Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tiết kiệm thực phẩm : Thêm nhiều sáng kiến mới tại châu Âu

Đăng ngày:

Dịp năm hết, Tết đến, thực phẩm luôn là một mối quan tâm hàng đầu tùy theo nhu cầu và cảnh ngộ của mỗi người. Tại châu Âu và Pháp, tiết kiệm thực phẩm, làm sao cho người nghèo khó có được bữa ăn đủ chất, đặc biệt trong những ngày đông giá, là một nỗi lo, vốn được nhiều tổ chức xã hội chung tay (*), đang ngày càng được hưởng ứng. Tạp chí Thế Giới Đó Đây của RFI xin giới thiệu một số ứng dụng tin học mới để giải quyết vấn đề này, nhưng đặc biệt là các nỗ lực tại Pháp và châu Âu nhằm giảm mạnh tỉ lệ thực phẩm bị lãng phí, nhờ can thiệp của Nhà nước. Phần cuối tạp chí dành cho một số vấn đề về giới trẻ và châu Âu, và giới thiệu cuốn sách đang được chú ý của cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine với tựa đề « Sauver l’Europe/Cứu châu Âu ».

Một điểm phân phối thực phẩm của mạng lưới Restos du coeur, với bức ảnh của người sáng lập, nghệ sĩ hài "Coluche", người Pháp gốc Ý.
Một điểm phân phối thực phẩm của mạng lưới Restos du coeur, với bức ảnh của người sáng lập, nghệ sĩ hài "Coluche", người Pháp gốc Ý. REUTERS/Eric Gaillard
Quảng cáo

Nhưng trước hết xin giới thiệu với quí vị một bộ phim tài liệu nổi tiếng, được công chiếu kể từ hôm nay, 23/12/2016, tại Canada nhân dịp Giáng Sinh. Phim mang tên « Théâtre de la vie » kể về một vị đầu bếp lừng danh thế giới người Ý (1).

Thực phẩm từ thùng rác…

Trong dịp Hội chợ toàn cầu Milan 2015, ông Massimo Bottura đã đề nghị 60 đồng nghiệp có tên tuổi tham gia vào một hoạt động đặc biệt. Với thực phẩm còn tốt, nhưng bị vứt vào thùng rác tại hội chợ này, các đầu bếp đã nấu được nhiều món ăn tuyệt hảo, mời những người cùng khổ nhất nước Ý.

Bộ phim đưa người xem đến với một cuộc hội ngộ lạ lùng, giữa một bên là các trưởng bếp hàng đầu thế giới chuyên phục vụ giới giàu có và bên kia là những người khổ nhất, người tị nạn, người từng nghiện ngập hay bán dâm, rất nhiều người trong số họ không biết đi đâu, về đâu…

Đầu bếp Massimo Bottura cũng là người sáng lập hiệp hội Food for Soul (Thực phẩm cho tâm hồn), vừa giúp đỡ những người cơ nhỡ, vừa khuyến khích xã hội thay đổi thói quen lãng phí thực phẩm.

Trong một phát biểu tại Montreal, đầu bếp người Ý tâm sự : « Chất liệu căn bản nhất của nghề bếp là gì ? Đó là văn hóa. Từ văn hóa mà sinh ra hiểu biết, từ hiểu biết mà có ý thức, và ý thức sẽ khiến ta dấn thân ».

Nở rộ ứng dụng tin học tiết kiệm thực phẩm

Để hạn chế nạn lãng phí và giúp người thu nhập thấp có được thực phẩm mà không phải trả nhiều tiền, trong thời gian gần đây, một loạt ứng dụng tin học đã được phát triển trên thế giới và cụ thể là tại Pháp.

Nhiều doanh nhân trẻ tại Pháp đã thực sự dấn thân trong lĩnh vực này. Trang mạng Smartlink.fr giới thiệu một loạt các ứng dụng như : Zero-Gachis, Checkfood, Optimiam, What the Food, Gaspifinder, Frigo Magic hay Mummyz.

Chẳng hạn, một ứng dụng khá nổi tiếng là Optimiam, được sử dụng trên hai hệ điều hành Android và iOS, cho phép những người bán hàng tại Paris thông báo với khách hàng về các sản phẩm sắp sửa đến hạn vứt bỏ, và đề nghị bán lại với giá thấp. Ứng dụng kết nối với hơn 330 cửa hàng, được khoảng 80.000 người sử dụng.

Kể từ ngày 05/12, trong suốt ba tuần trước Noel, những người dùng Optimiam có thể đặt hàng các bữa ăn « chống lãng phí », với giá một bữa là 3 euro. Suất ăn sẽ được đưa đến tận nơi, thông qua start-up Stuart, một đối tác của Optimiam, trong phạm vi quận 11, Paris. Đối tượng ưu tiên là những người cao tuổi, cô đơn, sống trong hoàn cảnh bấp bênh.

Liệu châu Âu có theo kinh nghiệm Pháp ?

Nếu như ở Pháp, lãng phí thực phẩm hàng năm là trên 10 triệu tấn, thì trên toàn châu Âu, lãng ước tính là 88 triệu tấn, tương đương với 20% thực phẩm được sản xuất tại châu lục, theo điều tra của FUSIONS (2). Trị giá thực phẩm lãng phí tương đương khoảng 143 tỉ euro. Bớt được khoản lãng phí này đủ nuôi những người đang thiếu đói.

Luật về chống lãng phí thực phẩm của Pháp mang tên Garot (3) – được coi là luật đầu tiên của châu Âu trong lĩnh vực này - sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2 năm tới 2017. Tiếp theo Pháp, Ý và Rumani cũng ra một luật tương tự trong năm nay. Theo luật của Pháp, các cửa hàng thực phẩm không được phép vứt bỏ hàng không bán được, mà buộc phải liên hệ với ít nhất một hiệp hội để thanh lý số hàng này, trước khi thực phẩm hết hạn.

Nhiều người đặt câu hỏi là : nỗ lực của Pháp và một số nước châu Âu tiên phong khác sẽ khiến toàn thể châu Âu quyết định hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn trong năm tới, để ngăn chặn nạn lãng phí thực phẩm trầm trọng hiện nay hay không (4) ?

Nạn lãng phí thực phẩm có chiều hướng gia tăng. Theo tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc FAO, lãng phí thực phẩm có thể chiếm đến 1/3 sản lượng toàn cầu (tương đương 940 tỉ đô la) (5). Nếu không hành động mạnh mẽ, châu Âu khó lòng đạt được mục tiêu giảm một nửa lượng lãng phí vào năm 2030.

Ngày 29 tháng trước, Ủy Ban Châu Âu khởi động một chương trình phối hợp về chống lãng phí thực phẩm, bao gồm 70 tổ chức công lập và tư nhân, trong đó có đại diện 37 cơ sở khoa học, tổ chức phi chính phủ và giới công nghiệp. Trong giai đoạn thứ nhất, chương trình này sẽ giúp các đối tác trong chuỗi cung ứng thực phẩm xác định các hướng ưu tiên, và thúc đẩy hợp tác.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều có một chủ trương giống Pháp. Ủy Ban Châu Âu vẫn muốn khuyến khích các hành động mang tính thiện nguyện, hơn là ra luật. Một số nước có kinh nghiệm khác (6).

Trả lời phỏng vấn Huffington Post (ngày 12/12/2016), chủ tịch hiệp hội Restos du Cœur, ông Patrice Blanc, lưu ý đến tính hai mặt của việc ra luật. Mặt tiêu cực là có nguy cơ tạo điều kiện cho sự hình thành một số hiệp hội trung gian, chỉ với mục tiêu làm đầu ra cho các sản phẩm bị ế của các siêu thị, mà không tính đến nhu cầu thực sự của người sử dụng (7). Chủ tịch Restos du Cœur nhấn mạnh là cần phải tận dụng mặt tích cực của luật này để « cải thiện và củng cố mạng lưới cho/tặng thực phẩm » nhắm mục đích chính là trợ giúp có hiệu quả những người có nhu cầu thực phẩm.

***

« Thanh niên đoàn kết » : Cơ hội hội nhập với thế giới

Một cơ hội vừa mở ra cho khát vọng hướng ra thế giới của giới trẻ châu Âu. Ngày mùng 8 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu khởi sự chương trình « Lực lượng đoàn kết châu Âu » (European solidarity corps/Corps européen de solidarité), cho phép thanh niên từ 18 đến 30 tuổi đăng ký tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, hỗ trợ người di cư, tị nạn, cứu hộ hay bảo vệ môi trường… với tư cách tình nguyện viên hoặc thực tập sinh (8).

Joséphine Dalmier, một sinh viên ngành địa lý, quyết định chọn tham gia vào một hiệp hội dân sự làm việc với nước Burkina Faso ở châu Phi. Cô sẽ lên đường trong ít tuần nữa. Joséphine tâm sự :

« Đi ra nước ngoài là một cách để thoát khỏi điều kiện sống yên ổn bình thường của mỗi người. Điều đó gây đảo lộn về nhiều mặt. Gặp gỡ những người khác, các nền văn hóa khác, những cách thức hành động hoàn toàn khác hẳn với những gì đã biết. Điều đó sẽ mở ra cho tôi những chân trời mới, giúp cho tôi học hỏi nhiều điều mới ».

Người sinh viên trẻ cho biết thêm : « Tôi nghĩ rằng người phụ trách lao động cũng sẽ chú ý đến việc trong sơ yếu lí lịch của một thanh niên, có giai đoạn một năm hoạt động ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ có ích trong quá trình tìm việc làm tương lai ».

Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức hết sức khắc nghiệt, như khủng hoảng kinh tế, đe dọa khủng bố… Sau khi Anh Quốc quyết định rời khỏi khối, Bruxelles tái khẳng định chính sách cổ vũ giới trẻ tiếp nối các giá trị nhân bản mà châu Âu kiên định theo đuổi, đó là phát triển các năng lực chuyên môn, phẩm chất tinh thần trong những hoạt động hướng đến các cộng đồng khác, ngay tại một nước châu Âu hoặc bên ngoài. Những hoạt động như vậy từng tôi luyện nên nhiều thế hệ công dân châu Âu thông tuệ, tha thiết với tự do, nhưng cũng đầy lòng bác ái, hết mình vì cộng đồng, vì tha nhân.

Vào thời điểm dự án Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước muôn vàn thách thức hiện nay, tưởng cũng nên nhắc lại một ước vọng của văn hào Victor Hugo hồi thế kỷ XIX (năm 1849), cũng gần như một tiên tri cho thế kỷ XX và kể cả thế kỉ XXI.

« Rồi một ngày sẽ đến, khi chiến tranh trở nên điều kỳ quặc và sẽ là không thể, giữa Paris và Luân Đôn, giữa Petersbourg và Berlin, giữa Vienna và Turin… Một ngày sẽ đến khi, người Pháp, người Nga, người Ý, người Anh, người Đức, tất cả các dân tộc của lục địa này, trong khi vừa giữ được bản sắc của mình, niềm tự hào riêng của mình, lại vừa hòa trộn với nhau trong một sự thống nhất cao hơn. Chính các vị sẽ tạo nên một tình huynh đệ châu Âu, chẳng khác nào các vùng Normandie, Bretagne, Bourgogne, Lorraine, Alsace, tất cả các tỉnh của chúng ta, đã hòa thành nước Pháp ».

Năm 1869, ngay trước ngưỡng cửa cuộc chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871) Victore Hugo tiếp tục ước mơ của mình : « trong thế kỷ XX nó (cái dân tộc thống nhất mới ấy) sẽ được gọi là Châu Âu, và trong những thế kỷ tiếp theo, nó sẽ biến đổi mãnh liệt để trở thành Nhân Loại ».

Chân dung của thế hệ trẻ châu Âu

Giới trẻ là trụ cột của tương lai. Giới trẻ châu Âu suy nghĩ gì về xã hội, về bản thân ? Một cuộc điều tra với các thanh niên từ 18 đến 34 tuổi mới đây (với gần một triệu người từ 35 nước tham gia trả lời câu hỏi, và tâm sự qua mạng), mang tên «Génération What » bước đầu cho ra một số thông tin đáng chú ý.

Cuộc điều tra với 140 câu hỏi về hàng loạt lĩnh vực chủ yếu, đã được hàng trăm nghìn thanh niên thuộc hầu hết các nước châu Âu tham gia. Riêng đối với nước Pháp, nhà xã hội học Axel Muriel (Viện Sciences-Po Paris) với sự hỗ trợ của TNS Sofres đã lọc ra, trong số khoảng 200.000 người Pháp trả lời qua mạng, hơn 20.000 thanh niên, theo tỉ lệ mang tính đại diện. Kết quả phân tích cho thấy xu hướng bi quan trước khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp gia tăng so với năm 2013.

Đối với thanh niên Pháp, tương lai sẽ khó khăn hơn (58%), tuy nhiên họ tự tin vào sức mạnh của bản thân (59%), đa số (70%) muốn thử sức ở nước ngoài. Cũng giống như thanh niên nhiều nước châu Âu (trang 9, điều tra Generation What the firs survey), thanh niên Pháp ngờ vực hệ thống chính trị hiện hành (87%), đồng thời và cho rằng « giới tài chính lãnh đạo thế giới » (93%). Nhưng ngược lại, họ tin tưởng nhiều các tổ chức nhân đạo (63%), ủng hộ nghĩa vụ công dân bắt buộc (82%). Một điểm gây ngạc nhiên khác là rất nhiều thanh niên tin « sẽ tham gia một phong trào phản kháng quy mô lớn trong thời gian sắp tới » (63%).

Thanh niên Pháp có thái độ cởi mở với những tình bạn xuyên biên giới : có bạn không cùng dân tộc (65%), không cùng tôn giáo (65%), không cùng môi trường xã hội (63%).

Đối với thanh niên châu Âu nói chung (kết quả sơ bộ, chưa được chuyên gia phân tích), thái độ với các làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang lên, có sự tương phản khá rõ giữa nhóm các nước tây Âu (bao gồm cả Hy Lạp) (ngoài Anh) với bên kia là các nước bắc Âu và đông Âu (ngoài Slovakia và CH Séc). Thanh niên nhóm tây Âu đa phần xem chủ nghĩa dân tộc như một « biến chuyển tiêu cực », ngược với nhóm nước còn lại .

Kế hoạch « Cứu châu Âu »

Cuốn sách nhỏ « Sauver l’Europe/Cứu châu Âu » (NXB Liana Levi) dài 100 trang của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine, ra mắt đầu tháng trước, rất được chú ý.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Carrefour de l'Europe của RFI (ngày 18/11), tác giả nhấn mạnh : để cứu được dự án Liên Hiệp Châu Âu, đang hồi nước sôi lửa bỏng, cần làm theo ba bước (pause, conférence, refondation). Thứ nhất, tạm ngừng mở rộng Liên Hiệp Châu Âu, thứ hai là tổ chức bàn thảo nhằm xác định lại các ưu tiên và các phạm vi của khối, để cuối cùng thực hiện việc tái lập lại Liên Hiệp Châu Âu.

Để cứu Liên Hiệp Châu Âu, cần phải từ bỏ quan điểm « châu Âu giáo điều chủ nghĩa ». Hubert Vedrine tự nhận là một người ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu « một cách thực tế » (9).

Đe dọa số một đối với châu Âu hiện nay, theo Hubert Vedrine, là cái hố ngăn cách giữa giới tinh hoa châu Âu  « giáo điều chủ nghĩa » đang nắm quyền với người dân, chứ không phải từ nước Nga Putin, làn sóng nhập cư, việc Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ hay quyết định Brexit.

 

Các nhạc phẩm giới thiệu trong tạp chí

*  Ca khúc Les "Restos" du cœur (Những quán ăn của tấm lòng) của Jean-Jacques Goldman

* Một cuộc đồng diễn quần chúng ngoài trời (flasmob) bài ca chính thức của Liên Hiệp Châu Âu (Ode to Joy/Ode an die Freude/Ca khúc ca ngợi niềm vui) tại thành phố Nuremberg, Đức, với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng Nuremberg.

----

(*) Việc tiết kiệm thực phẩm để lo các bữa ăn cho người nghèo đã trở thành một truyền thống ở Pháp từ hàng chục năm nay. Năm nay là năm thứ 32, các mạng lưới xã hội dân sự như Restos du Cœur, Banques Alimentaires, Secours catholique, Secours populaire Pháp, Hồng Thập Tự Pháp … khởi động chiến dịch thu thập thực phẩm mùa đông kể từ cuối tháng 11. Hoạt động của các hiệp hội có quy mô toàn quốc nói trên với sự tham gia của hàng triệu tình nguyện viên là vô cùng quan trọng để hỗ trợ một phần trong số khoảng 8,8 triệu người sống dưới mức nghèo, chiếm 14% dân số ở Pháp (theo thống kê của INSEE).

Mùa đông năm ngoái, với hơn 70.000 tình nguyện viên, Restos du Cœur đã phân phối được 132,5 triệu suất ăn tại 2.112 điểm phục vụ, với khoảng 926.000 người được hưởng. Banques Alimentaires đã tập hợp được khoảng 105.000 tấn thực phẩm, tương đương với 210 triệu suất ăn, để phân phối cho khoảng 2 triệu người, thông qua 5.300 hiệp hội và các trung tâm hành động xã hội địa phương (CCAS/Centre communaux d’actions sociales). Chiến dịch mùa đông năm nay, khoảng 130.000 người tình nguyện (mang áo da cam) của Banques Alimentaires được huy động tại khoảng 9.000 điểm tiếp nhận thực phẩm, trong đó có 8.000 siêu thị trên khắp nước Pháp.

(1) Đầu bếp Massimo Bottura được Sách hướng dẫn ẩm thực Pháp Michelin xếp hạng nhất trong số 50 vị đầu bếp xuất sắc nhất thế giới năm 2016.

(2) FUSIONS (Food Us for Social Innovation by Optimising Waste Prevention Strategies) là cuộc điều tra, được Ủy Ban Châu Âu hậu thuẫn, kéo dài bốn năm, từ 2012 đến tháng 7/2016. Lãng phí tại gia đình là nguyên nhân số một, đứng thứ hai là các siêu thị, tiếp theo đó là các quán ăn và ngành chế biến.

(3) Theo luật mới, các siêu thị có diện tích lớn hơn 400 m² không được tiêu hủy thực phẩm quá hạn, mà buộc phải tìm cách nhượng lại các thực phẩm gần hết hạn sử dụng cho các trung tâm cứu trợ khẩn cấp, các quầy thực phẩm xã hội-đoàn kết hay các hiệp hội trợ giúp thực phẩm, thông qua một số start-up trung gian như Comerso, Phenix… Các cửa hàng thực phẩm cũng sẽ được các ưu đãi về thuế khi nhượng lại các thực phẩm gần hết hạn cho các hiệp hội.

(4) Với sự hậu thuẫn của cựu chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Nicole Fontaine và hiệp hội Action Contre la Faim và Hồng Thập Tự Pháp, ông Arash Derambarsh, ủy viên hội đồng tổng Courbevoie (tỉnh Haute-de-Seine), đã tung ra một trang mạng lấy chữ ký nhằm vận động châu Âu sớm ra một chỉ thị chống lãng phí thực phẩm, để thực hiện được mục tiêu giảm lãng phí xuống một nửa ngay vào năm 2025, chứ không phải đợi đến 2030. Làm được như vậy, Liên Hiệp Châu Âu sẽ mang lại một đóng góp quan trọng cho cuộc chiến toàn cầu chống lãng phí. Chỉ thị của châu Âu được khuyến nghị áp dụng các biện pháp tương tự như luật của Pháp. Hiện tại, đề nghị này đã thu được hơn 800.000 chữ ký ủng hộ.

(5) Lãng phí thực phẩm còn rất tổn hại cho khí hậu và môi trường. Lượng lương thực bị lãng phí toàn cầu tương đương với diện tích trồng trọt bằng một nước như Trung Quốc, và chiếm khoảng 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (theo FAO).

(6) Như Đan Mạch, cho phép đưa thực phẩm quá hạn, vẫn còn tốt ra bán với giá hạ, và số tiền này được chuyển cho các hiệp hội từ thiện. Tại Anh, vào tháng 9/2016, đã có một siêu thị đầu tiên bán hàng hết hạn với giá trả tùy tâm. Đan Mạch giảm được 25% thực phẩm lãng phí trong vòng 5 năm, kể từ khi khởi động chiến dịch hồi 2008.

(7) Các bữa ăn mà hiệp hội Restos du Cœur trợ giúp người nghèo bảo đảm đủ lượng, chất và cân bằng (một suất ăn phải có cá hoặc thịt, rau, mì hay cơm, pho mát hay sữa chua, một trái quả và bánh mì), cùng một số thực phẩm, gia vị kèm theo, như sữa, bơ, dầu, cốc loại, đường… và những sản phẩm vệ sinh thiết yếu (thuốc đánh răng, giấy vệ sinh).

(8) Dự kiến tới 2020, sẽ có khoảng 100.000 thanh niên châu Âu được tài trợ để hoạt động tình nguyện, hoặc thực tập ở một nước khác, trong vòng 2 tháng đến 1 năm. Trong năm tới 58 triệu euro sẽ được chi cho kế hoạch này. « Lực lượng thanh niên đoàn kết châu Âu » dựa trên chương trình Tình nguyện châu Âu, khởi sự từ năm 1996, được tổng cộng 100.000 thanh niên tham gia cho đến nay.

(9) Ông Hubert Vedrine nhiều lần khẳng định cần phân biệt rõ những người « hoài nghi châu Âu » (vì thất vọng) với những người chống châu Âu (như đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia FN của bà Le Pen).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.