Vào nội dung chính
NHÂN VĂN GIAI PHẨM

Phần XIV: Phùng Cung - Chương 3: Đường Lâm thi chí, một nền thơ chống chiến tranh và tù ngục

Phùng Cung là nhà thơ đầu tiên dùng những hình ảnh khốc liệt như "Rừng thu tắm máu, máu thu gội chiều" để viết về Cách mạng mùa thu. Tập thơ Trăng ngục biểu hiệu những tư tưởng đối lập khác lạ, đầy bất khuất. Tác phẩm chứa đựng những lời thơ khẳng khái, đanh thép, chống lại toàn bộ hệ tinh thần yêu nước chủ chiến. Phùng Cung coi chiến tranh (chống Pháp và chiến tranh Nam-Bắc) phát xuất từ căn bệnh nan y của dân tộc: bệnh hiếu chiến và nhà thơ hỏi tội quốc ca: Ta lùng trong kho nhớ-Nhẩm biên niên sử-Xin hỏi loài người-Có quốc thiều nào man rợ thế không?

Bìa tập thơ Trăng Ngục của Phùng Cung
Bìa tập thơ Trăng Ngục của Phùng Cung
Quảng cáo

Quan niệm phản chiến trong thơ Phùng Cung  

Hầu như tất cả văn nghệ sĩ đều đứng lên ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến. Sự quyết chí đánh Pháp trong toàn khối dân tộc, không chỉ xuất phát từ một lịch sử nghìn năm bị đô hộ, mà còn do nền giáo dục, luôn đề cao tinh thần chống ngoại xâm, coi nhẹ các giải pháp hoà bình. Những chủ trương hoà hoãn với người Pháp, để nâng cao trình độ văn hoá và dân chủ của người dân trước đã, của Phan Châu Trinh, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Long... đều không phát triển được, đôi khi còn bị đánh giá sai lầm, bị buộc tội phản quốc. Tóm lại tinh thần người Việt luôn được chuẩn bị cho một thái độ chủ chiến.

Những người trong NVGP đều tham gia kháng chiến, nhưng sau chiến tranh, họ đã có những suy nghĩ khác:
- Ở Văn Cao, là niềm hăng say tuyệt đối ban đầu: vào đội trừ gian, sáng tác bài quốc ca nẩy lửa. Sau khi hoà bình lập lại, ông không còn sáng tác ca khúc nữa.  
- Ở Hoàng Cầm, chiến thắng chỉ là giấc mộng, kể cả trong giai đoạn sôi nổi nhất của Đêm liên hoan.
- Ở Lê Đạt, là hình ảnh hãi hùng tiêu thổ kháng chiến, là tội lỗi của kẻ đốt quê hương. Tâm tư Lê Đạt sau này thấy lại ở Phan Nhật Nam trong trận chiến Nam-Bắc.
- Ở Trần Dần là bản hùng ca lụa Việt Bắc mà đói khát và bệnh tật phủ lên xác anh hùng.
- Ở Quang Dũng là hình ảnh hãi hùng của đoàn quân không mọc tóc.
Tất cả các thi sĩ trên đây đều thấy hậu quả của chiến tranh, và rút ra bài học của mình.

Phùng Cung có một hướng đi khác hẳn: ông không nhìn hậu quả của chiến tranh để hối hận như các bạn. Ông cũng không đổ trách nhiệm trên đầu kẻ thù như phần đông người khác. Phùng Cung coi chiến tranh (chống Pháp và chiến tranh Nam-Bắc) đều phát xuất từ một căn bệnh của dân tộc: bệnh hiếu chiến. Chứng nan y này đã thấm vào máu, khó có thể chữa được. Ở điểm này, Phùng Cung đối lập với Văn Cao trong quan niệm yêu nước. Và Phùng Cung, nhiều lần trong thơ cũng như trong văn, đem bài quốc ca ra phê bình.

Trăng ngục là bản hùng ca phản chiến, kết tội Cách mạng mùa thu, nhìn sự hiếu chiến của dân tộc như nguyên nhân sau xa nhất của hai cuộc chiến trong thế kỷ XX: chống Pháp (46-54) và thống nhất đất nước bằng võ lực [chống Mỹ và chiếm miền Nam (54-75)].

Tập thơ Trăng ngục tập hợp những sáng tác trong tù. Vì không có giấy bút, không thể viết truyện nhẩm, nên Phùng Cung "bắt buộc" phải làm thơ.

Tập thơ Trăng ngục biểu hiệu những tư tưởng đối lập khác lạ, đầy bất khuất, trong những dòng chữ bị cầm tù suốt đời của tác giả. Tác phẩm chứa đựng những lời thơ mạnh, khẳng khái, đanh thép, như những mũi dao nhọn, đục thủng màng lưới bủa vây nhà thơ, đánh sụp bức tường tù tội, để lộ diện con người tự do, sẵn sàng chịu trả giá cho hành động và tư tưởng của mình, chống lại toàn bộ hệ tinh thần yêu nước chủ chiến.

Vào đầu là bài Biển cả, làm tại trại biệt giam Bất Bạt năm 1961, ngục tù tại chính Sơn Tây, vùng đất tổ. Nhà thơ ví chế độ toàn trị như biển cả:
Biển cả khoác triều phục đại dương
Hợm mình - uy nghi đồ sộ
Song đòi phen
Nghiêng ngửa - đáng thương (...)
Hỡi biển cả!
Diện tuy rộng
Nhưng thiếu những giác quan cần thiết
Lòng tuy xanh - sâu
Xanh sâu đầy mặn chát....
Nộ cuồng sóng vỗ
Trống trải bơ vơ
Chiều quả phụ
Bình minh vô vọng phương mờ...
Ôi! Bao yên lặng thanh cao
Ðều chìm
Trong thét gào man rợ...
 
Khi Bố Cái đã bị bắt, bị tù trên đất Đường Lâm: tất cả đều đã sụp đổ.
Dân tộc, bây giờ không phải chống lại quân nhà Đường phương Bắc, mà phải đối diện với biển cả mênh mông của chế độ cực quyền.
Người dân hỏi ý cha. Bố Cái trả lời:
Biển cả mênh mông
Như biển cả
Trước mắt trẻ thơ
Mỗi tinh cầu
Chỉ là chấm nhỏ
Càng tối đen càng nhìn rõ xa xanh.

Nhà thơ trình bày trước mắt chúng ta hai thực thể, một bên là cái thế quyền lồng lộng, khoác "Triều phục Đại dương"; một bên là sinh linh "trăm họ", những con người.
Đại dương ấy có đầy đủ phương tiện để vùi lấp trăm vạn sinh linh trong một trận thủy triều. Còn con người, con người lấy gì chống lại? Con người chỉ có ánh mắt. Và mắt trẻ thơ.

Dưới ánh mắt của đứa bé, cái thế quyền lồng lộng ấy là gì?
Nhà thơ trả lời: Chẳng là gì cả, nó chỉ là con số không.
Bởi vì, dưới mắt đứa bé: "mỗi tinh cầu chỉ là chấm nhỏ, càng tối đen, càng nhìn rõ xa xanh".

Vẫn giọng bố cái, nhà thơ chỉ cho dân, cách đối phó với bạo lực cách mạng:
Thì nhắm mắt
Thì bưng tai
Nhưng phải đâu khiếp sợ
Chỉ điếc đui vừa đủ
Để làm ngơ.

Bài Biển cả tung trên trang đầu tập thơ Trăng ngục như một thách đố trí tuệ, gói gọn triết lý tương đối và trung dung của tác giả. Phùng Cung đòi hỏi sự hài hoà trong vũ trụ, đòi hỏi quyền sống cho những cái nhỏ, cái lớn, đòi hỏi sự bình đẳng không những về mặt chính trị văn hóa mà cả về thiên nhiên môi trường.

Bài Trăng ngục rất ngắn, tập trung những tái tê bất hạnh của một đời tù:
Trăng qua song sắt
Trăng thăm ngục
Bỗng ta chợt tỉnh - sững sờ
Trên vai áo tù
Trăng vá lụa
Ngày xưa ơi!
Xa mãi đến bao giờ...

Trong tù, chỉ có vầng trăng, chỉ còn vầng trăng. Trăng quấn quýt. Trăng là áo. Trăng là ngày xưa. Trăng là vợ. Trăng là tri kỷ.
 Trên vai áo tù trăng vá lụa là một câu tuyệt bút, là sự hài hoà giữa mềmcứng, giữa lụa, giữa trăngáo, giữa xagần, giữa xót xaâu yếm, giữa tự dotù tội. Nhà thơ đã kêu gọi sự hài hoà đó trong bài biển cả, nhưng không thấy biển cả trả lời, chỉ có vầng trăng đáp lại. 
 
Ai liều tảo mộ chiều nay

Phản chiến là tư tưởng chủ yếu trong tập Trăng ngục. Phản chiến toàn diện, bất cứ "thể loại chiến tranh" nào, vì đối với Phùng Cung "dấu tích tàn phá của chiến tranh vệ quốc hay xâm lược" cũng như nhau. "Tất cả chỉ là sự bày đặt, buôn bán máu xương của ma vương quỷ dữ!" (Dạ ký, trang 286).

Trong bài Gãi đất Phùng Cung gọi những kẻ chủ chiến là bọn:
Lái buôn binh lửa
Ôi! binh lửa triền miên
Tuổi trẻ gái - trai
Bị lôi đi - hết
Dờ dịt sức già gãi đất.
Bởi chiến tranh nào cũng chôn sạch tuổi trẻ, chỉ để lại những người già ngồi gãi đất.

Thu xa là bài chinh phụ ca mới, phản bác những anh hùng ca chính thống của Tố Hữu, Chính Hữu... và cả những anh hùng ca bàng thống của Trần Dần, Phùng Quán...
Thu xa là giấc mơ phản chiến chống lại Cách mạng mùa thu, là sự kết án chiến tranh, kêu gọi con người hãy làm tình yêu, làm hoà bình, đừng làm chiến tranh, hãy thôi chém giết:

Gió vàng đếm lá vàng rơi
Mười hai bến nước
Em ngồi quay xa
Xa quay gấp
Làn tơ vội đứt
Em nhủ lòng
Tơ đứt vì xa
Tơ vương vó ngựa quan hà
Xa in dấu ngựa
Canh gà gọi thu
Quan hà lộng gió chinh phu
Rừng thu tắm máu
Máu thu gội chiều
Tơ vàng nhỏ giọt lệ điều
Đăm đăm tay vẫn chiều chiều quay xa
Xa quay nhẹ
Làn tơ vẫn đứt
Em hỏi lòng
Tơ đứt vì đâu
Sông ngân lỡ bắc nhịp cầu
Mà người trần thế
Mang sầu thiên cung.

Trong các thi sĩ miền Bắc, chưa ai dám đả động đến "chính nghĩa" của cuộc "Cách mạng Mùa thu" như thế, bởi đó là "chân lý tuyệt đối" được "tất cả mọi người" công nhận. Trừ Phùng Cung. Phùng Cung không. Phùng Cung đi ra ngoài quỹ đạo. Phùng Cung là người đầu tiên dám dùng những hình ảnh kinh hoàng như "Rừng thu tắm máu, máu thu gội chiều" để viết về Cách mạng mùa thu.

Rồi hai chữ quay xa, tại sao lại quay xa mà không quay tơ ? Chữ xa nhập nhoè nhiều ý nghĩa: xa vừa là guồng tơ, guồng cửi; nhưng xa còn là bánh xe chiến tranh như chiến xa; xa còn là xa lià đứt đọan. Người chinh phụ ở đây, không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, chịu hậu quả của chiến tranh như những người chinh phụ thời xưa nữa, mà chính nàng cũng góp phần vào bộ máy chiến tranh, nàng đang quay bánh chiến xa, nàng đang "tắm máu rừng thu" như chồng. Ống kính độc đáo của nhà thơ, quay cảnh toàn thể dân tộc lao vào cuộc chiến tàn khốc: ống kính duy nhất của thi ca Việt Nam đã chụp bắt được trách nhiệm mỗi cá nhân trong chiến tranh, nam cũng như nữ.

Nhưng Phùng Cung không chỉ dừng lại ở đấy, ông còn đi sâu hơn, để truy lùng thủ phạm chiến tranh, ông đã đụng đến cả những biểu tượng được tôn sùng nhất:
Cờ máu rợp trời
Lợm gíó!
Tiếng quốc thiều tăng âm
Cực đại thét gào
 ..."Thề phanh thây uống máu!..."
Ta lùng trong kho nhớ
Nhẩm biên niên sử
Xin hỏi loài người
Có quốc thiều nào man rợ thế không?

Hỏi tội cách mạng mùa thu chưa đủ, nhà thơ còn hỏi tội quốc ca, quốc kỳ.
Chưa nhà thơ nào dám đưa ra những lời buộc tội gay gắt về những biểu tượng "thiêng liêng" như thế: Có quốc thiều nào man rợ thế không?

Bên cạnh những hình ảnh dễ sợ của "cờ máu rợp trời lợm gió", bên cạnh những lời buộc tội không khoan nhượng, rằng trong "kho nhớ của loài người", không thấy có cái "quốc thiều nào man rợ" như thế; là những lời thơ trữ tình đẫm lệ gửi cho Quê hương tan nát vì chiến tranh, lầy máu và nước mắt:

Quê hương ơi!
Ðường quan lầy nước mắt
Ðiệu sáo hết du dương
Mây chìm
Gió ngủ (...)
Sông sâu bặt tiếng gọi đò
Chim hãy cùng ta
Gọi cành xanh ngóc dậy
Để một lần
Quê hương thấy lại quê hương
Ráng chiều ngụy tạo bình minh
Lá thuyền tình
Chỉ lênh đênh giữa dòng.

Phùng Cung là người chữ duy nhất ở đất Bắc, đối với hai cuộc chiến, đã nhìn thấy và đã dám nói ra cái giá quá đắt phải trả cho hòa bình đã mất. Dưới mắt nhà thơ, chiến tranh không chỉ là những thúc giục lên đường, không chỉ là những tiếng hô xung phong, mà đằng sau tất cả cờ xí rợp trời là bộ mặt kinh hoàng của thần chết:

Phát lệnh chia bôi...
Ngọn gió giao liên
Gửi tiếng xa gần
Trống phát dẫn
Gia nô thần chết cầm dùi
Dấm dúi vùi nông
Chiều bạc mệnh
Khói hương ơi!
Ðền miếu tan rồi!...
Năm tận tháng cùng
Hòng hõng mong thư tuyến lửa.

Những hình ảnh "gia nô thần chết" trong thơ Phùng Cung, hoà cùng những xác "người chết hai lần" trong ca từ Trịnh Công Sơn, đã hợp thành dòng máu của anh em chém giết.
Trong buổi liên hoan mừng chiến thắng, Phùng Cung âm thầm đếm lại những đốt xương tàn:

Tiếng gia tiên
Thổn thức dưới mồ
Những lúc chim về
Tím lịm chân mây
Ai liều tảo mộ chiều nay
Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn.

Hướng về những linh hồn quá trẻ đã bị vay tuổi để xuất trận, Phùng Cung tảo mộ con và liệm hồn mẹ, những người mẹ bạc đầu hương khói trên những nghiã trang giả không có xác trong mồ:
Con vừa mười sáu tuổi đời
Nửa đêm vay tuổi lấy người chiến tranh
Ðèn con tiễn đến cổng đình
Quay về hụt bước ngỡ mình chiêm bao
Khe Sanh - Dốc miếu là đâu
Vắng con nhớ đến bạc đầu cô đơn
Máu chiều gội đỏ hoàng hôn
Nghiã trang mồ giả, nắm xương không mồ
Ðồng chiều gió tím mấp mô
Nén hương đẹn khói, mấy mùa khóc vay.

Và dưới mồ tiếng Phùng Cung nhắn lên, ngược dòng với Văn Cao, Lưu Hữu Phước: Này thanh niên ơi! Đừng bao giờ chọn giải pháp chiến tranh cho dân tộc. 
* 
Xem đêm là tập thơ của người Việt cổ, "người Rừng", thơ Đường Lâm thi chí, của Bố Cái bị cầm tù trên Bất Bạt. Tất cả đã bị tàn phá, từ thân cây ngọn cỏ, đến cả đọt sương, đến cả tâm hồn, đến cả khổ đau và hạnh phúc, cũng không còn như xưa...

Xem đêm là một hình tượng mới, một hành động chữ mới, mỗi chữ là tinh cầu, chỉ cần vài câu đã gói trọn bầu trời nhật nguyệt thực, sau Nhân Văn. Ở Hoàng Cầm là những đêm kim, đêm mộc, đêm thủy, đêm hoả, đêm thổ. Ở Phùng Cung là nghe đêm, xem đêm...

Xem đêm là một vũ trụ không ánh sáng của những số kiếp bọt bèo, những người bị tù chung thân vì tội chữ:
               Lênh đênh muôn dặm nước non
               Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh (Bèo)

Xem đêm là sự đậm đặc của những con chữ nguyên chất, những con chữ quê mùa, chưa bị văn minh xâm lấn, chưa bị lừa lọc tấn công, chưa bị chủ nghiã nhiễm độc, chưa bị chuẩn hoá theo một mẫu mực nào.
Trong đêm miên viễn ấy, người và vật nhập quyện vào nhau trong một trạng thái dung hợp vật chất, tinh thần. Thơ cô đọng như Đường thi, một vài chữ đủ gánh cả phận người. Sự giao thoa giữa vật thể, tiếng động, không gian là đặc tính của Đường Lâm thi phái:

Đêm về khuya
Trăng ngả màu hoa lý
Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông (Đò khuya)

Đêm, trăng, hoa lý, tiếng gọi đò, sông... là những yếu tố của một cảnh đêm có thể chất hoàn toàn khác nhau. Nhờ một hành động chữ, chúng đã hoá mộng. Để được sống lại trong một không gian khác, để tạo ra nghịch cảnh của một đời người.
Sự cô đơn tuyệt đối của con người bị cô lập suốt đời, được nhà thơ biểu hiện dưới một màn trăng đêm không người, mà có "tiếng gọi đò" như "con nhện vô hình" giăng nối hai bờ xa cách.

Hai quang cảnh, một của thiên nhiên hiện thực, diễm ảo: Đêm về khuya trăng ngả màu hoa lý và một của tâm thức cô đơn tuyệt đối Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông, của kẻ bị cách ly, lưu đầy, bị đoạt tự do và cướp ánh sáng mà Nguyễn Mạnh Tường gọi là un excommunié, kẻ bị khai trừ.
Nhưng tất cả nghịch cảnh, cách ly, đều đã mà đều đã không. Đã xẩy ra và đã không còn nữa: sắc sắc không không, như một sự giao thoa triết học đông tây phi thường, mới lạ.

Một bài thơ khác:
 Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương (Trà)
 
Đây chính là thơ Đường Lâmnói chí.
Chỉ có ba "nhân vật": Trà, nước, giọng, ba yếu tố thuần khiết của một cuộc thiết trà.
Bỗng chữ quất hiện lên như một hung thần và chữ Tân Cương sừng sững như một người Rừng, một chí  lớn, một sự cương cường mới, bị giam hãm ở đất Tân Cương, trại tập trung các trí thức Trung Hoa bị Mao Trạch Đông đày đi gánh phân; biến cuộc thiết trà thành một cuộc tra vấn tàn phũ, mà kẻ thẩm tra quất trà đến nát bãnhưng trà sĩvẫn không khai, không đổi giọng bất khuất. Thơ Phùng Cung có chí Phùng Hưng.

Một bài thơ về mẹ:
               Mồ hôi mẹ
               Tháng ngày đăm đăm
                                                   nhỏ giọt
               Con níu giọt mồ hôi
               Đứng dậy làm người (Mẹ)

Một giọt mồ hôi mẹ, đủ tác thành khí phách con. Chữ đi từ núi Tản, mỗi chữ là một giọt thép. Đọc thơ ấy, sẽ hiểu tại sao con người ấy bị biệt giam 11 năm. Bởi không có phép gì "cải tạo" được tâm hồn và chí khí của ngọn Ba Vì.

Vẫn về người phụ nữ, lần này là người vợ:
               Lưng áo em
               Ngoang vôi trắng xóa
               Cái trắng này vắt tận trong xương (Mồ hôi xương)
Chân dung người vợ cũng toát ra cái can trường trắng của đất Mê Linh. Sự can trường dũng cảm hàng ngày của người vợ phải đương đầu với miếng cơm manh áo, để nuôi con, để tồn tại. 

Và một tinh thần phản chiến, kiên cường và dứt khoát, rùng rợn, trong cung cách Đường thi:
               Mỗi chiến thắng
               Một lần gươm tắm rượu
               Ruồi vẫn qua lùng máu
                                       sa trường (Gươm báu)

Bài Nghe đêm gói trọn nỗi cô đơn cuối đời của con người bị lưu đầy, vì chữ nghiã, từ tuổi thanh niên đến lúc đầu bạc:
Đêm chợt nghe
Trong gối vọng tiếng ru
Lắng tai mới rõ
Tiếng tóc mình chuyển bạc (Nghe đêm)
 
Đó là sự cô đơn của kẻ một mình một ngựa trên hành trình mở nước và dựng nước về phía văn hóa, tình nước và tình người.

(Hết phần thứ XIV) 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.