Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Olympic Rio 2016 trở lại với bê bối tham nhũng quy mô quốc tế

Đăng ngày:

Ít ngày trước phiên họp toàn thể của Ủy Ban Olympic Quốc tế tại Lima, Peru (13/09) để chính thức trao quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè 2024 cho Paris, một vụ bê bối tham nhũng lớn gây rúng động làng thể thao thế giới. Hôm thứ Ba trong tuần (05/09), cảnh sát Brazil đã mở điều tra  liên quan nghi vấn mua phiếu trong cấp lãnh đạo CIO trong việc trao quyền tổ chức Thế vận hội Olympic 2016 cho thành phố Rio de Janeiro

Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil, Carlos Arthur Nuzman ( thứ 2 từ trái qua) được đưa đến thẩm vấn tại sở Cảnh Sát Liên Bang tại Rio de Janeiro, ngày 05/09/2017.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil, Carlos Arthur Nuzman ( thứ 2 từ trái qua) được đưa đến thẩm vấn tại sở Cảnh Sát Liên Bang tại Rio de Janeiro, ngày 05/09/2017. REUTERS/Ricardo Moraes
Quảng cáo

Các nhà điều tra đã tiến hành một loạt vụ khám xét đối với các quan chức cao cấp của Ủy ban Olympic Brazil. Cảnh sát cho biết cuộc điều tra nhắm vào « một mạng lưới tham nhũng quốc tế » trong đó có các thành viên của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) và của CIO, đã can dự vào nghi án « mua phiếu bình chọn thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè 2016 ».

Trong số các đối tượng hàng đầu của nghi án, nổi lên là ông Carlos Nuzman, chủ tịch Ủy Ban Olympic Brazil, nguyên chủ tịch Ủy ban xin đăng cai Olympic 2016 của Rio. Căn nhà sang trọng của ông tại Rio de Janeiro đã bị khám xét từng sáng sớm hôm thứ Ba 05/09.

 Thông tín viên François Cardona tại Brazil tóm lược sự việc:

Ngay từ 6 giờ sáng, cảnh sát liên bang đã tới khám nhà riêng của chủ tịch Ủy Ban tổ chức Thế vận hội Rio 2016. Căn hộ của ông chủ tịch Carlos Nuzman nằm trong khu phố sang trọng bên bờ biển.

Cảnh sát liên bang nghi ngờ ông định chạy trốn khỏi Brazil trong khi ông đang là tâm điểm của một mạng lưới tham nhũng giúp cho Brazil dành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic vào năm ngoái tại Rio de Janeiro.

 Cảnh sát khẳng định đã có các bằng chứng cho thấy qua trung gian, một trong số người tham gia bỏ phiếu có thể đã bị mua với giá 2 triệu đô la. Đó có thể là chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Quốc tế Lamine Diack, vào thời điểm đó ông này là thành viên của Ủy Ban Olympic Quốc Tế.

Số tiền này có thể đã được rót từ một doanh nhân Brazil. Cựu trợ lý của ông này cũng đã bị bắt. Đó là một người rất thân cận với Sergio Cabral, cựu thống đốc bang Rio, đã bị kết án 14 năm tù vì dính vào vụ bê bối tham nhũng nổi tiếng ở tập đoàn Pétrobras.

Những nghi ngờ về việc trao quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè cho Rio chỉ là màn mới nhất trong vụ tham nhũng chằng chịt đang làm rúng động Brazil từ 3 năm nay, trong đó hàng tỷ đô la đã bị biển thủ.

Vụ khám xét này có thể sẽ là điểm khởi đầu cho một chiến dịch điều tra lớn nhất trong làng thể thao thế giới.

Ngược lại thời gian, ngày 2/10/2009, tại Conpenhaguen Đan Mạch. Thành phố Rio được các thành viên của Ủy Ban Olympic Quốc Tế long trọng trao quyền tổ chức Thế vận hội mùa hè lần thứ 31 trong kỷ nguyên của phong trào Olympic hiện đại, trước nỗi thất vọng của 3 đối thủ chạy đua Tokyo, Madrid và Chicago.

Trong hội trường công bố kết quả bầu chọn, tổng thống Brazil Lula, Vua bóng đá Pélé và các thành viên đoàn Brazil đã không cầm được nước mắt vì vui mừng. Ở trong nước, người dân Brazil lên cơn sốt cuồng nhiệt đón tin vui đất nước họ được đón ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh chỉ 2 năm sau Cúp thế giới 2014.  Chủ tịch CIO lúc bấy giờ, ông Jacques Rogge ca ngợi việc bầu chọn cho Rio  tức là phong trào Olympic đã « tới một lục địa chưa được khám phá », theo ông đó cũng chính là  « giá trị gia tăng » cho phiếu bầu nghiêng về Rio. Nhưng 8 năm sau, khi Rio 2016 đã đi qua, các nhà điều tra có thể sẽ tìm ra một "giá trị gia tăng" khác của Rio được tính bằng tiền.

Tất cả bắt đầu từ các cuộc điều tra của bộ phận công tố về tài chính Pháp. Tháng 8/2015, Cơ Quan Chống Doping Thế giới (AMA) gửi đến cơ quan độc lập của tư pháp Pháp một bức thư trong đó tố cáo nhiều tham nhũng tại Liên Đoàn Điền Kinh Quốc Tế ( IAAF).

Trước các nghi vấn, cơ quan công tố Pháp đã quyết định mở rộng các cuộc tra ra bên ngoài nước Pháp, tới nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới. Dần dần các nhà điều tra đã phát hiện ra những nghi vấn về một mạng lưới tham nhũng rộng khắp xung quanh nhân vật tâm điểm Papa Massata Diack, một cố vấn về tiếp thị của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế và là con của Lamine Diack, nguyên chủ tịch IAAF.

Từ 2016, nhiều tờ báo của Anh và Pháp  đã liên tục tung ra những phát giác  Papa Massata Diack là trung gian mua phiếu để Rio được trao quyền đăng cai Olympic 2016. Đặc biệt   Ông này đã bị loại khỏi các chức vụ quan trọng của Liên đoàn điền kinh Quốc tế cũng như CIO.  Tiếp tục các cuộc điều tra, các nhà điều tra của Pháp và Brazil đã lần tới Carlos Nuzman, chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Rio 2013 là mắt xích chính của đường dây mua phiếu.

Đến ngày 5/9 vừa qua, các nhà điều tra quyết định hành động. Cảnh sát còn có trong tay các bằng chứng Nuzman, khi còn là chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil bỏ phiếu cho Sotchi đăng cai Thế vận hội mùa đông 2014 để đổi lại được cấp hộ chiếu Nga. Chiến dịch điều tra đã huy động 70 cảnh sát  Brazil, phối hợp với các đồng nghiệp Pháp và Mỹ đã tiến hành các vụ khám xét 11 nơi khác nhau.

Nhìn lại việc tổ chức thế vận hội Rio đã thất bại bởi có vô số các bê bối tham nhũng ở cấp Nhà nước trong các công trình xây dựng chuẩn bị cho sự kiện. Nay vụ việc đã mở rộng ra quy mô quốc tế chắc chắn sẽ tổ hại đến hình ảnh của CIO.

Vòng loại Cúp bóng đá Thế giới 2018: FIFA quyết định đá lại trận Nam Phi -Sénégal

Trong tuần , các sân cỏ khắp thế giới nhộn nhịp với các trận quyết đấu tranh vé đi dự Cúp bóng đá thế giới tại Nga 2018. Cùng lúc đó, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA)  đầu tuần này đã có một quyết định bất ngờ : Cho chơi lại trận Nam Phi – Senegal đã diễn ra từ tháng 11 năm ngoái. Lý do vì sai lầm của trọng tài cho Nam Phi được hưởng quả phạt đền giúp đội tuyển Bafana-Bafana thắng 2-1. Một quyết định đã gây nhiều tranh cãi trong làng bóng châu Phi.

Thông tín viên Noé Hochet-Bodin từ Johannesbourg ghi nhận :

Liên đoàn Bóng đá Nam Phi (SAFA)không chấp nhận bị liên lụy bởi quyết định sai lầm của trọng tài Ghana. Qua lời chủ tịch Danny Jordaan, SAFA phản đối quyết định của FIFA cho chơi lại trận đấu. Theo ông, trọng tài mắc sai lầm ở mỗi trận đấu là bình thường đâu cần phải bàn đến chuyện cho chơi lại trận đấu.

Theo FIFA, cả Liên đoàn Bóng đá Nam Phi cũng như Liên đoàn Bóng đá Sénégal đều không bị nghi ngờ gì. Nhưng luật sư của SAFA đang muốn biết lý do vì sao khiến định chế quản lý bóng đá thế giới lại tin là trọng tài có thể bị thao túng, để đưa ra quyết định họ có phản đối hay không quyết định của FIFA.

Trên thực tế, chơi lại trận đấu thì không có lợi gì cho Bafana – Bafana. Như vậy họ có thể giữ lại được 3 điểm của chiến thắng duy nhất của họ đến lúc này ở bảng D. Bởi đội tuyển Nam Phi đã ở bên bờ vực bị loại. Huấn luyện viên của đội Stuart Baxter cũng đang trong tầm ngắm bị sa thải sau 2 thất bại trước đội Cap-Vert trong tuần này và đang bị xếp cuối bảng.

Quyết định cho chơi lại trận đấu không hẳn là chưa từng có tiền lệ. Trong vòng loại cho Cúp Thế giới 2006, trọng tài bắt trận Ouzbekistan gặp Bahrein cũng đã phạm sai lầm rõ rệt khi thổi quả phạt đền cho đội Ouzbekistan. FIFA sau đó quyết định đó  là « sai lầm kỹ thuật » và đã cho chơi lại trận đấu.

Trong trường hợp trận Nam Phi – Sénégal thì có khác. Điều mà tất cả mọi người đều nhận thấy đó là trọng tài Joseph Lamptey thổi quả phạt đền cho đội Nam Phi trong khi bóng chạm đùi  hậu vệ Sénégal chứ không hề chạm tay. Vì thế mà người ta gọi đó là quả phạt tưởng tượng.

Đó là sai sót đánh giá của trọng tài ? Không, còn tệ hơn thế, theo FIFA thì trọng tài người Ghana là thủ phạm của một vụ thao túng tỷ số trận đấu. Liên đoàn Bóng đá Thế giới nói có chứng cứ ông trọng tài này cố ý làm sai lệch tỷ số.  Nhưng ông làm như vậy để có lợi cho ai và dưới sức ép của ai ? FIFA không cho rằng đó la Nam Phi.

Định chế quản lý bóng đá thế giới sẽ phải cho biết cụ thể ông trọng tài Joseph Lamptey phạm sai lầm là vì sao mặc dù ông đã bị Tòa án Thể thao tuyên phạt cấm hành nghề vĩnh viễn ? Nếu không đưa ra được ác chi tiết cụ thể, sẽ trở thành tiền lệ tranh chấp. Cứ mỗi khi nghi ngờ trọng tài sai sót là đội bóng bị thua thiệt sẽ đòi chơi lại trận đấu.

Trong khi chờ đợi, Sénégal đã bị thua một trận hồi tháng 11 năm ngoái, nay có thể thấy được cơ hội gỡ gạc để may ra có được cơ hội tranh vé vớt.  Trong khi đó đội Nam Phi dù đang đứng cuối bảng, họ cũng không muốn mất trận thắng duy nhất 2-1 trước Sénégal để làm lại.

Châu Á: Những giấc mơ lớn sớm tan vỡ

Đến với sân cỏ châu Á. Tại đây những giấc mơ lớn đã tan vỡ sớm sau vòng đấu hôm 5/9 vừa qua. Hai quốc gia có tham vọng bóng đá lớn nhất châu Á  Qatar và Trung Quốc  một lần nữa sẽ không được góp mặt trong ngày hội bóng đá thế giới tại Nga 2018. Họ đã phải nhường chỗ cho những quốc gia có truyền thống và thực lực hơn nhiều.

Đó là Iran, đội tuyển bóng đá tây Á này đã bỏ khá xa các đối thủ và đã giành chiếc vé đi dự vòng chung kết Cúp thế giới từ cách đây 3 tháng. Tiếp đó là Hàn Quốc mặc dù hoà với Ouzbekistan 0-0 vẫn dành tấm vé thứ 2 của châu Á, đây cũng là lần thứ 10 đội tuyển Hàn Quốc có mặt ở ngày hội bóng đá thế giới, một kỷ lục của châu lục.

Các « chiến binh Taeguk », như tên gọi của đội tuyển quốc gia, từ năm 1986 đã không bỏ lỡ một kỳ World cup nào, thậm chí khi giải đấu tổ chức trên sân nhà năm 2002, họ đã đã đi được đến tận trận bán kết.

Nhưng trong bảng đấu này của châu Á, ấn tượng nhất có lẽ là đội bóng Syria. Các cầu thủ đến từ lò lửa chiến tranh, đã chơi một thứ bóng đá thể hiện sức sống mạnh liệt của một đất nước bị tàn phá tan hoang từ hơn 6 năm qua bởi nội chiến và khủng bố. 

Sau khi thắng Qatar 2-1,  hoà đội hàng đầu châu Á Iran 2-2, Syria được quyền tranh chiếc vé vớt. Đội tuyển Syria vẫn có quyền mơ ước cho dù chặng đường tới Nga còn dài. Để chạm đích, các cầu thủ Syria sẽ còn phải loại hai đối thủ. Trước mắt là đội tuyển Úc vào đầu tháng 10 tới. Đương kim vô địch châu Á 2015, tuyển Úc buộc phải qua cửa tranh vé vớt chỉ vì thua Ả Rập Xê-út ở hiệu số bàng thắng.  Đại diện bóng đá đá vùng Vịnh này hôm thứ Năm vừa qua đã giành chiếc vé đi Nga sau chiến thắng 1-0 trước đội Nhật Bản. Đây cũng là Cúp thế giới thứ 5 mà Ả Rập Xê-út được tham dự.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.