Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Lame de fond-Sóng ngầm của Linda Lê

Đăng ngày:

Lame de fond- Sóng ngầm, nhà xuất bản Christian Bourgois của nhà văn nữ gốc Việt Linda Lê, là một trong những tác phẩm gây chú ý trong mùa Văn học 2012 tại Pháp. Tiểu thuyết này được coi là có nhiều triển vọng đoạt giải Goncourt, một trong những giải thưởng uy tín nhất của văn đàn Pháp. RFI phỏng vấn tác giả.

Quảng cáo

Sóng ngầm của Linda Lê là một câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật chính : Văn, Lou và Laure, Ulma, người tình muộn và cũng là cô em gái cùng cha khác mẹ của Văn. Văn vừa qua đời sau một tai nạn xe cộ. Anh được an táng tại nghĩa trang Bobigny, một thị trấn ngoại ô phía đông bắc Paris. Văn về nơi an nghỉ cuối cùng vào một buổi sáng mùa thu. Chính xác hơn là vào một ngày thứ Ba trong tháng 10. Khi nắp quan tài đóng lại, thì cũng là lúc mà người đàn ông chưa đầy 50 tuổi này nhìn lại cuộc đời mình.

Sinh thời, Văn làm việc cho một nhà xuất bản. Công việc của anh là đọc và sửa bản thảo của các nhà văn. Đồng lương của ông thầy cò và một cô giáo không cho phép họ vung tay quá trán, nhưng điều đó không cấm cản gia đình Văn có cuộc sống tinh thần rất phong phú. Thế rồi tình cảm của đôi vợ chồng Pháp – Việt này đã nhiều lần bị thử thách. Liên hệ máu mủ cha con giữa Văn với cô con gái có nhiều cá tính cũng đã hơn một lần bị xô xát. Với năm tháng, cuộc sống của Văn không còn nhiều thi vị.

Ngoài vợ con, thế giới của anh thu gọn lại với vỏn vẹn hai người bạn chí cốt là Rachid và Hugues, rượu và thuốc lá. Văn đã cắt đứt quan hệ với Việt Nam từ năm 18 tuổi, khi mẹ anh qua đời. Văn chỉ còn tìm thấy Việt Nam trong một vài quán ăn ở Paris và tên của chính mình. Thế rồi một lá thư, buổi gặp gỡ đầu tiên với một cô gái xa lạ đã đưa cuộc đời Văn sang một khúc quanh mới.

Bốn mảnh đời xa lạ

Linda Lê đã gói ghém 4 mảnh đời trong hơn 270 trang sách, trong 4 phần : Nửa đêm/ Bình minh/ Chính ngọ/ Chiều tà. Mỗi phần được chia thành 4 chương với 4 tiếng nói khác nhau. Mỗi nhân vật của Linda Lê nói về mình, về những người chung quanh.

Văn nói về Lou, người đã cùng anh chia sẻ ngọt bùi ở chương đầu :

« Khi chúng tôi gặp nhau 20 năm về trước, cô ấy vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng. Phong cách không có gì là độc đáo của cô ấy đã thu hút tôi. Nàng đã lên chương trình sẵn cho cả cuộc đời : thứ Hai thì chạy bộ, thứ Tư thì đi bơi, và cứ hai tháng một lần cô ấy đi xông hơi. Lou không hay du lịch, và chúa ghét những điều bất thường xảy tới, khác hẳn với Ulma. Sau này tôi khám phá ra rằng, nàng Ulma xinh đẹp của tôi luôn bực bội khi thấy tất cả mọi thứ đều được tính toán trước một cách kỹ lưỡng (…) Sau khi sinh Laure, chúng tôi dọn về ở Belleville. Lou thích quanh quẩn trong nhà. Cuộc sống vợ chồng tôi có phần tan rã. Chúng tôi thường cãi vã vì những chuyện không đâu (…) may mà có Laure làm vùng trái độn (…) Chúng tôi không ly dị để tránh cho cô con gái phải sống nay thì với mẹ, mai thì với cha ».

Nhưng dù vậy cuộc sống không chút thi vị đó vẫn giữ được chân người đàn ông : « Cho đến khi Ulma xuất hiện, tôi không hạnh phúc nhưng cũng không phải là kẻ bất hạnh. Hôn nhân của tôi không phải lúc nào cũng êm ả, nhưng tôi không ngoại tình. Thú thật là đôi khi tôi cũng bị cám dỗ (…) nhưng đó chỉ là những chuyện qua đường (...) ».

Về chính mình, Văn tự giới thiệu : « Tôi sinh ra ở Sài Gòn, năm mà ông Kennedy bị ám sát. Trong những quán ba gần đường Catina, những cô con gái bán mình cho lính G.I với cái giá gần như cho không. Thời đó bệnh Sida chưa hoành hành (…) Mặt trận Giải phóng xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh. Hình ảnh một bé gái Việt Nam bị phỏng bom napalm được truyền đi khắp thế giới. Bà Nhu dùng cụm từ "barbecue" khi nói về một nhà sư tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền thân Mỹ, Ngô Đình Diệm. (…) Mẹ tôi là thông dịch viên của tòa lãnh sự Pháp, vì thế mới 5 tuổi, tôi bắt đầu đi học trường Tây.

Còn mặc quần đùi, tôi đã biết đọc thơ của Peguy xưng tụng vị nữ anh hùng Jeanne d’Arc và tôi thuộc lòng thơ Lamartine. Tôi thuộc luôn lịch sử Pháp với trận thảm sát Saint Barthélémy, tôi biết về cuộc cách mạng 1789 …nhưng khi hỏi về lịch sử nước tôi thì tôi chịu thua ».

Với quá khứ, Văn đã quyết định « xóa hẳn những trang sách nói về tuổi thơ trong tiểu sử của mình ». Văn đã cố chôn vùi -hay nói đúng hơn là cố xóa bỏ- những kỷ niệm của thời ấu thơ, những kỷ niệm về mẹ và Việt Nam cho đến khi nhận được lá thư của Ulma. Bức thư đó tựa như một trận động đất trong lòng Văn. Nó làm khơi dậy sóng ngầm mà bấy lâu nay anh cố vùi sâu tận đáy lòng.

Bức thư của Ulma đã dẫn tới hồi kết thảm khốc cho Văn : Một đêm, vào hai giờ sáng, anh rời khỏi căn hộ của Ulma. Một chiếc xe phóng thẳng tới và Văn chỉ kịp trông thấy người lái xe chính là vợ mình. Nhưng sự ra đi đột ngột và dường như là không được sắp xếp trước của Văn đã để lại một khoảng trống lớn trong lòng ba người đàn bà : Ulma mất đi điểm tựa tinh thần, người duy nhất có thể đem lại cho cô một chút cân bằng về tâm lý. Lou sống những ngày còn lại với tâm trạng tội lỗi cả với Văn, lẫn với con gái. Laure bị cướp đi một người cha.

Nhưng trong một chừng mực nào đó, chính cái chết của Văn cũng cho phép ba người đàn bà trong đời anh cơ hội làm lại từ đầu. Khi Văn không còn nữa, từ sự trống trải và thiếu vắng, Laure như đã hàn gắn lại với người cha. Cô không còn là đứa con bướng bỉnh, ham chơi, để thực sự bước vào tuổi trưởng thành.

Laure có thói quen gọi bố mẹ bằng tên (Văn và Lou). Khi Văn còn sống, cô thường khốn khổ vì có một ông bố lúc nào cũng như một cuốn tự điển sống, thao thao bất tuyệt khi bàn luận về điện ảnh, hội họa hay văn chương và kể cả khi ông bình luận về thời cuộc.

Laure cũng không khoan nhượng hay ngây thơ khi nhận xét về quan hệ đã nguội dần theo năm tháng giữa Văn và Lou. Cô gái 17 tuổi này tỏ ra vô cùng tinh tế khi thốt lên rằng : Ulma là gạch nối giữa Văn và Việt Nam. Đã 30 năm qua, Văn không hề nói tiếng Việt. Nhưng với Ulma, anh sẵn sàng thì thầm hai chữ « yêu em ».

Linda Lê, nhà phù thủy về ngôn ngữ

Với một cấu trúc khá lạ, bằng một giọng văn khi thì châm biếm, khi thì hài hước, nhưng không thiếu phần thực tế, Linda Lê đưa độc giả đến với những nhân vật của mình bằng một văn phong nhẹ nhàng và đầy ý nhị. Sóng ngầm đã đề cập đến những chủ đề phức tạp như quan hệ vợ chồng, cha con, đến nỗi cô đơn, đến mối liên hệ giữa kẻ tha hương tưởng chừng đã an phận, nhưng vẫn khao khát được quay về quê cũ, đến liên hệ tưởng chừng gắn bó giữa những thành viên cùng một nhà.

Người đọc rất dễ bị lôi cuốn vào thế giới của Văn. Độc giả lại càng thích thú hơn khi khám phá ở Linda Lê một nhà phù thủy, sử dụng tài tình ngôn ngữ của Molière.

Linda Lê sinh năm 1963, cùng gia đình sang định cư tại Pháp. Năm 1986 chị cho ra đời tiểu thuyết đầu tay Un si tendre Vampire- Con Ma Cà Rồng thật dịu dàng. Nhưng trên văn đàn Pháp, phải đợi đến Les Évangiles du crime - Phúc âm tội ác (1992)-, chị mới thực sự khẳng định vị trí của mình. Calomnies được xuất bản vào năm 1993 đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và đến với độc giả Việt Nam dưới hàng tựa Vu Khống.

Năm 1997 Linda Lê được trao tặng giải thưởng Fénéon với Les Trois Parques- Ba Nữ Thần. Tiếp theo đó, những tác phẩm như Voix, Lettre Morte, Les Aubes, In Memoriam, Cronos (giải thưởng Wepler 2010), À l'enfant que je n'aurai pas… , đã liên tục nối đuôi nhau ra đời. Cho đến mùa thu năm nay thì Lame de fond- Sóng ngầm được coi là một trong những quyển tiểu thuyết có giá trị nhất của mùa văn học Pháp 2012.

Sóng ngầm lọt vào danh sách 8 tác phẩm được chọn để tranh giải văn học Goncourt. Để đoạt được giải thưởng cao quý này của văn đàn Pháp, Lame de fond còn phải đợi đến ngày 30/10/2012 để được biết xem có được chọn vào danh sách cuối cùng của ban giám khảo hay không. Bảng vàng của giải Goncourt sẽ được công bố vào ngày 07/11/2012.

Trả lời ban Việt ngữ RFI, nhà văn Linda Lê cho biết thêm về quá trình sáng tác Sóng ngầm :

RFI : Thân chào chị Linda Lê, trong Sóng ngầm, bốn nhân vật chính là Văn, Lou, Laure và Ulma đã lần lượt phác họa ra chân dung của chính mình và của những người chung quanh. Văn là một người đàn ông gần 50 tuổi, vừa nằm xuống sau khi bị xe đụng. Anh để lại 3 chiếc bóng cô đơn là vợ, cô con gái 17 tuổi và một người tình. Nằm trong hòm, nhưng điều đó không cấm cản Văn lên tiếng, để nhìn lại cuộc đời mình vừa đi qua. Vậy chị có thể cho biết, chị đã bắt đầu viết Sóng ngầm như thế nào ?

Linda Lê : Điểm khởi đầu của cuốn sách bắt nguồn từ khi tôi tìm được câu đầu tiên trong tiểu thuyết "Tôi chưa từng là kẻ nói nhiều khi còn sống. Giờ đây, nằm trong hòm, tôi tha hồ độc thoại". Tôi để cho một người vừa nằm xuống mở đầu câu chuyện và cũng chính anh ta sẽ khép lại tiểu thuyết.

RFI : Trong quá trình sáng tác, chị đã dựng lên một bối cảnh khá đặc biệt : Câu chuyện bắt đầu trong buổi tang lễ của Văn. Tiếp theo đó là những lời bộc bạch của ba nhân vật nữ còn lại. Mỗi người với một phong cách riêng.

Linda Lê : Tôi viết Sóng Ngầm như một bản nhạc với bốn bè khác nhau và tôi đã rất hăng say khi sáng tác. Tôi thích được chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác trong mỗi chương của cuốn tiểu thuyết. Mỗi lần như thế, tôi phải thay đổi văn phong, thay đổi cách viết để phù hợp với tâm tư, với cá tính của mỗi người : Văn là nhân vật chính, Lou và Ulma là hai người đàn bà cùng yêu thương anh, và cuối cùng là Laure, cô con gái của Văn. Mỗi người đều có phong thái riêng của họ. Điều đó phải được thể hiện trong lời tự bạch của họ. Mỗi nhân vật vừa phác họa ra chính chân dung của mình, vừa chia sẻ với độc giả cái nhìn của họ về những người chung quanh. Tất cả phải diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ. Cuộc đời của các nhân vật trong truyện cũng như một phần lịch sử của Pháp và Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua đã gắn liền với nhân vật chính. Tất cả đã được trải ra dưới mắt độc giả. Tôi đã đề cập tới đời sống ở miền Nam Việt Nam trước biến cố 1975, đến hành trình của một kẻ phải bỏ xứ ra đi.

RFI : Vậy chị có gặp khó khăn nào không khi chuyển từ thế giới của Văn, một nhà trí thức sang thế giới của Lou, vợ anh, một cô giáo có cuộc sống mà tất cả đã được « sắp xếp theo một trật tự nhất định », hay sang thế giới rất ‘punk’ của Laure, đứa con duy nhất của cặp vợ chồng Văn ?

Linda Lê : Không, đối với tôi, "nhảy" từ nhân vật này sang nhân vật khác không có gì là khó cả. Ngược lại, tôi lại còn thích thú nữa là khác. Trong mỗi chương của tiếu thuyết, tôi lại dìm mình vào thế giới riêng. Tôi tạo ra cho mỗi nhân vật một cách sống riêng, một lối diễn đạt riêng.

RFI : Sóng ngầm có lẽ là một cuốn tiểu thuyết xoáy vào tâm trạng của những kẻ bị "lưu đày" : Văn từ bỏ Việt Nam năm 15 tuổi và không bao giờ trở lại quê hương. Ulma, người tình muộn của anh, mang hai dòng máu Pháp – Việt, nhưng luôn mặc cảm là đứa con hoang. Dù sống trên "đất mẹ", cô luôn cảm thấy xa lạ ngay trên quê hương mình. Lou sinh ra và lớn lên ở vùng Bretagne, nhưng đã sớm cắt bỏ mọi liên hệ với vùng trời mênh mông ấy để lập nghiệp ở Paris. Laure chơi với giữa thế giới của "người lớn" và "trẻ con". Vậy thưa chị Linda Lê, có thể nói Sóng ngầm là cuốn sách nói về số phận của những người tha hương hay không ?

Linda Lê : Đúng, đây là cuốn sách nói về số phận của những kẻ xa xứ. Ngay cả trong trường hợp của Lou, vợ của Văn. Cô là một người Pháp, sinh trưởng ở vùng Bretagne, nhưng đã sớm đến Paris lập nghiệp và Lou cảm thấy xa lạ với thế giới bao quanh, ngay cả trên chính quê hương mình, tức là với vùng Bretagne. Lou đến Paris cũng tương tự như Văn từ bỏ Việt Nam để nhận nước Pháp là quê hương thứ hai. Cả bốn nhân vật chính trong Sóng ngầm đều bất lực trong việc thích nghi với thế giới bao quanh họ.

RFI : Sóng ngầm là tiểu thuyết thứ 15 của chị do nhà xuất bản Christian Bourgois ấn hành, và độc giả trung thành của chị nhận thấy có một sự khác biệt giữa tác phẩm này với những cuốn tiểu thuyết trước đây. Vậy khác biệt đó nằm ở chỗ nào ?

Linda Lê : Tôi nghĩ quyển sách này khác những cuốn sách khác ở chỗ : Những cuốn tiểu thuyết trước đây của tôi đều vượt ngoài thời gian. Cronos là một thể ngụ ngôn, là ẩn dụ. In Memoriam cũng vậy, người đọc không biết là câu chuyện diễn ra ở thời điểm nào. Trong khi đó Sóng ngầm diễn ra trong bối cảnh hiện tại, theo dòng đời của nhân vật chính là Văn. Hơn nữa, có thể nói là với tiểu thuyết này, tôi quay lại với giọng văn châm biếm, mỉa mai. Tôi đã không sử dụng giọng điệu ấy trong hai cuốn tiểu thuyết trước vừa nêu.

RFI : Trở lại với nhân vật Văn. Anh không phải là con lai, nhưng Văn lại được gần gũi và thấm nhuần văn hóa Pháp hơn là văn thơ Việt Nam. Anh cũng học trường Pháp và cũng sớm rời xa Việt Nam như chị. Người đọc có cảm tưởng là Văn là một phần thân thiết của chính bản thân chị, có đúng vậy hay không ?

Linda Lê : Vâng, có một phần của tôi trong tất cả mọi nhân vật của Sóng ngầm. Nhưng riêng đối với Văn, hắn như một người bạn chí thân của tôi, với một chút gì đó lãng mạn và mơ mộng hơn. Tôi để cho nhân vật này sinh cùng năm với tôi ! Cũng như Văn, tôi lớn lên trong nền văn học Pháp, tôi học trường Pháp ở Sài Gòn, và cũng giống như Văn, tôi đã quên hầu hết tiếng mẹ đẻ. Nhưng khác với Văn, tôi không sợ "sóng ngầm" khơi dậy trong lòng. Tôi không chôn vùi hay muốn quên hẳn những gì gắn bó với Việt Nam.Thực ra tôi nghĩ là Văn cũng đã chờ đợi là một ngày nào đó, sợi chỉ đỏ giữa anh và quê hương sẽ được nối lại. Tôi cũng thế, tôi luôn sẵn sàng chờ đón những bất ngờ khi khám phá về vùng đất này.

RFI : Xin cảm ơn nhà văn Linda Lê.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.