Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Trung Quốc : Chính trị, tiền bạc và tự hào dân tộc

Đăng ngày:

Trung Quốc giờ được gọi là miền đất hứa của bóng đá. Ở đó sự cuồng nhiệt với trái bóng tròn không chỉ tìm thấy ở các cổ động viên mà cả các nhà đầu tư. Một cuộc cách mạng bóng đá đang diễn ra ở đất nước hơn một tỷ người được huy động mọi phương tiện chính trị, tiền bạc và tự hào dân tộc để một ngày nào đó trở thành cường quốc túc cầu thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Đức Angela Merkel trước trận giao hữu giữa hai đội bóng U12 của hai nước tại Berlin, ngày 5/7/2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Đức Angela Merkel trước trận giao hữu giữa hai đội bóng U12 của hai nước tại Berlin, ngày 5/7/2017. REUTERS/Michael Sohn
Quảng cáo

Chương trình thể thao ngày 30/07/2017 xin giới thiệu bài phóng sự của Antoine Vedeilhé, thông tín viên của đài truyền hình France 24 tại Trung Quốc về công trường bóng đá sôi động ở Trung Quốc :

Ngày khai mạc giải vô địch quốc gia bóng đá Trung Quốc tại Thượng Hải quả thực là một ngày hội thực sự. Hàng chục nghìn cổ động viên đổ về sân động như những cơn sóng triều xanh để cổ vũ cho đội bóng của họ : Thượng Hải Thân Hoa. Đó là một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, đặc biệt là từ khi các ngôi sao quốc tế đến ký hợp đồng với câu lạc bộ, đội bóng của thành phố càng trở nên nổi tiếng.

Trong số đó nổi đình đám nhất là tiền đạo ngôi sao Achentina Carlos Tevez. Để lôi kéo danh thủ này rời bỏ giải Ngoại hạng Anh, Thượng Hải Thân Hoa đã đề nghị với anh mức lương 38 triệu đô la Mỹ một năm và thế là Tevez trở thành cầu thủ có mức lương cao nhất thế giới hiện nay.

Ở Thượng Hải cũng như cách đó hơn một nghìn km, thành phố Thiên Tân, không ít tỷ phú không tiếc tiền đổ vào bóng đá. Mỗi năm lại xuất hiện thêm những câu lạc bộ bóng đá mới, gắn với tên hiệu tập đoàn của các nhà tài phiệt bất động sản hay công nghiệp.

Thiên Tân vừa đón về hai cầu thủ quốc tế, Axel Witsel người Bỉ và Alexandre Pato người Brazil với mức lương của mỗi cầu thủ là 18 và 10 triệu euro một năm.

Người ký ngân phiếu chi trả cho hai cầu thủ này là tỷ phú Thúc Dục Huy, ông chủ của Quyền Kiện (Quanjian), tập đoàn đoàn dược phẩm có tài sản gần một tỷ euro. Ông không bao giờ thiếu tiền đổ cho bóng đá. Ông Thúc Dục Huy thổ lộ :

« Tôi hâm mộ bóng đá từ nhiều năm rồi. Với tư cách là cổ động viên tôi luôn tự hỏi mình có thể làm gì để giúp cho bóng đá Trung Quốc. Trước đây tôi không có điều kiện tài chính, nhưng từ khoảng một chục năm trở lại đây tôi đã có thể làm được. Với tôi không có ngân sách nào hết. Nếu tôi muốn có một cầu thủ nào đấy tôi sẽ bằng mọi giá phải có anh ta ».

Trung Quốc trải thảm đỏ đón các cầu thủ nước ngoài, những người sẵn sàng rời xa đấu trường danh tiếng ở châu Âu bởi sức hấp dẫn khó cưỡng lại được của các khoản đãi ngộ hậu hĩnh. Vì ở đó có không ít các cầu thủ được trả lương cao hơn cả những danh thủ lớn như Messi hay Ronaldo.

Ở Trung Quốc, người ta còn đầu tư vào bóng đá để làm hài lòng cho chủ tịch nước. Ông Tập Cận Bình cũng là một fan lớn của bóng đá. Mỗi khi có điều kiện là ông ta thể hiện tình yêu với bóng đá, lúc thì sút bóng, khi thì chụp hình với các ngôi sao bóng đá quốc tế hàng đầu thế giới.

Phát biểu trước một hội nghị quốc tế, có lần ông Tập Cận Bình đã nói : « Tôi là một người hâm mộ bóng đá. Từ lâu nay, bóng đá Trung Quốc đã có nhiều cố gắng, nhưng cho đến giờ chúng tôi mới chỉ tham dự có một dần duy nhất Cúp bóng đá thế giới ».

Với ông Tập Cận Bình thì đó là điều hổ thẹn đối với một cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 2 thế giới. Bởi thế mà ông Tập đã đặt phát triển bóng đá như là một ưu tiên của quốc gia với một kế hoạch trong 10 năm. Đúng là chỉ có Trung Quốc mới làm như vậy.

Nhà lãnh đạo đầy quyền lực Trung Quốc còn đặt ra mục tiêu : Trung Quốc được tổ chức Cúp bóng đá thế giới vào năm 2030 và giành chức vô địch thế giới khi có thể.

Bóng đá : « Giấc mơ Trung Hoa » hay dân tộc chủ nghĩa

Tại trường Đại học thể thao Thượng Hải, giáo sư Lưu Đông Phong (Liu Dongfeng) là người theo dõi rất kỹ hiện tượng chính quyền mê bóng đá gần đây đang nổi lên. Ông thấy rõ ràng bóng đá được người lãnh đạo nhìn nhận như là công cụ của quyền lực mềm Trung Hoa.

Ông Lưu Đông Phong : « Bóng đá ở Trung Quốc liên quan rộng rãi đến chính trị. Nó liên quan chặt chẽ đến khía cạnh tự hào dân tộc. Đó cũng là cách mà Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện giấc mơ Trung Hoa. Trở thành một siêu cường bóng đá cũng là một giấc mơ. Nói cách khác điều này sẽ giúp cho Trung Quốc một lần nữa trở thành một quốc gia vĩ đại ».

Chưa có gì để nói nhiều với nền bóng đá hiện tại, nhưng người Trung Quốc ngược dòng lịch sử để tìm thấy niềm tự hào rằng họ đã chơi bóng đá từ cách đây hơn 2000 năm tại Lâm Tri, một thành phố nhỏ, tỉnh Sơn Đông.

Để chứng minh điều này, năm ngoái chính quyền đã khánh thành ở đây một viện bảo tàng lịch sử bóng đá hoành tráng với hàng nghìn hiện vật khảo cổ cho thấy bóng đá đã phát tích từ đó với cái tên sơ khai là Thúc Cúc (Cuju hay Tsu Chu).

Thúc Cúc xuất hiện khoảng 400 năm trước Công nguyên, có thể là tổ tiên của môn bóng đá ngày nay. Cựu chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA, Sepp Blatter năm 2006 đã thừa nhận bóng đá có nguồn gốc sơ khai từ Trung Quốc.

Tự hào Lâm Tri là nơi phát tích của bóng đá, thế nhưng ở nơi đây tới giờ vẫn không có bóng dáng một sân vận động nào. Những thay đổi sẽ diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn tới đây.

Một sân vận động đang được xây dựng và thành phố sẽ có một học viện bóng đá có thể đón nhận 600 học viên mỗi năm với đầy đủ trang thiết bị như ký túc xá, phòng tập, phòng học. Cơ sở này là một trong số 20 nghìn trường đào tạo bóng đá sẽ phải ra đời ở Trung Quốc trong vòng 3 năm tới, theo mệnh lệnh của chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Một cuộc « Đại nhảy vọt trong bóng đá » ?

Tại Lâm Tri hay Thượng Hải cũng như ở khắp đất nước, những mảnh sân chơi màu xanh hình chữ nhật đang đua nhau mọc lên. Trung Quốc đặt mục tiêu cứ 10 nghìn dân sẽ phải có một sân bóng. Quả thật đó sẽ là một con số chóng mặt với một đất nước có hơn 1,2 tỷ người.

Nhưng thủ phủ của bóng đá Trung Quốc là Quảng Châu, nằm ở phía nam đất nước. Đô thị lớn thứ 3 Trung Quốc này có một cơ sở độc nhất vô nhị. Trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, một công trình kiến trúc đồ sộ trên diện tích khổng lồ rộng 65 hecta với hơn 20000 m2 các công trình hạ tầng.

Đó chính là trường đào tạo bóng đá lớn nhất thế giới. Học viện mở cửa cách đây 5 năm, đón nhận 2600 học viên có độ tuổi từ 7 đến 17 tuổi. Đây thực sự là một nhà máy sản xuất ra tài năng bóng đá cho đất nước, những nhà vô địch trong tương lai.

Trước khi đến với sân tập bóng, các học viên phải qua các lớp học văn hóa, trong đó không thể thiếu các giờ học tiếng Anh. Đó là môn học thiết yếu đối với những học viên đang nuôi hy vọng có một sự nghiệp cầu thủ quốc tế và hầu hết các học viên "nhí" của học viện đều ý thức được điều đó.

Chi phí đào tạo cho mỗi em nhỏ là 8000 euro/ năm, một tài sản không nhỏ với người dân Trung Quốc. Nhưng đổi lại, các em được đào tạo trong những điều kiện tốt nhất. 24 huấn luyện viên đến từ các câu lạc bộ hàng đầu thế giới như Real Madrid để rèn rũa các em trở thành những ngôi sao bóng tròn trong tương lai.

Jose Artieda chuyên gia đến từ Real Madrid được học viện tuyển dụng cách đây 3 năm. Ông hiểu được nhiệm vụ của mình vô cùng lớn, đó là cho ra lò những cầu thủ có khả năng giành Cúp thế giới. Ông Artieda nhận xét :

« Kế hoạch của liên đoàn bóng đá và chủ tịch Trung Quốc là kế hoạch dài hạn. Điều quan trọng cần phải hiểu là phát triển bóng đá cần phải có thời gian. Hiện tại khó có thể tưởng tượng một đất nước không có truyền thống bóng đá như Trung Quốc lại có thể giành được Cúp thế giới. Nhưng rồi ta sẽ thấy, con tàu đã khởi hành ».

Để đi được tới đích nhanh nhất, con tàu bóng đá Trung Quốc được đẩy bằng mọi phương tiện nguồn lực gần như không giới hạn. 160 triệu euro là cái giá để dựng lên "lò ấp" các ngôi sao bóng đá Trung Quốc ở Quảng Châu.

Lãnh đạo lò đào tạo bóng đá này thấm nhuần khẩu hiệu mệnh lệnh của chủ tịch Tập Cận Bình : « Nếu một dân tộc mạnh về thể thao, dân tộc đó mạnh ở khắp nơi ».

Người Trung Quốc nhận thức được trình độ bóng đá hiện tại của đất nước không tương xứng với vị thế cường quốc thể thao cũng như kinh tế của Trung Quốc. Họ muốn bóng đá phải phát triển xứng tầm với sự vĩ đại của đất nước. Mục tiêu chỉ đạo đến từng câu lạc bộ là làm sao đến năm 2020 các đội bóng ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc phải có 100% quân số cầu thủ trong nước.

Bóng đá Trung Quốc mới chỉ khởi sự một cuộc cách mạng cho một giấc mơ siêu cường trong môn bóng tròn với tất cả tham vọng chính trị, kinh tế và niềm tự hào dân tộc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.