Vào nội dung chính
CHÂU Á

Trung Quốc và Hồng Kông: Hai lãnh thổ, một chế độ

Thời sự châu Á tuần lễ cuối tháng 8/2017 rất được tờ báo Anh The Economist chú ý, với tình hình tại Hồng Kông, nhượng địa cũ của Anh đã được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết tiếp tục duy trì một chế độ tương đối tự do tại vùng lãnh thổ này, theo chủ trương được gọi là « Một đất nước, hai chế độ ». Thế nhưng, bản án tù mà tư pháp Hồng Kông vừa ban hành nhắm vào ba thủ lĩnh của phong trào Dù Vàng đã khiến The Economist phải lên tiếng báo động về nguy cơ các quyền tự do mà Bắc Kinh hứa tôn trọng bị xóa bỏ, dẫn đến thực tế là chủ trương Một đất nước, hai chế độ áp dụng cho Hồng Kông sẽ biến thành « Hai lãnh thổ, một chế độ », và đó là chế độ khắc nghiệt của Trung Quốc.

Đoàn biểu tình phản đối án tù nhắm vào ba nhà đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông ngày 20/08/2017
Đoàn biểu tình phản đối án tù nhắm vào ba nhà đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông ngày 20/08/2017 REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

 

Trong bài viết « Trung Quốc đang đe dọa chế độ nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông », The Economist đã nhắc lại vụ ba thủ lĩnh học sinh và sinh viên đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông vào năm 2014 đã bị tư pháp Hồng Kông kết án tù giam ngày 17/08,  để tỏ ý lo ngại cho tương lai vùng lãnh thổ này, đồng thời phê phán thái độ hầu như dửng dưng của Anh Quốc và cộng đồng Quốc Tế.

Nhắc lại câu nói bất khuất của sinh viên Hoàng Chi Phong gởi qua Twitter ít lâu sau khi anh và hai người bạn bị tuyên án – « Các người có thể giam hãm thân xác, nhưng không thể cầm tù tinh thần của chúng tôi » - tuần báo Anh Quốc ghi nhận phản ứng phẫn nộ của những người ủng hộ ba tù nhân trẻ, với hàng chục ngàn người xuống đường phản đối.

Theo rất nhiều người Hồng Kông, ba thanh niên vừa bị kết án là ba tù nhân chính trị, và sự im lặng của phương Tây, đặc biệt là của Anh Quốc, rất đáng thất vọng.

Theo The Economist, người dân Hồng Kông lo ngại là đúng, vì dù không phải là một nền dân chủ, nhưng đặc khu này cởi mở hơn so với Trung Hoa Lục Địa, và uy tín của Hồng Kông phụ thuộc một phần vào việc nơi này có một hệ thống tư pháp nghiêm ngặt và vô tư. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nước ngoài chọn sống và đầu tư ở Hồng Kông và bất kỳ một sự xói mòn nào của nhà nước pháp quyền nào tại đấy cũng đe doạ sự thịnh vượng của Hồng Kông, cũng như uy tín của của Trung Quốc, vốn đã hứa hẹn tôn trọng quyền tự do của Hồng Kông khi thu hồi lãnh thổ từ tay nước Anh vào năm 1997.

Tập Cận Bình muốn bóp nghẹt quyền tự do ở Hồng Kông

Theo The Economist, dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng công khai tìm cách bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông. Tập Cận Bình đặc biệt bực tức trước những cuộc biểu tình của phong trào Dù Vàng, đòi cho Hồng Kông được nhiều quyền dân chủ hơn. Trung Quốc đã cử mật vụ qua Hồng Kông bắt cóc những nhân vật mà Bắc Kinh không thích, đã thúc đẩy việc tước quyền đại biểu của các nghị sĩ dân chủ, và đã thẳng thừng gây áp lực lên các thẩm phán Hồng Kông.

Tuần báo Anh ghi nhận : Chính do việc chính quyền Hồng Kông kháng cáo mà ba sinh viên trong phong trào Dù Vàng bị kết án tù. Đối với The Economist, việc các thẩm phán khuất phục trước sức ép từ bên ngoài là điều chưa thể xác minh, nhưng không một chút nghi ngờ về việc Bắc Kinh áp lực buộc chính quyền Hồng Kông thúc đẩy các bản án khắc nghiệt hơn. Một cách hết sức vô lý, đảng Cộng Sản Trung Quốc lại coi ba người này là thành phần ly khai nguy hiểm, và bản án tù đối với họ có nghĩa là họ không được ứng cử trong vòng 5 năm.

Tâm lý hoài nghi về các thẩm phán có thể khiến người dân mất lòng tin vào luật pháp và làm cho Hồng Kông dễ bị bất ổn như vào năm 2014, khi vào tháng 11, Nghị Viện do Trung Quốc chuẩn y đã giáng một đòn như búa tạ vào tính chất độc lập của tư pháp Hồng Kông khi muốn tác động lên một phiên xử của tòa án về việc có nên bác bỏ hay không tư cách nghị sĩ của hai nhà lập pháp ủng hộ dân chủ chỉ vì họ không tuyên thệ trung thành với Trung Quốc. Ít lâu sau, hai người này, rồi thêm bốn người khác, trong đó có La Quán Thông, một trong ba người vừa bị án tù, đã bị tước tư cách nghị sĩ.

Trung Quốc cũng muốn Hồng Kông ban hành luật chống nổi loạn và lật đổ. Năm 2003, chính quyền đặc khu đã phải gác qua một bên một dự luật như vậy sau các cuộc biểu tình phản đối của quần chúng. Nếu giờ đây, chính quyền Hồng Kông khôi phục lại ý định đó, thì họ cũng vấp phải phản ứng dữ dội tương tự, bởi vì người dân sẽ sợ rằng luật mới đó có thể được dùng để bắt người phạm tội chính trị, và qua đó biến Hồng Kông tự do thành một thành phố khác của Trung Quốc.

Đảng Cộng Sản có thể nhún vai xem thường các phản đối vì Trung Quốc vẫn cứ thịnh vượng bất chấp những hành vi côn đồ của họ. Tuy nhiên, vẫn có một cái giá phải trả.

Đối với một đất nước muốn trở thành cường quốc trong một hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ, sự tôn trọng thỏa thuận đảm bảo quyền tự do của Hồng Kông là thước đo quan trọng về uy tín của Trung Quốc. Nhưng hiện tại Bắc Kinh đã bội ước, cho nên thế giới phải lên tiếng.

Hải Quân Mỹ: Thêm một tai nạn và nhiều câu hỏi

Tuần báo The Economist cũng chú ý đến tai nạn mà chiến hạm Mỹ USS John S. McCain vừa gặp phải ngoài khơi Singapore và cho rằng nguyên nhân có thể chỉ đơn giản đến từ việc Hải Quân Mỹ phải hoạt động quá mức, nên không có thì giờ ôn lại những quy tắc căn bản của công việc thủy thủ.

Có lẽ chính vì thế mà tư lệnh Hải Quân Mỹ, đô đốc John Richardson, đã có một quyết định cực kỳ bất thường khi ra lệnh cho toàn bộ hạm đội Mỹ là phải « tạm dừng hoạt động » trong vài ngày để các thủy thủ có thể làm quen trở lại với những điều cơ bản của công việc đi biển.

Đối với The Economist, việc Hải Quân Mỹ bị mất trong vài tháng hai tàu khu trục tiền phương, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và công tác tại các vùng biển gần Bắc Triều Tiên, quả là không đúng lúc chút nào. Căng thẳng với Bắc Triều Tiên đang dâng cao. Trong trường hợp một cuộc tấn công bằng tên lửa vào cả Nhật Bản lẫn căn cứ Mỹ ở Guam, các tên lửa đánh chặn bắn đi từ các chiếc tàu tuần tra sẽ là một trong những hàng rào phòng ngự đầu tiên.

Giới phân tích cho rằng hạm đội Mỹ gồm 277 chiếc tàu đã phải làm việc quá căng thẳng, đặc biệt là ở vùng Tây Thái Bình Dương, nơi mà sự cạnh tranh hải quân với Trung Quốc ngày càng có năng lực, đòi hỏi nhịp độ làm việc cao.

Nguyên nhân tai nạn : Làm việc quá mức ?

Các tai nạn xảy ra đối với tàu Mỹ đã gợi lên nhiều câu hỏi về việc liệu có một nguyên nhân chung nào hay không ? Dĩ nhiên là đã có nhiều ý kiến cho rằng có thể là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã xâm nhập máy tính hoặc hệ thống dẫn đường của tàu Mỹ khiến cho tai nạn xẩy ra, tuy nhiên Hải Quân Hoa Kỳ cho biết họ đã không thấy gì có bằng chứng gì về điều này.

Đối với The Economist, có rất nhiều khả năng là nhu cầu hoạt động không ngừng của các tàu triển khai ở tiền phương, cộng thêm với việc ngân sách của Lầu Năm Góc bị thu hẹp trong nhiều năm trời, đã có tác hại như trên. Một báo cáo chính thức năm 2015 cho thấy lực lượng Hải Quân sử dụng tàu tuần dương và tàu khu trục đặt căn cứ tại Nhật Bản đã dành đến 67% thời gian cho việc triển khai trên hiện trường, và chỉ 33% cho việc bảo trì.

Điều đó có nghĩa là lực lượng Mỹ không có thời gian để tập luyện. Nếu không có các cuộc tập huấn để nhắc nhở về các « căn bản của nghề thủy thủ » như lời của đô đốc Richardson, thì sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên khi hoạt động của thủy thủ Mỹ vướng phải sự lúng túng và một số thói quen xấu.

Trang bìa các tuần báo

Chú ý đến châu Á, nhưng The Economist đã dành trang bìa cho thời sự cực nóng tại châu Âu sau các vụ khủng bố tại Tây Ban Nha, mổ xẻ tình trạng cực kỳ phân tán của « Hồi Giáo Cực Đoan », để cho rằng thẳng tay đàn áp không phải là giải pháp tốt.

Về thời sự quốc tế, tuần báo Pháp Courrier International có nguyên hồ sơ về tổng thống Mỹ Donald Trump, bị tờ báo cho là đã đứng về phe chủ trương da trắng thượng đẳng, qua đó đào sâu thêm sự chia rẽ trong lòng ước Mỹ.

Còn về thời sự Pháp, nếu L’Express tiếp tục quan tâm đến chính trị, với hồ sơ chính phân tích về sự kiện chỉ số được lòng dân của tân tổng thống Pháp sụt giảm đáng kể, thì L’Obs nêu bật hướng cải tổ giáo dục mà chính quyền Pháp đang chuẩn bị, với bài phỏng vấn tân bộ trưởng Giáo Dục. Riêng Le Point thì chú ý đến một vấn đề xã hội, công bố bảng xếp hạng các bệnh viện Pháp năm 2017.

L’Express: Điểm tín nhiệm của tổng thống Pháp tuột dốc

Như giới thiệu lúc đầu, tuần báo Pháp L’Express đã dành trang bìa cho đăng một bức ảnh đen trắng, chụp tổng thống Pháp Emmanuel Macron mắt nhìn xuống... một tấm biểu đồ cho thấy điểm tín nhiệm tuột dốc, với hàng tựa « Macron – Vị tổng thống... bình thường ».

Tờ báo ghi nhận nghịch lý : Tổng thống Macron không hề phạm phải những sai lầm của một người mới bắt đầu vào nghề, nhưng chỉ số được lòng dân vẫn rơi... Trong cuộc thăm dò ngày 23/07 do viện Ifop thực hiện chẳng hạn, ông bị mất 10 điểm. Đánh giá về 100 ngày làm việc đầu tiên của ông thậm chí còn khắt khe hơn : chỉ có 36% hài lòng, ít hơn nhiều so với François Hollande (46%) vào năm 2012.

Hào quang ban đầu phải chăng đã biến mất ? Theo Arnaud Leroy, một nhân vật thân cận với tổng thống Pháp nhắc lại rằng « Đừng quên là ở vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron chỉ được 24,01% ». Tỷ lệ này ít hơn François Hollande (28,63%) và còn ít hơn nhiều so Nicolas Sarkozy (31,18%).

Tóm lại, theo L’Express, « sau khi bay bổng lên trên mọi khuôn khổ của chính trị, Emmanuel Macron đã rơi trở lại xuống cái thế giới cũ mà ông đã chỉ trích rất nhiều. »

Tuy nhiên, phóng viên tờ New York Times ở Paris vẫn bái phục một nghệ sĩ tài ba : « Trên trường quốc tế, ông Macron đã làm tất cả mọi người phải ngạc nhiên, đồng hương của ông cũng như người nước ngoài, qua cách tiếp cận khéo léo của ông với hai mối đe dọa chính đối với hòa bình thế giới, Vladimir Putin và Donald Trump. Người kế thừa François Hollande đã thành công trong một công việc mà không ai nghĩ là có thể làm được : Đó là vừa kết thân với ông Trump, vừa khiến những người Mỹ ghét tổng thống của họ phải khâm phục. Ai có thể dự đoán được rằng ông Macron vốn hoàn toàn trái ngược với ông Trump về mọi mặt, lại có thể trở thành tác nhân đối thoại đặc biệt tại lục địa châu Âu của ông chủ Nhà Trắng? »

Courrier International : Nước Mỹ hoài nghi về chính mình

Cũng về tổng thống Mỹ Donald Trump, tuần báo Pháp Courrier International trong loạt bài trích dịch nhiều tờ báo Mỹ đã nêu bật phản ứng phẫn nộ trước thái độ thiếu dứt khoát của ông Trump trong vụ Charlottesville. Trong bài xã luận, Courrier International đã không ngần ngại cho rằng : « Người kế nhiệm Barack Obama đã trở thành cơn ác mộng của nước mình, và mỗi tuần trôi qua đều biến thành "tuần lễ tồi tệ nhất" kể từ khi ông nhậm chức ».

Tuy nhiên, theo tuần báo Pháp, quy tội ông Trump về tất cả những điều tệ hại đối với nước Mỹ, như một bộ phận báo chí đã làm, là một điều không đúng vì những mâu thuẫn xã hội, tình trạng phân biệt giữa người giàu và người nghèo, người da trắng và các nhóm thiểu số, người thành thị và nông thôn, giới quyền chức và nhân dân đã tồn tại từ lâu...

Ông Trump, theo tuần báo Pháp, đã thắng cử nhờ đã kích động một cách vô trách nhiệm các mối chia rẽ đó, nhưng lại không làm gì để hàn gắn lại sau khi đắc cử. Lời hứa lúc tranh cử đã bay đi, trong lúc hố chia cách trong xã hội tiếp tục sâu rộng thêm.

Courrier International nêu bật hai số liệu : Vào năm 2017 chẳng hạn, theo tính toán của tổ chức Tax Foundation, nhờ vào các biện pháp thuế của ông Donald Trump, lợi tức của nhóm 1% có thu nhập cao nhất sẽ tăng 16%, so với vỏn vẹn 1,9% cho 80% hộ gia đình Hoa Kỳ. Thậm chí, một bản nghiên cứu vào tháng 6 vừa qua do tạp chí Health Affairs công bố, còn cho thấy khoảng cách kỷ lục về tuổi thọ giữa người giàu và người nghèo : 87 tuổi ở bang Colorado (bầu cho Hillary Clinton) và 66 tuổi ở bang South Dakota (nơi ông Trump chiến thắng).

Đối với Courrier International, thay vì la ó sau mỗi tin nhắn Twitter của chủ nhân Nhà Trắng, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, nếu muốn được người dân coi trọng, cần cố gắng giảm các vết nứt trong xã hội Mỹ, và xoa dịu một quốc gia đang trong cơn khủng hoảng bản sắc.

Barcelona và Hồi Giáo

Các vụ khủng bố ở Tây Ban Nha dĩ nhiên thu hút sự quan tâm của báo giới. Le Point đã dành 12 trang cho hồ sơ này, với hàng tựa sốc « Người giáo sĩ Hồi Giáo (imam) muốn Barcelona nổ tung ».

Tuần báo Pháp cố trả lời cho các câu hỏi : Làm thế nào mà hai anh em Abouyaaqoub, Younès, 22 tuổi, và Hussein, 17 tuổi, đã đi đến mức tiến hành một vụ tấn công man rợ như vậy ? Nguyên nhân bức bách nào đã thúc đẩy những người Maroc này nẩy sinh ý định thảm sát hàng trăm người vô tội, trong khi mà họ chủ yếu sinh sống tại vùng Catalunya, hội nhập khá tốt vào xã hội tại chỗ, không gặp khó khăn lớn về tài chính, không có kiến thức về đạo Hồi, không có kinh nghiệm thánh chiến ở Syria hay Irak ?

Đối với Le Point, tranh luận về sự khác biệt giữa đạo Hồi (Islam) và chủ nghĩa Hồi Giáo (islamisme) vẫn tiếp diễn. Và tạp chí Pháp đã nêu lại một quan điểm chỉ trích đạo Hồi và sự ngây thơ của phương Tây đối với tôn giáo này, qua lời nhà văn Tây Ban Nha Arturo Pérez-Reverte.

Đối với tác giả này, Hồi Giáo « giống như một tảng đá », trong đó « tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước là điều không thể tưởng tượng nổi. » Theo nhà văn Tây Ban Nha, đạo Hồi không bao giờ « từ bỏ quyền cai trị tất cả các khía cạnh trong đời sống của tín đồ, không có nhân quyền theo cách hiểu ở châu Âu, không có tự do cá nhân ».

Một FBI châu Âu?

Nếu Le Point nói rất dài về các vụ tấn công ở Tây Ban Nha, L’Obs tuần này chỉ có hai trang cho đề tài này, với một bài phỏng vấn ông Gilles de Kerchove, điều phối viên châu Âu đặc trách chống khủng bố.

Quan chức này « kêu gọi tăng cường quyền lực của Liên Hiệp Châu Âu trong lãnh vực tình báo », rất cần thiết trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cũng tỉnh táo nhìn nhận rằng việc lập ra một « cơ quan châu Âu theo kiểu FBI (của Mỹ) không phải là ngày mai ».

Các bệnh viện tốt nhất

Le Point đã dành trang bìa và một hồ sơ dầy cộm trải dài trên 64 trang cho bảng xếp hạng các bệnh viện và dưỡng đường y khoa tại Pháp năm 2017, với 1.400 cơ sở đạt tiêu chuẩn, bao trùm 70 chuyên khoa.

Điểm đáng chú ý : Trong top 50 các cơ sở y tế tốt nhất tại Pháp, các bệnh viện « tỉnh » thống trị, còn trên cả Paris. 5 bệnh viện hàng đầu là ở Bordeaux, Toulouse, Lille, Strasbourg và Tours, và phải xuống đến hạng thứ 6 mới thấy bệnh viện đầu tiên ở Paris : La Pitié-Salpétrière.

Đà xuống dốc của Paris, hay nói cách khác là đà vươn lên của các tỉnh còn thể hiện qua yếu tố : La Pitié-Salpétrière là cơ sở duy nhất ở Paris nằm trong top 20.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.