Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Mỹ sát cánh với ASEAN buộc Trung Quốc thay đổi luật chơi

Trong thời gian gần đây, Washington liên tiếp chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy là vùng Biển Đông không phải là ‘’ao nhà’’ của Trung Quốc. Chiến lược mới của Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào việc liên kết chặt chẽ hơn với khối ASEAN, nơi mà thái độ đàn anh rồi sự vắng mặt của Mỹ trong hàng chục năm qua đã cho phép Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng một cách đáng ngại. Sự can dự của Mỹ đã thay đổi cục diện trong vùng.

Tổng Thống Mỹ Obama (trái) và Thủ tướng Thái Abhisit tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN lần thứ nhất ngày 15/11/2009 tại Singapore
Tổng Thống Mỹ Obama (trái) và Thủ tướng Thái Abhisit tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN lần thứ nhất ngày 15/11/2009 tại Singapore REUTERS
Quảng cáo

Trong bài « Hoa Kỳ chống lại đà vươn lên của Trung Quốc trong ASEAN » (U.S. fights China's rise in Asean), đăng trên nhật báo Hàn Quốc Korea Herald ngày 16/08/2010, Kavi Chongkittavorn, một cây bút Thái Lan tên tuổi thuộc nhóm truyền thông The Nation, đã phân tích sâu về quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và ASEAN và tác động đến Trung Quốc.

Trong vài thập kỷ qua, những lời chỉ trích Mỹ xem nhẹ Đông Nam Á khá phổ biến. Ngoại trừ các cường quốc chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington rất ít quan tâm đến phần còn lại của toàn vùng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh chính trị và kinh tế đã thuyết phục chính quyền Obama chuyển hướng và tung thêm nguồn lực và nhân sự, dù hạn chế, vào phần đất này của thế giới.

Thái độ mới đây của Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận các quy định và cách xử sự hiện hành trong khu vực được thể hiện vào lúc Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của họ khắp bốn phương trời. Từ lâu trước khi đạt đến tư thế hiện nay, uy tín và giá trị ngoại giao của Trung Quốc đã dựa trên đường lối chung sống hòa bình và trợ giúp Đông Nam Á. Đối với Trung Quốc, bất kỳ một tranh chấp, dù là một vụ cãi cọ nhỏ với khu vực vào khi ấy, đều có thể làm hoen ố hình ảnh của Bắc Kinh trong tư cách người bạn của thế giới đang phát triển.

Theo đuổi những gì mà Trung Quốc đã làm, cũng với tâm niệm lấy ASEAN làm trọng tâm, từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, Mỹ đã cải thiện được chỗ đứng của mình trong khối, lâu nay vẫn nghi ngờ ý định của Washington. Việc Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào năm ngoái (2009) đã thay đổi lề lối can dự của Mỹ và mở ra cho nước này một con đường mới. Giờ đây, Mỹ được xem là một cường quốc ít kiêu ngạo và dạy đời hơn trước.

ASEAN không còn mặc cảm là con « tốt » trong tay Mỹ

Kết quả là ASEAN đang từ từ xóa bỏ tâm lý mình là con « tốt » của Mỹ, một hội chứng thừa kế từ thời Chiến tranh Lạnh. Với niềm tự tin mới, ASEAN nuôi cao vọng lôi cuốn và uốn nắn các đại cường sao cho có lợi cho một khu vực trước đây từng bị chia rẽ. Vấn đề là liệu ASEAN đã có đủ phương tiện cần thiết để đồng thời thương thảo với những cường quốc mà họ thấy phù hợp hay chưa ?

Các quyết định nhanh chóng nhưng được tính toán rất kỹ lưỡng – một của Washington và một của khối ASEAN - để gắn kết nhau trong diễn đàn của các nhà lãnh đạo, được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) - là một thước đo tốt về sự vươn lên của chủ nghĩa thực tế chiến lược. Cho đến lúc này, sự liên kết đó đã cho phép Hoa Kỳ thay mặt cho ASEAN nêu lên các vấn đề trọng yếu của khu vực như biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và các vấn đề an ninh phi truyền thống… Như vậy, Mỹ có thể phê bình Trung Quốc trong mối tương quan kín đáo với khối ASEAN, thậm chí với sự chấp thuận từ nhóm này.

Sau khi ký kết TAC, quan điểm, lập trường của Hoa Kỳ không còn bị coi là một yếu tố chia rẽ ASEAN. Điều đó đã góp phần giải thích lý do vì sao Trung Quốc lại phản đối mạnh mẽ lời lẽ của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton về các tranh chấp biên giới trên biển mà trong nhiều năm đã được các bên cẩn thận bọc kín.
Trung Quốc đã hưởng lợi từ quan hệ gần gũi với ASEAN, khi trở thành cường quốc đầu tiên ve vãn khối này sau khi ký hiệp ước TAC của khối vào năm 2003 và khởi động đàm phán về hiệp định thương mại tự do với ASEAN ngay từ năm 2000. Bắc Kinh vẫn muốn được là nước đầu tiên ngoài khối gia nhập Hiệp Ước về Vùng Đông Nam Á Không Vũ khí Hạt nhân, mặc dù ASEAN vẫn ngần ngại.

Mỹ công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong việc kiến tạo khu vực

Tổng thống Obama đã đóng vai trò quan trọng trong bước tiến ngoại giao mới và thường trực của Mỹ. Ông ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng khu vực khi gặp gỡ các lãnh đạo của khối lần đầu tiên tại Singapore vào cuối tháng 11/2009. Rõ ràng là lúc đó không ai nghĩ là Hoa Kỳ sau đó sẽ tích cực tìm cách gia nhập EAS, kèm theo quyết định của ông Obama mời các đồng nhiệm Đông Nam Á đến Washington vào mùa thu này.
Trước đó, rất nhiều người đã suy đoán rằng trong tư thế nước chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào năm tới tại Hawaii, Mỹ có thể sẽ đề nghị một dạng thức mới cho kiến trúc khu vực, sau khi đề xuất của Úc về một cộng đồng Châu Á Thái Bình Dương bị hủy bỏ. Dù sao thì sự tham gia của tổng thống Mỹ là một tiêu chí quan trọng cho bất kỳ một cơ chế khu vực mới nào. Do chính sự lựa chọn của mình, Hoa Kỳ bị buộc phải bảo đảm việc ông Obama sẽ đến tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm của EAS.

Thái độ quyết đoán kịp thời của Mỹ tại Đông Nam Á chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, nhưng nó đã có ảnh hưởng rộng hơn và đẩy các cường quốc khác như Nga và Ấn Độ vào thế bị động. Một số cường quốc bậc trung như Nhật Bản, Úc và Canada cũng phải điều chỉnh chính sách châu Á của họ cho phù hợp. Tóm lại, có một sân chơi mạnh mẽ mới ra đời ở đây, do ASEAN thiết kế và điều hành.

Trước khi đạt tới mức độ tinh tế như hiện nay, chính sách Đông Nam Á của Hoa Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn. Trước những năm 1990, quan hệ của Washington với khu vực này chỉ giới hạn trong việc tăng cường các liên minh quân sự truyền thống và trong các vấn đề an ninh có liên can. Mọi nỗ lực của khu vực nhằm tạo dựng bất kỳ cơ chế hợp tác đa phương - kinh tế hay an ninh, có thực hay tưởng tượng - đều phải chịu búa rìu ngay lập tức từ phía Mỹ. Chẳng hạn như Nhà Trắng đã bác bỏ mạnh mẽ kế hoạch East Asian Caucus của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad vào năm 1991, muốn tăng cường hợp tác kinh tế trong vùng Đông Á.

Qua nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống Clinton, Mỹ bắt đầu chấp nhận việc thành lập một khuôn khổ an ninh đa phương hạn chế. Chia sẻ gánh nặng với Mỹ là mục tiêu chính. Khi khái niệm về Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần đầu tiên được đề xuất trở lại trong những năm 1992-1994, nó có mục tiêu nâng cao uy thế của ASEAN và tương tác với Trung Quốc. Hy vọng lúc đó là lôi kéo Trung Quốc vào cuộc để có thể kềm chế nước này.

Vấn đề Biển Đông trở lại ám ảnh Trung Quốc

Từ khi thành lập, ARF đã đóng vai trò diễn đàn an ninh toàn khu vực và địa bàn xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa 27 thành viên. Trung Quốc đã thành công trong việc tranh thủ diễn đàn này để tôn cao vị thế khu vực của mình, với thủ thuật ưu tiên là ủng hộ các quan điểm của ASEAN. Nhiều thành viên ARF khác đã hoài công nêu bật một số vấn đề an ninh và chiến lược then chốt, bao gồm cả cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, với việc tất cả các đối tác đối thoại của khối đều đã tham gia Hiệp ước TAC, vai trò của ASEAN trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

Vào thời điểm này, Bắc Kinh biết rằng thế cờ đã thay đổi, và điều tốt nhất họ cần phải làm là triển khai chính sách mới để quyến rũ ASEAN mạnh mẽ hơn, và sao cho cả hai bên cùng có lợi.

Trung Quốc đã phải mất 15 năm từ thời sự cố Mischief Reefs (Đá Vành Khăn tại vùng Trường Sa) vào năm 1995, để biến đổi tình trạng thù địch với khối ASEAN thành thân thiện. Bây giờ, tranh chấp Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) lại trở lại ám ảnh các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh với khả năng vấn đề bị đa phương hóa. Tranh chấp Biển Đông vẫn còn là ‘’yếu huyệt’’ của Trung Quốc, một cản lực dựng lên trên con đường tăng cường quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Cho đến lúc này, Mỹ được tự do nêu lên các vấn đề liên quan đến ASEAN. Nhưng có một điều họ cần lưu ý : phải cân nhắc lợi hại một cách cẩn thận vì không khéo sẽ làm suy yếu quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ với phần còn lại của các đối tác đối thoại. ASEAN rất thiết tha với ý niệm theo đó họ là điểm tựa cho các cường quốc tương tác với nhau. Khi Mỹ lên tiếng hậu thuẫn ASEAN trên các vấn đề mà khu vực quan ngại thì khối này hoan nghênh tư thế đó. Tuy nhiên, nếu tình hình xấu đi hay vuột ra ngoài tầm kiểm soát, điều đó có thể phá vỡ một cách nghiêm trọng sự cân bằng quyền lực mà ASEAN muốn bảo vệ và phát huy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.