Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

France Football lật lại hồ sơ đăng cai Cúp bóng đá thế giới của Qatar

Đăng ngày:

Tuần báo bóng đá có uy tín hàng đầu của Pháp France Football hôm 29/1 vừa qua đã tung ra một bài điều tra lật lại những ngờ vực trong việc FIFA trao quyền cho Qatar đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2022. Gọi tên vụ việc là « Qatargate » và bằng những lời lẽ khá nặng nề tuần báo Pháp đã đưa ra những cáo giác Fifa tham nhũng và dàn xếp cho tiểu Vương quốc Ả Rập này được tham dự vào sân chơi của các cường quốc bóng đá.

Trang nhất tuần báo France Football ra ngày 29/1/2013.
Trang nhất tuần báo France Football ra ngày 29/1/2013. .francefootball.fr
Quảng cáo

Phủ kín mặt trang nhất của số báo ra hôm 29 tháng Giêng vừa qua của tuần báo France Football là dòng chữ trăng trên nền đen « Cúp thế giới 2022, vụ Qatargate ». Với 16 trang viết, France Football trở lại những dị nghị về việc Qatar được trao quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới vào năm 2022. Tờ báo dùng những từ ngữ khá nặng nề để nhấn mạnh rằng việc trao quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới đã « bốc lên mùi bê bối buộc phải đặt ra một câu hỏi duy nhất : Có nên chăng hủy bỏ kết quả bỏ phiếu ? »

France Football bắt đầu bằng nội dung một thư điện tử trong nội bộ Fifa, trong đó ông Tổng thư ký của Liên đoàn bóng đá thế giới Jerôme Valcke đã thốt lên rằng « Họ đã mua Cúp thế giới 2022 ». Ông Valcke sau đó còn quả quyết rằng giọng điệu của ông trong bức thư này vẫn còn là « nhẹ ». Tuần báo thể thao danh tiếng của Pháp tiếp đó còn trích dẫn ông Guido Tognoni, một cựu giám đốc truyền thông của Fifa đã bị mất chức từ năm 2003, quan chức người Thụy Sĩ này nhận định có nhiều nghi vấn liên quan đến thanh danh của nhiều thành viên của Liên đoàn bóng đá Thế giới từng bỏ phiếu cho Qatar giành quyền đăng cai Cúp thế giới 2022.

Để chứng minh cho các nghi ngờ xung quanh vụ việc này, của tuần báo France Football còn đưa ra nhiều chi tiết cho thấy hồ sơ của Qatar đã nhận được sự hậu thuẫn thông quan nhiều quan chức lãnh đạo các liên đòan của nhiều nước, chủ yếu ở khu vực châu Mỹ La tinh, đổi lại họ nhận được những khoản trợ giúp tài chính hào phóng của tiểu Vương quốc Ả Rập.

France Football còn nhắc tới một « cuộc họp kín » tại phủ tổng thống Pháp, điện Elysée, ngày 23 tháng 11 năm 2010, tức hơn chục ngày trước cuộc bỏ phiếu của Fifa, giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thái tử Qatar Tamin bin Hamad al Thani, Michel Platini, Chủ tịch UEFA và đại diện của câu lạc bộ bóng đá Paris Saint Germain, khi đó đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

Tờ báo viết : « trong cuộc họp này, việc người Qatar mua lại câu lạc bộ của Paris và việc mở một kênh thể thao, cũng của người Qatar, để cạnh tranh với kênh Canal Plus của Pháp đã được đề cập đến ( Sau đó kênh BeIn sport đã ra đời và gần như độc chiếm thị trường truyền hình bóng đá ở Pháp). Tất cả các vấn đề trên được đổi lại bằng hứa hẹn rằng Platini sẽ không bỏ phiếu cho hồ sơ xin đăng cai của Mỹ, như ông dự định, mà là cho Qatar ». Michel Platini sau đó đã phủ nhận thông tin này và khẳng định sự lựa chọn Qatar của ông hoàn toàn độc lập và chỉ đơn giản ông muốn mở ra cơ hội cho những nước chưa hề được tổ chức sự kiện thể thao lớn như Cúp bóng đá thế giới.

Fifa chưa có phản ứng trực tiếp, nhưng ngay sau khi khi bài « Qatargate » được đăng một hôm, Tổng thư ký của Fifa Jerôme Valcke đã tuyên bố tiểu Ban đạo đức của Fifa sẽ nghiên cứu và nếu cần thiết sẽ cho mở điều tra về những thông tin đã được France Football đăng tải, nhưng ông cũng cho biết không phải là người quyết định và sẽ thảo luận với Chủ tịch Sepp Blatter về vụ việc này. Hồ sơ điều tra của France Football đã nhanh chóng trở thành một giọt nước thêm vào cốc nước nghi vấn bê bối tham nhũng của Fifa vốn đã rất đầy.

RFI đã có cuộc phỏng vấn ông Gerard Ejnes Giám đốc ban biên tập France Football. Trước hết ông khẳng định hòan tòan tin cậy vào những thông gây nghi ngờ việc trao quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới cho Qatar :

Gérard Ejnès: Chúng tôi hoàn toàn tin vào những thông tin của mình có được. Tất nhiên, chúng tôi không đưa ra những bằng chứng chính thức về chuyện tham nhũng trong hồ sơ Qatar. Hồ sơ này đã xuất hiện ngay từ khi Quatar được chỉ định đăng cai cuối năm 2010. Mọi người đều cảm thấy khó chịu về chuyện này, ngay cả trong Fifa, cơ quan đă đã quyết định trao quyền đăng cai cũng như các đối thủ cạnh tranh với Qatar. Một bộ phận công chúng vẫn thắc mắc không hiểu có điều gì đằng sau việc chỉ định Quatar.

Bây giờ chúng tôi giải thích phạm vi suy đoán rất rộng, sự việc rất rắc rối, nhưng có chuyện xung đột lợi ích. Về phần tham nhũng thì ông Michael Garcia sẽ chứng minh. Michael Garcia là một « siêu cảnh sát » người Mỹ, cựu Trưởng lý New York, cựu Phó chủ tịch của intelpol khu vực bắc Mỹ, đây không phải là một nhân vật loại thường. Tháng Bảy năm 2012 vừa qua, ông được bổ nhiệm vào chức chủ tịch Ban thẩm tra tư cách đạo đức của Fifa. Chính Fifa của ông chủ tịch Sepp Blatter đã chọn chỉ định ông vào chức vụ này. Ông Blatter đã chỉ định ông Garcia, 5 tháng sau khi cho thành lập Tiểu ban Độc lập Điều hành, một cơ quan có nhiệm vụ liên quan đến các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp trong nội bộ lãnh đạo Fifa.

Chủ tịch của tiểu ban độc lập đầu tiên này của Fifa là một luật sư người Thụy Sĩ, một người nổi tiếng là không thể nào tha hóa, ông Mark Pieth. Ông này đã có nhiều tuyên bố liên quan đến hồ sơ Qatar. Tuy nhiên, những điều tra thực sự của tiểu ban này đã không đủ cặn kẽ trước những viện dẫn khẳng định chuyện tham nhũng, gian lận. Chính vì thế mà vị siêu cảnh sát người Mỹ, Michael Garcia đã được chỉ định. Hiện tại ông ta đang tiến hành một cuộc điều tra ngay trong nội bộ Fifa. Kết quả của các điều tra của ông vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng người ta sẽ được biết, tôi cũng không rõ là bao giờ vì không ấn định thời gian, có thể là trong vài tuần vài tháng….. Có điều chắc chắn, đó là ông cho biết hồ sơ này phức tạp hơn rất nhiều so với gì ông nghĩ. Ông nói cần phải có thời gian và ông sẽ đi cùng sự việc.

Đây là cuộc điều tra theo đề nghị của Fifa, từ Sepp Blatter, chính vì thế mà nó rất phức tạp, rất mâu thuẫn ; Tức là Sepp Platter đang bị vướng vào vụ trao quyền đăng cai cho Qatar, nổi bật nhất là cách làm của việc này như đã được France Football đề cập đến. Cách bầu chọn này đã khiến cho rất nhiều thành viên của Fifa, đặc biệt là trong Ban chấp hành phụ trách việc chỉ định nước đăng cai Cúp bóng đá thế giới, đã bị đình chỉ công việc. Một trong số họ đã bị loại vĩnh viễn ra khỏi các họat động bóng đá.

Đó chính là cựu chủ tịch liên đoàn bóng đá châu Á và cũng là cựu đối thủ của ông Sepp Blatter tranh chức Chủ tịch Fifa hồi năm 2011, ông này là Mohammed Bin Hammam người Qatar. Ông bị tố cáo tham nhũng. Người ta đã biết rõ là ông ta đã trao các phong bì tiền khá lớn mà mỗi phogn bì có tới 40 nghìn đô la cho các đại diện của Liên đoàn bóng đá Caribe hồi tháng 5 năm 2011. Người ta đặt câu hỏi liệu những gì mà ông Bin Hammam làm hồi năm 2011 có chắc ông đã khôgn làm trước đó vào năm 209 hay 2010 khi ông vận động ủng hộ đơn xin ứng cử của Qatar ? Chúng tôi đặt câu hỏi này và có quyền nghi ngờ.

RFI:Những nhân vật nổi tiếng trong làng bóng đá như Pep Guardiola, Zinedin Zidan là những người tham gia vào chiến dịch vận động cho Qatar, liệu giờ đây hình ảnh của họ có bị ảnh hưởng ?

Gérard Ejnès: Việc này hoàn tòan khác, đó là chuyện vận động hành lang. Qatar xin ứng cử tổ chức Cúp bóng đá thế giới, Qatar có những điều kiện tài chính vô hạn nên họ đã rót hàng triệu đô la cho những nhân vật nổi tiếng tiêu biểu nhất trong thế giới bóng để ủng hộ cho đơn xin ứng cử của họ, đó là quyền của họ, không có gì phải tranh cãi ở đây. Hơn nữa những người vận động quảng bá này không được tham gia bỏ phiếu. Vấn đề là như đã diễn ra với ông, Gondona cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Achentina, ông này không hề phủ nhận việc đã nhận 75 triệu đô la từ Qatar để tổ chức lại giải vô địch bóng đá quốc gia đang lâm vào khủng hoảng. Chính tờ Wall Street Journal đã phát giác thông tin này và ông ta không hề có phản bác nào.

Có điều ông Grondona lại là thành viên của Ban chấp hành của Fifa và là người đã bỏ phiếu cho Qatar. Ngoài ra người ta cũng nhận thấy ông Ricardo Texeira, từng là chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil. Ông này đã phải từ chức và từ tháng Ba năm 2012 ông đã phải tỵ nạn ở Florida để né tránh điều tra nhiều vụ cáo giác tham nhũng mà ông có dính líu. Ông này là người cũng đã được Qatar tặng rất nhiều tiền trong khi lại là ủy viên Ban chấp hành của Fifa. Giữa xung đột lợi ích và tham nhũng đâu là ranh giới ? Và quan trọng là viên « siêu cảnh sát » Garcia kia sẽ nhằm vào điểm nào. Đây là điều người ta chưa biết.

RFI: Ông cũng nêu tên Michel Platini, người bỏ phiếu cho Qatar, theo France Football, Michel Platini đã được tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trực iếp nhấn mạnh đề nghị ông bỏ phiếu cho Qatar chư không phải là cho Mỹ như ý định ban đầu của Platini, theo ông thì sự việc này là thế nào ?

Gérard Ejnès: Ở đây là chuyện vận động hành lang cấp nhà nước. Khi một công dân Pháp được Tổng thống gọi tới để trao một nhiệm vụ cho nước Pháp, tất nhiên là ông ta làm nhưng không có chuyện tham nhũng, cũng như xung đột lợi ích ở trong việc này. Đơn giản người ta biết rằng đổi lại lá phiếu của Michel Platini, Nicolas Sarkozy lúc đó đang muốn ủng hộ việc người Qatar mua lại câu lạc bộ Paris Saint Germain đang trên đà phá sản và bên cạnh đó là việc ông muốn xuất hiện ở Pháp kênh truyền hình thể thao BeIn Sport của người Qatar

RFI: Với bài điều tra của France Football, ông đề nghị đưa ra tranh luận nên hay không thu hồi quyền đăng cai Cúp thế giới của Qatar. Cuộc tranh luận liệu có khả thi ?

Gérard Ejnès: Mọi người biết rõ là Cúp bóng đá thế giới 10 năm nữa mới diễn ra. Hiện vẫn chưa có gì được xây dựng ở Qatar cho Cúp thế giới. Điều này hoàn toàn có thể và phụ thuộc hòan tòan vào quyết định của Fifa. Chúng tôi nói trong tuần báo France Football rằng nếu mọi việc đã không tuân theo đúng quy định, và không chỉ có chúng tôi nghĩ như vậy. Đã có những cách làm trái quy định để nhằm vận động phiếu cho Qatar vì thế không có lý do gì mà việc trao quyền này lại không thể bị hủy. Ông Sepp Blatter mặc dù chưa nói rõ ràng có ra ứng cử vào chức chủ tịch Fifa vào năm 2015 hay không nhưng giờ đây ông cũng muốn dọn dẹp lại Fifa. Ông đã cho thành lập các tiểu ban về đạo đức cũng là cố gắng nhằm giải quyết những vấn đề đang làm ô nhiễm nội bộ, khiến cho người ta nghĩ rằng Fifa là một tổ chức hoạt động theo kiểu mafia. Như một cựu quan chức Fifa trong thời gian 13 năm người Thụy Sĩ đã khẳng định với France Football rằng cơ quan này vận hành gần như kiểu mafia, ông Sepp Blatter sẽ phải loại bỏ những thực tế này.

Qatar 2022, nghi vấn có cơ sở?

Ngược lại thời gian. Ngày mùng 2 tháng 12 năm 2012, Fifa đã làm làng bóng đá thế giới sửng sốt với quyết định trao quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới năm 2022 cho Qatar, một đất nước nhỏ bé trong vùng Vịnh Persique. Không chỉ nhỏ bé mà đất nước nằm giữa sa mạc này chưa bao giờ tổ chức một sự kiện tầm cỡ lớn như vậy cũng như họ không có một cơ sở hạ tầng cần thiết dành cho thể thao. Đổi lại, người Qatar có rất nhiều tiền, đủ để đầu tư xây dựng, đủ để tổ chức các cuộc vận động hành lang quy mô rộng khắp.
Sự lựa chọn Qatar gây nhiều nghi vấn là có cơ sở vì nhìn tổng thể trên các mặt dân số, địa lý, kinh tế, môi trường, thể thao và du lịch, Qatar hầu như không đủ điều kiện đáp ứng.

Về mặt địa lý dân cư :Chưa bao giờ Cúp bóng đá Thế giới được tổ chức ở một nước nhỏ có diện tích 11500 km2 với 1 triệu 7 trăm nghìn dân. Ngược lại lịch sử thì mới chỉ có nước nhỏ là Uruguay tổ chức sự kiện này, nhưng khi đó là vào năm 1930, dân số của Uruguay cũng là 3 triệu người. Hơn thế nữa vào thời điểm sơ khởi đó, tính chất cạnh tranh thể thao hay kinh tế hoàn toàn khác so với bây giờ. Gần đây nhất, một nước nhỏ khác tổ được tổ chức sự kiện này cũng là vào năm 1962. Đó là Chilê, đất nước có 16 triệu dân. Còn lại các nước được trao quyền đăng cai tổ chức Cúp bóng đá thế giới đều là những nước lớn, không về mặt đân cư thì cũng phải là về khía cạnh địa lý, tiềm lực kinh tế.

Về truyền thống thể thao : Dù những năm gần đây, Qatar được biết đến là quốc gia đầu tư rất nhiều cho thể thao, nhưng đội tuyển bóng đá quốc gia Qatar vẫn xếp thứ hạng trên 110 và khôgn hề có được một thành tích quốc tế nào, chưa một lần tham dự Cúp thế giới và từ nay đến trước năm 2022 thì cũng chẳng có cơ hội nào. Người ta chỉ biết đến Qatar gần đây như là mỉền đất hứa của các ngôi sao bóng đá giải nghệ. Trong các môn thể thao khác, Qatar chủ yếu tìm kiếm thành tích ở những vận động viên nhập quốc tịch.

Qatar nằm giữa lòng sa mạc, vì thế người Qatar phải xây dựng những sân bóng không ở đâu có. Nhìn qua nhưng mô hình xây dựng bằng hình ảnh tổng hợp từ máy tính thì thấy là một điều kỳ diệu. Mười sân vận động được mọc lên từ lòng đất bằng lắp ghép, các cầu thủ và khán giả được chơi bóng trong không khí điều hòa. Ngân sách không phải là chuyện đáng quan tâm của xứ sở dầu mỏ nhiều tiền này. Nhưng điều này khó có thể làm lên một ngày hội bóng đá thực sự của người hâm mộ trên thế giới. Với du khách đến Qatar thì đại đa số sẽ đều phải đặt câu hỏi về những điều cấm kỵ ở đất nước này như tiêu thụ rượu bia, họat động giải trí và đặc biệt là vấn đề an ninh.

Thái tử Mohammed bin Hamad al-Thani, trưởng ban chỉ đạo đăng cai Cúp thế giới  Qatar-2022 khẳng định, Cúp bóng đá thế giới được tổ chức ở đất nước ông sẽ giúp xóa tan những định kiến về Trung Đông và thế giới Hồi giao nói chung.  Việc lật lại hồ sơ « Qatargate » trước hết liên quan đến định chế cao nhất quản lý bóng đá thế giới và có thể sẽ làm lung lay Fifa. Nhưng nếu vụ bê bối này dẫn đến việc phải xét lại kết qủa bỏ phiếu hôm 2/12/2010, thì cả hệ thống của ôgn Blatter sẽ bị sụp đổ, đây là viễn ảnh mà nhiều thành viên của Fifa phải lo ngại và họ sẽ tìm mọi các để ngăn chặn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.