Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Tour de France 2017 : Các tay đua Pháp giành chiến thắng thứ 2

Đăng ngày:

Đoàn đua Tour de France bước vào chặng thứ 8, trên cao nguyên Jura, đông bắc nước Pháp, có chiều dài 187,5 km. Ở chặng đua đầy gian nan này, tay đua người Pháp Lilian Calmejane của đội đua Direct Energie đã giành chiến thắng đầu tiên và cũng là chiến thắng thức hai của các tay đua Pháp ở Tour de France 2017.

Chặng thứ tám dài 187,5 km từ Dole đến Rousses, Pháp, ngày 08/07/2017 với chiến thắng của tay đua người Pháp Lilian Calmejane.
Chặng thứ tám dài 187,5 km từ Dole đến Rousses, Pháp, ngày 08/07/2017 với chiến thắng của tay đua người Pháp Lilian Calmejane. REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

Thi đấu dưới trời nắng như thiêu đốt, tay đua Pháp đã cán đích sau một ngày thi đấu đầy khó khăn. Đây là cũng là Tour de France đầu tiên của chàng trai 24 tuổi. Khi xuất phát, tay đua Pháp hơi bị thụt lại phía sau đoàn đua, nhưng anh đã nỗ lực hết ở các đoạn đua dốc để nhanh chóng bứt lên dẫn đầu đoàn đua bỏ xa dần các đối thủ.

Gần về đích, chỉ có duy nhất tay đua người Hà Lan Robert Gesik bám đuổi phía sau với khoảng cách thời gian khoảng gần một phút. Khi còn khoảng 5 km cuối cùng, trong lúc vẫn bị tay đua Hà Lan bám đuổi rất sát, Lilian Calmejane bắt đầu bị chuột rút. Nhưng chỉ sau một thoáng chậm lại, Lilian Calmejane đã vượt qua cơn đau và lấy lại tốc độ bứt phá về đích trước Robert Gensink 37 giây.

Ngoài chiếc áo chấm giành cho người chiến thắng chặng leo núi, Lilian Calmejane còn được nhận giải tinh thần thi đấu.

Sau chặng thi đấu thứ 8, mặc dù không giành chiến thắng nhưng tay đua người Anh của đội Sky, Christopher Froome vẫn giữ Áo Vàng cho thành tích chung tính theo giờ. Christophe Froome, 3 lần chiến thắng Tour de France, vẫn là cái tên có nhiều triển vọng bảo vệ danh hiệu ở giải năm nay.

Chủ Nhật 09/07, các đội bước vào chặng thứ 9, chặng leo núi thực sự và đây cũng là chặng đua khó khăn nhất trong hành trình Tour de France.

Wimbledon : Các tay vợt Pháp rơi rụng dần trước vòng 1/8

Giải Grand Chelem, Wimbledon tại thủ đô Anh Quốc đến hết ngày thứ Bảy, các tay vợt hàng đầu thế giới đã hoàn thành vòng thi đấu thứ 3 để bước vào loạt trận 1/8 khốc liệt hơn. Đến thời điểm này, hầu như chưa có bất ngờ lớn nào xảy ra. Ở sân đấu đơn nam, hầu hết các tên tuổi lớn đều giữ được phong độ thi đấu ổn định. Djokovic, Federer, Nadal hay Murray đều đã vượt qua những chặng đầu tiên. Trong khi đó, các tay vợt hàng đầu của Pháp Tsonga, Monfils đang rơi rụng dần khỏi giải đấu.

Ở sân đấu đơn nam, Roger Federer có màn tái đấu Mischa Zverev - tay vợt từng ít nhiều gây khó khăn cho anh ở Halle 2017. Zverev vẫn tạo ra nhiều thử thách cho Federer nhưng kết quả cuối cùng vẫn không có gì thay đổi khi phần thắng thuộc về người bản lĩnh hơn. Sau gần 2 giờ đồng hồ thi đấu, « tàu tốc hành » Thụy Sỹ đã giành tấm vé vào vòng 1/8 để gặp Dimitrov.

Cùng bước tiếp vào vòng 4 với Federer còn có Novak Djokovic. Mặc dù nhập cuộc khá chậm khi sớm để mất break vào tay Ernest Gulbis - tay vợt từng bất ngờ hạ gục Juan Martin Del Potro ở vòng đấu trước, nhưng Djokovic đã nhanh chóng lấy lại nhịp thi đấu để rồi băng băng về đích bằng chiến thắng sau 3 set thuyết phục với các tỷ số 6-4, 6-1 và 7-6.

Các hạt giống khác cũng giành quyền đi tiếp là Milos Raonic sau chiến thắng trước Albert Ramos Vinolas với tỷ số 7-6, 6-4, 7-5. Dominic Thiem tiếp tục khẳng định sức mạnh sau khi vượt qua Jared Donalson sau 3 set với tỷ số 7-5, 6-4 và 6-2.

Ở nội dung đơn nữ, Angelique Kerber ngược dòng thành công trước tay vợt không được xếp hạt giống Shelby Rogers sau 3 set với tỷ số 4-6, 7-6, 6-4. Trong khi đó, tay vợt Tây Ban Nha Gabine Muguruza, cựu vô địch Roland Garros, cũng đã vượt qua vòng 3 không mấy khó khăn. Vẫn ở sân đấu đơn nữ, những tay vợt khác như Caroline Wozniacki (Đan Mạch), Svetlana Kuznetsova (Nga), Agnieszka Radwanska (Ba Lan) cũng giành quyền đi tiếp vào vòng 4.

Chủ Nhật, Wimbledon sẽ có một ngày nghỉ cho tất cả các tay vợt và các trận đấu sẽ trở lại vào ngày thứ Hai 10/07.

Bóng đá : Chợ chuyển nhượng cầu thủ châu Âu sôi động và « điên rồ »

Làng bóng đá châu Âu đang ở giữa mùa chuyển nhượng hè rất sôi động, nơi các câu lạc bộ giàu có hàng đầu thế giới đang vung tiền mua sắm quân số chuẩn bị cho mùa bóng mới với những tham vọng mới. Một lần nữa, làng bóng Anh với Premier League lại dẫn đầu bảng xếp hạng mua sắm cầu thủ. Không khí mua bán hứa hẹn sẽ những kỷ lục bị phá khi mùa mercato hè khép lại vào ngày 31/08 tới.

Chương trình thể thao sẽ lướt qua một vòng quanh khu chợ chuyển nhượng châu Âu, nơi tập trung tinh hoa đỉnh cao của làng bóng tròn thế giới.

Giờ đây bóng đá là lĩnh vực tiêu biểu cho quá trình toàn cầu hoá, bóng đá cũng trở thành một ngành kinh tế sinh lời nhanh và nhiều nhất thế giới với tâm điểm là 5 làng bóng lớn : Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Ngày càng có nhiều ông chủ tỷ phú đến từ Nga, Trung Đông hay Mỹ không ngần ngại tung tiền tấn để mua về các ngôi sao lớn cho đội bóng họ đầu tư.

Bởi thế, núi tiền đổ vào thị trường mua bán cầu thủ cứ tăng lên hàng năm qua những con số chóng mặt. Nhìn lại năm 2014, thị trường chuyển nhượng châu Âu đạt doanh số 2,15 tỷ euro, năm 2015 lên 3,09 tỷ , qua năm 2016 lên 3,285 tỷ. Cũng cần phải biết là tổng số tiền luân chuyển qua thị trường chuyển nhượng cầu thủ trong mùa vừa qua của cả thế giới là 4,2 tỷ euro.

Mùa bóng vừa qua là một mùa bóng thành công của các câu lạc bộ bóng đá châu Âu xét về mặt doanh thu với nguồn thu thu từ bản quyền truyền hình khắp nơi ở châu Âu vẫn tăng đều đặn hàng năm. Bên cạnh đó là doanh thu từ tiếp thị hình ảnh, bán sản phẩm ăn theo ngày càng phát đạt. Những thương vụ mua sắm cầu thủ tới đây chắc chắn sẽ lại có những bản hợp đồng với con số gây sốc mạnh, phá kỷ lục của thương vụ Manchester United bỏ 110 triệu euro để có cầu thủ Paul Pogba hồi tháng 8 năm 2016.

Dư luận bóng đá gần đây đang nói nhiều về trường hợp của tài năng trẻ của bóng đá Pháp tiền đạo Kylian Mbappé, mới nổi lên trong mùa bóng năm qua. Tiền đạo trẻ đang chơi AS Monaco trong giải vô địch quốc gia Pháp Ligue 1 chưa đầy 20 tuổi này đang rơi vào tầm ngắm của nhiều ông chủ giàu có trong làng bóng Anh và Tây Ban Nha, có thể sẽ trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử với giá chuyển nhượng đang được đồn đoán khoảng 130 triệu euro hoặc hơn nữa, nếu anh anh rời câu lạc bộ vào mùa hè này.

Trước đây phải mất 8 năm, từ 2001 đến 2009, thì người ta mới được chứng kiến Cristiano Ronaldo (90 triệu euro về Real Madrid) phá được kỷ lục giá trị của danh thủ Zinedine Zidane. Phải mất 4 năm, từ 2009 đến 2013, để danh thủ Gareth Bale vượt giá trị của Ronaldo, người đồng đội tại Real Madrid. Trường hợp của Pogba cũng phải ba năm sau mới phá được kỷ lục của Gareth Bale. Còn nếu Mbappé ra đi khỏi Monaco, tức là cầu thủ quốc tế này chỉ mất có một năm để phá kỷ lục của người đồng đội Pogba trong đội tuyển quốc gia Pháp.

Nhiều tờ báo bóng đá ở Tây Ban Nha gần đây cũng rộ lên tin có thể Cristiano Ronaldo sẽ rời Real Madrid, dù chưa biết về đâu nhưng cái giá chào mời đã được đồn đoán lên tới 180 triệu euro. Cho dù không mấy ai tin CR7 sẽ rời Real, nơi mà anh đã giành được 3 Cúp C1 trong 5 mùa bóng, nhưng tin đồn như vậy khẳng xu hướng tăng phi mã không giới hạn của thị trường chuyển nhượng.

Một câu hỏi được giới quan sát thể thao luôn đặt ra là : Ai đã khiến thị trường chuyển nhượng cầu thủ trở nên điên rồ ? Câu trả lời có thể tìm thấy tại các sân cỏ bóng đá của nước Anh. Giải ngoại hạng Anh Premier League là nơi sài tiên kinh khủng nhất trong làng bóng châu Âu từ khoảng chục năm trở lại đây. Ở nước Anh, bóng đá là cỗ máy kiếm tiền và tiêu tiền khổng lồ. Hầu hết các bản hợp đồng mua bán nổi đình nổi đám nhất đều thực hiện từ Premier League.

Năm 2015, các ông chủ câu lạc bộ bóng đá Anh đã ném vào thị trường chuyển nhượng 1,17 tỷ euro, năm 2016 là 1,38 tỷ. Các câu lạc bộ Anh vẫn sẽ còn tiêu nhiều hơn nữa trong năm 2017 vì vào lúc này, chiến dịch mua sắm cầu thủ mới chỉ bắt đầu nhưng các ông chủ bóng đá Anh đã chi ngót nghét vài trăm triệu euro. Nhiều hợp đồng ngoại cỡ vẫn đang trong quá trình mặc cả, để trèo kéo những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời bóng đá thế giới về chơi ở xứ sở sương mù này.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường mua bán cầu thủ trở nên điên rồ là các phi vụ chuyển nhượng diễn ra rất mờ ám. Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA , vào năm 2016 đã phải mở điều tra về vụ chuyển nhượng danh thủ Paul Pogba tới Manchester United. Theo phát hiện của báo chí Pháp, trong vụ chuyển nhượng lịch sử này, tay môi giới Mino Raiola có thể đã kiếm được 49 triệu euro.

Hệ thống quy định không đủ để kiểm soát thị trường

Những đồng tiền đi vòng vèo, những quỹ đầu cơ và các nhân viên môi giới nhiều thủ đoạn mánh khóe…, những mối ngờ vực vẫn luôn phủ bóng lên các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ. Nhưng để tìm ra được những vụ chuyển nhượng gian lận rất khó khăn bởi núi tiền đó thường có nguồn gốc rất phức tạp. Tiền đổ vào bóng đá, chủ yếu qua các quỹ đầu tư, còn bị nghi ngờ là tiền rửa cho các phi vụ buôn lậu vũ khí ở Trung Đông.

Đó cũng là một lý do để cần phải thắt chặt quản lý các vụ chuyển nhượng. Các biện pháp được gọi là Fair-play về tài chính, tức quy định cân bằng chi tiêu cho các câu lạc bộ mà UEFA đã triển khai áp dựng từ năm 2011 vẫn tỏ ra không đủ. Trên quy mô toàn cầu, FIFA cũng đã thiết lập hẳn một hệ thống tin học quản lý các chuyển nhượng cầu thủ gọi tắt là TMS (Transfer Matching System), nhằm quản lý điều chỉnh các vụ chuyển nhượng cầu thủ sao cho minh bạch. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống này đến nay vẫn hạn chế, không thể kiểm soát nổi việc đẩy giá trị cầu thủ lên một cách phi lý như hiện nay, cũng như không quản lý được dòng tiền khổng lồ đó đổ vào những chiếc túi nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.