Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC

Mượn gấu Panda: Đàm phán cấp nguyên thủ Pháp-Trung

Theo kế hoạch ban đầu, nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2011, ở Cannes, một trong những chủ đàm phán giữa nguyên thủ Pháp và Trung Quốc là việc Bắc Kinh cho Paris "thuê" gấu trúc Panda.

Gấu trúc Panda tại vườn bách thú Washington - Hoa Kỳ
Gấu trúc Panda tại vườn bách thú Washington - Hoa Kỳ RFI/Đức Tâm
Quảng cáo

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi đầu tháng 11/2011, ở Cannes, miền nam nước Pháp, nguyên thủ các nước đã tập trung thảo luận một hồ sơ nóng bỏng, đó là cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, ít ai biết được là cũng nhân dịp này, bên lề cuộc gặp cấp cao song phương Pháp-Trung, tổng thống Nicolas Sarkozy và chủ tịch Hồ Cẩm Đào dự tính đề cập đến việc Bắc Kinh cho vườn bách thú Beauval, ở miền trung nước Pháp, mượn hai con gấu Panda. Cuộc đàm phán ở cấp nguyên thủ quốc gia về việc này đã không được thực hiện do tính thế khẩn cấp và những lo ngại rủi ro của việc Hy Lạp muốn tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu nguy đồng euro.

Những chi tiết trong bản thỏa thuận liên quan đến căn cước và tuổi của cặp gấu được giữ bí mật cho đến khi nào chủ tịch Hồ Cẩm Đào đồng ý cho mượn. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của « ngoại giao gấu Panda » đối với Bắc Kinh.

Theo quy trình, ba tháng trước khi sang Pháp « tạm định cư », hai con gấu sẽ được tách ra khỏi bầy đàn của chúng. Như vậy, đến lúc đó, người ta mới biết rõ đó là cặp gấu nào.

Tính trung bình, mỗi con gấu Panda ăn khoảng 100 cân tre mỗi ngày và thải ra khoảng 30 kg phân. Gấu Panda cắn dập thân tre, nhằn lấy phần non trên trong và nhả phần vỏ cứng bên ngoài. Đây là loại tre có xuất xứ từ vùng núi gần tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Hiện nay, trung tâm nuôi gấu Panda Thành Đô, Tứ Xuyên có 108 con, tuổi từ vài tháng đến 27 năm. Một nhân viên của trung tâm thừa nhận là cũng không biết gì về cặp gấu sẽ được đưa sang Pháp vì đây là « công việc cấp Nhà nước ». Nhân viên này cũng tiết lộ là cặp gấu được lựa chọn sẽ được « chăm sóc đặc biệt » trước khi xuất ngoại.

Trong những thập niên vừa qua, Trung Quốc đã cho nhiều nước thuê gấu Panda, như Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Áo, Nhật Bản… Chưa rõ vườn bách thú Beauval sẽ phải trả bao nhiêu, nhưng người ta được biết, dường như vườn bách thú Edimbourg của Scotland, khi thuê hai con gấu Panda, đã phải trả cho Trung Quốc một triệu đô la mỗi năm.

Năm 1972, Trung Quốc đã tặng Pháp hai con gấu Panda, tên là Li Li và Yến Yến. Chỉ hai năm sau, vào năm 1974, Li Li qua đời. Đến năm 2000, Yến Yến cũng ra đi nốt.

Nếu Paris và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận, thì đây sẽ là lần đầu tiên, gấu Panda xuất hiện trong một vườn bách thú của Pháp. Cùng đi với cặp gấu Pandan sang Pháp, sẽ có ít nhất là hai chuyên gia thú y Trung Quốc. Nhóm này thay đổi luân phiên, với nhiệm kỳ sáu tháng.

Gấu Panda được khuyến khích sinh đẻ trong thời gian sống ở nước ngoài và con cái của chúng sẽ được hồi hương cùng bố mẹ. Do diện tích rừng tại Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp, số gấu Pandan sống hoang đã giảm, chỉ còn khoảng 1600 con. Trong các trại chăn nuôi có 300 con.

Vườn bách thú Beauval hy vọng thỏa thuận cho thuê sẽ sớm được ký kết, cho phép thu hút thêm khách tới tham quan. Bộ trưởng Môi trường Pháp Nathalie Kosciusko-Morizet đã đến tận trung tâm nuôi gấu Panda gần Thành Đô để tham quan và bà cho biết là phía Trung Quốc cũng đã tới xem xét nơi ăn ở của gấu Panda tại vườn bách thú Beauval. Vẫn theo bà bộ trưởng Pháp thì « gấu Panda là con vật có tính biểu tuợng cao đến mức tại Trung Quốc, việc cho mượn đòi hỏi phải có sự chấp thuận của cấp lãnh đạo cao nhất ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.