Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Thể thao Nga dùng doping có tổ chức, di sản thời Liên Xô ?

Đăng ngày:

Hôm 13/11/2015, Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) đã ra quyết định treo thi đấu tạm thời điền kinh Nga vì những cáo buộc sử dụng doping « có tổ chức ». Quyết định được đưa ra khi mà Thế vận hội mùa hè Rio 2016 chỉ còn 9 tháng nữa khai mạc và các vận động viên điền kinh Nga có nguy cơ bị loại khỏi ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.

Cơ quan chống doping thế giới (Wada) - REUTERS /Christinne Muschi
Cơ quan chống doping thế giới (Wada) - REUTERS /Christinne Muschi
Quảng cáo

Quyết định của Liên đoàn điền kinh quốc tế thông qua trong cuộc họp bất thường hôm 13/11 tại Monaco là kết cục hợp lý sau gần một tuần bung ra bê bối làm chao đảo cả làng điền kinh thế giới. Tất cả bắt đầu từ việc công bố bản báo cáo của một ủy ban điều tra thuộc Cơ quan chống doping thế giới (AMA) hôm thứ Hai đầu tuần này tại Genève.

Với 22 phiếu ủng hộ, một phiếu chống, án phạt đã được thông qua, mặc dù trước cuộc họp tại Monaco một ngày, Liên đoàn điền Kinh Nga cũng như chính phủ Nga mà đích thân Tổng thống Putin đã lên tiếng để cứu vãn tình hình :

« Về những sự kiện liên quan đến Liên đoàn điền kinh của chúng ta, tôi yêu cầu bộ trưởng Thể thao vào các đồng nghiệp liên quan của ông phải chú trọng đặc biệt đến chuyện này.

Đó là điều đầu tiên. Thứ hai là tôi yêu cầu chúng ta phải tiến hành cuộc điều tra nội bộ của mình, tôi nhấn mạnh cuộc điều tra phải cởi mở với các cấp cơ quan quốc tế về chống doping. Tại Nga, chúng ta phải làm tất cả trong quyền hạn của mình để quét bỏ vấn đề như thế này.

Đúng là đây không phải là vấn đề chỉ riêng của nước Nga, nhưng nếu các đối tác của chúng ta đặt câu hỏi thì cần phải trả lời họ, tôi nhắc lại là trả lời một cách cởi mở, một các chuyên nghiệp và một cách trung thực nhất ». 

Bản báo cáo của AMA đã khuyến cáo rất cụ thể : điền kinh Nga phải bị cấm mọi cuộc thi đấu, kể cả Thế vận hội Olympic 2016 Rio de Janeiro, chừng nào Nga chưa cho thấy có đủ khả năng đấu tranh một cách có hiệu quả chống nạn sử dụng doping.

Án phạt có hiệu lực ngay lập tức. Trước đây cũng đã có một số trường hợp các nước phải nhận án treo giò như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên định chế quốc tế về điền kinh, môn thể thao số 1 của Olympic, ra án kỷ luật toàn bộ một liên đoàn thành viên lớn như nước Nga.

Tuy nhiên IAAF không vội vàng đưa ra phán quyết cấm các vận động viên điền kinh Nga tham gia Thế vận hội Olympic. Án kỷ luật này chỉ là tạm thời nhưng cũng không có thới hạn cuối cùng. Vấn đề này sẽ được hội đồng của Liên đoàn điền kinh quốc tế đưa ra tại phiên họp vào tháng 3 tới đây ở Cardiff, Anh Quốc.

Những cáo buộc và khuyến cáo nặng nề nhằm vào Nga

Tất cả bắt đầu từ hôm thứ Hai ngày 09/11/2015, AMA họp báo tại Thụy Sĩ công bố báo cáo, trong đó khẳng định với lời lẽ nặng nề rằng, trong làng thể thao Nga từ lâu nay vẫn tồn tại « một hình thức văn hóa gian lận đã ăn sâu bám rễ ». Cuộc điều tra cũng chỉ cho thấy việc gian lận diễn ra ở mọi cấp độ rộng rãi từ vận động viên, huấn luyện viên, cơ quan quản lý cho đến các phòng thí nghiệm xét nghiệm ....và thực tế này đã diễn ra từ lâu nay.

Báo cáo của ủy ban độc lập của AMA chỉ là chi tiết hóa các cáo giác của báo chí từ hồi tháng 8 năm nay. Khi đó một số truyền thông Đức và Anh đã tung ra nhiều phóng sự điều tra trong đó khẳng định Nga và một số nước khác đã tổ chức cho các vận động viên điền kinh sử dụng doping một cách ồ ạt ở các kỷ thi đấu quốc tế trong đó đặc biệt là tại Thế vận hội Luân Đôn 2012.

Tất nhiên, Nga đã nhiều lần lên tiếng phản bác các cáo buộc là « không có cơ sở ». Nhưng lần này là kết luận điều tra của AMA, cơ quan đầy đủ thẩm quyền và độc lập nhất trong lĩnh vực chống doping của thế giới.

Giới chuyên môn thể thao đều đón nhận thông tin về vụ bê bối doping này với sự phẫn nộ đặc biệt, tuy vậy nhiều người không tỏ ra ngạc nhiên khi Nga rơi vào tâm điểm của vụ việc.

Trả lời phỏng vấn RFI, Ông Bernard Amsalem, Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Pháp cho biết :

Sự việc vượt quá mức tưởng tượng của tôi. Tôi cảm thấy phẫn nộ về những gì đang xảy ra qua báo cáo liên quan đến hệ thống của Nga mà trong đó tất cả đều dính líu, Liên đoàn, phòng thí nghiệm rồi cơ quan kiểm soát ..... Nó là tôi nhớ lại thời kỳ của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, khi mà chính trị dùng thể thao làm công cụ qua việc sử dụng doping. Như thế là người ta đã đi lùi trở lại 25, 30 năm về trước. Tôi cảm thấy rất phẫn nộ.

Chúng tôi cũng đã có một vài thông tin từ cách một, hai năm và dự cảm thấy điều gì đó. Nhưng quả thực là nội dung của báo cáo đã cho tôi thấy nhiều điều hơn mình vẫn nghĩ. Trước đây vẫn có những nghi ngờ cá nhân này hay nước này nước kia khi nhìn vào thành tích bất thường của họ, nhưng ở đây là cả một hệ thống sử dụng doping có tổ chức, hơn nữa lại có cả sự mặc cả bắt ép các vận động viên, gian trá tài chính nữa. Đây là điều chưa từng có trong thể thao đến lúc này.

Nhiều khi chúng tôi nghĩ vậy thì tiếp tục đấu tranh chông doping để là gì. Đồng thời, vụ này buộc chúng ta phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống. Một lần nữa nó cho chúng ta một bài học. Liên đoàn điền kinh quốc tế vừa mới bầu lại cách đây không lâu với vị Chủ tịch mới và trong chương trình hành động của ông cũng ghi rõ những giá trị về liêm khiết trong sạch v.v ... 

Còn ông Damien Ressiot, Giám đốc bộ phận kiểm tra của Cơ quan phòng chống doping Pháp (AFLD), khẳng định việc sử dụng doing trong làng thể thao Nga không phải là điều gì mới : 

Trong thế giới thể thao hiện nay tất cả đều có chung một cảm giác đó là kinh ngạc về những gì đang diễn ra tại Nga. Người ta vẫn tin chắc là trong bộ phận chống doping từ thời chiến tranh lạnh vẫn tiếp tục cách làm như cũ, không có gì thay đổi.

Vụ việc này làm tôi nhớ lại hội nghị thế giới về chống doping tại Johannesburg năm 2013, phòng thí nghiệm của Nga đã bị cơ quan chống doping thế giới cảnh cáo dọa truất quyền được làm xét nghiệm cho AMA. Vì thế giờ đây không có gì ngạc nhiên việc Nga vẫn từng làm, tức là sản xuất ra các nhà vô địch một cách thực dụng nhất bằng cách đào tạo ra những huấn luyện viên, thực ra cũng là những nhà chuyên môn về doping, tạo điều kiện sử dụng các sản phẩm doping.

Người ta hối lộ những người lấy mẫu từ nước ngoài, người ta sử dụng các phòng thí nghiệm không phải là để phát hiện mà biến nó thành những phòng thí nghiệm để luồn lách các kiểm tra thực hiện ở nước ngoài. Đó là cách làm có thể hiểu như là đóng con dấu vào hộ chiếu cho các vận động viên đi tham gia vác cuộc thi đấu quốc tế. Tất cả những việc làm như vậy không phải là mới ở Nga.  

Việc trừng phạt toàn bộ các vận động viên điền kinh Nga có phải là một biện pháp có phải là cần thiết ? Ông Bernard Amsalem nhận định :

Báo cáo của AMA đề nghị trừng phạt nặng, tôi nghĩ họ có lý. Cần phải đánh dấu đậm vào đầu mọi người vì sự việc đã trở nên không thể chịu được nữa. Tôi nghĩ cần phải cấm suốt đời tất cả các cá nhân làm ô nhiễm thể thao trình độ cao và đình chỉ nước Nga để cho nhớ và cũng là để cáo đối với những nước khắc hay những môn thể thao khác.

Hồi tháng 8 vừa qua, tôi có nói với ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế là CIO phải tích cực hành động hơn trong lĩnh vực này vì nếu không một ngày nào đó hiện tượng này sẽ bôi bẩn phong trào Olympic. Tôi nhận thấy trong cuộc họp mới đây tại New York, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế đã lưu ý AMA không nên để các liên đoàn vừ lo chuyện kiểm soát, vừa lo chuyện kỷ luật.

Cần phải chấm dứt sự lẫn lộn chức năng như vậy. Cần phải có những cơ quan độc lập kiểm soát toàn bộ các môn thể thao theo một cách thống nhất. Hiện nay vẫn có sự khác biệt rất nhiều giữa một số môn thể thao. 

Liệu thể cấm các vận động viên Nga tham dự Thế vận hội Olympic ? 

Damien Ressiot : Quy định thế giới về chống doping có thể trao có CIO và AMA quyền như vậy. Đay là khả năng mà đến giờ chưa hề được dùng đến. Như ta biết thì bộ luật quốc thế là văn kiện đã ghi. Khi có một liên đoàn quốc gia, ở đây là liên đoàn điền kinh Nga, không đáp ứng được những yêu cầu của quy định của thế giới thì liên đoàn có thể bị loại khỏi mọi cuộc thi đấu quốc tế. Thế vận hội là trường hợp đặc biệt, nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh diễn tiến sự việc như hiện nay thì nếu điền kinh Nga tham gia vào Thế vận hội Rio sắp tới thì quả thực là một bế bối.

Sự sỉ nhục đối với cá nhân Tổng thống Putin ?

Ở các cuộc so tài thể thao thế giới, thể thao Nga luôn xếp trong hàng cường Quốc. Với Tổng thống Putin thì sức mạnh thể thao Nga còn là biểu tượng của sức mạnh quốc gia Nga.

Giờ đây bản báo cáo về vụ « doping cấp Nhà nước » của AMA đang phác họa một bức chân dung thể thao Nga, với các vận động viên, huấn luyện viên, các nhà lãnh đạo gian trá, tham nhũng, các phòng thí nghiệm chống doping thì hoạt động dưới sự kiểm soát của các nhân viên mật vụ..

Những cáo giác nghiêm trọng như thế được tung ra đúng vào lúc nước Nga đang phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất từ 25 năm nay trong quan hệ với phương Tây. Nền kinh tế đang điêu đứng vì các lệnh trừng phạt tư phương Tây.

Các chuyên gia phân tíh chính trị tại Matxcova nhìn nhận vụ việc lần này còn là một đòn đau đối với cá nhân Tổng thống Putin. Ông « cảm thấy cực kỳ bị sỉ nhục vì vụ bê bối này », theo như nhận xét của nhà phân tích Igor Bounine, lãnh đạo một cơ quan tư vấn chính trị thân cận với Kremlin.

Bởi vì thể thao là một phần uy tín riêng của cá nhân ông Putin và của quốc gia. Người ta đã thấy đích thân Tổng thống Nga đã rất tích cực can dự, giám sát từ việc giành quyền đến việc chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa đông Sotchi 2014, và sự kiện sắp tới là Cúp bóng đá thế giới 2018.

Vụ bê bối sử dụng doping trong điền kinh Nga hay nhưng tai tiếng xung quanh việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2018 có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh một nước Nga hùng cường. Chắc chắn ông Vladimir Putin không chịu chấp nhận để nước Nga, hay các vận động viên điền kinh Nga bị lỡ kỳ Olympic Rio 2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.