Vào nội dung chính
THỰC PHẨM

Côn trùng: nguồn thực phẩm của tương lai

Ở nhiều nước, đặc biệt là châu Á và châu Phi, ăn côn trùng là một thói quen từ lâu nay. Thế nhưng ít ai ngờ được rằng món ăn từ côn trùng lại có giá trị dinh dưỡng rất cao,  góp phần đẩy lùi nạn đói ở không ít nước. Thậm chí mới đây Liên Hiệp Quốc còn cho nghiên cứu hướng chăn nuôi đại trà côn trùng để làm nguồn thực phẩm nuôi sống dân cư thế giới.

Món Pizza côn trùng đã xuất hiện trên thị trường thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới.
Món Pizza côn trùng đã xuất hiện trên thị trường thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới.
Quảng cáo

Các chuyên gia về dinh dưỡng của tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đến giờ đã nhận thấy việc nuôi và tiêu thụ các loại côn trùng ăn được mang lại nguồn lợi không nhỏ. Trước hết là về nguồn lợi dinh dưỡng. Cùng một trọng lượng tương đương thì côn trùng có thể có giá trị dinh dưỡng ngang với nhiều loại thực phẩm như thịt, trứng.

Ông Serge Verniau, một nhà nghiên cứu nông học Pháp thuộc FAO khẳng định, « trong loài dế có chứa lượng protéine ngang với trứng và giá trị năng lượng thì tương đương với cá ». Chuyên gia dinh dưỡng này còn cho biết thêm hàm lượng sắt có trong dế còn cao gấp đôi thịt bò. Một nguồn lợi nữa là việc nuôi côn trùng không tốn kém và hiệu quả bảo vệ môi sinh cao hơn so với việc chăn nuôi các gia súc truyền thống.

Trong khi đó việc chăn nuôi và sản xuất thịt giờ đây đang ngày càng trở thành một gánh nặng cho ngành nông nghiệp thế giới. Theo FAO, người dân ở các nước có nền kinh tế đang lên ngày càng muốn tiêu thụ nhiều thịt hơn.

Thế nhưng, cần phải biết rằng mô hình thực phẩm của phương Tây sẽ không đủ đáp ứng cho 9 tỷ người trên hành tinh vào năm 2050. Vì thế mà côn trùng sẽ trở thành một nguồn thực phẩm thay thế không thể bỏ qua trong tương lai. Người nghèo thì dễ dàng tiếp cận với nguồn thực phẩm từ côn trùng này, đồng thời, người nông dân lại có thu nhập thêm từ việc nuôi côn trùng.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc còn lên một danh sách thống kê hiện nay có tới hơn 1700 loại côn trùng có thể ăn được trên hành tinh. Kiến, sâu, nhộng tằm, dế, cào cào, châu chấu và cả bò cạp, đó là những loại côn trùng phổ biến đang được 2,5 tỷ người ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh tiêu thụ thường xuyên. Ở nhiều nơi, người ta nhấm nháp các loại côn trùng rang, nướng như một món ăn cho vui miệng, nhưng cũng có nơi côn trùng là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày có giá trị dinh dưỡng cao.

Giờ đây việc « chăn nuôi » sâu bọ côn trùng làm thực phẩm còn mang lại một nguồn lợi kinh tế mới. Tại Nam Phi, doanh thu của các họat động sản suất sâu bọ ăn được lên tới hàng triệu đô la. Bên cạnh đó, người Mêhicô nuôi ấu trùng mối, kiến để làm thức ăn. Ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào hay Việt Nam, các trại nuôi dế, châu chấu hay tằm lấy nhộng cũng đang được phát triển đại trà.

Các chuyên gia về thực phẩm của Liên Hiệp Quốc đặt câu hỏi: Vậy thì người châu Âu và Bắc Mỹ thì sao? Những người dân của khu vực này vốn vẫn coi những đồ ăn từ côn trùng là cái gì đó bẩn thỉu, ghê sợ. Nhưng không vì thế mà người ta không quan tâm đến loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này. Đâu đó trong các xưởng chế biến thực phẩm ở châu Âu hay Mỹ, đã bắt đầu xuất hiện nhiều loại sản phẩm từ côn trùng pha chế vào trong các sản phẩm thực phẩm thông dụng, thí dụ món giả thịt steak từ proteine côn trùng.

Nhiều xí nghiệp nhỏ còn có sáng kiến đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khá độc như kẹo mút là từ bò cạp, châu chấu xông khói. Theo các nhà nông học của FAO thì ở châu Âu, Hà Lan là nước đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ côn trùng. Theo các chuyên gia thì chăn nuôi và chế biến côn trùng trong tương lai sẽ trở thành một mắt xích trong dây chuyền thực phẩm của loài người, không chỉ để bù đắp cho sự thiếu cái ăn mà còn vì côn trùng là một món ăn bổ dưỡng và ngon.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.