Vào nội dung chính
NGOẠI GIAO

Giấy ngắn tình dài hay giấy ngắn tình cũng ngắn ?

Trong những lá thư cổ điển – chứ không phải là e-mail như trong thời hiện đại - người Việt thường hay kết bằng câu nói « giấy ngắn tình dài » để thể hiện tình cảm dạt dào của mình mà trang thư không thể nói hết. Thế nhưng trong ngoại giao, độ dài của những thông tin của một nước này về một nước khác cũng có thể là thước đo mức độ hữu hảo hay quan trọng trong quan hệ song phương. Trường hợp Trung Quốc và Bắc Triều Tiên gần đây có thể là ví dụ chứng minh.

Sau cái chết của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il (t), quan hệ Trung-Triều lạnh giá nhanh chóng.  Ông Kim Jong-il bắt tay Chủ tịch Trung Quốc hồi đó, ông Hồ Cẩm Đào, ngày 27/08/2010.
Sau cái chết của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il (t), quan hệ Trung-Triều lạnh giá nhanh chóng. Ông Kim Jong-il bắt tay Chủ tịch Trung Quốc hồi đó, ông Hồ Cẩm Đào, ngày 27/08/2010. Reuters / Xinhua/Ju Peng
Quảng cáo

Tại Hội nghị cấp Ngoại trưởng của khối ASEAN kết thúc ngày 10/08/2014, Trưởng đoàn Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị đã có đến 17 cuộc tiếp xúc bên lề với các đoàn khác về thủ đô Miến Điện dự các cuộc họp của ASEAN. Nội dung các cuộc họp này đã chiếm một vị trí trang trọng trên trang Web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

Báo chí Hàn Quốc đã tò mò tìm hiểu và phát hiện ra rằng, phần nói về cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là phần được đề cập đến một cách ngắn nhất – chỉ vỏn vẹn 72 từ - so với bình quân 330 từ khi nói về 16 cuộc tiếp xúc còn lại.

Bản tin chỉ nói đơn giản rằng Ngoại trưởng Vương Nghị và đồng nhiệm Bắc Triều Tiên Ri Su Yong đã « trao đổi ý kiến ​​về các vấn đề cùng quan tâm », mà không đi vào chi tiết.

Ngay cả địch thủ chủ chốt của Trung Quốc hiện nay là Nhật Bản – dù đứng thứ hai trang danh sách bản tin ngắn nhất - cũng được Bộ Ngoại giao Trung Quốc dành cho 108 từ.

Trong lúc đó thì các cuộc họp với Mỹ được 564 từ, với Indonesia 505 từ, Hàn Quốc 461 từ , Việt Nam 430 từ , Ấn Độ 394 từ và Úc 369 từ. Ngay cả Brunei (336) và Bangladesh (276), hai nước có thể nói là thứ yếu đối với Bắc Kinh, cũng có được không gian rộng hơn Bắc Triều Tiên.

Theo báo chí Hàn Quốc, thông tin ngắn ngủi về cuộc gặp Vương Nghị-Ri Su Yong đã phản ánh quan hệ căng thẳng và lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên từ sau vụ Bình Nhưỡng cho thử hạt nhân lần thứ ba vào năm ngoái.

Một nguồn tin ngoại giao nhận định : « Có lẽ không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên khi mà cuộc gặp gỡ giữa hai Ngoại trưởng được tường trình một cách cụt ngủn. Điều này có vẻ như để phản ánh tình cảm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (đối với Bắc Triều Tiên). »

Phải nói là trong thực tế, quả là quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng đang có vẻ rất lạnh nhạt. Theo báo chí Hàn Quốc, ngày 11/08/2014, một hôm sau khi Hội nghi ASEAN tại Miến Điện kết thúc, vẫn không thấy hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên đề cập đến cuộc họp song phương Trung-Triều.

Và hơn một tuần lễ sau vụ động đất tàn phá tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên cũng không thấy gởi thông báo chia buồn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.