Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

SEA GAMES 28 : bóng đá Việt Nam tạo hy vọng

Đăng ngày:

Thái Lan đòi cải cách Đông Nam Á Vận Hội cho phù hợp với Thế Vận Hội Olympic. Bóng đá Việt Nam tại SEAGAMES 28 khởi sắc tạm thời đứng đầu bảng. Tại Pháp, mặc dù môn sinh Võ Việt khá đông không dưới 20 ngàn, võ sư Phan Toàn Châu được thăng 8 đẳng nhưng võ cổ truyền Việt Nam vẫn chưa có một chổ đứng độc lập.

Đội tuyển Việt Nam gặp lại Thái Lan ở môn bóng đá SEA Games 2015 (DR)
Đội tuyển Việt Nam gặp lại Thái Lan ở môn bóng đá SEA Games 2015 (DR)
Quảng cáo

Đông Nam Thế Vận Hội hay SEAGAMES lần thứ 28 chính thức khai mạc ngày 05.06 và sẽ kết thúc vào ngày 16/06/2015. Tuy nhiên, một số môn đấu thi trước từ gần một tuần nay như bóng đá, bóng bàn, kiếm…

Tính đến ngày khai mạc, Singapore nước chủ nhà dẫn đầu bảng xếp hạng với 18 huy chương đủ loại trong đó có 7 huy chương vàng. Đứng hạng nhì và trên Thái Lan là Việt Nam với 4 huy chương vàng, một huy chương bạc, năm huy chương đồng. Một mình, đội kiếm thủ Việt Nam mang về 4 huy chương vô địch.

Về bóng đá, đội tuyển Việt Nam đặt một chân vào bán kết sau khi thắng ba trận liên tiếp : đè bẹp Brunei 6-0, áp đảo Malaysia 5-1 và hạ Lào 1-0. Ngày 7, Việt Nam gặp Đông Timor và đến ngày 10 đụng với Thái Lan, đối thủ nguy hiểm nhất. Dù kết quả ra sao, và cho dù kết quả khiêm tốn trước đội tuyển Lào gây lo ngại cho một số nhà bình luận , vòng bán kết không thể thiếu Việt Nam.

Bảng thứ hai, nếu Miến Điện có nhiều triển vọng nhất vào bán kết thì chiếc vé thứ hai còn thiếu ứng viên. Cam Bốt tuy đứng hạng nhì sau ba ngày thi đấu nhưng Singapore và Philippines chưa nói tiếng sau cùng.

Vì sao SEAGAMES chưa phải là sân đấu chuẩn bị cho Thế Vận ?

Cũng trong ngày khai mạc hôm nay, một vấn đề đặc thù của SEAGAMES, bị xem là một trong những thủ phạm làm thể thao khu vực yếu kém so với thế giới một lần nữa được nêu lên. Tính đặc thù này là nước chủ nhà có quyền thêm vào chương trình tranh giải những bộ môn thi đấu « sở trường » ít nước thông thạo và nhất là không nằm trong chương trình thế vận.

Trong SEAGAMES có những môn bi sắt, như Kenpo, Thiếu lâm tự quyền pháp, võ Indonesia, Vovinam, bóng chuyền theo thể loại sepaktakraw…

Chủ tịch Tổng cục Thể thao Thái Lan Sakol Wannapong kêu gọi các nước Đông Nam Á hãy nghĩ đến ích lợi xa cho thể thao khu vực tranh hùng với thế giới hơn là chỉ tìm thành tích huy chương bằng những bộ môn « kỳ lạ ».

Theo nhận định nhân vật trách nhiệm thể thao Thái Lan thì ban tổ chức phải làm sao cho vận động viên và giới hâm mộ đều cảm thấy thích thú. Tất cả các môn đấu của SEAGAMES đều phải là các bộ môn của Thế Vận hội. Trong khi đó, Đông Nam Á chỉ đào luyện những nhà vô địch các bộ môn địa phương có khi chỉ là trò chơi giải trí hơn là thể thao.

Chủ tịch Tổng cục Thể thao Thái Lan Sakol Wannapong nhắc lại là không một vận động viên Đông Nam Á nào giành được huy chương vàng trong mùa vô địch Thế Vận 2012 tại Luân Đôn.

Năm nay, Singapore không đưa vào chương trình những môn Thế Vận như cử tạ và bóng đá nữ nhưng lại đưa vào đó môn netball, gần giống như bóng rỗ với 7 cầu thủ.

Hai năm trước, 2013, Đông Nam Á Vận hội lần thứ 55 tại Miến Điện có môn võ Vovinam, đánh cờ và chinlone, chuyền bóng bằng chân, môn thể thao rất thịnh hành của Miến Điện.

Danh thủ vũ cầu (badmington) Thái Lan Charoen Wattanasin, cố vấn của Liên đoàn Đông Nam Á Thế vận cho biết rất khó mà thuyết phục các thành viên thay đổi. Ông đã cố gắng nhiều nhưng nước nào cũng muốn những bộ môn truyền thống được đưa vào chương trình thi đấu bất chấp hậu quả làm thể thao khu vực cầm đèn đỏ. 

Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp : đi trước về sau

Võ sư Phan Toàn Châu, thành viên của Liên đoàn Karaté Không thủ đạo Pháp và các môn võ liên kết vừa được thăng 8 đẳng. Là một trong những người đi đầu trong việc quảng bá võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Pháp từ thập niên 1970, võ sư Phan Toàn Châu là chim đầu đàn của Tây Sơn Võ Đạo, một môn võ xuất phát từ Bình Định. Ông cũng là tác giả nhiều sách võ thuật và chuyện dành cho thiếu nhi (bằng tiếng Pháp).

Nhận dịp ông được thăng đai, tưởng thưởng công lao truyền dạy và quảng bá võ thuật, RFI xin chúc mừng võ sư Phan Toàn Châu và đặt một số câu hỏi về phong trào học võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp. 

Trong thập niên 1980, võ Việt rất thịnh hành tại Pháp nhưng dần dần bị Thái cực đạo Taekwondo của Đại Hàn và võ Tàu đuổi kịp và qua mặt. Nguyên nhân thì chắc chắn có rất nhiều. Võ sư Phan Toàn Châu nhấn mạnh đến hai yếu tố : thiếu nhân sự và chiến lược phát triển.

09:07

Võ sư Phan Toàn Châu 07/06/2015

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.