Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Rugby chinh phục đất mới châu Á

Đăng ngày:

Giải Vô Địch Bóng Bầu Dục Thế Giới, World Cup Rugby 2019 đã chính thức khai cuộc tại Nhật Bản hôm thứ Sáu 20/09. 20 đội tuyển quốc gia sẽ cùng nhau so tài đến ngày 02/11 để chọn ra nhà vô địch của thế giới bóng bầu dục. Đây là lần đầu tiên giải đấu được tổ chức ở ở một quốc gia châu Á, ngoài những « thánh địa » của môn bóng bầu dục là châu Âu, châu Đại Dương hay Nam Phi.

Tuyển Nhật Bản (áo sọc đỏ) đè bẹp đội Nga 30-10 trong trận khai mạc Cúp Thế Giới trên sân Tokyo ngày 20/09/2019.
Tuyển Nhật Bản (áo sọc đỏ) đè bẹp đội Nga 30-10 trong trận khai mạc Cúp Thế Giới trên sân Tokyo ngày 20/09/2019. REUTERS/Matthew Childs
Quảng cáo

Chọn Nhật Bản làm chủ nhà giải, Liên Đoàn Rugby Thế Giới (World Rugby) nhắm tới cuộc chinh phục lục địa mới để quốc tế hóa môn thể thao, vốn rất hấp dẫn ở tính cạnh tranh nhưng chưa được phổ cập rộng.

Là môn thể thao có lịch sử hơn một trăm năm. Từ năm1886, Rugby đã thành lập IRFB (International Rugby Football Board), định chế đầu tiên quản lý môn bóng bầu dục 15 và 7 người chơi, trước khi được đổi tên là World Rugby như hiện nay.

Phải đến năm 1987, môn bóng bầu dục mới tổ chức giải Vô Địch Thế Giới đầu tiên tại New Zealand. Khi đó Liên Đoàn World Rugby mới chỉ có 8 thành viên. Sau sự kiện này, các quốc gia ồ ạt gia nhập làng bóng bầu dục, cho đến giờ World Rugby đã tập hợp được 105 nước thành viên chính thức.

Tuy nhiên, bóng bầu dục vẫn là môn thể thao xa lạ với nhiều nước trên hành tinh, thêm vào đó luật chơi khá phức tạp, nên giải Vô Địch Thế Giới vẫn là một câu lạc bộ khép kín. Từ 1987 đến nay mới chỉ có 25 đội tuyển được tham dự Cúp Thế Giới và những cái tên lọt vào những vòng cuối cùng của giải đấu vẫn lặp đi lặp lại qua 9 mùa giải như New Zeland, Úc, Nam Phi hay Anh.

Rugby trên đường toàn cầu hóa

Năm 2009, Liên Đoàn Rugby Thế Giới đã bất ngờ chọn xứ sở Mặt Trời Mọc làm chủ nhà giải Vô Địch Thế Giới 2019. Có nhiều lý do cho sự lựa chọn này. Nhật Bản là quốc gia có truyền thống bóng bầu dục lâu đời (người Anh đến Nhật đã thành lập câu lạc bộ Rugby đầu tiên từ năm 1866). Ở Nhật, Rugby là môn thể thao được ưa chuộng thứ ba, chỉ sau môn vật Sumo và bóng chày. Nhật cũng là nơi Rugby được phổ cập rộng. Các trường đại học và các công ty lớn đều có các câu lạc bộ tham gia giải vô địch quốc gia.

Tuy nhiên sự lựa chọn Nhật Bản còn mang tham vọng mở ra chân trời kinh tế mới cho môn bóng bầu dục ở châu Á, khu vực chiếm 60% dân số thế giới nhưng mới chỉ có 370 nghìn người chơi môn thế thao này.

Từ một năm nay, chương trình phát triển của Liên Đoàn Thế Giới đặt mục tiêu phát triển 1 triệu người chơi ở châu Á. Ngoài Nhật Bản, mục tiêu hướng đến của World Rugby còn là đất nước 1,4 tỷ dân là Trung Quốc, hiện mới chỉ có một phần rất nhỏ dân số, khoảng 114.000 người chơi Rugby, nhưng cũng đã đứng hàng thứ 9 thế giới về số lượng.

Thành công ở giải Vô Địch Thế Giới Nhật Bản sẽ là động lực để Rugby đẩy xa hơn mục tiêu toàn cầu hóa. Với 1,8 triệu vé bán ra, tỷ lệ phủ sân của khán giả đã đạt hơn 96%. Khoảng từ 400.000 đến 500.000 du khách ngước ngoài sẽ đến Nhật để dự ngày hội lớn bóng bầu dục thế giới.

Theo tính toán của các chuyên gia, doanh thu của giải đấu trên đất Nhật khoảng 2,8 tỷ euro, tuy có thấp hơn kỷ lục giải Vô Địch Thế Giới ở Anh 2015 (3 tỷ euro) nhưng giải Nhật sẽ có lãi hơn.

Mùa mưa bão đe dọa

Thành công của giải đấu ở Nhật gần như là chắc chắn, với điều kiện là thời tiết không làm hỏng ngày hội lớn. Mùa bão ở Nhật lúc này vẫn chưa kết thúc khiến các nhà tổ chức giải không khỏi lo ngại. Ban tổ chức đã dự trù, nếu trận đấu ở vòng bảng phải hoãn vì điều kiện thời tiết, thì sẽ cho tỷ số trận đấu là 0-0 và mỗi đội được 2 điểm. Quy định này có thể ảnh hưởng tới kết quả xếp hạng. Còn với các trận đấu ở vòng loại trực tiếp nếu không diễn ra được thì lùi lại 2 ngày. Hiện tại, không một dấu hiệu thời tiết nào đe dọa các cuộc so tài trên 12 sân vận động trải khắp quần đảo Nhật Bản.

Cúp C1 : Paris khởi đầu như mơ trước Real Madrid

Chuyển qua với môn bóng đá. Trong tuần Cúp C1 - UEFA đã trở lại làm nóng các sân cỏ châu Âu với loạt trận mở màn vòng bảng diễn ra trong hai tối 17 và 18/9.

Ngay loạt trận đầu tiên, đã có bất ngờ lớn ở cuộc đối đầu giữa hai ông lớn đại diện làng bóng Pháp và Tây Ban Nha. Câu lạc bộ Paris Saint-Germain đã khởi đầu hoàn hảo cho giấc mơ châu Âu, bao lâu nay chưa thành, với chiến thắng một trong những đội bóng lớn nhất của làng bóng châu Âu, Real Madrid, bằng tỷ số 3-0, trong điều kiện đội hình vắng bóng bộ ba ngôi sao Mbappé-Cavani-Neymar. Trong khi đó Real Madrid của Zinédine Zidane, đã phải trải qua một cơn ác mộng trên sân Paris.

Trở lại loạt trận ra quân Cúp Champions League với điểm nhấn cuộc đối đầu PSG –Real Madrid, chuyên gia Trần Văn Mui phân tích :

04:43

Chuyên gia Trần Văn Mui - Texas

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.