Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Á vận hội 2018 kết thúc thành công, thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu vàng

Đăng ngày:

Tối ngày 02/09, màn trình diễn hoành tráng đậm nét văn hóa Indonesia trên sân vân động Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta đã khép Đại hội Thể thao châu Á ASIAD 2018. Nước chủ nhà Indonesia đã tổ chức thành công một kỳ đại hội thể thao lớn nhất châu lục. Thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu vàng mặc dù có chút thất vọng ở một số vận động viên mũi nhọn.

Vận động viên nhảy xa Bùi Thu Thảo, huy chương vàng ASIAD 18, ngày 27/08/2018.
Vận động viên nhảy xa Bùi Thu Thảo, huy chương vàng ASIAD 18, ngày 27/08/2018. REUTERS/Darren Whiteside
Quảng cáo

ASIAD 2018 là sự kiện thể thao lớn nhất châu lục chỉ xếp sau Olympic mùa hè về quy mô, với sự tham gia của hơn 10 000 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Indonesia đã bỏ ra số tiền gần 2 tỷ đô la khẩn trương triển khai các công việc tổ chức trong vòng 4 năm, sau khi Việt Nam vào năm 2014 bất ngờ rút lui đăng cai do không bảo đảm kinh phí. Có thể nói đến lúc này, nước chủ nhà đã thành công mỹ mãn về mọi mặt, từ tổ chức một kỳ ASIAD an toàn, trôi chảy cho đến thành tích thể thao khá ấn tượng.

Sau hai tuần tranh tài sôi nổi và gay cấn ở ASIAD, đoàn thể thao Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu châu lục, thu được tổng số 289 bộ huy chương trong đó có 132 vàng, 92 bạc và 65 đồng. Đứng thứ nhì là đoàn Nhật Bản giành được 204 huy chương trong đó có 74 vàng. Tiếp theo đó là các vận động viên Hàn Quốc giành được 177 huy chương với 49 vàng.

Indonesia, nước chủ nhà đã có bước đột phá, từ thứ hạng 17 ở kỳ ASIAD 2014 lên thứ 4. Trên sân nhà lần này, các vận động viên Indonesia giành được 31 huy chương vàng. Tất nhiên quá nửa số huy chương vàng của Indonesia có được là nhờ đưa vào Đại hội một số môn thi đấu truyền thống, thế mạnh của họ, đặc biệt là môn võ Pencak Silat.

Đến với Á vận hội Jakarta kỳ này, thể thao Việt Nam cử một đoàn vận động viên đông đảo nhất từ trước tới nay, 352 vận động viên (177 nữ, 175 nam), đồng thời đặt trọng tâm vào nhóm các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic như điền kinh, bắn súng, thể dục, bơi lội, cử tạ, đấu kiếm, xe đạp, bắn cung... và đề ra chỉ tiêu 3 huy chương vàng.

Mặc dù hầu hết các vận động viên mũi nhọn không thi đấu thành công, nhưng cuối cùng đoàn Việt Nam đã vượt chỉ tiêu, giành được 4 huy chương vàng (1 ở môn đua thuyền Rowing, đồng đội nữ, 1 Điền kinh và 2 ở môn Pencak Silat) và 16 huy chương bạc, 18 huy chương đồng. Với thành tích này thể thao Việt nam đã cải thiện được thứ hạng từ vị trí 21 ở kỳ trước lên thứ 17 ở ASIAD 18. Đây là một bước tiến bộ, nhưng ở sân chơi châu lục này, thể thao Việt Nam vẫn còn xếp sau khá xa so với các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan (xếp thứ 12 với 11 vàng, 16 bạc và 46 đồng).

Dẫu sao, ASIAD 2018 cũng được ghi nhận như là sự khởi đầu nhiều hứa hẹn cho các môn thể thao trong hệ thống thi đấu

02:11

Chuyên gia Trần Văn Mui

Olympic đang được Việt Nam đặt vào trọng điểm. Chuyên gia thể thao Trần Văn Mui nhận định về thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Á vận hội Jakarta 2018 :

Điền kinh đột phát lịch sử

Đóng góp không nhỏ vào việc cải thiện thứ hạng ở đấu trường châu lục của thể thao Việt Nam phải nói tới môn điền kinh, môn thi đấu chủ chốt của hệ thống thể thao Olympic thế giới. Sau thành công vang dội vươn lên dẫn đầu ở SEA Games 2017 tại Malaysia, điền kinh đã có được tấm huy chương vàng đầu tiên ở sân chơi châu lục. Cộng thêm với 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, điền kinh Việt Nam còn vươn lên hạng 8 ở ASIAD 2018, sánh ngang hàng với Hàn Quốc.

Đây có thể coi là bước đột phá của điền kinh nói riêng cũng như của thể thao Việt Nam nói chung ở sân chơi châu lục, tạo đà cho bước phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn Điền Kinh của Tổng cục Thể dục

03:07

Ô. Dương Đức Thủy

Thể thao Việt Nam vừa từ Indonesia trở về, đã đánh gia những tiến bộ của điền kinh Việt Nam một cách khá khiêm nhường :

Tuyển bóng đá nam Olympic được đón như những người hùng

Trong khi những vận động viên đoạt những tấm huy chương quý giá, góp phần cải thiện vị thế của Việt Nam trên bản đồ thể thao châu lục lặng lẽ về nước thì đội tuyển bóng đá Olympic, tuy không có được thành tích huy chương, nhưng vẫn được người hâm mộ đón chào cuồng nhiệt như những người anh hùng. Hàng nghìn người đổ ra đường ăn mừng từng trận thắng của đội tuyển trẻ trong suốt hai tuần qua. Hàng chục nghìn cổ động viên, quan chức thể thao, bộ trưởng ra tận sân bay đón đoàn cầu thủ trở về với vòi rồng phun nước chào đón, thảm đỏ trải từ chân cầu thang máy bay vào đến tận nhà ga.

Với thành tích vào tới bán kết của giải đấu, truyền thông, người hâm mộ bóng đá Việt tung hô tuyển Olympic Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử lần đầu có mặt trong tốp 4 đội bóng mạnh nhất châu lục. Mọi người quên hẳn là cũng ở Á vận hội Jakarta 1962, đội tuyển bóng đá của miền Nam Việt Nam đã đoạt thành tích tương tự.

Chuyên gia Trần Văn Mui lý giải về cơn sốt với đội tuyển bóng đá Olympic nam:

02:28

Ô. Trần Văn Mui

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.