Vào nội dung chính
KINH TẾ

Châu Âu phải mạnh tay với hàng hóa made in China

Bên cạnh hàng loạt các bài viết về chủ đề khủng bố an ninh của nước Pháp sau vụ tàn sát tại Nice, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đặc biệt đến sự kiện hôm nay, 20/07/2015, Ủy ban Châu Âu bắt đầu thảo luận để đưa ra kết luận đánh giá nền kinh tế Trung Quốc có phải là nền kinh tế thị trường hay không ? Đây là dịp để Bruxelles thể hiện hành động cứng rắn hơn với hàng hóa Trung Quốc. Tờ báo ghi nhận « Bruxelles đánh bài ngửa với hàng made in China ».

Các container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/12/2015.
Các container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/12/2015. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Sau nhiều tháng im lặng, dè dặt, phiên họp của Ủy Ban Châu Âu phải có một quyết định có ý nghĩa ấn định tương lai quan hệ thương mại với Trung Quốc. Les Echos đưa ra các khả năng về lập trường của Bruxelles.

Về lý thuyết, Bruxelles có 3 lựa chọn : Thứ nhất là không thay đổi gì, lấy lý do là có rất nhiều điều khoản gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới ( WTO) của Trung Quốc liên quan đến các cải cách đến giờ vẫn chưa được thực thi. Vì vậy kinh tế Trung Quốc giờ về cơ bản vẫn được tiếp sức bằng nhiều loại trợ cấp của nhà nước, không thể gọi là kinh tế thị trường. Quyết định này có thể khiến Trung Quốc tức giận tìm cách trả đũa châu Âu.

Giải pháp thứ 2 là chấp nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Thế nhưng giải pháp này có nghĩa là mở rộng cửa để hàng hóa made in China ồ ạt tràn vào châu Âu trong khi mà suốt nhiều năm qua các nước châu Âu vẫn phải loay hoay với các biện pháp chống phá giá của hàng hóa Trung Quốc từ tôn, thép, pin mặt trời rồi hàng vải sợi…

Còn lại giải pháp cuối cùng, tức là tìm một hướng dung hòa, không chấp nhận hiện trạng nhưng cũng không công nhận quy chế kinh tế thị trường. Quyết định trung dung đó mở ra một hướng bình thường hóa dần dần về quy chế của Trung Quốc để giúp châu Âu có thời gian trang bị thêm các công cụ tự vệ thương mại vững vàng.

Les Echos nhận xét : « Bruxelles, sau thời gian dài tỏ ra hào hiệp với người khổng lồ châu Á, giờ đây dường như đã hiểu ra rằng chỉ có mạnh tay thì Bắc Kinh mới lắng nghe và hiểu. Đó là chiến lược mà Hoa Kỳ đã áp dụng từ rất lâu nay » trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Châu Âu phải hành động như một cường quốc tập thể dám chơi mạnh tay với Trung Quốc. Đó cũng là một thách thức đặt ra cho châu Âu ngày nay.

Người mắc bệnh Sida ở Trung Quốc vẫn bị kỳ thị nặng nề

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhân sự kiên Hội nghị quốc tế chống Sida đang diễn ra tại Durban, Liberation có bài phóng sự điều tra của đặc phái viên tờ báo về tình hình căn bệnh Sida tại Trung Quốc.

Tác giả bài viết ghi nhận bằng tiêu đề bài phóng sự : « Những người bị dương tính, những con bệnh dịch hạch ở Trung Quốc ». Theo Libération, tình hình thực sự đáng lo ngại ở đất nước này, dịch bệnh Sida vẫn tiếp tục bùng nổ cũng như nạn kỳ thị với người chẳng may mắc phải căn bệnh quái ác này.

Theo Libération, cuối năm 2015, Bắc Kinh đưa ra tín hiệu báo động : 110 nghìn ca mới nhiễm bệnh trong 10 tháng. Nếu như số thống kê là hơn 577 nghìn người bị nhiễm đang phải chung sống với virus HIV, chính quyền ước tính trên thực tế con số này phải là 845.600 người. căn bệnh dịch này đã tăng 28% trong giới trẻ.

Ở Trung Quốc một người khi phát hiện bị dương tính, cuộc sống coi như không còn gì. Họ bị mất việc làm, không nhà cửa, bị làng xóm, gia đình hắt hủi, ghẻ lạnh. Theo một nhân chứng thì có những gia đình có con bị nhiễm HIV yêu cầu họ phải ăn uống, sinh hoạt cách ly. Khi biết không thể điều trị được họ đưa con về nhà quê xa xôi chờ chết.

Trung Quốc : Bêu tên ở nơi công cộng để đòi nợ

Một sáng kiến truy tìm con nợ rất độc đáo ở Trung Quốc trên cột báo kinh tế Le Figaro. Giờ đây trên bảng điện tử ở một số nhà ga, nơi công cộng ở Trung Quốc người ta thường thấy xuất hiện nhưng tên người bình thường. Đó là tên những người không chịu trả nợ cá nhân, hoặc những chủ doanh nghiệp quỵt nợ. Tên của những con nợ đó cùng các khoản nợ của họ cứ nhấp nháy trên các bảng điện tử ở nhiều nơi công cộng. Cách đây không lâu, ở Trung Quốc người ta còn đưa tên, địa chỉ, số điện thoại của 20 người như vậy trong 10 ngày.

Theo Le Figaro, đã có 3,4 triệu người bị đưa tên trên bảng điện tử như vậy. cách làm nay dường như có hiệu quả : 10% con nợ đã thanh toán được nợ. Thế nhưng vẫn còn rất đông bị phạt : 780 nghìn con nợ bị cấm dùng tàu cao tốc và gần 4 triệu người bị cấm đi máy bay vì thiếu nợ không trả. Con số này có thể chứng minh phần nào cho khoản nợ xấu khó đòi 299 tỷ đô la mà các ngân hàng Trung Quốc đang tìm cách thu hồi.

Philippines : Cuộc tàn sát tự do tội phạm

Tiếp tục với nhật báo Libération nhìn qua Philippines ngày nay dưới thời của tổng thống Rodrigo Duterte với bài viết mang tiêu đề đáng lo ngại : « Tại Philippines, tổng thống cho tàn sát những kẻ buôn bán ma túy ».

Theo Liberation, đúng là tân tổng thống Philippines không chỉ nói suông mà ông đã hành động thực sự và có « những con số cụ thể khiến người Philippines lạnh sống lưng ». Libération dẫn số liệu ước tính của kênh truyền hình Philippines ABS-CBN cho biết : « Trong khoảng từ 10/05 đến 15/07, ít nhất có 408 người đã bị lực lượng giữ gìn trật tự hoặc dân quân hạ sát ».

Theo tờ báo, từ khi ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống hôm 9/5, các vụ hành quyết không qua tư pháp, những nghi phạm buôn bán ma túy và các các lọa tội phạm khác đã bùng nổ trong cả nước. Mỗi ngày, Philippines lại bị đẩy ra xa hơn khuôn khổ Nhà nước pháp quyền.

Ông Duterte được bầu làm tổng thống trên cơ sở một chương trình hành động vì an ninh, chống ma túy và các loại tội phạm và ông ta đã không quên những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Giờ đây nắm toàn quyền trong tay, ông Duterte dường như đang đẩy nhanh tốc độ hành động .

Hôm Chủ nhật vừa qua (17/07), ông tuyên bố : « tôi không sợ những mối quan ngại về nhân quyền ». Hồi đầu tháng 6, ông còn lên tiếng kêu gọi dân chúng tự tiêu diệt những kẻ buôn ma túy, nếu không gọi được cảnh sát hay chính quyền và ông hoàn toàn ủng hộ hành động đó. Thậm chí ông ta còn hứa thưởng cho ai giết được mỗi kẻ tội phạm hàng nghìn peso ( đơn vị tiền Philippines).

Tại Philippines dư luận và nhiều chính khách không khỏi lo ngại tổng thống Duterte làm dấy lên làn sóng tàn sát bất cần luật pháp phân xử. Vì lo sợ trở thành nạn nhân của các vụ giết chóc vô tội vạ, có khoảng 72 nghìn đối tượng buôn bán, tiêu thụ ma túy đã chủ động ra đầu thú cảnh sát. Hàng loạt các vụ từ chức hoặc sa thải đã diễn ra trong hàng ngũ cảnh sát.

Theo giới phân tích chính trị quốc tế thì dù không có gì ngăn cản ông Duterte hành động lúc này nhưng về lâu dài ông ta có thể gây phản ứng trong quân đội, những người có đầu óc cấp tiến, cũng như trong tư pháp và Quốc hội. Khi sự ủng hộ của dân chúng cạn kiệt. Tổng thống có thể sẽ có nguy cơ bị phế truất. Vì thế mà ông Duterte đặt ra thời hạn 6 tháng để thanh toán tệ nạn buôn bán ma túy. « Quả là một phép tính toán rợn người », Liberation kết luận.

Trở lại trang nhất các báo Pháp

Dư âm của vụ tấn công khủng bố bằng xe tải tại Nice làm 84 người chết và hàng trăm người bị thương tối ngày Quốc khánh 14/07 tại Nice vẫn chiếm phần lớn dung lượng của các tờ báo Pháp ra hôm nay. Chủ đề được tập trung nhiều nhất là vấn đề an ninh hậu vụ khủng bố tại Nice với sự kiện chính là Quốc hội Pháp với đa số phiếu đã thông qua quyết định triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, sau phiên thảo luận gay gắt kéo dài suốt đêm qua.

Việc chính phủ Pháp đề nghị gia hạn tình trạng khẩn cấp sau vụ khủng bố Nice là việc làm rõ ràng là cần thiết nhưng chưa đủ trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo đảm an ninh cho người dân. Các đảng phái chính trị đối lập muốn nhân sự việc này thúc ép chính phủ phải hành động mạnh hơn và đây cũng là dịp để các đảng thể hiện vai trò của mình, gây thanh thế chính trị cho mình.

Le Monde ghi nhận bằng hàng tựa trang nhất : « Tình trạng khẩn cấp, thách thức của cuộc ganh đua chính trị ». Theo tờ báo, « gần một tuần sau vụ thảm sát trên đường La Promenade des Anglais, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề phương tiện bảo vệ an ninh được triển khai trong đêm Quốc khánh tại Nice tiếp tục rộ lên ». Đảng đối lập chính - Những người Cộng hòa (Les Républicains) - đòi lập ủy ban điều tra của Quốc hội về vấn đề này.

Trong khi đó Libération đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Chúng ta có muốn an ninh bằng mọi giá ? » . Tờ báo đề cập đến mối liên hệ giữa bảo đảm an ninh bằng mọi giá và quyền tự do cá nhân. Theo Libération, « mối lo sợ của dân chúng, đáp trả đe dọa, bối cảnh bầu cử : tất cả những yếu tố đó đã buộc các nhà chính trị phải chấp nhận an ninh là trên hết. Nhưng điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các quyền tự do ? »

Tờ báo đặt vấn đề người dân sẽ sống ra sao trong một xã hội mà tình trạng khẩn cấp đang dần trở thành quanh năm suốt tháng, một xã hội như vậy thì các quyền tự do cá nhân và nguyên tắc dân chủ sẽ phải chấp nhận hy sinh cho việc bị giám sát thường trực. Libération dẫn ra những biện pháp của các nhà chính trị đề xuất trong nỗi phẫn nộ trước các thảm kịch khủng bố cứ lặp đi lặp lại với nước Pháp.

Tất cả đều đụng chạm đến các quyền tự do cá nhân và những giá trị dân chủ của nước Pháp của châu Âu. Liệu nước Pháp có dám chấp nhận bất chấp các quyền tự do ngôn luận để sẵn sàng bị cấm hay kiểm duyệt thông tin ? Liệu có thể bất chấp các quyền tự do đi lại, kiểm soát, dựng hàng rào biến giới, hay xây thêm trại giam để quản lý những người trong diện theo dõi đặc biệt….

Quả thực là không hề đơn giản chút nào lúc này cho những nhà chính trị cũng như người dân Pháp. Cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài, trong khi nỗi lo sợ về một cuộc sống mất an ninh là một thực tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.