Vào nội dung chính
CUBA- TRUYỀN THÔNG

Báo mạng Cuba thách thức truyền thông Nhà nước

Phải chăng một cuộc cách mạng nhỏ đang khởi đầu trong ngành truyền thông Cuba ? Nhiều trang mạng thông tin độc lập lần lượt xuất hiện từ vài năm gần đây, bất chấp thế độc quyền do Nhà nước áp đặt lên giới truyền thông từ một nửa thế kỷ nay.

Người dân đọc báo ở thủ đô La Habana, Cuba
Người dân đọc báo ở thủ đô La Habana, Cuba AFP
Quảng cáo

El Estornudo”, “Periodismo de Barrio”, “El Toque” hay “OnCuba” là những trang báo mạng độc lập đầu tiên tại Cuba và đều có chung một đặc điểm : đội ngũ ban biên tập trẻ, tuổi đời vừa chỉ 30. Nhiều phóng viên xuất thân từ ngành truyền thông, trường đại học La Habana, lò đào tạo truyền thống cho các báo đài Nhà nước và nhật báo Granma của đảng Cộng sản.

Theo phóng sự của hãng tin AFP, cách trình bày và nội dung các bài viết trên báo mạng độc lập tại Cuba có nhiều điểm nổi trội hơn so với những tờ báo của các nhà ly khai hay báo mạng độc lập ở nước ngoài.

Trang chủ hiện đại và có cách hành văn trong sáng. Hình ảnh rõ nét và phông chữ trau chuốt. Phóng sự chủ yếu mang tính chất tạp chí hơn là “tin tức”. Các bài viết này chú trọng phản ảnh một cách chân thật đời sống thường nhật của người dân Cuba. Và nhất là không chọn cách đối đầu với chính phủ.

Quan điểm trung thực, xuất phát từ những trải nghiệm cuộc sống và không đi theo cách nhìn khiêu khích của những người có tư tưởng cực đoan” là phương thức hoạt động của tờ “El Toque”, như lời tâm sự của Nieves Cardenas với AFP.

Tuy có quan điểm ôn hòa và được chính quyền La Habana dung thứ phần nào, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là giới truyền thông Nhà nước và các trang mạng xã hội chịu “để yên” cho các phóng viên độc lập tự do hoạt động.

Báo đảng Cộng sản Granma nhiều lần đăng bài của nhà viết blog Iroel Sanchez lên án “lối hành nghề nhà báo có dụng ý”. Chính phủ bắt đầu đe dọa những báo đài không chính thống như sa thải phóng viên có cộng tác với những tòa báo độc lập. Hay cản trở phóng viên những tờ báo đó đến tác nghiệp như vụ cô Elaine Diaz và cả ê –kíp đã bị đuổi ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng cơn bão Matthew với lý do không có giấy phép chính thức.

Hiện tại, những dạng truyền thông mới này vẫn chưa là một đe dọa thật thụ đối với chính quyền La Habana, cả về quan điểm cũng như số lượng độc giả. Bởi một lẽ đơn giản, với 200 điểm phát sóng wifi, chỉ có một bộ phận rất nhỏ (5% trong tổng số 11,2 triệu dân) có thể truy cập thường xuyên Internet do phí truy cập mạng vẫn còn rất cao tại Cuba.

Và đây cũng chính là khó khăn lớn nhất cản trở việc phát triển hệ thống báo mạng độc lập. Các báo mạng hiện nay chật vật sống qua ngày do không thu hút được tài trợ từ các nhà quảng cáo. Vì giá truy cập mạng vẫn còn quá cao nên việc đưa bài lên mạng phần lớn đều được thực hiện ở nước ngoài qua đường thư điện tử.

Nhưng có lẽ không có gì dập tắt được niềm đam mê viết báo của họ. Bằng cách này hay cách khác, nhận làm quảng cáo, thỏa hiệp với một số báo đài khác hay các tổ chức phi chính phủ, thậm chí làm thêm nghề tay trái, các phóng viên của những tờ báo này vẫn chấp nhận trả giá đắt để “thực hiện giấc mơ phóng viên độc lập” tại Cuba.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.