Vào nội dung chính
ĐIÊU KHẮC

Bức tượng « người suy tư » của Rodin : thật – giả lẫn lộn

Auguste Rodin, nhà điêu khắc thiên tài người Pháp, đã để lại nhiều tác phẩm. Bức tượng « Người suy tư » (Le Penseur) là một trong các tác phẩm khiến ông nổi tiếng.

Tượng "Người suy tư" trong khuôn viên đại học Columbia (New York)
Tượng "Người suy tư" trong khuôn viên đại học Columbia (New York)
Quảng cáo

Cằm chống lên mu bàn tay phải, người đàn ông này gập người xuống trong nỗi dằn vặt khủng khiếp. Vóc dáng cuồn cuộn của nhân vật được Rodin lột tả tương xứng với những trằn trọc bên trong của con người này. Sức mạnh của bức tượng người đàn ông suy tư nằm trong cái khốc liệt của nỗi lo sợ trong tầm hồn được ghìm nén lại.

Người suy tư trầm tư về điều gì ? Có lẽ chỉ có tác giả của nó mới có thể cho chúng ta biết được rõ bí mật nội tâm của một trong những bức tượng bí ấn nhất của nhà điêu khắc.

Người suy tư nổi tiếng đến mức, bức tượng này đã được nhân bản với đủ loại kích cỡ, và chất liệu, từ tượng lớn bằng đồng, bằng đá, đến cái mang chìa khóa, mà khách du lịch thường mua. Và không khó hiểu khi tượng đã trở thành đối tượng bắt chước của nhiều người làm hàng giả tại châu Âu, và nhất là tại Mỹ và tại châu Á.

Theo Le Figaro, thoạt tiên, bức tượng Người suy tư có tên gọi Nhà thơ, là một bức tượng được sản xuất theo đơn đặt hàng của Bảo tàng nghệ thuật trang trí Paris, để đặt trên một khung cửa lớn, được dựng lên để tái hiện lại tác phẩm Hài kịch thần thánh của thi sĩ Dante. Bức tượng mang tên Nhà thơ có mục đích dựng lại hình ảnh của Dante, trước Cánh cửa địa ngục, đang suy tư về số phận của những kẻ bị kết án đày vào địa ngục, được mô tả trong trường ca của ông. Tuy nhiên, rốt cuộc, Người suy tư đã không tới ngồi trên khung cửa địa ngục như dự kiến. Bản gốc bức tượng cỡ 71,5 cm, được hoàn thành vào khoảng năm 1880-1882, được trưng bày lần đầu tiên tại Copenhagen năm 1888. Năm 1906, một bức tượng Người suy tư khổ lớn được tặng cho tòa thị chính Paris để đưa ra khánh thành tại điện Pantheon. Sự xuất hiện của bức tượng Người suy tư từng gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong công luận Pháp.

Năm 1982, tác phẩm của Rodin được chính phủ Pháp quyết định đưa vào lĩnh vực công. Điều đó có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể sản xuất một phiên bản tượng của nhà điêu khắc, với điều kiện phải gắn vào đó dấu hiệu đây là « bản sao ». Chính từ thời điểm đó mà các tượng Người suy tư của Rodin giả bắt đầu tràn ngập. Trong số những người làm tượng Rodin giả nổi tiếng, phải kể đến « công tước Bourgogne », biệt danh của Guy Hain.

Năm 1997, người này đã bị kết án tù 4 năm và 200 000 franc tiền phạt vì tội làm đồ giả, sau khi cảnh sát phát hiện hai mươi tấn tượng giả, trong đó có rất nhiều bản sao Người suy tư. Không phải ngẫu nhiên mà Guy Hain có thể bình yên làm tượng giả trong một thời gian khá dài trước khi bị cảnh sát thăm hỏi lần đầu tiên vào năm 1988. Nhờ danh hiệu của xưởng đúc tượng của dòng họ Rudier, mà Guy Hain mua lại, mà người sản xuất tượng giả này đã có thể cho ra lò hàng loạt bức tượng Người suy tư với chữ ký giả mạo của Alexi Rudier, nhà  đúc tượng quá cố, người đã từng ký hợp đồng đúc tượng cho Rodin.

Kế thừa xưởng đúc của Rudier, Guy Hain, có thể trong những phút hoang tưởng đã tự coi mình là nhà điêu khắc thiên tài, và quyết định cho sản xuất tiếp những tác phẩm của Rodin, một phần dựa trên những chiếc khuôn đúc xưa kia còn lại. Chính vì thế, giữa tượng giả và tượng thật, rất khó phân biệt. Kỹ thuật đúc cát đặc biệt khiến cho các bức tượng giả có chất lượng rất cao, gần giống như nguyên bản.

Le Figaro nhận định, bức tượng Người suy tư đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của nó. Một nghệ sĩ thiên tài luôn luôn thu hút những người giả mạo thiên tài.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.