Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Giới thiệu sách "Những người lính thợ" của Liêm Khê Luguern

Đăng ngày:

Quyển sách song ngữ Việt và Pháp « Những người lính thợ- Les Travailleurs Indochinois Requis » nhường lời cho các bác lính thợ còn sống sót để tìm hiểu xem những người lính thợ Đông Dương là ai ? Họ ra đi trong hoàn cảnh nào ? Họ sống cơ cực ra sao trên đất Pháp ? Ngày trở về của họ đã được thu xếp ra sao ?

RFI
Quảng cáo

« Những người lính thợ » nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu để chuẩn bị luận án tiến sĩ của Liêm Khê Luguern. Đây là một tác phẩm song ngữ, Việt và Pháp trong đó, tác giả đã phác họa lại hành trình của một vài nhân chứng còn sống sót trong số 90 ngàn lính thợ và lính chiến Đông Dương vào năm 1939 bị « trưng tập » sang Pháp trong chương trình "Kế hoạch Mandel" nhằm góp phần hỗ trợ cho cuộc Thế chiến thứ hai. 

Cuộc hành trình đó bắt đầu từ khi những thanh niên này có lệnh tập trung, họ đưa lên tàu sang thành phố cảng Marseille, cho đến khi họ phải bắt tay vào với một cuộc sống mới và đã được tận mắt trông thấy sự thất bại của nước Pháp trước sức mạnh của quân Đức Quốc Xã.

Trong trên dưới 10 năm sống trên đất Pháp thành phần lính thợ Đông Dương đã được đưa vào các xưởng chế tạo vũ khí, đạn dược, làm đủ mọi ngành nghề tay chân, họ phải chịu nhiều tầng áp bức.

Cuộc sống của họ thêm chật vật kể từ khi nước Pháp thất trận vào tháng 6/1940. Trong thời gian này nhiều người trong số họ đã tham gia vào một số các hoạt động chính trị và công đoàn. Đó cũng là lý do khiến nhiều người lính Đông Dương đã bị cưỡng bức hồi hương vào cuối thập niên 40, đầu những năm 50 thế kỷ trước.

Trong gần 250 trang, bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp, tác giả đã nhường lời cho gần 20 chục bác lính thợ tất cả tuổi đã ngoài 90 để họ kể lại giai đoạn 10 năm ít được sử sách của Pháp cũng như của Việt Nam nhắc đến.

Những người lính thợ Đông Dương là ai ? Họ ra đi trong hoàn cảnh nào ? Họ sống cơ cực ra sao trên đất Pháp ? Ngày trở về của họ đã được thu xếp ra sao ? Đó là một vài câu hỏi đã được Liêm Khê Luguern nêu lên trong cuốn "Những người lính thợ" vừa cho ra mắt công chúng mùa hè năm nay
Trả lời ban việt ngữ RFI, Liêm Khê Luguern nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc cuốn "Những người lính thợ" phải được in bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp :

"Cuốn sách này năm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu, chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội Pháp, EHESS ở Paris với chủ đề chính liên quan đến các bác lĩnh thợ bị trưng dụng trong thời kỳ chiến tranh thứ hai. Mới trong thời gian gần đây, tôi đã về nước tìm đến các nhân chứng để ghi lại những gì họ đã trải qua.

Tôi cố ý muốn cuốn sách này phải được đăng bằng hai thứ tiếng, Việt và Pháp để muốn nói lên rằng, lịch sử không thuộc về ai, đó là một giai đoạn lịch sử chung, liên quan đến nước Pháp và đến Việt Nam. Những đóng góp của các thành phần lính thợ Đông Dương ít được biết đến ở Pháp và lại càng ít được nhắc tới hơn nữa tại Việt Nam. Thêm vào đó điều tôi quan tâm là số phận của những con người đã đi sang làm thuê cho Pháp trong thời kỳ chiến tranh cho dù là sau đó họ trở về quê quán sinh sống"

Tác giả nói tiếp về những khó khăn đã gặp phải để hoàn thành tác phẩm này và cho ấn bản trong một thời gian rất ngắn :

"Tác phẩm này là sự tiếp nối trong công việc nghiên cứu của tôi, nhưng đồng thời tôi cũng muốn đối chiếu cuộc sống của những người lính thợ hồi hương, với những người ở lại Pháp, tức là những ai đã sống và gây dựng sự nghiệp trên đất Pháp.

Tôi cũng xin lưu ý là lời kể, lời chứng của những bác lính thợ còn sống sót là một nguồn thông tin quý báu đối với công việc nghiên cứu của tôi. Chúng bổ sung cho các thông tin tôi có được qua những tài liệu tham khảo từ nhiều kho lưu trữ, nhưng đó là những văn bản, chứng từ, những tài liệu mang tính hành chính.

Việc khó làm nhất là liên lạc với các bác. Nay họ đã rất cao niên, sức khỏe suy yếu. Có người còn nhớ được chút tiếng Pháp, có người đã quên nhiều. Kể từ khi các bác hồi hương, họ sống tản mạn không còn giữ liên lạc với nhau. Tìm lại được các bác thất là khó. Tôi đã gửi đi hơn 250 lá thư nhưng chỉ được khoảng độ hơn một chục nguời hồi âm, cho phép tôi đến hỏi chuyện các bác. Giờ đây hầu hết các bác sống ở nông thôn và khi tiếp tôi, các cụ đã trả lời một cách cởi mở. Điều khiến tôi rất ngạc nhiên là những bác còn minh mẫn, họ nhớ đầy đủ các chi tiết của thời kỳ sống tại Pháp : từ ngày tháng, tên người, tên đường, tên thành phố, những thị trấn họ đã đi qua …

Tiếp theo đó phần lớn các bác ở rất xa thành phố. Tìm được đến họ thật là khó vô cùng, chẳng hạn như phải mất công lắm tôi mớii liên lạc được với một số bác ở Thanh Hóa".

Lời kể của các nhân chứng còn sống sót, cho phép tác giả đưa ra kết luận là sau thời gian trên dưới 10 năm lao động tại Pháp, hầu hết tất cả các bác lính thợ Đông Dương đã trở về quê cũ với « hai bàn tay trắng » :

"Lời kể của các bác lính thợ không đi ngược lại với những tài liệu mà tôi đã có, tức là những tài liệu được lưu trữ của Pháp (lệnh đưa họ sang pháp, tên tàu, cảng nơi họ rời khỏi Việt Nam …) Nhưng các cuộc nói chuyện đó cho phép tôi khẳng định một trong những giả thuyết đã nêu lên ban đầu : đó là sau 10 năm sống lưu lạc ở Pháp khi trở về Việt Nam, họ trở lại với đời sống y như truớc khi ra đi. Tức là đời sống của họ không được cải thiện, không có gì thay đổi.

Đa số về lại đúng quê quán, lại tiếp tục với công việc nhà nông như trước khi họ ra đi -sau 10 hay 15 năm sống lưu vong, đời sống của họ lại « đâu vào đấy », từ mặt địa lý đến vật chất, nghề nghiệp ….. Khác hẳn với nhưng các lính thợ ở lại Pháp. Số này, đời sống của họ được cải thiện : họ có thêm bằng cấp, có chuyên môn, an cư lạc nghiệp trên đất Pháp và có thay đổi trên nấc thang xã hội".(...)

Sở dĩ tôi cho in cuốn sách này nhanh như vậy là để các bác có thể đọc được, để cám ơn các bác lính thợ đã vui lòng mở lại một chương trong cuộc đời của họ cho tôi nhìn vào. « Những Người Lính Thợ » cũng là một hình thức để nhìn nhận vai trò, những đóng góp của họ cho lịch sử, cho sự phát triển kinh tế của Pháp ở vào một thời điểm nhất định. Đối với tôi lời chứng của các bác là những « vật liệu » quý giá đối với lịch sử đối với những người làm công việc nghiên cứu.

Trở lại với xuất xứ của thành phần lính thợ Đông Dương, hai cụ Đỗ Vị và Hà Mười hiện sinh sống tại Quảng Nam tâm sự với tác giả : « Xóm tôi có 120 gia đình và chúng tôi có đến 6 lính thợ. Chúng tôi bị lý truởng cưỡng bức nhập ngũ. Tất cả chúng tôi đều là nông dân ».

« Tôi không được đi học, không biết đọc, không biết viết. Tôi bị trưng tập năm 1939. tất cả mọi gia đình phải có một người ra đi. Tôi đi thế cho các anh tội vì họ đã có vợ con. Những người cùng lượt với tôi đều bị lý trưởng bắt buộc. Chúng tôi không thể trốn được. Nhóm tôi gồm 24 lính thợ, tất cả đều mù chữ » (tr.44) 

Cuộc sống trên đất Pháp :

Nói về cuộc sống trên đất Pháp, Cụ Lê Hữu Đinh, quê Thanh Hóa từng được đưa đến Bergerac nhớ lại : « Tôi làm ở xưởng đúc đạn cho quân đội. Cuộc sống rất khó khăn. Chúng tội bị đói và rét. Từ năm 1940-1945 tôi làm việc cùng khắp trên lãnh thổ Pháp như đẵn gỗ, đào than đá … công việc rất nặng nhọ. Rất may giữa chúng tôi, những người xa xứ, chúng tôi rất đoàn kết và thường giúp đỡ lẫn nhau. (..) Chúng tôi muốn được hồi hương càng sớm càng tốt. Bởi vì chúng tôi cảm thấy đời sống ở Pháp khôgn mang lại cho chúng tôi một chút an ninh nào ».

Còn ông Nguyễn Đình Duyệt tại Nghệ An nói về cái nhìn của quân đội Đức, của người bản xứ đối với các lính thợ Đông Dương (tr.77). 

Ngày trở về :

Trong thời gian tại Pháp nhiều bác lính thợ Đông Dương đã tham gia các phong trào đấu tranh, chẳng hạn như tham gia công đoàn CGT thân đảng cộng sản Pháp, tham gia các hoạt động chính trị để giành độc lập cho Việt Nam. Đó là lý do khiến những thành phần này bị cưỡng bức hồi hương như truờng hợp của ông Đỗ Vị vĩnh viễn mất liên lạc với vợ và con trai còn ở lại nước Pháp :

« Năm 1951, tôi xin trở về nước để thăm cha mẹ già yếu và bệnh tật. Lần này chỉ là một lần về tạm vì tôi để vợ con ở lại Marseille. Nhưng vì hộ chiếu của tôi hết hạn và vì chiến tranh, tôi vĩnh viễn không thể trở lại Pháp được. Tại quê nhà tôi lập gia đình (…) Tôi trở về làng làm ruộng và từ đó tôi chỉ là một nông dân thường (…) Hôm nay tôi chẳng muốn trở lại Pháp một tí nào cả » (tr.43)

Về phần ông Hà Văn Oanh, hiện sống tại tỉnh Hà Đông, đã tình nguyện ra đi. Rời Hải Phòng, ông đến Marseille vào tháng 2/1940 sau đó được đưa về làm việc tại một nhà máy sản xuất vũ khí tại Roanne. Mười năm sau ông trở lại quê nhà với hai bàn tay trắng. Ông nói : « Khi nghe lệnh tập trưng, tôi xung phong ra đi. Khi tôi trở lại quê hương thì chỉ có hai ban tay trắng. Tôi chưa bao giờ được lãnh tiền bồi thường. Tôi làm việc cho nước Pháp trong 10 năm (…), nhưng khi đến tòa đại sứ, họ chẳng cho tôi bước chân vào » (tr.52)

Mỗi người một hoàn cảnh, cụ Hoàng Công Cẩn sinh năm 1918, Quảng Trị trong tình trạng bị cưỡng bức hồi hương vì đã tham gia các hoạt động công đoàn kể lại : « Vào đầu năm 1948 tôi tìm được việc làm ở Grenoble, tôi về Lyon chuẩn bị sửa soạn đồ đạc để đì Grenoble thì tôi bị bắt tại nhà ga Lyon (…) Tháng 2/1948 tôi bị đưa đến cảng Port de Bouc lên tàu Lyberty Ship (…) khi ra khơi tôi mới hiểu rằng người ta đưa chúng tôi về Đông Dương (…) Tôi không hối tiếc gì về việc đã xung phong vào lính ONS ở Pháp. Tôi đi tham quan hầu hết miền Nam nước Pháp và thuộc nằm lòng thành phố Lyon. Tôi viếng Paris 2 lần và đã quen biết được nhiều người Pháp tốt và nhân đạo. Tôi ao uớc được quay lại nước Pháp để xem nước Pháp có thay đổi không (…) nhưng nay thì đã quá muộn » (tr.65-66)

Về phần mình cụ Lê xuân Thiểm, Quỳnh Lưu, Nghệ An (p 74) kết luận : « Tôi vẫn luôn luôn là nông dân nơi đồng ruộng. Rốt cuộc thì đời tôi chẳng có gì thay đổi. Tôi không hề nhận được tiền trợ cấp (…) Đời sống của tôi cực kỳ khó khăn »  Nhưng đôi khi nhưng kỷ niệm về nước Pháp đã quá xa rồi đối với những người lính thợ còn sống sót. Nguyện vọng của một vài người là mong lấy lại được phần lương đã bị giữ lại hàng tháng trong thời gian lao động tại Pháp nhưng cũng có người thì muốn vĩnh viễn chôn vùi 10 năm lưu lạc đó vào quá khứ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.