Vào nội dung chính
HOA KỲ - THỔ NHĨ KỲ

NATO, Syria, thánh chiến : Trọng tâm chuyến đi Mỹ của TT Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/11/2019 tại Nhà Trắng sau nhiều tuần căng thẳng, đặc biệt với việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Hai nguyên thủ sẽ đề cập đến Syria, tù nhân thánh chiến và Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh chụp ngày 7/11/2019.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh chụp ngày 7/11/2019. ©REUTERS/Bernadett Szabo
Quảng cáo

Về Syria, phát biểu tại Ankara ngày 12/11 trước khi lên đường đến Washington, tổng thống Erdogan khẳng định Hoa Kỳ chưa hoàn toàn tuân thủ cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ về việc rút lực lượng Kurdistan khỏi « vùng an toàn » ở bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông sẽ yêu cầu Washington phải làm nhiều hơn để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được hai bên thống nhất hôm 17/10.

Ngoài ra, chính quyền Ankara thông báo sẽ trao trả một tù binh thánh chiến người Mỹ, hiện bị giữ tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp vì theo ông Erdogan, « đây không phải là vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ ». Danh tính của tù nhân này không được tiết lộ, cũng như việc nhân vật này được trả về nơi nào.

Theo AFP, điểm bất đồng thứ ba là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump, phát biểu trên đài CBS hôm 10/11 : « Chúng tôi rất phẫn nộ. Không có chuyện, giữa khối NATO, lại đi nhập khẩu vũ khí của Nga ».

Hoa Kỳ : Mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ

Dù hai nước đang trải qua giai đoạn sóng gió, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng sẽ « tìm được thỏa thuận với ông Trump để cải thiện mối quan hệ » song phương. Tuy nhiên, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ lại tỏ ra ngờ vực đối với Washington, theo phóng sự của thông tín viên RFI Anne Andlauer :

« Trong ba năm gần đây, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng rắn giọng nhắm vào phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ. Động cơ của nỗi oán giận này có rất nhiều, bắt đầu từ việc Mỹ ủng hộ lực lượng Kurdistan tại Syria.

Tuy nhiên, nếu như ông Erdogan tự cho phép mình hàng tuần chỉ trích Washington, đó là vì ông biết rằng những lời lẽ đó giúp ông chiến thắng về mặt chính trị. Ngay cả những người đối lập với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận thấy điều đó, như ông Oktay, bán hàng xén ở Istanbul :

« Ngay khi xảy ra một thảm kịch trên thế giới, chị có thể chắc chắn rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau, với sự hỗ trợ của lực lượng tại chỗ. Tôi không ủng hộ chính phủ đang cầm quyền ở nước tôi, nhưng nếu như có một điểm mà tôi luôn ủng hộ, thì đó là phải cứng rắn chống lại Hoa Kỳ ».

Theo kết quả thăm dò hàng năm của trường đại học Kadir Has, 20% người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quan hệ với Washington là yếu tố gây ra vấn đề chính trong chính sách đối ngoại của nước họ. Kết quả này tăng gấp đôi so với năm 2018. Hơn 80% người được thăm dò thậm còn cho rằng Mỹ là mối đe dọa hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây cũng là nhận định của ông Ercan, một người bán xe hơi : « Hoa Kỳ ủng hộ tất cả những kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ như những kẻ làm đảo chính năm 2016, hiện vẫn được tự do đi lại ở Mỹ, hoặc như lực lượng Kurdistan ở Syria đã nhận được nhiều tấn vũ khí từ Mỹ. Ông Erdogan có vẻ có quan hệ tốt với ông Trump. Vấn đề ở chỗ bầu không khí chống Thổ Nhĩ Kỳ ngự trị ở Washington, đặc biệt là ở Nghị Viện Mỹ ».

Tâm lý chống Mỹ này có nguy cơ gia tăng thêm nếu như các thượng nghị sĩ Mỹ, theo bước các dân biểu ở Hạ Viện, bỏ phiếu trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã tấn công vào Syria ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.