Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Nga vỡ mộng cường quốc điền kinh thế giới

Đăng ngày:

Hai tuần trước ngày khai mạc Thế vận hội mùa hè Rio 2016, ở Brazil, các vận động viên điền kinh Nga chính thức bị cấm thi đấu, toàn bộ đoàn thể thao Nga rơi vào tầm ngắm kỷ luật tập thể của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế. Vừa nổi lên như là một cường quốc điền kinh thế giới, giờ thể thao Nga bị mang tiếng "siêu cường doping".

Điền kinh Nga bị cấm dự Olympic Rio 2016, Brazil, nỗi thất vọng lớn cho các vận động viên Nga. Ảnh: Vận động viên nhảy cao Nga Maria Kuchina tại một giải điền kinh quốc tế tại Matxcơva ngày 21/07/2016.
Điền kinh Nga bị cấm dự Olympic Rio 2016, Brazil, nỗi thất vọng lớn cho các vận động viên Nga. Ảnh: Vận động viên nhảy cao Nga Maria Kuchina tại một giải điền kinh quốc tế tại Matxcơva ngày 21/07/2016. REUTERS/Tatyana Makeyeva
Quảng cáo

Hôm thứ Hai (18/07) tuần này, báo cáo điều tra MacLaren, theo yêu cầu của Cơ quan chống Doping Thế giới (AMA) công bố kết luận thể thao Nga từ năm 2011 đến 2015 đã tổ chức cho vận động viên sử dụng doping trên quy mô lớn có sự chỉ đạo của chính phủ.

Theo bản báo cáo, hệ thống dùng doping trong thể thao Nga đã giấu và đánh tráo hơn 600 mẫu thử dương tính của vận động viên Nga, trong đó có nhiều trường hợp ở Thế Vận Hội mùa đông Sotchi 2014, việc làm này có sự hỗ trợ của cơ quan an ninh Nga FSB.

Thứ Năm, đến lượt Tòa Án Trọng Tài Thể Thao ra phán quyết bác đơn khiếu nại của 67 vận động viên điền kinh Nga đồng thời khẳng định Liên Đoàn Điền Kinh Quốc Tế có quyền cấm Nga tham gia các cuộc thi đấu điền kinh tại Thế Vận Hội mùa hè 2016. Ngày thứ Sáu, AMA tiếp tục nhấn thêm bước nữa kêu gọi Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) loại toàn bộ thể thao Nga ra khỏi sân chơi Olympic Rio 2016.

Ông Chủ tịch Cơ quan Chống Doping Thế Giới AMA Craig Reedie cho biết quan điểm:

AMA ủng hộ Liên Đoàn Điền Kinh Thế Giới đã quyết định thay đổi quy định, khẳng định treo thi đấu các vận động viên điền kinh Nga. Chúng tôi cũng hài lòng về việc Tòa Trọng Tài Thể Thao (TAS) ủng hộ án phạt này.

Lý do của quyết định phạt này là cơ quan chống doping của Nga đã không hoạt động đúng như chức phận phải có. Những tin tức gần đây nhất cho thấy cơ quan này vẫn không hành động gì. Tôi nghĩ TAS đã có quyết định đúng và phần hệ quả của quyết định giờ nằm trong tay Ủy ban Olympic Quốc tế (CIO).

Thế vận hội Olympic đã từng có trường hợp có nước tẩy chay không tham dự, nhưng tôi nghĩ Thế Vận Hội Rio 2016 sẽ diễn ra tốt đẹp. Những vấn đề như vậy cần phải được giải quyết. Điều này có nghĩa là phải có sự thay đổi thực sự trong cách hành xử. Sự thay đổi phải từ trên xuống.

Nga không phải là quốc gia duy nhất dính vào doping. Nhưng đến giờ tôi chưa thấy một nước nào khác có một hệ thống sử dụng doping ở tầm Nhà nước như vậy.

Điền kinh: Mỏ vàng và niềm tự hào của thể thao Nga

Trong suốt cả tuần này, thể thao Nga trong cơn sốc của vụ bê bối doping « cấp Nhà nước », còn riêng ngành điền kinh, niềm tự hào của thể thao Nga, thì chắc chắn tan vỡ giấc mơ trở thành người khổng lồ của thế giới.

Thừa hưởng phần lớn gia tài của nền thể thao Liên Xô cũ, từ năm 1996 Nga mới bắt đầu xuất hiện tại đấu trường Olympic với tư cách quốc gia độc lập. Ngay lập tức điền kinh Nga đã trở thành cường quốc thế giới với mục tiêu là bám đuổi và vượt Mỹ.

Ở Olympic Atlanta 1996, các vận động viên điền kinh Nga giành 10 huy chương (3 vàng, 6 bạc và 1 đồng), xếp thứ 2 sau đoàn Mỹ. Thế vận hội Sydney 2000, điền kinh Nga tụt xuống thứ 4 với 13 huy chương (3 vàng, 4 bạc, 6 đồng). Liên tiếp các kỳ Olympic sau đó từ Athens 2004, Bắc Kinh 2008 và Luân Đôn 2012, điền kinh Nga trụ vững ở vị trí thứ 2 thế giới với số lượng huy chương giành được ngày càng nhiều.

Đáng chú ý là ở kỳ Olympic Luân Đôn 2012, điền kinh Nga suýt nữa giành 8 huy chương vàng thay vì 6 chiếc, nếu như hai vận động viên Sergey Kirdyapkin ở môn đi bộ 50 km và vận động viên Yuliya Zaripova ở môn chạy vượt rào 3000 m không bị tước huy chương vì doping. Mặc dù vậy, tại Luân Đôn, điền kinh vẫn là mỏ vàng của đoàn thể thao Nga với 14 huy chương trong đó có 6 vàng.

Nếu ở đấu trường Olympic, điền kinh là môn thi đấu số 1 thì với nước Nga điền kinh cũng là con át chủ bài đem lại thành công và niềm tự hào dân tộc. Bên cạnh đó trong các cuộc thi đấu tầm châu lục hay thế giới điền kinh Nga đã vươn lên ngôi vị hàng đầu thế giới, thậm chí đã hai lần ở các đại hội điền kinh thế giới 2001 tại Edmonton (Canada) hay 2013 trên sân nhà Matxcơva, Nga đã truất ngôi bá chủ của Mỹ trong làng điền kinh thế giới.

Nhưng cũng từ khi các vận động viên Nga bị rơi vào tầm ngắm của cơ quan chống doping và nhất là khi vụ bê bối lớn manh nha bị bung ra thì người ta cũng bắt đầu thấy thành tích của điền kinh Nga có vấn đề. Bằng chứng là ở giải vô địch thế giới năm 2015 tại Bắc Kinh, điền kinh Nga thất bại thê thảm, chỉ giành được 4 huy chương, trong đó có 2 vàng.

Từ khi ra khỏi Liên Bang Xô Viết, trong vòng 2 thập kỷ, các vận động viên điền kinh Nga đã ghi dấu với bảng thành tích rất ấn tượng 24 huy chương vàng Olympic, 51 chức vô địch thế giới. Không những thế điền kinh Nga còn sản sinh ra những ngôi sao lớn thế giới. Đó là nữ hoàng môn nhảy sào Yelena Isinbayeva, người đang giữ kỷ lục thế giới từ năm 2009 với mức xà 5,06 m, hai lần vô địch Olympic ( 2004,2008) và huy chương đồng 2012. Thế hệ trẻ thì phải kể tới Serguei Shubenkov, nhà vô địch thế giới môn chạy 110 m vượt rào, đang vươn lên ở tầm những tên tuổi lớn.

Rất tiếc những vận động viên này cùng với không ít những tên tuổi đang lên khác sẽ vắng mặt tại Rio 2016, dù chưa bao giờ họ bị kiểm tra dương tính. Họ là những nạn nhân của lối tư duy chạy đua thành tích bằng mọi giá và muốn lấy thể thao làm thước đo tầm vóc chính trị của quốc gia.

Nhân vụ bê bối doping của thể thao Nga, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn Điền kinh của Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam: 

04:14

Ô. Dương Đức Thủy - Hà Nội

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.