Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TIN VẮN

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP) - Formosa: Việt Nam sẽ kỷ luật 11 quan chức. Hôm qua, 22/02/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam đã thông báo sẽ xem xét, thi hành kỷ luật 11 quan chức bị coi là có những “sai phạm” trong vụ công ty Formosa gây ô nhiễm biển khiến cá chết hàng loạt vào năm ngoái. Bị coi là chịu trách nhiệm chính trong vụ này là ông Võ Kim Cự, nguyên chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Trong số 11 quan chức bị kỷ luật còn có một cựu bộ trưởng Môi trường, ông Nguyễn Minh Quang.

(AFP) - Miến Điện điều tra về cái chết của 8 người Rohingya. Hôm qua, 22/02/2017, chính phủ Miến Điện thông báo là lực lượng an ninh nước này sẽ điều tra về cái chết của 8 người Rohingya khi bị tạm giam. Họ nằm trong số hàng trăm người bị bắt giữ trong đợt đàn áp của quân đội kéo dài trong 4 tháng tại bang Rakhine ở miền bắc. Có tin là hàng trăm người Rohingya đã bị giết chết trong đợt đàn áp này. Sau nhiều tháng bác bỏ tố cáo của các tổ chức nhân quyền và các nhà báo, cuối cùng chính quyền Miến Điện đã hứa điều tra về những cáo buộc đó.

(AFP) -Thái Lan: Một phóng viên BBC có thể lãnh án 5 năm tù. Một phóng viên người Anh của đài BBC có thể lãnh án đến 5 năm tù do đã điều tra về một vụ lừa đảo tại đảo du lịch nổi tiếng Phuket. Thông tín viên khu vực Đông Nam Á của BBC Jonathan Head bị một luật sư kiện ra tòa về tội vu khống do ông này bị nêu tên trong bài phóng sự năm 2015 về chuyện hai người về hưu ngoại quốc bị lừa đảo mất nhà ở Phuket. Theo các tổ chức nhân quyền, vụ này cho thấy luật của Thái Lan về vu khống và tội phạm trên mạng khiến cho phóng viên rất khó điều tra về các vụ lừa đảo, tham nhũng tại nước này.

(AFP) – Indonesia : Tài sản của bốn người giàu nhất bằng 100 triệu người nghèo nhất. Đây là ghi nhận của tổ chức phi chính phủ Oxfam của Anh về tình trạng bất bình đẳng đáng báo động tại quốc gia đầu tầu của khối ASEAN. Theo xếp hạng, Indonesia đứng hàng thứ sáu trong bảng tổng sắp các quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất trên thế giới.

(Reuters) - Trung Quốc: Quân nhân giải ngũ biểu tình đòi tiền hưu. Theo hãng tin Reuters hôm nay, 23/02/2017, hàng trăm quân nhân giải ngũ Trung Quốc đã biểu tình từ hai ngày qua ở khu trung tâm Bắc Kinh để đòi trả lương hưu. Cuộc biểu tình này phản ánh những khó khăn của chính quyền Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ việc cắt giảm quân số của quân đội Trung Quốc. Vào năm 2015, chủ tịch Tập Cận Bình đã loan báo là quân đội Trung Quốc sẽ cắt giảm 300 000 binh lính, để chuyển một số khoản chi tiêu sang việc hiện đại hóa hải quân và không quân.

(AFP) – Vụ Choi Soon Sil : Hàn Quốc ấn định phiên điều trần cuối cùng. Theo loan báo của Yonhap hôm qua, 22/02/2017, tòa Bảo Hiến sẽ nghe phiên điều trần cuối cùng vào thứ Hai 27/02 tới đây để xem xét việc phế truất tổng thống Park Geun-Hye. Quyết định cuối cùng sẽ được thông báo vào ngày 13/03. Nếu việc phế truất được thông qua, Hàn Quốc có 60 ngày để tổ chức bầu tổng thống mới.

(AFP) – Quân đội Irak tiến vào sân bay Mossul. Lần đầu tiên quân đội nước này vào được khu vực sân bay kể từ khi Mossul rơi vào tay quân thánh chiến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo năm 2014. Đây là đợt phản công cuối cùng trong chiến dịch tái chiếm toàn bộ thành phố Mossul, thành trì cuối cùng của nhóm Hồi Giáo Sunni cực đoan tại Irak.

(AFP) – Pháp : Một cặp người Nga đã bị cướp khi vừa rời sân bay. Ước tính trị giá đồ nữ trang và vật dụng hàng hiệu bị cướp lên đến 100.000 euro. Vụ việc xảy ra vào lúc 21 giờ ngày 22/02/2017 trên một đoạn đường cao tốc ở phía bắc Paris. Đoạn đường này dẫn từ sân bay Roissy và Bourget về trung tâm thành phố thường xuyên diễn ra các vụ trấn lột và cướp bóc du khách nước ngoài.

(AFP) - Cuba từ chối cấp visa nhập cảnh nhiều quan chức nước ngoài. Chính quyền La Habana hôm qua 22/02/2017 xác nhận đã từ chối cấp visa nhập cảnh cho nhiều vị quan chức nước ngoài, trong đó có ông Luis Almagro tổng thư ký Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ, được mời đến nhận một giải thưởng mang tính tượng trưng cho sự nghiệp đấu tranh vì dân chủ. Lễ trao giải do nhà đối lập Rosa Maria Paya, thuộc Mạng Lưới Châu Mỹ - Latinh tổ chức. La Habana xem buổi lễ này một « hành động khiêu khích gây bất ổn đất nước, làm tổn hại hình ảnh đất nước trên thế giới và đồng thời làm phá hỏng hướng đi đúng trong quan hệ quốc tế » với các quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.