Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Ma lực quyến rũ của phim ‘‘Twilight’’ đối với giới trẻ

Đăng ngày:

Twilight vừa là một bộ trường thiên tiểu thuyết vừa là tựa đề của loạt phim ăn khách với cặp diễn viên Kristen Stewart và Robert Pattinson trong vai chính. Tính đến giờ, 3 tập phim phóng tác từ bộ tiểu thuyết này đã thu về hơn 1,2 tỷ đôla. Trong truyện cũng như trong phim, Twilight là câu chuyện tình Romeo & Juliet thời đại.

DR
Quảng cáo

Tại Pháp cũng như tại Mỹ, ta đừng bao giờ hỏi giới trẻ rằng: ‘‘Twilight có gì đặc biệt mà khiến cho các bạn say mê đến như thế ?’’. Hỏi xong mới thấy là ta đã nói hớ và chẳng hiểu gì về thị hiếu của lứa tuổi mới lớn. Hỏi như vậy cũng sẽ chẳng có câu trả lời, bởi vì ta sẽ bị lũ nhóc hỏi vặn lại : ‘‘anh chị đến từ hành tinh nào mà sao lại có câu hỏi ngớ ngẫn như vậy ?’’.

Twilight vừa là một bộ trường thiên tiểu thuyết vừa là tựa đề của loạt phim ăn khách với cặp diễn viên Kristen Stewart và Robert Pattinson trong vai chính. Tính đến giờ, 3 tập phim phóng tác từ bộ tiểu thuyết này đã thu về hơn 1,2 tỷ đôla. Trong truyện cũng như trong phim, Twilight là câu chuyện tình Romeo & Juliet thời đại. Chỉ có điều là ở đây nhân vật Romeo là ma cà rồng (vampire) vì thế mà trẻ mãi không già, tuổi đã trên 100 mà vóc dáng lúc nào cũng trông như một thanh niên 18. Còn Juliet là một thiếu nữ trinh nguyên, một nữ sinh trung học ‘‘tầm thường’’ với tất cả những trăn trở thầm kín, những suy tư đầu đời giống như bao thiếu nữ khác cùng trang lứa.

Trước khi được chuyển thể lên màn bạc, Twilight đã là một hiện tượng toàn cầu của ngành xuất bản sách. Nhờ vào bộ tiểu thuyết dày 4 tập này, mà tác giả người Mỹ Stephenie Meyer tính đến nay đã bán hơn 18 triệu quyển sách, và được dịch sang 35 thứ tiếng trên thế giới. Được cho ra mắt độc giả lần đầu tiên cách đây 5 năm, bộ tiểu thuyết Twilight ban đầu thật ra đã bị nhiều nhà xuất bản từ chối vì bị cho là quá ngây ngô. Mãi đến năm 2005, khi sách được trình làng, Twilight lại trở thành best seller trong vòng một thời gian rất ngắn, và liên tiếp lập kỷ lục về số lượng phát hành, đặt mua cũng như tái bản. Theo lời cô Antoinette Rouverand , giám đốc tiếp thị chuyên về tủ sách tuổi trẻ của nhà xuất bản Hachette ở Pháp, sự thành công của Twilight vượt qua ngoài mọi dự đoán.

‘‘Tác giả Stephenie Meyer được xem như là một hiện tựong của ngành xuất bản. Bốn năm về trước tại Pháp, không ai biết được tác giả này là ai. Kể từ khi cô thành danh tại Hoa K ỳ, thì giới xuất bản ở châu Âu mới bắt đầu quan tâm đến hiện tượng này, nhưng họ vẫn còn khá dè dặt và thận trọng, bởi vì một best seller ở Mỹ khi được phát hành tại châu Âu, chưa chắc gì sẽ được độc giả đón nhận nồng nhiệt một cách tương tự.

Bằng chứng là khi được dịch sang tiếng Pháp hay tiếng Đức, số lượng sách được in trong giai đọan đầu, vẫn ở một mức độ vừa phải, chứ không quá đỗi ngoạn mục. Nhưng khi ta xem qua các bài phóng sự truyền hình ở Mỹ nói về Stephenie Meyer, thì ta sẽ thấy là cô giống như một thần tượng nhạc rock. Mỗi lần cô xuất hiện trước công chúng, là các fan gào thét đến điếc tai, điên cuồng đến chỗ ngất xỉu. Đến khi ấy thì các nhà xuất bản châu Âu mới nghĩ rằng : sách của Stephenie Meyer hẳn có một chút gì đó khác biệt, thì mới có thể tạo ra nơi người đọc một phản ứng như vậy’’.

Phản ứng của độc giả đối với bộ tiểu thuyết này mạnh đến nỗi, tạp chí Time đầy uy tín của Mỹ đã so sánh 4 tập Twilight với loạt tiểu thuyết phù thủy tí hon Harry Potter của tác giả người Anh J.K Rowling. Khác biệt hay chăng là ở đối tượng và độ tuổi của độc giả. Harry Potter chủ yếu dành cho các fan nhỏ tuổi, còn Twilight lại nhắm vào giới thanh thiếu nữ, bồi hồi cảm xúc với những rung động đầu đời. Cả hai đối tượng độc giả này đều khá trung thành và xa hơn nữa giới mê đọc truyện cũng là những khán giả say mê theo dõi trên màn ảnh lớn những nhân vật mà họ yêu thích. Điều đó bảo đảm sự thành công của tác phẩm một khi được chuyển thể lên màn ảnh lớn. Theo lời nhà báo Fabien Constant, niềm đam mê đó giờ đây phát triển rất mạnh trên mạng internet :

‘‘Nhờ vào các fan hâm mộ mà Twilight đã trở thành một hiện tượng rất lớn của cộng đồng trên mạng. Giới trẻ một khi đã yêu chuộng một điều gì rồi, thì không cần ai bảo, họ vẫn tự động tải lên mạng, để cùng chia sẻ với nhau, để rủ người khác cùng xem. Họ lập diễn đàn để trao đổi về cốt truyện hay nhân vật, để mổ xẻ từng chi tiết trong kịch bản, từng cảnh phim, so sánh nguyên tác với phóng tác.

Thậm chí, từ một số chi tiết trong truyện, họ suy đoán ra bối cảnh tuổi thơ của từng nhân vật, những sở thích cá nhân từ cách ăn mặc cho đến thú tiêu khiển. Để đo lường sự say mê của giới trẻ, đặc biệt là các thanh thiếu nữ đối với Twilight, thì bạn nên dự hội chợ Comic-Con tổ chức hàng năm vào tháng 8 tại San Diego.

Được thành lập từ năm 1970, hội chợ này ban đầu chủ yếu dành cho giới ghiền truyện tranh, phim hoạt họa hay phim truyền hình mà vai chính thường là một nhân vật siêu nhiên thần thánh chứ không phải là người phàm. Dần dần theo thời gian, hội chợ Comic-Con đã mở ra nhiều không gian trưng bày cho các nhân vật phi phàm trong tiểu thuyết hay phim truyện. Có thể nói là trong ba năm trở lại đây, các nhân vật Twilight hoàn toàn ngự trị tại hội chợ này, và chính giới hâm mộ đã nuôi dưỡng cho sự thành công của lọat phim này trên màn ảnh lớn’’.

Sự thành công của Twilight không chỉ được nuôi dưỡng mà còn được hà hơi tiếp sức bởi cơn sốt của người hâm mộ. Đối với các nhà xuất bản sách cũng như giới phát hành phim, lượng fan đông đảo chẳng những bảo đảm sự thành công của bộ phim hay tập truyện mà còn là phương tiện quảng cáo theo kiểu dây chuyền vô cùng hữu hiệu. Trên các mạng xã hội hay thông qua các trang blog, số lượng thông tin liên quan đến Twilight làm cho ta đủ chóng mặt.

Tài tử Robert Pattinson, thần tượng của giới trẻ
Tài tử Robert Pattinson, thần tượng của giới trẻ Reuters

Riêng trên mạng Facebook, số lượng fan hiện giờ đã lên đến gần 8 triệu người, tiếp nối nhau để tải thông tin lên mạng. Điều này chỉ có thể làm cho anh Sebastien Careil , đại diện của hãng phim phân phối bộ phim Twilight ở Pháp, thêm hài lòng :

‘‘Với tập phim gần đây nhất của Twilight, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi đoạn phim quảng cáo (trailer) được trình làng, đã có đến 4 triệu người truy cập internet để tải xuống đoạn phim này. Một con số khổng lồ mà hầu như không tốn một đồng xu nào chi cho khâu tiếp thị quảng cáo. Còn trên danh sách của 10 gương mặt được tìm kiếm nhiều nhất theo từ khóa trên nhiều trang mạng, thì có đến 4 tên tuổi là thuộc về thành phần diễn viên và êkíp thực hiện lọat phim Twilight. Theo tôi, thì không phải ngẫu nhiên mà hai diễn viên chính là Kristen Stewart và Robert Pattinson đã được tạp chí Forbes xếp vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất năm 2010. Phần lớn cũng vì danh sách này liệt kê các tên tuổi theo nhiều tiêu chuẩn : ngoài lợi nhuận trong năm còn phải kể đến số lượng trang bià đăng trên báo chí cũng như uy tín của nhân vật đối với các cư dân trên mạng internet’’.

Dường như không còn gì có thể cản nổi đà thành công của tác giả Stephenie Meyer và hai diễn viên Kristen Stewart (vai nữ Bella Swan) và Robert Pattinson (vai nam Edward Cullen). Dù vậy, Twilight vẫn chưa thật sự được công nhận là có đầy đủ giá trị, theo đúng nghĩa của một tác phẩm điện ảnh, huống chi là một tác phẩm ‘‘văn học’’.

Để giải thích cho sự thành công vượt bực của Twilight, ông Jean Marigny, giáo sư văn học Mỹ thuộc trường đại học Grenoble III, và cũng là tác giả của quyển sách ‘‘Ma cà rồng trong văn học thế kỷ XX’’, cho là tác giả Stephenie Mayer đã biết khai thác hình tượng vampire theo thị hiếu của thời nay. Cô đã tiếp nối việc phục hồi các gương mặt ‘‘tà đạo’’ : trong phim ảnh trước kia, một vai ác thường là một nhân vật phản diện, nay có thể trở nên thánh hiền hơn cả những vai thiện.

Bằng chứng là trong tác phẩm của Bram Stoker, ‘‘Dracula’’ là một kẻ hung dữ độc ác, một nhân vật không sợ chết và không bao giờ ngã bệnh, nhưng trường sinh bất tử lại là một nỗi bất hạnh lưu từ kiếp này sang kiếp nọ, nhất là khi cần hút máu người, Dracula lộ rõ chân tướng của một hung tinh, quái vật.

Còn nhân vật Edward Cullen trong Twilight không bao giờ biến tướng, lúc nào cũng có một ma lực quyễn rũ kỳ lạ, đẹp một cách mê hồn, liêu trai và nhất là không bao giờ muốn giết người để hút máu. Một loại Dracula nhưng lại thề suốt đời ăn chay, quý phái và lịch lãm như anh hùng tiểu thuyết lãng mạn.

Xu hướng phục hồi hình tượng ma cà rồng đã bắt đầu nhiều năm trước với các quyển tiểu thuyết của Anne Rice, tác giả của "Interview with a Vampire". Việc xoá mờ ranh giới giữa thiện và ác, đã gợi hứng cho nhiều nhân vật sau đó (Blade, Lestat, True blood…) dựa theo phương châm : ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ xã hội nào cũng có người tốt kẻ xấu. Trong thế giới của vampire cũng vậy. Trong trường hợp của Stephenie Meyer, tác giả này không đem lại gì mới, ngọai trừ việc Mỹ hóa các nhân vật, thích ứng hình tượng vampire qua lăng kính thời nay : để phòng ngừa hậu họa, Edward Cullen chẳng những kiêng ăn mà còn kiêng luôn cả sắc giới.

Trong số những người từng xem phim Twilight, có ý kiến cho rằng phim này chủ yếu dành cho phái nữ : từ đề tài cho đến cách xây dựng nhân vật. Bởi vì vào cái lứa tuổi mới lớn, khi mụn bắt đầu nổi trên da mặt, các thanh thiếu niên chủ yếu mê chơi game, ghiền xem phim hành động đầy kỹ xảo điện toán theo kiểu Iron Man hay Transformers, và họ rất vụng về, ngốc ngếch khi phải nói chuyện với người khác phái.

Do vậy, khi xem Twilight, giới nam thấy chẳng có gì hứng thú cả. Trong khi đó, giới thiếu nữ dường như chỉ mơ đến những câu chuyện thơ mộng, càng giống như chuỵên cổ tích Công chúa ngủ trong rừng chờ nụ hôn của một vị hoàng tử. Niềm đam mê đó càng bị cản trở trong trí tưởng tượng, trái tim trinh nữ lại càng thổn thức say đắm.

Về điểm này, phải công nhận rằng Stephenie Meyer khai thác tài tình những suy tư thầm kín của lứa tuổi vừa biết yêu. Tờ Le Monde đánh giá là tuy tác giả của Twilight cho biết là cô lấy nhiều cảm hứng từ Đỉnh gió hú (Wuthering Heights) tiểu thuyết duy nhất của nhà văn  ở chỗ cô muốn nói về một mối tình không thành, cũng như nổi đam mê mãnh liệt một khi không thể hóa giải có thể tiêu diệt các nhân vật chính và cả những người thân khác ở xung quanh. Nhưng dù có mô tả tỉ mỉ tâm trạng của các nhân vật, Stephenie Meyer vẫn không có cách nào mà vươn tới được đỉnh cao của Emily Brontë.

Đối với nhiều tờ báo, từ Washington Post cho đến Irish Times, tiểu thuyết Twilight nên được xem như một tựa sách giải trí và dễ đọc hơn là một tác phẩm văn học. Trong mục điểm sách, các nhà phê bình nước ngoài, viết cho các tờ báo lớn của Anh Mỹ cho rằng Twilight vẫn nấp bóng các cây đại thụ. Những tác phẩm đầu tiên viết xung quanh chủ đề này đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, và đã để lại dấu ấn sâu đậm. Chẳng hạn như quyển Varney the Vampire của nhà văn James Malcolm Rymer, Dracula của tác giả Bram Stoker, Vampire Chronicles của tác giả Anne Rice. Stephenie Meyer chỉ nối bước các bậc tiền bối, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tầm ảnh hưởng rất lớn của những người đi trước.

Về phần mình, nhà phê bình người Mỹ Roger Erbert của tờ Chicago Sun-Times nhận xét là khi viết tiểu thuyết Twilight, có lẽ Stephenie Meyer đã nghĩ tới chuyện phóng tác lên màn ảnh vì lối viết của cô có sẵn nhiều hình ảnh gần với kịch bản. Tác giả này biết nhắm vào đối tượng trẻ tuổi của mình vì từ vựng tuy có chỗ bóng bẩy nhưng vẫn không đến nổi cao siêu, khó hiểu. Đâu đó, ưu điểm của quyển sách cũng là nhược điểm của nó.

Còn đối với nhà phê bình người Anh Christopher Middleton của tờ Daily Telegraph, ông nói thẳng là Twilight chỉ là một hiện tượng của văn hóa phổ thông, bùng phát vì ứng dụng vào thời đại internet. Về lượng sách bán chạy hoặc về lượng người đi xem phim, sự thành công của Twilight chẳng có gì mà phải ngạc nhiên. Đáng ngạc nhiên hay chăng, là văn phong của tác giả Stephenie Meyer, trí tưởng tượng của cô thì dư thừa, nhưng dòng văn xuôi lại thiếu bản lĩnh. 
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.