Vào nội dung chính
TIN VẮNG - QUỐC TẾ

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP) - Công dân Canada bị Trung Quốc nghi là gián điệp. Hôm nay, 04/03/2019, báo chí chính thức Trung Quốc loan tin chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig, bị bắt tháng 12 năm ngoái, làm gián điệp và ăn cắp bí mật nhà nước. Theo Tân Hoa Xã, một công dân Canada khác, nhà tư vấn Michael Spavor đang bị giam ở Trung Quốc, thì bị xem là một nguồn cung cấp thông tin cho Michael Kovrig.

(Yonhap)Kim Jong Un không ghé Bắc Kinh. Không như nhiều đồn đoán nói rằng trên đường từ Việt Nam về nước, sau thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể dừng lại Quảng Đông hoặc Bắc Kinh để gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo hãng tin Hàn Quốc, đoàn tàu đặc biệt của Kim Jong Un hôm nay đã đi qua thành phố Thiên Tân (đông –bắc Trung Quốc), mà không ghé Bắc Kinh. Dự kiến tối nay tàu tới ga Dandong, thành phố biên giới, trước khi qua sông Áp Lục, biên giới Trung Quốc - Bắc Triều Tiên.

(AFP)Mỹ phục hồi quy chế ngoại giao cũ cho Liên Âu. Hoa Kỳ đã hủy quyết định hạ cấp quy chế đại diện Ngoại Giao của Liên Hiệp Châu Âu tại Washington, theo thông cáo của đại sứ Mỹ tại LHCÂ phát đi hôm nay, 04/03/2019, tức hai ngày trước khi hai bên bước vào các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận tự do mậu dịch Mỹ-Liên Âu. Tháng 12/2018, Hoa Kỳ đơn phương hạ cấp quy chế đại diện ngoại giao của EU như là một tổ chức quốc tế mà không thông báo gì. Tháng Giêng vừa qua, Liên Âu đã phản đối và cho biết đang thảo luận với chính quyền Mỹ về việc bị hạ cấp quy chế ngoại giao. Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2016 đã có quy chế lễ tân như đại diện một quốc gia tại Mỹ. Trưởng cơ quan đại diện Liên Âu tại Mỹ mang hàm đại sứ.

(AFP) – Pháp – Ý “hòa giải” nhờ Leonardo da Vinci. Quan hệ giữa Ý và Pháp rơi vào khủng hoảng từ nhiều tuần nay, sau việc một số lãnh đạo chính phủ Ý bày tỏ ủng hộ phong trào Áo Vàng tại Pháp, chỉ trích tổng thống Pháp. Hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình Ý kêu gọi “hòa giải” và thông báo ông sẽ cùng nguyên thủ Ý Sergio Matteralla cử hành lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci. Thiên tài da Vinci được coi là một biểu tượng cho hợp tác lâu đời Pháp - Ý.

(AFP) – Bị câu lưu ở Crimée, một lãnh đạo Giáo hội Ukraina tố cáo Nga “trả thù”: Hôm nay, 04/03, người lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Ukraina tại bán đảo Crimée tố cáo cảnh sát Nga đã câu lưu ông trong nhiều giờ ngày hôm qua. Tổng giám mục Kliment cho biết ông đã bị bắt tại một trạm xe buýt, ở thủ phủ bán đảo Crimée. Chức sắc tôn giáo này công khai khẳng định lập trường ủng hộ “các tù nhân chính trị Ukraina”, đang bị Nga giam giữ.

(AFP) – Úc, Indonesia ký Hiệp định thương mại: Hai nước “gần nhau hơn bao giờ hết”. Hiệp định tự do mậu dịch ký ngày 4/3/2019 được chờ đợi từ lâu. Quyết định bị dời lại sau khi Canberra ủng hộ việc Mỹ dời sứ quán tại Israel về Jerusalem, cử chỉ bị nhiều quốc gia Hồi Giáo chỉ trích. Hiệp đinh được thương thuyết từ năm 2010. Theo bộ trưởng Thương Mại Úc, Hiệp định này cho phép hai nước “xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”.

(AFP) - Châu Đại Dương gia nhập làng thể thao Châu Á. Châu Đại Dương lần đầu tiên được mời tham dự Á Vận Hội 2022, trong các môn thể thao tập thể như bóng rổ hay bóng đá. Ủy Ban Olympic Châu Á đưa ra quyết định trên hôm qua, 03/03/2019, trong một cuộc họp tại Bangkok. Các quốc gia Châu Đại Dương, bao gồm Úc, New Zealand và một số đảo quốc nhỏ trong Thái Bình Dương, chưa bao giờ tham dự Á Vận Hội, mặc dù về địa lý rất gần gũi với châu Á. Năm 2006, Úc gia nhập Liên đoàn Bóng đá Á châu và đã từng tham dự Á Vận Hội mùa đông 2017 tại Saporo (Nhật). Á Vận Hội là sự kiện thể thao lớn thứ 2 thế giới sau Thế Vận Hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.