Vào nội dung chính
THỰC PHẨM

FAO cổ vũ nuôi dế để khắc phục nạn thiếu ăn tại Lào

Năm 2009, tổ chức lương thực và nông nghiệp quốc tế FAO đã được chính phủ Lào mời tham gia xây dựng chương trình quốc gia bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Sau khi cùng với các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Thái Lan và Lào nghiên cứu các thói quen ăn uống và các nguồn dinh dưỡng tại Lào, chuyên gia dinh dưỡng của FAO đã đề xuất một đề án nuôi côn trùng sâu bọ dùng làm thực phẩm.

Ký hiệu của FAO Tổ chức Lương nông LHQ (DR)
Ký hiệu của FAO Tổ chức Lương nông LHQ (DR)
Quảng cáo

Sau khi nghiên cứu đời sống của các giống côn trùng sâu bọ tại Lào, đầu năm 2010, nhóm nghiên cứu của FAO đã xác định được bốn loại sau đây có thể nuôi để dùng làm thực phẩm. Đó là dế nhà, bọ đỏ cây cọ (Rynchophorus ferrugineus), sâu bột (Tenebrio molitor) và kiến dệt (Oecophylla smaragdina). Chọn ra được các côn trùng để chăn nuôi không dễ, vì chúng thường kém chịu lạnh, phàm ăn, thời gian sinh trưởng lại quá lâu, vì vậy không mang lại lợi nhuận cho người nuôi. Hiện tại, theo số liệu của FAO, ở Viên Chăn đã có hơn 20 trang trại nuôi côn trùng, tất cả đều tập trung nuôi dế, là loại côn trùng dễ nuôi nhất.

Trên thực tế, dù cho đã có những bước tiến đáng kể về kinh tế trong những năm gần đây, nạn thiếu đói vẫn ngự trị tại quốc gia nằm lọt thỏm trong lục địa, chỉ có 7% diện tích đất đai là có thể trồng trọt được, và một nền nông nghiệp, với 85% dân cư sống bằng nghề này, nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào những biến đổi thất thường của thời tiết. Hơn 37% trẻ em Lào dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam là khoảng 17%.

Chương trình chăn nuôi côn trùng là một trong những phương tiện quan trọng để giải quyết nạn thiếu thực phẩm tại Lào. Hàm lượng dinh dưỡng trong côn trùng sâu bọ rất cao. Ví dụ lượng cancium trong dế vượt gấp hơn 6 lần thịt bò, lượng sắt cũng gấp đến 3 lần.

Việc phát triển thị trường thực phẩm côn trùng sâu bọ là khả thi, bởi vì côn trùng sâu bọ đã có mặt ngay trong thói quen ăn uống của hơn 95% dân số Lào, với khoảng 20 loại côn trùng được sử dụng với nhiều cách nấu nướng khác nhau, như rán, luộc, dùng trong các món ăn nhanh hay để ăn kèm với cơm như các thức ăn chính. Đây là kết quả một nghiên cứu trên toàn nước Lào, do giáo sư Hubert Barennes, thuộc Viện nghiên cứu Pháp về Y học nhiệt đới, có trụ sở tại Viên Chăn tiến hành năm 2010.

Theo chuyên gia về thực phẩm Claude Fischler, thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS), để chuyển từ việc săn bắt côn trùng trong tự nhiên sang chăn nuôi, không chỉ cần tính đến các biện pháp kỹ thuật, nguồn cung cấp giống trong tự nhiên, giá cả, mà còn phải lưu ý đến việc làm sao cho hương vị của các loại côn trùng sâu bọ chinh phục được cảm tình của những người tiêu thụ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.