Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hãy đến «Thư viện người» và đọc «Người sách»…!

Đăng ngày:

Đến đọc « Người sách » trong « Thư viện người » tại Singapore ; Bangladesh lên kế hoạch đày người Rohingya ra đảo ; Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xích mích vì nhà máy điện hạt nhân già cỗi ; « Jdoun » thú cưng Hà Lan gây sốt ở Nga. Đây là những chủ đề chính trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

(Ảnh chụp lại từ internet)
(Ảnh chụp lại từ internet)
Quảng cáo

« Sách giấy in », « sách điện tử » « sách người » : Chọn sách nào đây ?

Đến thư viện, thay vì mượn sách, thì mượn người, thay vì đọc sách thì nghe « Người sách » kể chuyện, đó là dự án độc đáo « Human Library », tạm dịch là « Thư viện người ». Mô hình đọc sách mới này do hiệp hội « Stop The Violence » phát triển, theo lời yêu cầu của ông Leif Skove, giám đốc liên hoan nhạc Rock-Roskilde, ở Copenhague, Đan Mạch, nhằm đấu tranh chống bạo lực và thúc đẩy đối thoại.

Ra mắt công chúng lần đầu tiên vào mùa xuân năm 2000, sự kiện đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Kể từ đó, « Thư viện người » được tổ chức hàng năm tại nhiều nước trên thế giới. Chủ Nhật 05/03, nếu có thời gian, mời quý vị hãy đến với « Thư viện người », năm nay được tổ chức tại Singapore. Từ đảo quốc, thông tín viên Margaux Bédé cho biết thêm chi tiết :

« Human Library – Thư viện người » có mục đích xóa bỏ mọi định kiến, thành kiến bằng cách tạo cơ hội cho mọi người lên tiếng. Ý tưởng của dự án này như sau : tạo điều kiện cho « độc giả » của thư viện tiếp xúc, trao đổi với những người mà trong cuộc sống thường nhật, họ không bao giờ có thể gặp gỡ được. Tức là gặp gỡ giữa một bên là « Human book – Người sách » và bên kia là « độc giả » của thư viện.

Như vậy, độc giả có thể « mượn » một người, tức là gặp một người cụ thể, để đọc, tức là nghe, trao đổi với « Người sách ». Ví dụ, trong lúc gặp, độc giả có thể trao đổi với một người tị nạn, một người đồng tính luyến ái, thậm chí với một người bị « tự kỷ ám thị » ; độc giả cũng có thể lắng nghe « Người sách », đặt các câu hỏi mà không phải kiêng kị, tránh né gì cả. Tóm lại, giống như ta mở một cuốn sách và đọc

Một điều chắc chắn là mô hình đọc sách « độc đáo » này sẽ có những tình huống tế nhị xảy ra, do mỗi nước có những chủ đề nhạy cảm riêng. Nhưng điều đó cũng còn lệ thuộc nhiều vào mức độ cởi mở khoan dung của từng nước. Ví dụ điển hình là tại Nga hồi tháng 9/2016, « Thư viện người » đã phải chịu sức ép từ chính quyền Saint-Peterbourg do có một « Người sách » muốn kể lại câu chuyện đồng tính luyến ái của mình.

Chắc quý vị sẽ thắc mắc thư viện này hoạt động ra sao ? Làm thế nào để được « đọc sách » và « nghe sách ». Mời quí vị hãy nghe Margaux Bédé hướng dẫn nhé :

« Trước tiên, « độc giả » phải đăng ký trên website của Human Library. Trang mạng này đăng lịch các nơi trên thế giới tổ chức « Thư viện người ». Xin nói thêm, là cho đến nay, đã có hơn 70 nước tổ chức sự kiện này. « Độc giả » chọn địa điểm và chọn « Người sách » trong danh mục. Bạn có rất nhiều « sách » để chọn. Hồi tháng 11 năm ngoái, ở Singapore, 80 « Người sách » đã tham gia sự kiện này.

Trong buổi « đọc sách » thường kéo dài khoảng 30 phút, « Người sách » kể về mình, về quá trình sinh sống, làm việc cho một nhóm « độc giả » dưới 10 người. « Người sách » trả lời mọi câu hỏi, kể cả những câu hỏi liên quan đến chuyện riêng tư nhất. Nếu muốn trở thành « Người sách », bạn cần đăng ký trên website và nhóm phụ trách « Thư viện người » sẽ liên lạc với bạn. »

Nếu quý vị nào đã có dịp tham gia, hãy chia sẻ kinh nghiệm cùng với thính giả đài RFI nhé. Để có thêm thông tin, xin mời truy cập vào địa chỉ : www://humanlibrary.org

Người Rohingya sắp thành Robinson « bất đắc dĩ » ?

Miến Điện đẩy đi, Bangladesh trả về. Không quốc tịch, không tổ quốc, thân phận người Rohingya chẳng khác nào như trái bóng tròn. Chẳng phải tội đồ mà sắp phải bị đi đày. Là một sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi, cộng đồng Rohingya có khoảng một triệu người, sống lay lắt kẹt giữa biên giới Miến Điện và Bangladesh.

Theo thông tín viên Rémy Favre, chính quyền Bangladesh nay còn đang nghĩ tới chuyện đày những người Rohingya ra một hòn đảo …

« Đó là đảo Thengar Char, trong Vịnh Bengale, rộng 24 cây số vuông, một hòn đảo không có người ở. Và câu hỏi được đặt ra là liệu có thể sinh sống trên hòn đảo này hay không. Đảo bằng phẳng và hoàn toàn bị nhấn chìm vào lúc có gió mùa, thường xuyên phải hứng chịu bão. Trên đảo không có nước ngọt và thị trấn gần nhất cách đảo hơn 3 chục cây số. »

Để có thể tiến hành kế hoạch trên, ngày 28/02 vừa qua, chính quyền Bangladesh đã điều 400 nhân viên đi thống kê số người Rohingya vừa tới Bangladesh. Theo ước tính có khoảng 70 ngàn người Rohingya đã chạy trốn khỏi Miến Điện trong 5 tháng gần đây để trốn tránh các chiến dịch trừng phạt, truy quét và thảm sát của quân đội Miến Điện.

Đảo Thengar Char mà chính quyền Bangladesh muốn tái định cư người tị nạn Rohingyas.
Đảo Thengar Char mà chính quyền Bangladesh muốn tái định cư người tị nạn Rohingyas. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain

Dự án tái định cư trên của Bangladesh đã bị các tổ chức phi chính phủ kịch liệt phản đối, cho đó là một dự án trừng phạt nhắm vào người Rohingya. Các tổ chức trên kêu gọi bảo vệ sắc dân này thay vì gia tăng cô lập họ. Tuy nhiên, ý tưởng xua đuổi những người Rohingya bằng cách đi xa không phải là mới, đã từng được nói đến vào năm 2012. Cựu tổng thống Miến Điện Thein Sein đã đề nghị Liên Hiệp Quốc đón nhận và phụ trách những người Rohingya và đưa họ đến các nước khác, nhưng đã bị Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bác bỏ và từ đó chẳng còn ai quan tâm đến hồ sơ này.

Vì sao số phận người Rohingya không làm ai động lòng ? Anh Remy Favre đưa ra vài lý do như sau :

« Tại Miến Điện, người ta coi sắc tộc Rohingya là người ngoại quốc, cho dù rất nhiều người trong số này đã sinh sống trên lãnh thổ Miến Điện từ thời thực dân, có nghĩa là từ hơn 60 năm nay. Và sắc tộc Rohingya bị coi là người nước ngoài sinh sống bất hợp pháp cũng đủ để cho chính quyền Miến Điện lấy cớ tước đi các quyền của họ. Người Rohingya không được quyền tham gia bỏ phiếu bầu cử, không được quyền đi học…

Ví dụ, vào tháng Tám năm ngoái, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đã thành lập một tiểu ban chịu trách nhiệm đề xuất các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Rohingya và các sắc dân thiểu số ở phía tây Miến Điện. Thế nhưng, từ đó đến nạy, bà cố vấn Nhà nước cũng không đưa ra được một sáng kiến nào cả. Bà liên tục bác bỏ các cáo buộc của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ về nguy cơ thanh lọc chủng tộc và các tội ác chống nhân loại tại Miến Điện. »

Xóm giềng giận nhau chỉ vì nàng « Almaraz »

Tại Châu Âu, mối quan hệ xóm giềng hữu hảo giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang có nguy cơ sứt mẻ chỉ vì nàng « Almaraz », nay đang ngấp nghé « tứ tuần ». Từ Madrid, thông tín viên Jean François Musseau, giải thích vì sao :

« Tất cả bắt đầu với việc Tây Ban Nha, gần đây, đã quyết định xây dựng một kho chứa bên cạnh nhà máy điện nguyên tử Almaraz, để tích chứa các chất thải nguyên tử của nhà máy điện này. Điều làm cho Bồ Đào Nha tức giận, đó là vì Lisboa khong được tham khảo về quyết định này.

Thế nhưng, theo Lisboa, thì dự án này liên quan trực tiếp đến Bồ Đào Nha. Bởi vì việc xây dựng kho chứa đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian hoạt động của nhà máy điện mà lẽ ra cơ sở này sẽ phải sớm đóng cửa. Nếu có kho chứa, thì có nghĩa là nhà máy điện nguyên tử sẽ hoạt động đến tận năm 2038. Đây là một thảm họa đối với Lisboa.

Thực vậy, nhà máy này có nhiều trục trặc trong tháp làm lạnh. Nếu xẩy ra thất thoát hạt nhân, các chất phóng xạ sẽ bay ra ngoài theo không khí hoặc tệ hại hơn là đổ xuống sông Tage chảy đến tận thủ đô Lisboa. »

Do Madrid vẫn giữ im lặng trước các đề nghị của Lisboa, chính phủ cánh tả Bồ Đào Nha của tổng thống Sousa đã phải đệ đơn kiện lên Tòa Án Công Lý Châu Âu. Điều làm Lisboa lo ngại, là hội đồng nguyên tử cấp cao của Tây Ban Nha lại bật đèn xanh, cho dù toàn bộ phe đối lập chính trị tại Madrid chống lại ý định kéo dài thời gian hoạt động của nhà máy Almaraz.

Phe đối lập Tây Ban Nha cho rằng nhà máy hoạt động đã lâu, cũ kỹ và nguy hiểm. Cũng giống như nhiều cơ sở khác trong tổng số 5 nhà máy điện nguyên tử của nước này. Thế nhưng, điều này không ngăn cản chính quyền của thủ tướng Rajoy muốn duy trì các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trong 50 thậm chí 60 năm.

« Jdoun » : Thú yêu Hà Lan gây sốt ở Nga

Một sinh vật - hay nói đúng hơn là tượng của con vật này - đang gây sốt trên các trang mạng tại Nga. Sinh ra tại Hà Lan, có tên gọi Homunculus Loxodontus, tượng một chú nhân hải tượng ngộ nghĩnh đang trở thành thú cưng và biểu tượng của xã hội Nga.

Theo lời kể của thông tín viên đài RFI tại Matxcơva, Etienne Bouche, bức tượng con hải tượng này đã được đặt trong khuôn viên một khu khám bệnh của một trường đại học từ một năm nay. Mục đích ban đầu là để trấn an các bệnh nhân. Tượng có hình dạng hơi ngộ nghĩnh : Thân người với đầu hải tượng, đôi tay đan vào nhau được đặt trên bụng phệ trong tư thế như ngồi đợi.

Hình ảnh của chú nhân hải tượng này đã được một phụ nữ Nga tình cờ đưa lên mạng và đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng tại Nga và Ukraina. Chú hải tưởng đã được dùng như một « hình tượng » để tạo ảnh châm biếm và biến cách. Thành công của bức tượng đã khiến cho tác giả tạo tượng quá đỗi ngạc nhiên và bà đã chia sẻ niềm vui đó với ban tiếng Nga đài BBC.

Giờ đây tại Nga, chú hải tượng này có cái tên là Jdoun. Etienne Bouche cho biết ý nghĩa thật sự của cái tên này:

« Không chỉ bởi vẻ ngoài ngộ nghĩnh mà hình ảnh được chia sẻ nhiều. Trên thực tế, từ « Jdoun » có gốc từ động từ jdat trong tiếng Nga, có nghĩa là « đợi chờ ». « Jdoun » được dịch là « tôi đợi ». Người Nga dường như tìm thấy trong nhân vật này một sự hóa thân nào đó về cuộc sống thường nhật của họ : Đó là đợi chờ.

Nhân vật uể oải và vô cảm dường như là biểu tượng cho một xã hội Nga thụ động và cam chịu. Tại Nga, bất kỳ người Nga nào cũng biết điều đó, ‘phải biết nhẫn nại’ : tại các cơ quan hành chính, ở bưu điện, với những hàng dài chờ đợi đến nản lòng và phải biết kiên nhẫn.

Trên phương diện này, bưu điện đặc biệt là nổi tiếng xấu. Gần đây, ngành này đã đưa ra một chương trình mới để hiện đại hóa chức năng hoạt động. Bưu điện đã dùng Jdoun như là một biểu tượng của ‘bưu điện trong quá khứ’ ».

Tượng nhân hải tượng "Jdoun" tại Hà Lan.
Tượng nhân hải tượng "Jdoun" tại Hà Lan. margrietvanbreevoort.nl

Hưu rồi nhưng vẫn kiếm bạc triệu

Tại Hoa Kỳ, vợ chồng cựu tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama lại gây một bất ngờ lớn có lẽ khiến nhiều vị nguyên thủ đã và sắp về hưu cũng như là nhiều nhân vật tiếng tăm trên thế giới phải mơ ước đến. Theo tiết lộ của tờ Financial Times được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với phu nhân bà Michelle vừa ký một hợp đồng xuất bản sách, mỗi người một tác phẩm với nhà xuất bản Penguin Random House với trị giá 60 triệu đô la.

Báo chí Pháp gọi đó là một hợp đồng « vàng » và đây sẽ là một hợp đồng phát hành sách béo bở nhất trong lịch sử. Bởi vì, so với những người tiền nhiệm, mức giá này cao hơn của hai cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và Georges W. Bush từ 4-6 lần.

Giờ ngẫm nghĩ lại câu nói nổi tiếng « Yes, we can » của Obama trong quá trình vận động tranh cử vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng đó là tại Mỹ. Còn tại Pháp thì sao ? Sau bốn năm nhiệm kỳ đầy bất trắc và tai tiếng, không biết là tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande, có ý định viết sách hay không, mà nếu có … thì giấc mơ « Yes we can » đối với ông có lẽ là hơi khó !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.