Vào nội dung chính
KHÔNG QUÂN - LỊCH SỬ

Thế kỷ XX: Một thời tung hoành của các « sát thủ » trời xanh

Thế kỷ XX mang đậm dấu ấn với hai cuộc đại thế chiến. Nhưng trong lịch sử ngành không quân, thế kỷ XX còn là một giai đoạn huy hoàng cho các phi công « thiện xạ ».

Francesco Baracca, một phi công thiện chiến nhất của Ý trong Đệ Nhất Thế Chiến, bị chết trận lúc 30 tuổi.
Francesco Baracca, một phi công thiện chiến nhất của Ý trong Đệ Nhất Thế Chiến, bị chết trận lúc 30 tuổi. Wikimedia Common.
Quảng cáo

« As aériens », « Flying Aces » … là những thuật ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh để gọi những « kỵ sĩ trời xanh » trong những cuộc chiến lớn thế kỷ XX. Theo các nghiên cứu lịch sử không quân đương đại, Đệ Nhất Thế Nhất có 1.500 phi công thiện xạ. Con số này tăng lên gấp 4 lần trong cuộc đại thế chiến thứ hai, tức là 6.000 người. Nếu tính gộp tất cả các cuộc xung đột, ở mọi thời điểm, từ cuộc chiến Israel - Ả Rập Xê Út, chiến tranh Iran – Irak, chiến tranh châu Á giữa Nhật Bản và Nga, rồi Nhật Bản và Trung Quốc, hay chiến tranh Việt Nam, con số phi công Ách lên đến 8.000 người.

Cuộc chiến Triều Tiên gần như là cột mốc đánh dấu chấm dứt một thời ngang dọc các kỵ sĩ trên không. Lần cuối cùng thế giới được nghe nói đến một phi công Ách là vào năm 1988, trong chiến tranh Iran - Irak. Mỉa mai thay phi công điều khiển chiếc Tomcat, Top Gun F-14 của Mỹ là một người Iran.

Giờ đây, cuộc điện địa chính trị đã có những thay đổi sâu sắc. Hình bóng của những « kỵ mã trời xanh » không còn nữa. Trong chương trình Địa Chính Trị của RFI Tiếng Pháp, ông Pierre Razoux, giáo sư hướng dẫn Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự trở lại thời kỳ oai hùng này của ngành không quân. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

*****

RFI : Vì sao gọi là phi công « Ách » ?

Pierre Razoux : Một phi công Ách, chính là một phi công chiến đấu ghi được 5 chiến thắng trên không được công nhận. Những thành tích này phải được các cơ quan chính thức của nước có liên quan thừa nhận là có thật. Một chiến thắng trên không tức là phải bắn hạ hay phá hủy được một chiến đấu cơ của đối thủ bằng cách nào đó giống như những gì chúng ta được thấy trong phim ảnh.

Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 , số phi công Ách không còn nữa. Vậy trong chiến tranh Việt Nam, có còn phi công Ách nào hay không?

Nhìn việc Không Quân Mỹ huy động ồ ạt các phương tiện hàng không, công luận phương Tây nghĩ là Mỹ sẽ có nhiều phi công thiện chiến. Nhưng thực tế lại là không, có thể nói thật sự chỉ có 5 phi công Ách mà thôi, trong khi phía Bắc Việt Nam có đến 16 người, đều được công nhận kể cả trong các công trình nghiên cứu lịch sử nghiêm túc nhất sau chiến tranh. Có nhiều ý kiến cho rằng, trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên, phi công thiện xạ của Liên Xô cộng sản nhiều hơn là phi công Ách của Mỹ.

Trong Đệ Nhất Thế Chiến, Pháp và Đức có hệ thống công nhận chiến công của phi công rất khắt khe so với của Anh. Thế nhưng, đến Chiến tranh Thế giới lần 2, xu hướng này lại bị đảo chiều. Pháp và Đức nới lỏng các tiêu chí để có thể thổi phòng các chiến công, trong khi Anh lại siết chặt?

Bởi vì, cách lập luận đã khác đi. Việc thống kê các chiến thắng trên không đâu chỉ để làm thỏa lòng phi công hay công luận nữa. Mà còn được sử dụng cho việc giảng dậy quân sự và Anh Quốc là quốc gia duy nhất trong suốt một thời gian dài trong Đệ Nhị Thế Chiến có khả năng đánh giá được cách thức tổ chức trận đánh của đối thủ. Chính vì điều này, cần phải có một cách tính các chiến công hiệu quả và chính xác.

Ông có cho rằng, trong số 8.000 phi công thiện xạ, khoảng 30% là người Đức. Vì sao ?

Những nước có nhiều phi công thiện chiến nhất đều là các nước công nghiệp, cùng lúc có khả năng tuyển dụng tối đa phi công. Trong chiến tranh, người ta ước tính 2-3% phi công chiến đấu trở thành phi công Ách, nghĩa là có những phẩm chất cho phép họ bắn hạ ít nhất 5 chiến đấu cơ trên không.

Để có thể đạt được con số này, cần phải có khả năng tuyển dụng và huấn luyện cho một số lượng phi công thiện chiến như thế cũng như là có đủ khả năng sản xuất ra đủ chiến đấu cơ để cung cấp cho phi công.

Đó cũng là những gì Pháp và Đức đã làm trong Đệ Nhất Thế Chiến. Nước Anh, tuy tham gia cuộc đua chậm trễ hơn một chút, nhưng đã dồn lực lao vào và công nghiệp hóa toàn bộ quy trình, để đuổi kịp Đức. Dĩ nhiên là sau đó đến lượt Mỹ, rồi Liên Xô.

Chính những quốc gia công nghiệp lớn mới có khả năng làm trỗi dậy một lớp phi công thiện xạ, những cường quốc không quân, bởi vì họ hiểu rất rõ đây không phải là một vật dụng mới lạ, mà là một công cụ để làm chủ không gian và đơn giản là một công cụ để khẳng định sức mạnh không quân và địa chính trị nói chung.

Trưng bày chiến công các phi công Ách còn là cách để các nước phô trương sức mạnh không quân?

Đó còn là một công cụ tuyên truyền cho tất cả các nước kể các nền dân chủ cũng như là cả những nước chuyên chế độc tài cộng sản. Trong suốt thế kỷ XX này, biểu tượng huyền thoại về phi công Ách đã được sử dụng và thao túng rộng rãi.

Ở đây có một điều nghịch lý rất lớn. Tại những nước dân chủ, người ta cần đến hình tượng này một cách thường trực để nâng cao giá trị, gợi nhắc tính thiết yếu của việc dồn sức và tiền của cũng như là sự hy sinh của người dân.

Ngược lại, các chế độ toàn trị hay cộng sản có xu hướng làm lu mờ đi. Tuy không phủ nhận các chiến công của các phi công nhưng ít ra là không nhấn mạnh đến các chiến tích đó. Bởi vì tại những nước mà tất cả mọi người buộc phải bình đẳng đương nhiên việc đề cao những cá nhân trước một số người kém hơn một chút là điều khó chấp nhận !

Trong tập sách « Thế kỷ của những phi công Ách. Một câu chuyện khác của Không Quân », ông có cho rằng giờ không còn phi công Ách nữa. Vì sao ?

Có nhiều lý do. Máy bay chiến đấu giờ trở nên đắt đến mức ngày càng ít đi kể cả ở những lực lượng không quân được trang bị tốt nhất tại những nước dành nhiều ngân sách cho quốc phòng. Để minh họa, hiện tại nước Pháp có khoảng 250 chiến đấu cơ, so với châu Âu như vậy là còn khá. Cách nay 30 hay 40 năm, chúng ta có đến gấp ba con số này.

Tương tự cho Mỹ và Nga, chỉ có Trung Quốc là đang cố gắng gia tăng số thiết bị. Do chiến đấu cơ ngày càng đắt, người ta càng có ít, bởi vì chúng ngày càng tinh vi hơn nên cũng trở nên đắt đỏ hơn. Ví dụ một máy bay chiến đấu hiện nay đắt gấp 5 lần so với cách nay 30 năm và gấp 20 lần cách nay 50 năm.

Ngoài ra còn có một hiện tượng, âu cũng là chuyện thông thường trong quân sự, đó là sự tương quan lực lượng giữa các nước lá chắn. Ngày nay ưu thế thuộc về tên lửa, nhất là các loại tên lửa địa – không, rất hoàn thiện chẳng hạn như loại tên lửa S-400 nổi tiếng của Nga hay hệ thống THAAD của Mỹ mà người ta đang nói đến nhiều. Những hệ thống tên lửa mà các cường quốc này đang ra sức rao bán.

Cuối cùng là còn có chiến thuật không gian đương đại nữa. Từ 30 năm nay, người ta làm mọi cách để hủy diệt hay ngăn chặn không quân nước khác ngay từ đầu cuộc xung đột.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.