Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO PHÁP

Đại sứ Nga bị ám sát tại Ankara làm lung lay quan hệ Nga – Thổ

Đại sứ Nga bị sát hại tại Ankara, có nguy cơ gây khủng hoảng quan hệ Nga – Thổ. Mùa Giáng sinh tại Berlin nhuốm màu tang tóc. Liên Hiệp Quốc bất lực trong hồ sơ Syria. Tổng giám đốc IMF bị kết tội « bất cẩn » nhưng được miễn án. Trên đây là những chủ đề chính trên trang nhất các báo Pháp số ra ngày 20/12/2016.

Lễ đưa thi hài đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov về nước  ở sân bay  Ankara ngày 20/12/2016.
Lễ đưa thi hài đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov về nước ở sân bay Ankara ngày 20/12/2016. REUTERS/Umit Bektas
Quảng cáo

Ba tờ báo lớn tại Pháp, Liberation, Le Figaro và Les Echos cùng loan báo « Đại sứ Nga bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ ». Ông Andrei Karlov, 62 tuổi đã bị sát hại ngay trước ống kính camera trong lễ khai trương một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật.

Vụ ám sát đã được cả ba tờ báo tường thuật chi tiết cùng đăng tấm ảnh hung thủ trong bộ complet mầu đen, tay cầm súng chĩa thẳng vào thi thể đại sứ Nga. Theo lời thuật, trước khi ra tay, hung thủ tay phải cầm súng, tay trái chỉ lên trời và hô to bằng tiếng Ả Rập : « Allah akbar - Thượng đế vĩ đại», rồi sau đó là bằng tiếng Thổ : « Đừng quên Aleppo, đừng bỏ rơi Syria. Các người sẽ không bao giờ được hưởng sự bình an trước khi mà lãnh thổ của chúng tôi được an toàn. Chỉ có cái chết mới đưa ta thoát khỏii đây. Bất kỳ ai tham dự vào hành động bạo ngược này đều sẽ trả giá đắt ». Để rồi kết thúc bằng tiếng Ả Rập : « Chúng tôi là những người đã tuyên thệ trung thành với Mohamet vì thánh chiến ».

Nga ngay lập tức lên án một hành động « khủng bố ». Theo nhiều nguồn tin được các báo Pháp trích dẫn, hung thủ từng cảnh sát. Nếu như thông tin này được xác nhận, thì theo nhận định của Les Echos, sự việc có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Ankara và Matxcơva, trong khi mà một cuộc gặp ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dự kiến diễn ra hôm nay (20/12/2016) tại Matxcơva liên quan đến hồ sơ Syria. Matxcơva là đồng minh chính của chế độ Damas, ngược lại Ankara tìm mọi cách lật đổ tổng thống Bachar al Assad.

Đối với tổng thống Nga, vụ ám sát này làm phức tạp thêm cho việc xích lại gần vốn dĩ đã khó khăn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ vụ một chiến đấu cơ của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngay tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hồi tháng 11/2015. Matxcơva tố cáo Ankara « đâm dao sau lưng » và cáo buộc tổng thống Erdogan trang bị vũ khí cho phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Sự kiện đó đã làm cho Nga tức giận nhiều tháng, mặc dù không hề xảy ra leo thang quân sự, cũng như là cắt đứt bang giao. Nhưng Matxcơva đã đáp trả bằng các biện pháp kinh tế, chủ yếu đánh vào ngành du lịch và nhập khẩu thực phẩm Thổ. Về mặt quân sự, các hành động trả đũa của Nga chủ yếu nhắm vào những khu vực nói tiếng Thổ trên đất Syria và các lực lượng đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vậy, từ mùa hè này, cả hai nước đã để qua được một bên các mối căng thẳng. Tháng 7/2016, tổng thống Erdogan đã gởi đến đồng nhiệm Nga Vladimir Putin một thư xin lỗi về vụ bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Ngày 09/8/2016, đích thân tổng thống Nga đón tiếp ông Erdogan tại Saint-Péterbourg, trong một sự dàn cảnh mang tính biểu tượng.

Hình ảnh này đã được ông Putin sử dụng như một đòn bẩy gây ảnh hưởng trong ván cờ Syria với phương Tây. Hơn nữa, cú hích ngoại giao này diễn ra ngay sau sự kiện đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Vladimir Putin là nguyên thủ đầu tiên gọi điện để bày tỏ sự đồng cảm.

Phải chăng Nga bắt đầu trả giá cho việc can thiệp quân sự thô bạo vào Syria ? Dù chưa chắc chắn, nhưng Le Figaro đã xem lời « cảnh cáo chết người » này như là một hành động « trả thù » chống các cuộc oanh kích của quân đội Nga và Syria tại Aleppo.

Berlin : Mùa Giáng sinh buồn

Một sự kiện khác đã làm thay đổi bố cục trang nhất một số báo Pháp vào giờ chót trước khi lên khuôn. Tại Berlin, một chiếc xe tải lao vào khu chợ Noel làm nhiều người chết và bị thương. Cảnh sát nêu khả năng đây là một vụ khủng bố.

Le Figaro đã lập tức đưa hồ sơ khí hậu vào trang Khoa học, để đưa tít đậm trên trang nhất : « Cảnh ghê rợn ngay giữa lòng Berlin ». « Tại Berlin, một xe tải lao vào đám đông » tít của Libération. « Một xe tải lao vào chợ Noel làm ít nhất 9 người chết tại Berlin » thống kê sơ bộ của Les Echos vào thời điểm tối qua.Thực tế  đã có 12 người thiệt mạng trong vụ này. 

Cả ba tờ báo đều cùng một nhận định, sự việc này làm nhớ lại vụ khủng bố tại Nice, hôm 14/7 nhân ngày lễ quốc khánh Pháp. Bầu không khí đón mừng lễ Giáng Sinh nhộn nhịp, an lành bỗng chốc biến thành một mầu « tang tóc » như tuyên bố của thủ tướng Đức, Angela Merkel.

Một chiếc xe tải mang biển số Ba Lan đã lao thẳng vào khu chợ Noel Breischeidplatz, phía tây Berlin. Một địa điểm mang tính biểu tượng cao, vì khu chợ nằm ngay dưới chân nhà thờ Tưởng niệm Berlin, giờ chỉ là đống tro tàn nhưng lại là một chứng tích của Đệ Nhị Thế Chiến.

Câu hỏi đặt ra : Đây là hành động khủng bố hay tai nạn ? Cho đến 23 giờ khuya tại Đức, cảnh sát vẫn dè chừng. Người điều khiển xe đã bị bắt sau khi đã tìm cách chạy trốn. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không cho biết rõ danh tính và quốc tịch các nghi can.

Theo Le Figaro, từ nhiều tháng nay, người dân Đức sống trong nỗi lo âu xảy ra một cuộc tấn công khủng bố. Tuy cho đến giờ nước Đức chưa phải hứng chịu một đợt khủng bố nào có tầm mức lớn như tại Pháp, nhưng nhiều cuộc tấn công do những kẻ Hồi giáo cực đoan đơn lẻ thực hiện đã xảy ra.

Syria và ONU : Chủ đề trang nhất Le Monde và La Croix

La Croix chọn hồ sơ Syria làm sự kiện chính trong bài xã luận trên trang nhất. Matxcơva cuối cùng đã chấp nhận nguyên tắc gởi quan sát viên quốc tế đến Đông Aleppo để giám sát việc di tản 40.000 thường dân.

Trong bài viết đề tựa « Con đường của Liên Hiệp Quốc », La Croix nhấn mạnh : « Đối với những cường quốc đang tranh cãi về số phận của Syria, giờ cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Đồng thuận có được tại Hội Đồng Bảo an chấm dứt những tuần lễ căng thẳng dài dằng dặc (…) Điều khẩn cấp tại Syria hiện nay là phải có được một cuộc đàm phán chính trị cho tương lai đất nước. Bởi vì, con đường đi đến một thỏa thuận giữa người dân Syria, giữa các nước trong khu vực và Hội Đồng Bảo An là sẽ còn rất dài ».

Le Monde trên trang nhất tỏ ra bi quan khi cho rằng « Liên Hiệp Quốc, 5 năm bất lực trước sự hỗn loạn tại Syria ». Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc giờ như trong trạng thái « chết lâm sàng ». « Định chế quốc tế này bị tê liệt vì những xung đột lợi ích khác nhau và các đợt phủ quyết liên tiếp của Nga và Trung Quốc về xung đột Syria. ».

Và hồ sơ này đã làm lu mờ bản tổng kết kết thúc nhiệm kỳ của tổng thư ký Ban Ki-Moon. Người kế nhiệm, ông Antonio Guterres cam kết tiến hành cải cách định chế này.

Christine Lagarde, mắc tội nhưng được khoan hồng

Trang nhất một số báo Pháp cũng không thể bỏ qua vụ bà Christine Lagarde, cựu bộ trưởng Kinh tế Pháp và hiện là tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF bị kết tội « bất cẩn » … nhưng được miễn án. Tòa Tư pháp Cộng Hòa hôm qua đã đưa ra một bản án được bàn luận nhiều trong suốt mấy thời gian qua, liên quan đến vai trò của bà Christine Lagarde trong việc xử lý tranh chấp thương vụ Adidas giữa Credit Lyonnais với triệu phú Bernard Tapie.

Le Figaro trên trang nhất thông báo : « Có tội nhưng được miễn án, Christine Lagarde đợi cuộc họp của IMF ». Libération thì mỉa mai chơi chữ « Chả đáng là bao ». Theo nhật báo, có lẽ những người bình thường có thể bị kết án, những người mà người ta chẳng cần phải thận trọng gì, sẽ nghĩ rằng những ai không có chút « tiếng tăm quốc tế » nào có thể sẽ chẳng bao giờ được hưởng một sự khoan hồng như thế.

« Vụ Tapie : Lagarde bị kết tội bất cẩn », là tít thông báo trên Les Echos. Nhật báo kinh tế cho rằng kiểu tuyên án « vừa lòng cả đôi bên » này sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho những người ra quyết định trong tương lai.

Khi khoa học đồng lõa với các tập đoàn OGM

Liên quan đến khoa học, Le Monde công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp cho hay : « Sinh vật biến đối gien ( OGM) : nghiên cứu khoa học nhám đầy xung đột lợi ích ». Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên Cứu Nông Học Quốc Gia Pháp INRA công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE ngày 15/12/2016. Theo khảo sát, ít nhất có 40%  xung đột lợi ít trong số 672 bài viết được công bố trong giai đoạn 1991-2015.

Đây là những công trình nghiên cứu có liên quan đến tính hiệu quả và bền vững của một số loài sinh vật biến đổi gien, tạo ra các chất protein của một loại vi khuẩn, có tên gọi là Bacillus thuringiensis (Bt). Loại khuẩn này có chủ yếu trong các loại cây giống biến đổi gien như bắp, bông và đậu nành.

Các nhà khoa học Pháp đã chỉ ra được hai kiểu quan hệ với các nhà sản xuất OGM : Hoặc là tham gia trực tiếp (người viết bài từng được nhà sản xuất tuyển dụng), hoặc là được các tập đoàn này tài trợ toàn hay một phần nghiên cứu của một hay nhiều tác giả.

Tuy nhiên, khảo sát của INRA không thể xác định được những xung đột lợi ích tài chính này là nguyên nhân hay hệ quả từ những kết quả có lợi cho các nhà tài trợ. Dù có những hạn chế trong khảo sát, nghiên cứu này của các nhà khoa học Pháp, cho thấy rõ là đó chỉ là phần ngọn của tảng băng lớn mà thôi.

Khí hậu : Năm 2016 là năm nóng nhất

Cuối cùng, cũng trong lĩnh vực khoa học, Le Figaro trên trang nhất nhận định « 2016 : Năm nóng nhất trong lịch sử ». Theo tổ chức Khí tượng Thủy văn Thế giới OMM, nhiệt độ trung bình trái đất rất có thể đã vượt quá mức thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,2°C. Năm nay, ở Bắc Cực, 70% diện tích băng đã không thể chống cự được với mùa hè. Trong khi mà tại Hoa Kỳ, ông Donald Trump sẵn sàng đưa ra một chính sách thù nghịch nhất với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.