, ông vẫn tin rằng công luận cần có thêm thời gian để đến với tác phẩm này.

Verdi đã không nhầm. Chỉ một năm sau thì cũng tại Venise, La Traviata đã được hoan nghênh hết chỗ nói và vở ca nhạc kịch này đã được diễn đi diễn lại nhiều lần trên đất Ý cũng như ở nước ngoài. Đến nay, La Traviata được xem là một trong những vở opéra công phu nhất, hoàn chỉnh nhất, được diễn nhiều nhất trên thế giới và được yêu chuộng nhất của mọi thời đại, kể từ khi nghệ thuật sân khấu opéra ra đời vào thế kỷ XVII.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.