Vào nội dung chính

Tại Rumani, chế độ cộng sản sụp đổ đã 20 năm nhưng niềm vui không trọn vẹn

Đặt vòng hoa kỷ niệm 20 năm ngày cách mạng Rumani, tại quảng trường Đại Học, Bucarest, ngày 21/12/2009
Đặt vòng hoa kỷ niệm 20 năm ngày cách mạng Rumani, tại quảng trường Đại Học, Bucarest, ngày 21/12/2009 Reuters / Radu Sigheti
Quảng cáo

Rumani là nước duy nhất tại Đông Âu mà cuộc nổi dậy năm 1989 đã khiến cho hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, trong các cuộc xung đột giữa những người nổi dậy và quân đội cảnh sát. Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường thuật.

Thông tín viên Hoàng Nguyễn - Budapest

Trong những ngày qua, Rumani đã có những hoạt động hết sức rầm rộ để kỷ niệm 20 năm cuộc chính biến 1989, lật đổ chế độ độc tài Ceauasescu và thể chế cộng sản ở nước này.

Tổng thống Traian Băsescu tái đắc cử, đã kêu gọi người dân Bucarest vinh danh những nạn nhân của biến cố tháng 12-1989 và gọi họ là “những anh hùng đã đã hy sinh cho tự do”.

Thành phố Timişoara, được coi là nơi khởi đầu cuộc cách mạng 1989 với sự kiện hàng trăm ngàn người đã xuống đường để phản đối việc chính quayền định dùng vũ lực cưỡng bức một mục sư Tin lành đối lập gốc Hungary – ông Tőkés László - phải rời thành phố, năm nay cũng có những kỷ niệm lớn.

Ông Tőkés László, hiện là nghị sĩ Quốc hội Châu Âu của Romania, đã được nhận huy chương Ngôi sao Rumani (Steaua Romaniei), phần thưởng cao quý nhất của nước này, cho vai trò lớn lao trong biến cố 1989.

Có thể nói chính quyền Rumani đã làm tất cả để khẳng định tính “chính thống” của họ, thông qua việc tôn vinh sự kiện 1989, như một cuộc cách mạng xuất phát từ nhân dân và thể hiện ý nguyện người dân Rumani khi ấy.

Cho dù, 20 năm trôi qua, một bộ phận rất lớn ở Rumani đã cho rằng, cuộc nổi dậy của người dân xứ này đã bị lợi dụng và các chính phủ từ thời đó tới giờ đã làm tất cả để phủ lên 1989 một tấm màn che giấu sự thật, cho lợi ích của riêng họ.

Thủ phạm của những vụ thảm sát vẫn không bị trừng phạt

Trong khi đó, thủ phạm của những vụ thảm sát diễn ra sau khi Mặt trận Cứu quốc đã giành được quyền lực ở Rumani – 942 người bị thiệt mạng và 2.245 người bị thương, tức là gấp nhiều lần còn số những nạn nhân của thời gian khi Nicolae Ceauşescu còn tại vị - vẫn chưa hề bị trừng phạt.

Khoảng thời gian kéo dài chừng 1 tuần từ ngày 22-12-1989 (tức là khi nhà độc tài đã bị bắt) và đi kèm những đụng độ đẫm máu - trước kia vẫn được chính quyền mới cho là thời gian mà cuộc khởi nghĩa phải đương đầu với những lực lượng thân Ceauşescu (giới mật vụ chính trị và quân khủng bố) - đến nay được nhiều nghiên cứu xem như lúc mà các phe phái tranh giành và thu xếp quyền lực của thời hậu Ceauşescu.

Rất nhiều chi tiết mù mờ của những ngày này không được làm sáng tỏ. Bộ máy tư pháp Rumani không hề có hiệu quả, vì những quan chức hàng đầu trước kia – trong số đó có những sĩ quan quân đội - đều qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn.

Câu hỏi “cách mạng hay đảo chính?”, “ý nguyện của người dân hay âm mưu của một số cá nhân, bè đảng?” thực ra đã được đặt ra ngay từ mốc 1989 và tới giờ, sau 20 năm, vẫn còn rất mang tính thời sự với câu trả lời không hề thống nhất.

Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải một thực tế rằng sau hai thập niên, lại vẫn những nhân vật cựu cộng sản đã nắm giữ những cương vị quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước và chính quyền Rumani.

Vài chục ngàn hồ sơ liên quan tới những tên tuổi chính yếu trên chính trường Rumani tiếp tục không được giải mật, và có lẽ sẽ không bao giờ được bạch hóa, theo một nhà phân tích chính trị nổi tiếng, ông Cornel Nistorescu. Bởi lẽ, theo lời ông, “không thể lmà điều đó khi vẫn luôn là họ đang nắm trong tay nhà nước, họ có mặt trong các chính đảng, trong các tổ chức phi chính phủ, trong truyền thông và đời sống kinh tế”.

Nhà bình luận này đã tỏ ra bi quan khi nhận xét rằng, xã hội Rumani đã bị nhiễm trùng và bại hoại, và “trong 10 nội các gần đây nhất, không thể tìm ra nổi 3 thành viên có thể coi là trong sạch”.

Một trong những giả thuyết có thể chấp nhận được cho rằng, biến cố 1989 khởi đầu bằng cuộc nổi dậy của người dân Timişoara và lan ra cả nước, nhưng sau đó đã bị lợi dụng để trở thành một cuộc đảo chính, được điều khiển bởi những kẻ thù trong và ngoài đảng của Ceauşescu, với sự thông đồng của cơ quan mật vụ chính trị và quân đội, cùng những yếu nhân của các lực lượng này.

Điểm mới của “ván bài Rumani” là cuộc đảo chính – và sự chuyển giao quyền lực - đã được thực hiện với những công cụ của một cuộc khởi nghĩa nhân dân và các chủ nhân mới của quyền lực luôn bám vào đó để chứng tỏ sự “chính thống” của mình.

Sau biến cố 1989, chính quyền mới về tay những thành viên “hạng hai” của Đảng Cộng sản Rumani trước kia, trong đó có thủ lĩnh Ion Iliescu, từng là đồng minh của Ceauşescu trước khi bị thất sủng vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước.

Nhiều đảng phái dân chủ và truyền thống được hình thành sau cuộc chính biến, lập tức bị giới elit mới kiểm soát và chỉ đạo chặt chẽ. Những cuộc bầu cử phi dân chủ và có nhiều mớ ám được tổ chức mà kết quả chỉ là duy trì bộ máy quyền lực cũng những nhân vật cựu cộng sản.

Sự hoạt động của đài phát thanh và truyền hình bị quản lý chặt chẽ, giới truyền thông bị lũng đoạn và sử dụng để tung những tin thất thiệt nhằm hạ nhục các địch thủ chính trị mới. Những thủ đoạn cũ được lặp lại, như trong các sự kiện tháng Giêng 1990: Iliescu đã không ngần ngại khi huy động thợ mỏ và cảnh sát về thủ đô Bucarest để uy hiếp giới sinh viên và trí thức, những người lên tiếng phản đối việc cuộc cách mạng 1989 bị chính quyền phản bội và sử dụng để xóa sổ các địch thủ chính trị của họ.

Trong ba nhiệm kỳ tổng thống của mình, Ion Iliescu cũng đã dùng quân đội và chủ nghĩa quốc gia cực đoan như những con bài chính yếu, khiến biến cố 1989 tại Rumani trở thành một “điểm lạ” trong những biến chuyển dân chủ khu vực Đông Trung Âu, nơi những yếu tố của một thứ CNCS nhà nước của thời kỳ hậu Ceauşescu có thể thấy rõ ràng ở đây.

Một số người dân Rumani vẫn hồi niệm về quá khứ

Trong một khung cảnh như vậy, không phải là quá lạ lẫm nếu một bộ phận rất đáng kể trong cư dân Rumani cảm thấy hồi nhớ quá khứ: bởi lẽ, đối với một số giai tầng, lãnh tụ Nicolae Ceauşescu và thể chế của ông đồng nghĩa với biểu tượng của khủng bố, áp bức và đói nghèo, nhưng đối với không ít người lại là sự đảm bảo và ổn định tương đối về mặt xã hội.

Bên thềm kỷ niệm 20 năm sự kiện 1989, khi đời sống của cư dân không những không được cải thiện, mà còn tệ hại hơn bao giờ hết, nhiều cuộc trưng cầu cho thấy, đa số dân Rumani coi Ceauşescu “công nhiều hơn tội”, và cho rằng thời đại của ông thực ra cũng không tệ!

Thú vị là ngay cả giới thanh niên không hề có trải nghiệm dưới thời cộng sản, cũng cho biết họ có cảm tình với Ceauşescu. Thậm chí, theo điều tra năm 2007 của Quỹ Soros (chi nhánh ở Rumani), một phần tư cư dân xứ này còn coi ông là chính khách Rumani vĩ đại nhất tính đến nay.

Không chỉ Ceauşescu và con cái họ, vì cái tên của cha mẹ, cũng thường xuyên được các chính đảng nhỏ đề nghị gia nhập đảng, như một chiêu thức quảng cáo. Thậm chí, một đồng sự gần gũi của Ceauşescu, tướng Stefan Gusa, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Rumani kiêm thứ trưởng Quốc phòng, người từng hạ lệnh bắn vào đoàn biểu tình tại Timişoara, cũng được chính quyền địa phương đề xuất… dựng tượng.

Tuy nhiên, dường như hoài niệm về thời Ceauşescu không đồng nghĩa với việc cư dân nước này muốn quay trở lại thời đó. Nếu họ có đến viếng cung điện được xây dựng vô cùng xa hoa và tốn kém của Ceauşescu, hay “hành hương” về thành phố nhỏ nơi ông chào đời, hoặc tới thăm mộ phần của vợ chồng ông tại nghĩa trang Bucarest, thì điều này có thể do hiếu kỳ hoặc nhu cầu tìm hiểu lịch sử, hơn là bởi ý muốn đi ngược thời gian về xứ sở Rumani khốn khổ những thập niên 70-80 thế kỷ trước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.