Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Mike Brant, tình khúc nào con tim còn nhớ mãi

Đăng ngày:

Nhân dịp 35 năm ngày ca sĩ Mike Brant qua đời, một vở ca nhạc kịch mang tựa đề Laisse nous t’aimer kể lại sự nghiệp của anh được diễn trong tháng này tại Paris. Cuộc đời của Mike Brant mang đậm dấu ấn chồng chéo của sự may mắn và nỗi bất hạnh. Khao khát danh vọng có lẽ đã đẩy giọng ca này đến bên bờ vực thẳm.

Ca sĩ qúa cố Mike Brant (DR)
Ca sĩ qúa cố Mike Brant (DR)
Quảng cáo

Sự nghiệp của Mike Brant thật ngắn ngũi, chỉ vỏn vẹn có năm năm, nhưng đủ để cho anh trở thành một trong những biểu tượng của làng nhạc nhẹ tại Pháp những năm 1970. Tên thật là Moshé Brand, anh sinh năm 1947 tại đảo Chypre, một năm trước ngày đất nước Israel được thành lập. Gia đình anh người Ba Lan gốc Do Thái, cha mẹ anh sau khi thoát chết từ trại tập trung Auschwitz, đến định cư tại thành phố Haifa.

Theo lời kể của người mẹ, do ra đời trong hoàn cảnh hết sức bấp bênh, nên anh chỉ biết nói khi lên 5 tuổi. Thời còn nhỏ, Mike chỉ thích vẽ và hát. Tại trường lớp, anh là đứa con trai duy nhất tham gia vào ca đoàn thiếu nhi. Mike bỏ học năm 13 tuổi và bắt đầu đi làm để phụ giúp gia đình. Cùng với một người anh trai, Mike thành lập một ban nhạc và bắt đầu đi hát vào năm 15 tuổi, trong các quán nhạc, khách sạn và tiệc cưới. Thời gian đầu, ban nhạc chỉ trình diễn các ca khúc Anh Mỹ nổi tiếng của Elvis Presley, Tom Jones và nhóm The Platters. Mike Brant lúc đó chưa phải là nghệ danh của ca sĩ mới vào nghề, và do không thạo ngoại ngữ, nên anh chỉ hát theo cách học thuộc lòng các phiên âm. 

Trong vòng 5 năm liền, ban nhạc liên tục đi trình diễn, nhưng Mike chỉ ước mơ khởi nghiệp hát solo, nuôi mộng trở thành một ngôi sao nhạc rock như Elvis, hay nổi tiếng không thua gì thần tượng của anh là Tom Jones, với lối biểu diễn rắn chắc cứng cựa đầy nam tính. Dịp may đầu tiên đến với anh vào mùa đông năm 1968, Mike lúc đó mới 21 tuổi. Trong một đêm biểu diễn tại hộp đêm Baccara Club tại thành phố Teheran, anh lọt vào mắt của thần tượng nhạc trẻ người Pháp Sylvie Vartan, trong lúc cô đang lưu diễn vùng Trung Cận Đông. Theo lời kể của Sylvie Vartan, ít có ai mà có được một giọng hát khỏe khoắn như vậy, và nhất là có thể hát nhiều loại nhạc từ Ray Charles đến Beatles, từ Elvis đến Sinatra. Ngạc nhiên trước chất giọng của Mike, Sylvie Vartan đề nghị anh sang Pháp lập nghiệp. 

Đến Paris khởi nghiệp

Giai đoạn đến Paris thử lửa đặt ra cho ca sĩ trẻ tuổi nhiều thách đố. Trước hết cũng vì các rào cản ngôn ngữ : Mike không hề biết một chữ tiếng Pháp và chỉ nói bập bẹ tiếng Anh. Khi đặt chân đến Pháp vào mùa hè năm 1969, Mike chỉ có trong túi số điện thoại của Sylvie Vartan, nhưng thật không may vì vào lúc đó cô lại đang lưu diễn vòng quanh nước Pháp. Sau nhiều lần gọi mà không ai bắt máy, Mike nản chí quyết định trở về Israel, nhưng giờ chót lại gặp được anh trai của Sylvie. Lúc đó, anh mới được giới thiệu với nhà sản xuất Eddie Barclay, chủ nhân của hãng đĩa nổi tiếng cùng tên, và nhất là bà Monique Le Marcis, giám đốc chương trình đài phát thanh RTL. Nhờ sự gửi gấm và đỡ đầu của họ mà sự nghiệp của Mike mới cất cánh.

Tại Pháp, lần đầu tiên Mike Brant ký hợp đồng ghi âm dài hạn vào năm 1970. Bài hát tiếng Pháp đầu tiên mà anh cho ra mắt là nhạc phẩm Laisse moi t’aimer (Hãy để ta yêu em). Theo lời kể của nhạc sĩ Jean-Claude Vannier, do không biết nói tiếng Pháp, nên Mike khó mà phát âm thật chuẩn. Anh buộc phải học cách phát âm đến nổi quên ăn, quên ngủ. Bài hát chỉ được hoàn tất sau 260 lần ghi âm thử. Nhưng nhờ vào tính kiên trì, Mike rốt cuộc đã vượt qua trở ngại. Phần thưởng đền bù cho nhiều tháng thử thách thật xứng đáng. Gần hai triệu bản của bài này được bán trên thị trường vào đầu năm 1970. Mike Brant sẽ ghi âm lại ca khúc này trong nhiều ngoại ngữ kể tiếng Đức và tiếng Ý. 

Từ đó trở đi, hầu hết các bản nhạc mà Mike Brant ghi âm đều trở thành đĩa vàng. Anh liên tục xuất hiện trong các chương trình ca nhạc truyền hình của Guy Lux và Carpentier, với hình ảnh của một chàng trai đào hoa, một playboy với chất giọng mượt mà say đắm, làm thổn thức hàng triệu con tim phái nữ. Tuy ăn khách, nhưng Mike vẫn còn thiếu tự tin nơi vốn liếng ngoại ngữ của anh, có lẽ cũng vì thế mà anh đã từ chối tham gia vào vở ca nhạc kịch Hair, cũng như một số dự án quay phim. 

Sự thành công nhanh chóng của Mike Brant biến anh thành một trong những thần tượng mới của giới trẻ thời đó. Chân dung của anh chiếm trang bìa báo chí và vượt qua mặt cặp vợ chồng Johnny Hallyday và Sylvie Vartan. Vào mùa thu năm 1971, Dalida mời anh hát mở đầu trong đợt trình diễn của cô tại nhà hát Olympia. Vài tháng sau, một lần nữa anh lại phá kỷ lục số bán với hai nhạc phẩm C’est ma prière (Lời cầu nguyện của tôi) và Qui saura (Nào ai biết). Nguyên tác bài này là một ca khúc tiếng Ý của Jimmy Fontana (Jose Feliciano là người ghi âm đầu tiên), mà Mike đã khám phá nhân dịp đi hát tại liên hoan ca nhạc San Remo.

Trả giá đắt cho sự thành công

Tuy thành công vượt bực, nhưng Mike Brant hơn bao giờ hết lại có vẻ cô đơn. Tuy lúc nào cũng có nhiều người ở xung quanh, nhưng anh lại không được sống gần gũi với gia đình, không có người thân để nương tựa và hầu như không có đời sống riêng tư về mặt tình cảm, các quan hệ thường ngày chỉ đơn thuần là nghề nghiệp. Theo lời kể của gia đình, thì anh tìm cách khuây khỏa bằng cách chơi bóng đá vào mỗi buổi sáng chủ nhật. Nhịp độ làm việc và lịch lưu diễn dồn dập khiến anh bị chứng mất ngủ kinh niên : Mike bắt đầu dùng thuốc an thần để giảm stress.

Trong 3 năm sau đó, Mike tiếp tục ăn khách với các bản ghi âm, nhất là nhạc phẩm Rien qu’une larme (Chỉ một giọt lệ). Đây là giai đoạn mà Mike Brant lưu diễn nhiều nhất ở nước ngoài để giới thiệu các album của mình, từ châu Âu sang Canada, từ Nhật Bản sang Úc. Càng đi diễn, Mike lại càng lún sâu vào chứng trầm cảm. Mẹ của anh bắt đầu lo lắng về việc anh dùng nhiều thuốc ngủ và nhất là về những mối quan hệ trong nghề nghiệp của con mình, theo bà sự thành công của Mike Brant lôi kéo rất nhiều người chỉ muốn trục lợi (chẳng hạn như nhà sản xuất Simon Weintraub), bằng mọi cách họ ký nhiều hợp đồng lưu diễn bất kể điều đó có ảnh hưởng đến sức khỏe của anh hay không.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mike Brant ngày càng bị suy yếu là vào đầu tháng 5 năm 1974. Trước 4.000 khán giả Pháp, Mike không kết thúc buổi biểu diễn và đột ngột rời sân khấu. Tranh chấp giữa ca sĩ và các nhà sản xuất tăng thêm một bậc tại thành phố Cambrai, anh bị thương ở tay sau khi đập vỡ tấm gương lớn trong phòng thay đồ, sau một trận cãi vả. Theo lời khuyên của hai vợ chồng Johnny Hallyday và Sylvie Vartan, anh sang Thụy Sĩ, nhập viện để điều dưỡng sức khỏe. Cuối tháng 11 năm 1974, trong lúc anh đang có mặt tại Genève, anh toan tính nhảy lầu khách sạn để tự tử. Anh thoát chết nhưng buộc phải ngưng trình diễn vì bị gãy chân.

Bi kịch đằng sau hào quang danh vọng 

Tình trạng sức khỏe của Mike không ngừng dao động trong suốt những ngày tháng cuối đời do chứng trầm cảm càng lúc càng nặng. Anh trở lại phòng thu và phát hành vào tháng giêng năm 1975 hai bài hát mới : Qui pourra lui dire (Ai có thể nói với nàng) và Elle a gardé ses yeux d'enfants (Mẹ còn đôi mắt trẻ thơ). Nhưng bài hát cuối cùng của Mike Brant là nhạc phẩm Dis lui (Nói với nàng). Ca khúc này là nguyên tác tiếng Pháp của nhạc phẩm lừng danh thế giới Feelings, ăn khách qua giọng ca của Morris Albert.

Trước sự thành công của album này, Mike Brant có vẻ như đang yêu đời trở lại, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Ngày 25 tháng 4 năm 1975, ca sĩ này thật sự vĩnh viễn ra đi vào năm 28 tuổi, sau khi nhảy lầu từ sân thượng. Cái chết đột ngột của anh khiến cho cả làng nhạc Pháp bị sốc. Hàng triệu người hâm mộ bàng hoàng thương tiếc thần tượng của họ. Mike Brant được gia đình đưa về Israel, chôn cất tại Haifa.

35 năm sau ngày qua đời, Mike Brant vẫn còn một tầng lớp hâm mộ đông đảo. Sự ra đi của anh vẫn còn nhiều điều bí ẩn nên báo chí đã có một thời gian đồn đại và tung ra nhiều giả thuyết khá giật gân về cái chết của anh. Sự nhiệt tình của các fan giúp duy trì tên tuổi của Mike Brant trong lòng người mến mộ. Sau hơn ba thập kỷ, các tuyển tập của anh vẫn tiếp tục ăn khách, bán ở mức trung bình khoảng nửa triệu bản mỗi năm.

Trường hợp của Mike Brant không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một tài năng nổi tiếng chớp nhoáng, nhanh đến nổi một tâm hồn nhạy cảm như anh không đủ nghị lực để ứng phó. Nó có thể minh họa cho sự tham lam của một số nhà sản xuất trong thời kỳ vàng son của ngành đĩa hát, dẫn đến một sự khai thác quá đà. Người ta có cảm tưởng là sau một thời gian dài khao khát tiền tài, Mike Brant lại bị gò bó và bị nhốt lỏng vì không được làm chủ sự nghiệp của mình. Công chúng dường như chỉ nhìn về bề mặt chứ không thấy tấn bi kịch đang âm thầm diễn ra đằng sau vầng hào quang danh vọng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.