Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hồng Kông : Quân đội Trung Quốc nhe nanh múa vuốt dọa người biểu tình

Đăng ngày:

Châu Á, cụ thể là các diễn biến tại Hồng Kông, hay căng thẳng thương mại biến thành chính trị giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là các chủ đề nổi bật trong dòng thời sự của tuần lễ cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám năm 2019 này. Bên cạnh đó, một sự kiện đã được chờ đợi từ trước, nhưng khi diễn ra cũng đã thu hút sự chú ý : Đó là việc Mỹ chính thức rời khỏi Hiệp Ứớc Tên Lửa Tầm Trung INF ký với Liên Xô vào năm 1987.

Bất chấp mọi đe dọa, biểu tình chống luật dẫn độ tiếp tục diễn ra tại Hồng Kông ngày 03/08/2019.
Bất chấp mọi đe dọa, biểu tình chống luật dẫn độ tiếp tục diễn ra tại Hồng Kông ngày 03/08/2019. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Về thời sự Hồng Kông có thể nói là Bắc Kinh đã bắt đầu cho quân đội xung trận, lao vào cuộc chiến đàn áp xu hướng nổi dậy đòi dân chủ tại Hồng Kông, với giai đoạn đầu là tung ra một cuộc chiến tranh tâm lý nhằm lung lạc tinh thần của những người biểu tình.

Bình thường thì lực lượng gồm 6000 quân Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông rất kín đáo, ít khi xuất đầu lộ diện. Thế nhưng, trong những ngày gần đây, lực lượng này đã bắt đầu lên tiếng tố cáo những vụ bạo động nảy sinh nhân những cuộc biểu tình, trong lúc tại Bắc Kinh, bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định rằng lực lượng đồn trú tại Hồng Kông hoàn toàn có thể tham gia các chiến dịch tái lập trật tự trị an nếu được chính quyền đặc khu yêu cầu.

Lời khẳng định này không khác gì một lời đe dọa vì lẽ trên nguyên tắc, chức năng duy trì trật tự trị an là của cảnh sát, chứ không phải là quân đội.

Và như để tăng trọng lượng cho các tuyên bố kể trên, tối thứ Tư 31/07, lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông đã cho công bố một đoạn video tuyên truyền dài khoảng ba phút, cho thấy bộ đội Trung Quốc đầy uy lực tham gia các chiến dịch dẹp biểu tình.

Để cho thông điệp đe dọa được mọi người Hồng Kông hiểu được, đoan video đã sử dụng tiếng Quảng Đông, phương ngữ thông dụng ở Hồng Kông, và được phụ đề Hoa Ngữ và Anh Ngữ, và nhất là có những hình ảnh và âm thanh đầy tính đe dọa nhắm vào người biểu tình.

Người ta thấy những người lính tinh nhuệ vừa bắn, vừa tiến lên trên những con đường hẹp... những toán lính giương cao lá cờ đỏ với lời đe dọa : « Hãy dừng lại, bằng không chúng tôi sẽ tấn công ».

Bên cạnh đó là hình ảnh các cuộc tập trận chống bạo động, trong đó người ta thậm chí có thể thấy cả xe tăng và bệ phóng tên lửa... Đây quả là một màn dàn dựng xứng đáng với một bộ phim chiến tranh... với một thông điệp : Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc (tức là Quân Đội Trung Quốc) đã sẵn sàng can thiệp để tái lập trật tự tại Hồng Kông.

Chính thông điệp này, nhưng với giọng điệu hòa hoãn hơn, đã được chỉ huy đơn vị quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông lập lại nhân dịp kỷ niệm 92 năm thành lập quân đội Trung Quốc: Những sự cố cực kỳ bạo lực « không thể được dung thứ ». Tướng Trần Đào Tường nói tiếp : « Chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, an ninh, ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông. »

Đây là một tuyên bố hiếm hoi, có mục tiêu răn đe, không cho những thanh niên Hồng Kông nổi loạn vượt qua lằn ranh đỏ do Bắc Kinh áp đặt.

Thương mại : Nhật Bản tuyên chiến với Hàn Quốc

Tại vùng Đông Bắc Á, tình hình quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nóng bỏng hẳn lên với việc Tokyo hôm 02/08/2019 đã quyết định tăng cường biện pháp trừng phạt thương mại Hàn Quốc, loại nước láng giêng ra khỏi danh sách trắng của những quốc gia được Nhật Bản ưu đãi về thương mại. Phía Hàn Quốc lập tức tuyên bố có những phản ứng trả đũa.

Vì sao Nhật Bản lại mạnh tay với Hàn Quốc như vậy. Từ Tokyo, thông tín viên RFI Fredéric Charles giải thích :

Chính phủ Nhật Bản muốn trừng phạt chính quyền Hàn Quốc về tội không can thiệp khi các tòa án Hàn Quốc ra lệnh bắt các tập đoàn Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries là phải bồi thường cho những người Triều Tiên đã bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy của các tập đoàn này thời Thế Chiến Thứ Hai.

Đối với Nhật Bản, vấn đề bồi thường đã được giải quyết trong hiệp định bình thường hóa quan hệ hai nước ký năm 1965.

Vào khi ấy, Hàn Quốc đang sống dưới thời chế độ độc tài quân sự, và những nạn nhân của vụ cưỡng bức lao động thời chiến đã không nhận được bất kỳ một khoản bồi thường nào.

Quá khứ lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục gây chia rẽ giữa hai nước, lan sang địa hạt thương mại, và cách đây hai tuần đã gây ra một thảm kịch khi một người Hàn Quốc đã tự thiêu trước Đại Sứ Quán Nhật Bản tại Seoul.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lo lắng trước đà suy thoái trong quan hệ giữa hai đồng minh châu Á của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ cũng đang vướng vào một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Phong trào tẩy chay lẫn nhau

Căng thẳng Nhât-Hàn ở cấp chính quyền dĩ nhiên đã tác động đến người dân. Tại Hàn Quốc, đã bùng lên cả một làn sóng phản đối Nhật Bản, nổi cộm là hai vụ tự thiêu chống Nhật, bên cạnh một phong trrào tẩu chay hàng Nhật, tẩy chay du lịch Nhật…

Tại Nhật Bản cũng thế, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy là gần 70% người Nhật ủng hộ thái độ cứng rắn của Tokyo đối với Seoul.

Trong tình hình nghi kỵ gia tăng như vậy, thông tín viên RFI tại Tokyo Bruno Duval đã tìm hiểu xem những người Hàn Quốc sinh sống tại Nhật cảm nhận như thế nào.

Thông tín viên RFI đã đến Shiu Okubo, khu phố Hàn Quốc tại Tokyo. Ở đấy, khi được hỏi là có nên để những  tội ác của Nhật thời Đệ Nhị Thế Chiến tiếp tục đè nặng trên quan hệ song phương Nhật-Hàn hay không, ý kiến trả lời khá khác nhau. Một thanh niên Hàn Quốc nhập cư giải thích : « Với tư cách là người Hàn Quốc, tôi nghĩ là Nhật Bản phải xin lỗi về quá khứ quân phiệt của mình. Dĩ nhiên là nhiều người Nhật vẫn không muốn hối lỗi như thế… »

Người bạn của thanh niên này nói thêm : « Truyền lại lịch sử của hai nước cho các thế hệ sau là điều rất quan trọng. Theo tôi, tại Nhật Bản cũng như tại Hàn Quốc, các chính trị gia phải ngưng đổ thêm dầu vào lửa, họ cứ luôn nhấn mạnh trên những gì đã chia cắt hai bên trong quá khứ ».

Trong khi chờ đợi thì những người buôn bán Hàn Quốc tại Nhật Bản tỏ vẻ chán nản.

Một phụ nữ bán hàng cho biết : « Không khí này không tốt cho kinh doanh. Tôi rất muốn là căng thẳng sớm giảm đi, và hai quốc gia nối lại quan hệ bằng hữu ».

Một người khác cũng tán đồng : « Hình ảnh của Hàn Quốc đã xấu đi ở Nhật Bản. Đến một lúc nào đó hàng của chúng tôi sẽ khó mà bán được ».

Hàng Nhật Bản ngày càng bị tẩy chay ở Hàn Quốc . Nhưng không phải ai cũng theo. Một cô gái Nhật Bản ngồi tại một quán cà phê Hàn Quốc cho rằng căng thẳng hiện nay chỉ là những vụ cãi cọ giữa các chính trị gia, còn người dân không mấy quan tâm.

Có điều là, như thông tín viên RFI ghi nhận, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy là 7 người Nhật trên 10 ủng hộ thái độ cứng rắn của chính phủ Nhật trên hồ sơ này.

Trung Quốc chính là lý do thúc đẩy Mỹ rút khỏi hiệp ước INF

Cả Mỹ và Nga hôm 02/08 đã chính thức rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung mà Hoa Kỳ đã ký với Liên Xô vào năm 1987. Đây chỉ là việc chính thức hóa một quyết định mà hai bên đã sẵn sàng từ nhiều tháng nay, sau khi đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của thỏa thuận.

Tại Bangkok, Thái Lan, nơi ông đang dự các các hội nghị của khối Đông Nam Á ASEAN, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ghi nhận sự kiện Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước (INF), nhưng nhấn mạnh rằng : « Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của thỏa thuận ».

Dù đổ lỗi cho Nga, nhưng theo các nhà quan sát, bản thân chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump rất muốn xóa bỏ hiệp ước này để có thể rộng đường đối phó với đối thủ chủ chốt hiện nay là Trung Quốc, được cho là đang giữ ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực tên lửa tầm trung tại châu Á vì không bị bất cứ thỏa thuận nào ràng buộc. Tên lửa của Trung Quốc là những mối đe dọa đối với nhiều căn cứ Mỹ trong khu vực, cũng như đe dọa các đồng minh châu Á của Hoa Kỳ.

Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia Quentin Lopinot, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington giải thích :

Trong những tháng, thậm chí những năm gần đây, nhiều lời chỉ trích đã vang lên nhắm vào những thỏa thuận như Hiệp ước tên lửa tầm trung INF, chỉ liên quan đến Nga và Mỹ, cho rằng các hiệp ước đó không tính đến một trong những đối thủ cạnh tranh chủ chốt của Mỹ ngày nay là Trung Quốc, cả trong lãnh vực hạt nhân lẫn tên lửa đạn đạo.

Trung Quốc không hề ký kết bất kỳ hiệp ước hạn chế nào, do đó không bị những ràng buộc như Mỹ hoặc Nga trong việc trang bị vũ khí cho mình.

Do vây, quả là đối với Washington, việc không còn bị hạn chế vì hiệp ước INF, một di sản thời Chiến Tranh Lạnh Mỹ-Nga, là một điều hay.

Hiện nay, chưa rõ là Hoa Kỳ muốn làm cụ thể những gì trong thời gian sắp tới đây, nhưng điều rất rõ là với việc rút ra khỏi INF, Mỹ sẽ có điều kiện trang bị các hệ thống tên lửa địa-đối-địa tầm trung, tầm bắn từ 500 đến 5.500 km vốn từng bị nghiêm cấm, cho các đồng minh của họ ở châu Á, nếu thấy rằng đó là điều cần thiết cho vấn đề quốc phòng của Mỹ và của các đồng minh.

Mục tiêu Trung Quốc đã được chính tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ khi ông cho biết hôm 02/08 là một hiệp ước mới thay thế hiệp ước INF chính thức được khai tử cùng ngày, cần phải có sự tham gia của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.