Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Donald Trump và dự án “Bức tường” biên giới Mêhicô có nguy cơ “chết yểu”

Đăng ngày:

Là một trong số các lời hứa chính khi vận động tranh cử tổng thống của Donald Trump, dự án “bức tường lớn và tuyệt đẹp” ngăn cách biên giới với Mêhicô nhằm ngăn chặn người nhập cư đang có nguy cơ "chết yểu".

Một mẫu tường chống nhập cư được thử tại biên giới Mỹ-Mêhicô, Tijuana, ngày 26/10/2016.
Một mẫu tường chống nhập cư được thử tại biên giới Mỹ-Mêhicô, Tijuana, ngày 26/10/2016. REUTERS/Jorge Duenes
Quảng cáo

Đặc phái viên RFI Eric de Salve đã đến Otay Mesa, gần San Diego, bang California để đánh giá tiến triển của dự án.

“Tám khối bê tông cao 10 mét vừa được dựng lên. Bức tường gây ấn tượng mạnh. Đây chính là mục đích, theo nhân viên cảnh sát Pirard : “Đúng thế, bức tường này rất cao, vì thế chúng tôi hy vọng chỉ việc nhìn thôi cũng đã làm nản lòng những người muốn vượt biên”.

Tám mẫu tường dự thi này sẽ được cảnh sát thử nghiệm để chọn ra loại tường không thể vượt qua được. Ông Pirard cho biết thêm : “Chúng tôi đã yêu cầu các công ty thiết kế một loại tường không thể vượt qua được dù là trèo hay bằng cách đào đường hầm. Trong giai đoạn thử, tất cả những yếu tố này đều được đánh giá. Yếu tố thẩm mỹ cũng được tính đến để đưa ra lựa chọn cuối cùng”.

Cảnh sát biên phòng tại San Diego tin chắc rằng kiểu tường mà Donald Trump hứa trong lúc vận động tranh cử sẽ rất hữu ích để ngăn chặn nhập cư trái phép. Vẫn theo ông Pirard, “Cơ sở hạ tầng của chúng tôi hiện đã lỗi thời, phải có cái gì đó mới. Năm nay, chúng tôi đã bắt 26.000 người. Thiết bị mới này sẽ giúp chúng tôi”.

Ba trạm biên phòng ở San Diego là những điểm qua lại nhiều nhất trên thế giới và cũng là các điểm được theo dõi chặt chẽ nhất. Mỗi ngày có hơn 60.000 lượt người qua lại hợp pháp biên giới Mỹ-Mêhicô. Trả lời đặc phái viên của RFI, Alan, một sinh viên luật 22 tuổi người Mêhicô, cho rằng bức tường của Trump như một lời xúc phạm :

“Xây bức tường chẳng có ích gì vì tình trạng nhập cư bất hợp pháp vẫn tiếp tục. Donald Trump nói là người Mêhicô sang Mỹ chỉ là những kẻ buôn ma túy, cưỡng hiếp, sát nhân nhưng không đúng. Người Mêhicô sang đây chỉ với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn. Họ chẳng làm gì có hại, họ chỉ muốn làm việc để giúp đỡ gia đình”.

Đối với các tổ chức phi chính phủ bảo vệ người nhập cư ở San Diego, bức tường của Trump chỉ là một chiến thuật truyền thông, một “vở hài kịch chính trị”, vì về mặt tài chính, có lẽ bức tường sẽ không bao giờ được hình thành. Tổng chi phí cho 3.000 km đường biên giới được thẩm định lên đến 20 tỉ đô la, theo tuyên bố của Donald Trump “phải do Mêhicô chi trả”. Chính quyền Trump mới chỉ đề xuất thêm 1,8 tỉ đô la cho dự án này vào ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, đề xuất này còn phải chờ được Nghị Viện Mỹ thông qua. Vì vậy, có lẽ “bức tường to và đẹp” của Trump sẽ còn nằm dài trong giai đoạn thử nghiệm.

Bắc Triều Tiên : Đời sống người dân được cải thiện dù còn suy dinh dưỡng

Điều kiện sống của người dân Bắc Triều Tiên đã được cải thiện, dù tình trạng suy dinh dưỡng vẫn phổ biến, đặc biệt tại nông thôn. Đây là điều “mắt thấy tai nghe” được nhà báo Dorian Malovic, phụ trách khu vực châu Á của nhật báo Công giáo Pháp La Croix, thuật lại trên kênh TV5MONDE (03/11/2017) sau chuyến đi 10 ngày, vượt qua 1.200 km từ đông sang tây để gặp người dân Bắc Triều Tiên, ngoài thủ đô Bình Nhưỡng.

“Tất cả những bằng chứng trong nước cho thấy một Bắc Triều Tiên thật sự tẻ nhạt, nghèo khó, thoát khỏi nạn đói năm 1995 khiến hơn 1,5 triệu người chết. Từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2012, ông cho tiến hành cải cách kinh tế. Ông nói: “Dân tộc tôi sẽ không bao giờ phải “thắt lưng buộc bụng” như trong quá khứ”. Trong những bức ảnh tôi chụp được, người ta có thể thấy người dân mặc trang phục lịch sự. Ở nông thôn cách thủ đô 1.200 km, tôi cũng biết phân biệt giữa các vùng đất bỏ hoang và các cánh đồng lúa. Tôi biết là chính quyền Bình Nhưỡng sẽ dàn dựng để tuyên truyền, cho thấy những điều hay.

Tuy nhiên, công việc sau chuyến thăm 10 ngày của tôi là nói lên và cho thấy những gì mình chứng kiến và giới thiệu một Bắc Triều Tiên đa dạng mầu sắc hơn những gì người ta vẫn hình dung, không còn nạn đói dù vẫn còn tình trạng suy dinh dưỡng. Tình trạng của người dân, kể cả ở nông thôn, dù còn nghèo nhưng không phải là khốn khổ. Tình hình đã được cải thiện.

Hệ thống chính trị của Bắc Triều Tiên hiện vẫn không thay đổi. Đó là chế độ Cộng sản do một đảng lãnh đạo, không có tự do báo chí, tư tưởng, chính trị, tín ngưỡng. Nếu có bất kỳ khuynh hướng đối lập nào xuất hiện, nó sẽ bị nghiền nát từ trong trứng nước. Chính vì thế mà cần phải giải thích là ở đó không có các nhà ly khai”.

Những bức ảnh của nhà báo Pháp chụp lại cho thấy nhiều mặt hàng nước ngoài được bày bán trong một nhà hàng tư nhân ở Bắc Triều Tiên như rượu cognac, whisky…

“Trong thương mại và kinh tế, người ta nhận thấy chính quyền có chút nương tay từ những năm 1990 sau nạn đói và hiện đang cổ vũ dù vẫn kiểm soát. Trong thương mại chẳng hạn, người ta thấy có những sản phẩm “Made in North Korea”, nhưng cũng có hàng nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia, thậm chí từ Pháp vì tôi thấy có sản phẩm của Lancôme, Nivea, Moulinex…

Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chế độ Bình Nhưỡng có lẽ sẽ cho thấy hiệu quả trong thời gian tới, nhưng hiện tại Bắc Triều Tiên vẫn còn thời gian chuẩn bị và họ đã dự phòng trước. Hơn nữa, từ lâu người dân đã quen sống trong một hệ thống tương đối hạn chế thực phẩm từ nhiều năm nay”.

Bắc Triều Tiên : An toàn thực phẩm của 1/5 dân số phụ thuộc vào chợ đen

Theo Tổ chức Nông-Lương Liên Hiệp Quốc, mùa hè 2017, Bắc Triều Tiên hứng chịu đợt hạn hán nặng nề nhất từ 15 năm qua, trong khi 4/10 người dân bị thiếu ăn. Theo một bài báo của Reuters (03/11/2017), 70% người dân vẫn sử dụng hệ thống phân phối lương thực của Nhà nước, nhưng một bộ phận lớn dân cư đã tìm đến “chợ đen” để mua nhu yếu phẩm vì đây là nguồn đảm bảo an toàn thực phẩm của 1/5 dân số.

Trong phóng sự ảnh của một phóng viên Reteurs, tại nhiều khu “chợ đen” - “jangmadang”, người dân của quốc gia khép kín nhất hành tinh có thể mua gạo hoặc ngô, thậm chí tìm thấy những món ăn cơ bản nhất, kể cả những món ăn vặt như bánh “injogogibab” (phần đậu nành còn thừa được cuộn dài, thêm tương ớt hay nước mắm tùy khẩu vị của mỗi vùng), bánh ngô “seokdujeon” (bột ngô và nước), cơm đậu phụ “dubabab” (gồm những miếng đậu phụ dẹt cuộn cơm thêm sốt ớt), món dồi chiên “sundea” (gồm tiết, rau, gạo băm nhỏ trộn chung và nhồi trong lòng heo)…

Tại những khu chợ trời này, người ta thấy có đủ loại mặt hàng, từ đồ ăn đến trang thiết bị điện tử hay dụng cụ làm bếp. Một số chợ được “nhắm mắt cho qua”, một số khác thì bị phạt nhưng vẫn tồn tại, còn một số chợ lại nhanh chóng bị dẹp tùy theo tâm trạng của chính quyền địa phương.

Philippines : Đá bóng để chống khủng bố

Đảo Jolo, nằm ở phía nam quần đảo Philippines, được mệnh danh là “thủ đô của nạn bắt cóc” với cứ địa của tổ chức Abou Sayyaf. Đây còn là một trong những vùng được quân sự hóa nhất đảo quốc và là trung tâm của cuộc nổi dậy ly khai Hồi Giáo từ vài thập kỷ nay.

Để chống tình trạng tuyển mộ khủng bố, một sĩ quan Hải Quân Philippines đưa ra ý tưởng tổ chức thi đấu bóng đá cho trẻ em sống trong các vùng xung đột. Đến Luuk, trên đảo Jolo, thông tín viên RFI Marianne Dardard tường thuật giải đấu :

“Học sinh đá bóng. Có gì đáng ngạc nhiên đâu? Ngoại trừ việc xe tăng đấu trước cổng trường và lính thủy Philippines, có mặt khắp nơi, ngay cả trên sân đấu, mặc thường phục để làm trọng tài.

Sharifa Mae, 18 tuổi, cô gái duy nhất trong đội bóng, tỏ ra không quan tâm đến các đội quân đang tuần tra, súng đeo trước ngực. Cô nói : “Cháu hài lòng vì chúng cháu chơi rất vui. Trước đây, cháu không biết gì về thể thao, chính lính thủy đã dạy chúng cháu chơi thể thao”.

Trung tá Stephen Cabanlet, người đưa ra ý tưởng, đồng thời là huấn luyện viên của các em, giải thích : “Một buổi chiều, tôi đá bóng với đồng đội của mình ngay tại đây. Trận đấu khiến trẻ em trong khu vực tò mò, đến xem chúng tôi chơi, rồi có một bé hỏi chúng tôi đang chơi gì”.

Sau này, vị sĩ quan Hải Quân chống tổ chức khủng bố Abou Sayyaf quyết định tổ chức một cuộc thi đấu để dạy đá bóng cho trẻ em trong vùng có xung đột. Đội tuyển bóng đá Philippines chưa bao giờ được lọt vào Cúp Thế Giới, nhưng giải đấu “Bóng đá vì Hòa Bình” (Foot for Peace), theo tên gọi được Hải Quân Philippines đặt, đã tồn tại từ 6 năm nay. Theo quân đội Philippines, đây là cách chinh phục trái tim của người dân ở một trong số các tỉnh nghèo nhất đảo quốc.

Trên đảo Jolo, cứ địa của phong trào ly khai Hồi Giáo, người dân địa phương đôi khi cảm thấy sự hiện diện của quân đội từ vài thập kỷ nay như một cách chiếm đóng. Trung tá Stephen Cabanlet giải thích : “Cách đây 10 năm, quân đội đã cử tôi đến đây để truy quét tổ chức khủng bố Abou Sayyaf. Trong suốt các chiến dịch, khắp nơi, tôi rất ấn tượng với các em. Thực ra, vì không biết, chúng tôi truy bắt nhiều người trong gia đình các em, thậm chí có thể là bố các em, đi theo Abou Sayyaf.

Dù tổ chức thánh chiến Daech đã rút lui đến Marawi, cách Jolo 700 km, quân đội vẫn luôn trong tình trạng chiến đấu ở khắp nơi, kể cả ở quần đảo Sulu, nơi đảo Jolo được coi là một điểm nóng. Trung tá Stephen Cabanlet giải thích tiếp : “Khi tôi đến đây vào năm 2011, tôi hiểu ra rằng rất nhiều trẻ em tại đây khi lớn lên rất có thể đã gia nhập Abou Sayyaf”.

Hàng năm, rất nhiều trẻ em tham gia giải đấu Bóng đá vì Hòa bình. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của Liên Hiệp Châu Âu và gần đây trung tá Cabanlet đã được mời đến Bruxelles để giới thiệu chương trình của ông”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.